Joshua Kimmich và định nghĩa về bản thân: Không chơi quá thấp, chấp nhận mạo hiểm và thích phòng ngự một-một

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Ba 14/02/2023 16:59(GMT+7)

Zalo

Trước thềm cuộc đấu được mong chờ giữa PSG và Bayern Munich ở vòng 16 đội Champions League, phóng viên Thymote Pinon của tạp chí France Football đã đến Đức và thực hiện một cuộc phỏng vấn với tiền vệ người Đức, Joshua Kimmich. 

331003265_5899966163417695_3129035198115816137_n
 

Cuộc trò chuyện này đặc biệt vì ở đó, Kimmich đóng vai trò chính, tự miêu tả và phân tách về tư duy chơi bóng của chính bản thân anh. Vai trò của Thymote Pinon chỉ đơn giản là đưa ra một số tình huống trong các trận đấu, từ đó yêu cầu Kimmich mổ xẻ, diễn giải về vai trò và ý tưởng chơi bóng của anh. 

“Servus!” là câu chào ấm áp mà Joshua Kimmich mở đầu cuộc trò chuyện. Đội phó của Bayern Munich không hề là người thích giấu giếm bản thân. Đằng khác, thứ bóng đá của anh khoáng đạt, không thận trọng và sẵn sàng đánh cược. 

Không bất ngờ khi tiền vệ 27 tuổi người Đức cho thấy sự thông minh sẵn có, pha trộn cùng ánh mắt sắc sảo và khả năng quan sát chi tiết. Từ đầu đến cuối, những mổ xẻ của Kimmich khắc họa nên cẩm nang về một tiền vệ số 6 lý tưởng.

“Hãy là trung tâm của trận đấu”

“HLV (Julian Nagelsmann) hay trao đổi về vị trí thi đấu của tôi và anh ấy không muốn tôi chơi quá thấp trong khối đội hình. Vị trí lý tưởng nhất mà anh ấy muốn là tôi ở gần với tất cả đồng đội cùng một lúc, từ đó kết nối các tuyến với nhau. Julian thường dùng một thuật ngữ tiếng Đức để miêu tả về vị trí này, đó là ‘anschluss’ (nghĩa là ‘link’, hay ‘kết nối’). Mục đích là hướng đến sự cân bằng. Vì thế, tôi có mặt ở đâu trên sân mới chính là thứ quan trọng nhất: Nó cho phép tôi được chạm bóng và tạo ra tính kết nối hợp lý. Đôi lúc, chúng tôi chơi với hai tiền vệ phòng ngự; nhưng có khi, phía trước tôi là hai tiền vệ số 8. Cách sắp đặt ấy để lại chút ít tác động lên lối chơi của tôi, nhưng xét về tổng thể, hướng dẫn cơ bản được đặt ra dành cho tôi luôn là: Hãy là trung tâm của trận đấu.”

“Trước đây, tôi hay phản ứng cộc cằn với các đồng đội” 

“Vai trò của tôi là chỉ huy. Trên sân, chúng tôi là những ‘người thầy’ của nhau, chúng tôi chỉ đạo nhau. Từ những chi tiết nhỏ mà chúng tôi tìm cách hỗ trợ nhau. Lấy ví dụ: Nếu cặp trung vệ chơi gần sát nhau, họ sẽ không bị gây áp lực như khi chơi cách xa nhau. Vậy nên, tùy bối cảnh mà tôi sẽ đưa ra lời chỉ dẫn tương ứng dành cho Thomas Muller, hướng anh ấy gây áp lực lên đối thủ. Cách chúng tôi chỉ đạo nhau cũng khác. Thời còn trẻ, tính tôi nóng nảy, nên đôi lúc phản ứng hơi cộc cằn và có phần tiêu cực.”

“Giờ, tính đó cũng còn giữ lại chút ít, nhưng tôi đã biết cách kiểm soát bản thân hơn. Tôi không nói mọi thứ hiện tại đều trở nên hoàn hảo, chỉ là chúng tôi biết cách để thấu hiểu nhau tốt hơn. Tôi học được cách xử lý vấn đề theo hướng ôn hòa hơn, dù ngày xưa đó vốn không phải là cách tôi hay xử sự. Nhiều lúc, nếu cảm thấy bực dọc, tốt hơn hết là tìm cách trút nó lên các trọng tài hơn là lên các đồng đội (cười). Nghiêm túc thì bây giờ tôi đang cố gắng trở thành một người đồng đội có thái độ tích cực nhất có thể.”

Joshua Kimmich và định nghĩa về bản thân Không chơi quá thấp, chấp nhận mạo hiểm và thích phòng ngự một-một 1
 

•    Phân tích tình huống số 1

“Trong pha bóng này, tôi có 3 lựa chọn: một là tự mình kiểm soát bóng và di chuyển vào khoảng trống; hai là nương vào vị trí của Manuel Neuer, chuyền về để anh ấy mở đường bóng sang cánh đối diện (cánh phải); và ba là nhận bóng rồi tìm cách đảo nó sang cánh đối diện. Khi tôi nhận đường chuyền từ hậu vệ cánh trái, cách tốt nhất là đỡ bước một bằng chân trái, đồng thời mở cơ thể hướng về phía khung thành của Manuel hòng che chắn bóng, sau đó nhanh chóng xử lý bằng chân phải. Nếu đối thủ có ý định lao về phía Manuel, tôi sẽ đảo chiều quả bóng sang hậu vệ cánh. Nếu đối thủ không có động thái gây áp lực lên Manuel, tôi có thể trông cậy vào anh ấy và chuyền bóng về. Trong pha bóng này, tôi hy vọng tự mình có thể xử lý và xoay chuyển tình huống (sau khi Kimmich được báo rằng anh đã lựa chọn chính phương án ấy, anh mỉm cười rồi nói tiếp). Thông thường, tôi không thích chuyền bóng về cho thủ môn chút nào. Trừ khi tôi biết nếu chuyền bóng về, đồng đội của mình có thể đưa quả bóng tiến thẳng về phía trước. Đó có thể xem là ngoại lệ duy nhất khi tôi buộc phải chuyền về.”

“Tôi muốn được chạm bóng, nhưng không muốn lùi về quá thấp”

“Tôi thường xem lại video sau trận đấu. So với hiện tại, tôi thường nghiên cứu đối thủ của mình nhiều hơn thời còn là hậu vệ cánh. Lúc đó, nghiên cứu đối thủ là việc quan trọng, vì tôi cần biết đối thủ của mình nhanh, mạnh ở chân nào,… Còn giờ, khi chơi tiền vệ, tôi chủ yếu chú tâm vào bản thân mình hơn. Khi trận đấu bắt đầu, tôi muốn chạm bóng ngay lập tức.” 

“Đương nhiên, nắm rõ đối thủ vẫn hơn, ví dụ đối phương chơi với hai tiền vệ phòng ngự và một số 10, hay chơi với một số 6 và hai số 8. Mọi thứ cũng thay đổi nếu tôi đá cặp cùng một ai đó ở trung tâm hàng tiền vệ hoặc không. Vì thế, quãng thời gian đầu trận, tôi sẽ quan sát. Tôi thì thích ở khu vực của mình không có ai khác ngoài tôi. Tôi sẽ sẵn sàng lùi về thấp để nhận bóng tức thì, nhưng không được lùi về thấp quá. Tôi muốn mình có mặt ở những không gian có thể mở ra cơ hội bằng các đường chuyền.”

“Lợi ích phòng ngự khi dâng cao”

“Tôi luôn muốn mình đứng ở vị trí nhô cao. Tất nhiên, nếu bạn chơi ở vị trí lùi thấp, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, vì có nhiều không gian hoạt động và nhiều thời gian quan sát để xử lý. Bạn có thể lặng lẽ tiếp nhận thông tin rồi đưa ra giải pháp. Còn khi chơi cao hơn, mọi thứ xung quanh đều diễn ra nhanh hơn, bạn phải suy nghĩ nhanh chóng. Nhưng tôi tôi thích vai trò của mình như hiện tại, vì nhờ đó mà tầm ảnh hưởng của tôi lên trận đấu cũng nhiều hơn. Tôi thích đứng giữa các tuyến của đối thủ, rồi xoay sở tìm giải pháp thích hợp. Chưa kể, vị trí đó cũng tạo nên lợi ích phòng ngự.”

“Nếu tôi dâng cao, một khi để mất bóng, tôi cũng sẽ dễ dàng tham gia phòng ngự hơn. Vì nếu tôi ở gần với cầu thủ cầm bóng của đối phương, tôi có thể cùng các đồng đội tham gia counter-pressing. Ngược lại, mọi thứ sẽ phiền phức hơn nếu tôi ở xa điểm nóng khi phải chơi lùi sâu. Tóm lại, có những lợi ích chính đáng nếu tôi được chơi nhô cao. Cách bạn phòng ngự phụ thuộc vào cách bạn tấn công. Trong một tình huống để mất bóng, hệ thống tổ chức phòng ngự đầu tiên mà bạn có chính là kết cấu bạn dựng sẵn trước đó, tức khi bạn vẫn còn nắm quyền kiểm soát bóng.”

“Tôi đứng tương đối gần với các đồng đội tấn công”

“Các pha di chuyển của tôi là để hấp thụ áp lực. Tôi cần phải đứng trên các hậu vệ, thay vì đứng ở giữa hoặc ngang hàng với họ. Vì đứng trên hàng thủ nghĩa là tôi sẽ ở tương đối gần với các đồng đội tấn công, nhờ vậy tôi có thể cảnh giác và ra hiệu cho họ. Điều cơ bản tiếp theo là thu thập thông tin. Tôi cần biết chính xác vị trí của các đồng đội lẫn đối thủ. Chỉ như vậy tôi mới có thể dùng đến đôi chân của mình tốt hơn. Vì bấy giờ, tôi mới biết chính xác mình nên xoay người về đâu, nên đỡ bước một như thế nào và thực hiện đường chuyền ra làm sao. Điều cuối cùng cũng rất cốt yếu, đó là: Chuyền bóng hướng về phía trước! Để làm được như vậy, bạn phải hành động thật nhanh và đúng kỹ thuật. Không có yếu tố cuối cùng đó, bạn không tài nào phân phối bóng như trí tưởng tượng của mình được (cười).”

Joshua Kimmich và định nghĩa về bản thân Không chơi quá thấp, chấp nhận mạo hiểm và thích phòng ngự một-một 2
 

•    Phân tích tình huống số 2

“Có phải người chuẩn bị tấn công chiều sâu là Benjamin Pavard không? Tôi không dám chắc là trong tình huống này mình đã ra hiệu với cậu ấy chưa. Nếu đó là Serge Gnabry, tôi sẽ lựa chọn phương án một. Nhưng tôi biết Benjamin thích nhận bóng trong chân hơn. Tôi hy vọng là tôi đã rót một đường bóng ra sau lưng hàng thủ đối phương (sau khi Kimmich được báo rằng anh đã không lựa chọn phương án đó, anh làm vẻ mặt nhăn nhó). Nếu Serge hoặc Kingsley Coman ở trong tình huống đó, tôi biết chắc họ sẽ di chuyển theo chiều sâu và muốn nhận một đường chuyền. Vì thế, hầu như tôi sẽ chuyền cho họ vì đây là những mẫu cầu thủ cực kỳ nguy hiểm ở những pha đấu một-một. Có một chút khác biệt ở những cầu thủ nhận bóng, một số thì thích nhận bóng trong chân trước khi lao về phía trước, một số thì muốn quả bóng được chuyền vào khoảng trống trước mặt. Là người chuyền, bạn cần suy nghĩ về khu vực tấn công, nhưng cũng cần nghĩ đến thói quen nhận bóng của đồng đội.”

“Sư thỏa hiệp xuất phát từ nhu cầu của đội bóng”

“Lối chơi của tôi là sự thỏa hiệp giữa chấp nhận rủi ro và những đường chuyền an toàn. Khi còn Pep Guardiola dẫn dắt, chúng tôi thường hướng tới sự kiểm soát và hạn chế những sai lầm. Nhìn chung là không được chuyền bóng quá rủi ro. Với Hasi Flick và Julian Nagelsmann, tôi được phép chơi mạo hiểm hơn một chút. Điều này cũng tùy thuộc vào bối cảnh trận đấu, liệu chúng tôi cần kiểm soát thế trận hay chấp nhận bùng cháy hơn. Khái niệm về tính cân bằng luôn là chủ đề suy nghĩ trong tôi. Bạn cần phải cảm nhận được đâu là thứ đội bóng đang cần. Đôi khi, không dễ để đưa ra quyết định. Bạn chỉ có thể cố gắng hết sức mà thôi.”

“Mất bóng ở 1/3 cuối sân ít nghiêm trọng hơn”

“Tư duy lối chơi của tôi là tìm cách phá vỡ khối phòng ngự lùi thấp của đối thủ. Hầu hết, bạn dựa vào cảm giác của bản thân. Mấu chốt luôn là ra quyết định thật nhanh. Rất thường xuyên, hành vi của tôi sẽ phụ thuộc vào hành vi của các đồng đội. Nếu tôi nhìn thấy ai đó đang tấn công khoảng trống, tôi sẽ tìm cách chuyền bóng cho họ. Tôi là mẫu cầu thủ luôn tìm cách tung ra những đường chuyền mạo hiểm với rủi ro cao. Nhưng chỉ cần có cơ hội mở ra một pha tấn công ngon ăn, tôi sẽ không chần chừ. Đặc biệt là khi hậu quả của việc để mất bóng ở phạm vi 1/3 cuối sân thường ít nghiêm trọng hơn ở những phạm vi còn lại.”  

“Tôi dần kiểm soát được cảm xúc trong một trận đấu”

“Có một thứ chúng ta cần nhấn mạnh, đó là rất khó để nắm bắt và thấu hiểu bóng đá! Một trận đấu có quá nhiều kịch bản khác nhau, mọi thứ thì lại thay đổi trong chóng vánh. Theo thời gian, tôi nghĩ mình đã hiểu rõ hơn về khía cạnh cảm xúc trong bóng đá. Nếu bạn đang dẫn trước thì thế nào, nếu đối phương dẫn trước thì ra sao… Hai năm trước, tôi thường không kiểm soát được cảm xúc của mình khi chúng tôi để thủng lưới trước. Giờ, chúng tôi dần cải thiện được khoản này, khi hiểu rằng một trận đấu kéo dài đến 90 phút và bạn cần phải giữ bình tĩnh.”

“Real Madrid là một dẫn chứng hoàn hảo. Ngay cả khi họ bị dồn vào thế chân tường, họ vẫn có niềm tin sẽ lật ngược thế cờ. Chuyền này siêu quan trọng luôn! Không phải lúc nào bạn cũng kiểm soát được trận đấu, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Việc này xem ra là khó nhất với tôi (cười), nhưng tôi đã tiến bộ hơn trước rồi.”

“Tự kiểm điểm bản thân khi xem lại video”

“Đôi lúc, tôi xem lại các video về màn trình diễn của mình và tôi ngạc nhiên, nhưng là kiểu ngạc nhiên tự trấn an bản thân (cười). Mỗi lần như vậy, tôi hay có kiểu ‘Ôi trời! Cũng đâu có phải tệ lắm đâu!’ Hầu như thì tôi vẫn có khả năng tự đánh giá và tự phê bình tốt. Trong những năm đầu chơi bóng, tôi hướng đến sự thận trọng và kiểm soát, cố gắng hạn chế tối đa những sai lầm. Đến khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, tôi nhận ra rằng thay vì duy trì lối chơi hướng đến sự kiểm soát, tôi có thể đóng góp được nhiều thứ hơn cho đội bóng. Tôi nhận ra mình có thể mang đến các cơ hội ăn bàn cho đồng đội.”

Joshua Kimmich và định nghĩa về bản thân Không chơi quá thấp, chấp nhận mạo hiểm và thích phòng ngự một-một 3
 

•    Phân tích tình huống số 3

“HLV chắc chắn rất thích cảnh này! Anh ấy luôn muốn tôi giữ tính kết nối với tiền đạo, trong pha bóng này là Choupo-Moting. Anh ấy đã có một pha di chuyển hoàn hảo. Tôi cũng vậy! Tôi thoải mái hơn khi nhận bóng ở tư thế này. Khi bóng được chuyền lên từ phía sau, tôi phải quan sát xung quanh trước, xoay sở để mở cơ thể, điều hướng tốt hơn,… cảnh quan sau đó mở ra trước mắt. Vì vậy mà tôi hay nói về việc chọn vị trí. Vài năm trước, tôi thường giữ vị trí thấp hơn. Với Hansi Flick và Pep Guardiola, tôi thường đứng giữa các trung vệ. Còn giờ, tôi tuy có thể chạm bóng ít lại 10 hay 20 lần mỗi trận, nhưng vì dâng lên cao hơn, tôi có thể sáng tạo được nhiều hơn. Đó mới là nơi tôi cần có mặt, cũng là nơi có ích hơn cho đội bóng.”

“Tôi muốn ghi bàn nhiều hơn”

“Tôi luôn muốn ghi được nhiều bàn thắng hơn. Trên sân tập, chúng tôi tập luyện dứt điểm rất nhiều với một trong các trợ lý HLV trưởng, đó là Dino Toppmoller. Ông ấy từng là một tiền đạo, thế nên ông ấy đưa ra một số lời khuyên thật sự hữu ích. Jamal Musiala là người làm việc với ông ấy nhiều nhất. Trong các tình huống bóng cố định cũng như vậy: Bạn phải tập đi tập lại nhiều lần để đạt được trạng thái thoải mái, sự tập trung và tự tin, nhờ vậy mới tỏ ra hiệu quả khi thực chiến.”

“Bản thân tôi cũng nỗ lực! Tôi hy vọng mình có thể ghi thêm được vài bàn thắng cho đến cuối mùa giải. Nhưng dù sao thì đó cũng không phải chức năng chính của tôi trên sân mà nhỉ?!”

“Các hậu vệ cánh luôn cần có số 6 di chuyển gần”

“Kinh nghiệm từ thời còn chơi ở vị trí hậu vệ cánh giúp tôi hiểu được cảm giác của các hậu vệ cánh. Tôi không nói là mình biết rõ các hậu vệ sẽ muốn nhận một đường chuyền thế nào khi đứng trên sân. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi biết họ cảm thấy ra sao khi có bóng trong chân. Họ cần có một tiền vệ số 6 di chuyển đến gần để hỗ trợ. Điều này đặc biệt đúng với các hậu vệ cánh: Bởi một bên là đường biên và họ chỉ có không gian mở là bên còn lại. Các hậu vệ cánh bấy giờ sẽ cần đến những pha di chuyển của các đồng đội ở xung quanh để mở ra giải pháp phối hợp. Nhờ vậy, tôi biết mình có thể giúp ích được gì cho họ.”

Joshua Kimmich và định nghĩa về bản thân Không chơi quá thấp, chấp nhận mạo hiểm và thích phòng ngự một-một 4
 

•    Phân tích tình huống số 4

“Tôi thắc mắc là Alphonso Davies đang làm gì?! Định hướng cơ thể của cậu ấy trông hơi kỳ quặc phải không? Cứ như thể Alphonso đang tấn công về phía khung thành đội nhà vậy (cười). Nghiêm túc mà nói thì mấu chốt trong pha bóng này là không đặt toàn đội vào tình thế nguy hiểm. Nếu tôi dự đoán để cắt đường chuyền, có thể tôi sẽ mắc sai lầm và chúng tôi gặp vấn đề liền. Thực tế thì tất cả sẽ tùy thuộc vào việc tôi đứng gần hay xa bóng. Nếu tôi ở gần, tôi có thể tấn công cầu thủ có bóng của đối phương mà không cần phải để tâm quá nhiều vào những gì diễn ra xung quanh. Nếu tôi đứng hơi xa bóng thì lại khác, tôi sẽ phải phòng ngự khu vực hoặc quan sát đến đối thủ xung quanh nhiều hơn. Khi đó, tôi chỉ cần tập trung và xử lý tình huống. Nhưng nghịch lý thay, bạn phải tập trung cao độ vì một mét ở bên phải hay bên trái cũng đủ mở ra khoảng trống dành cho đối thủ, cho phép anh ta chuyền bóng xuyên tuyến. Vậy nên, những tình huống đấu một-một vẫn dễ phòng ngự hơn. Thái độ phòng ngự còn phụ thuộc vào quá trình tập luyện. Đó là sự kết hợp đồng thời của những thao tác để cho ra cùng một kết quả: Duy trì sự cân bằng bằng cách đưa ra quyết định nhanh chóng.”

“Có mặt đúng lúc, đúng chỗ”

“Tôi không ngừng theo đuổi ý tưởng về một vị trí lý tưởng trên sân, một vị trí mà những phẩm chất của tôi có thể được phát huy tối đa và luôn mang lại lợi ích cho tập thể. Trong từng trận đấu, tôi luôn tìm cách phát hiện ra đúng khoảng trống để thực hiện đường chuyền, hết lần này đến lần khác… Như ở tình huống mà chúng ta đã phân tích, khi Choupo-Moting lùi xuống, đó chính là vị trí chính xác mà tôi hướng đến. Bóng đá luôn là việc tìm ra các giải pháp phù hợp trên sân. Một khi bạn nhắm đúng khu vực để tấn công, một khi bạn nhận bóng ở đúng khoảng trống, bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định hơn, hay nói chính xác là đưa ra quyết định hợp lý. Bóng đá chính là như vậy: Có mặt đúng lúc, đúng chỗ. Và tôi theo đuổi điều đó, để phá vỡ các tuyến của đối thủ.”

BLV Hoàng Thông (Le Foot)

 

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.

Charles De Ketelaere: Gọi giấc mơ về xứ Bergamo

Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.

X
top-arrow