Gần như không có bất cứ mối liên hệ nào giữa Arthur Melo và Liverpool xuyên suốt cả mùa hè. Thế nhưng chỉ vài giờ khi thị trường chuyển nhượng sắp đóng cửa, thật bất ngờ khi đội chủ sân Anfield lại đạt thỏa thuận chiêu mộ tiền vệ người Brazil theo dạng cho mượn từ Juventus. Vậy liệu đây có phải một thương vụ “panic buy” mà chúng ta vẫn hay nói? Và cơ hội nào để Arthur Melo tỏa sáng tại một đấu trường khắc nghiệt như Premier League?
Liverpool có sự khởi đầu khá chậm chạp ở mùa bóng năm nay với chỉ 2 chiến thắng sau 6 vòng đấu đầu tiên tại Premier League. Khi mà HLV Jurgen Klopp còn đang đau đầu với bài toán điểm rơi phong độ của các cầu thủ, thì ông lại phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng nhân sự tuyến giữa.
Chấn thương của đội trưởng Jordan Henderson khiến Liverpool khó càng thêm khó. |
Ở thời điểm hiện tại, HLV Jurgen Klopp chỉ có đúng hai sự lựa chọn ở vị trí tiền vệ trung tâm là Fabinho và James Milner. Mới nhất, đội trưởng Jordan Henderson phải rời sân trong hiệp 2 ở trận đấu với Newcastle vì chấn thương gân kheo. Trước đó, Liverpool đã mất cả Thiago Alcantara và Naby Keita từ khi mùa giải mới khởi tranh. Ngoài ra những Curtis Jones và Alex Oxlade-Chamberlain cũng chưa ra sân một phút nào tại Premier League vì lý do tương tự.
Khi bệnh viện của Liverpool ngày càng chật chội với các bệnh binh, cũng dễ hiểu khi HLV Jurgen Klopp phải tìm kiếm sự thay thế trên thị trường chuyển nhượng. Trong cơn bĩ cực đó, Lữ đoàn đỏ nhắm đến Arthur Melo như một giải pháp tình thế.
Liverpool đã đưa về Arthur Melo cuối phiên chợ hè như một giải pháp tình thế. |
Sự thật thì trong một vài tuần trở lại đây, có thông tin cho rằng Liverpool muốn đưa Moises Caicedo (Brighton) và Sander Berge (Sheffield United) về Anfield. Tuy nhiên có vẻ như sau khi đã chi ra quá nhiều tiền ở thương vụ Darwin Nunez, ngân sách chuyển nhượng của Liverpool không còn đủ để họ bạo chi cho một thương vụ nào khác. Nên nhớ rằng, cả Caicedo lẫn Sander Berge đều có giá trị không dưới 30 triệu bảng. Trước mắt, Liverpool sẽ phải trả cho Juventus 3,5 triệu bảng phí mượn Arthur, đồng thời họ có quyền lựa chọn mua đứt tiền vệ sinh năm 1996 với mức giá 32,5 triệu bảng vào cuối mùa giải.
Về phần mình, Juventus như trút được gánh nặng sau khi tiễn thành công một người từ lâu không còn nằm trong kế hoạch tái thiết của đội bóng. Đại diện của bóng đá Italia đã và đang trong quá trình dọn dẹp lại mớ hỗn độn của dự án năm 2018, nơi cựu Giám đốc bóng đá Fabio Paratici và giới chủ nhà Agnelli bị đánh gục hoàn toàn bởi đại dịch Covid-19. Tàn dư của Paratici khi đó vẫn còn hai cái tên khá nhức nhói là Rabiot và Arthur. Cả hai đều thuộc dạng lương cao và khó có đội bóng nào chịu gánh. Cụ thể, Valencia rất kết Arthur nhưng chỉ muốn trả 1/4 lương của cầu thủ này. Rabiot từng từ chối Manchester United khi đội bóng nước Anh đòi ký với mức đãi ngộ còn thấp hơn những gì cầu thủ người Pháp nhận được ở Juventus. Vậy nên rất dễ hiểu khi “Bà đầm già” hưởng ứng cả hai tay khi nhận được lời đề nghị đến từ Merseyside.
Không thể phủ nhận khả năng chuyền bóng và tổ chức lối chơi ấn tượng của Arthur, nhưng đồng thời anh cũng là một cầu thủ có phong độ cực kỳ thiếu ổn định. Kể từ thời điểm còn khoác áo Barcelona, việc tiền vệ người Brazil chơi trận hay, trận dở là điều thường xuyên xảy ra. Đến khi chuyển sang chơi bóng tại Italia, Arthur cũng vẫn không tìm được sự ổn định cần thiết – điều tiên quyết với một tiền vệ kiến thiết lùi sâu.
Thời điểm đạt phong độ tốt, Arthur cho thấy mình là một nhân tố hiếm hoi mang đến sức sáng tạo cho tuyến giữ Juventus dưới triều đại Max Allegri, nhưng khi sa sút anh có thể thi đấu tệ đến mức bị lãng quên trên băng ghế dự bị. Tính ra ở mùa giải trước, Arthur chỉ đá chính vỏn vẹn 13 trận tại hai đấu trường quan trọng là Serie A và Champions League. Và Arthur cũng không có bất cứ bàn thắng hay kiến tạo nào.
Tính trung bình Arthur sở hữu 1,3 tình huống tắc bóng mỗi trận, 0,4 pha đánh chặn, 0,4 lần phá bóng và 0,5 tình huống rê bóng mỗi 90 phút. Đó vốn không phải một thành tích quá nổi bật với một tiền vệ có xu hướng phòng ngự. Điểm đáng chú ý duy nhất là việc cầu thủ này có tỉ lệ chuyền bóng chính xác lên đến 89,7%. Nhưng nếu những ai thường xuyên theo dõi Juventus, Arthur đôi khi các Juventini chê trách vì quá cầu toàn trong các phương án chuyền bóng hướng lên phía trên. Cụ thể, Arthur thường xuyên sử dụng các đường bóng ngắn, thay vì tung ra những đường chuyền dài có tính đột biến cao.
Có thể nói rằng Arthur có lối chơi thiên về sử dụng kỹ thuật như Thiago Alcantara nhưng ở một trình độ thấp hơn. Điều này sẽ được chứng minh nếu như chúng ta nhìn vào các con số thống kê. Nếu lấy tham chiếu là kỹ năng chuyền bóng tại đấu trường quốc nội mùa trước thì tính ra Arthur chỉ có trung bình 35 lần chạm bóng/90 phút. Con số này với Thiago là 60 lần/90 phút. Ngoài ra tiền vệ người Tây Ban Nha cũng vượt trội hơn đàn em về số đường chuyền mang tính quyết định (1,2 so với 0,3) và số đường chuyền dài/90 phút (4 so với 2,2).
Vì nhiều lý do khác nhau mà Arthur ít được trọng dụng dưới triều đại Max Allegri. |
Tuy nhiên vẫn còn một yếu tố lớn hơn nữa khiến cho các Liverpudlian cảm thấy quan ngại về bản hợp đồng mới này. Khi nhìn vào tiền sử chấn thương của tiền vệ mới 26 tuổi, dữ liệu từ Transfermarkt cho thấy Arthur đã liên tục phải làm bạn với giường bệnh trong vòng 4 năm trở lại đây.
Trong 2 mùa giải khoác áo Barcelona, Arthur phải ngồi ngoài tổng cộng 138 ngày, dính 7 chấn thương khác nhau, bỏ lỡ 24 trận đấu. Thực trạng đáng buồn này vẫn tiếp diễn ngay cả khi anh chuyển sang thi đấu tại Italia. Cũng trong 2 mùa giải khoác áo Juventus, Arthur tiếp tục ngồi ngoài tổng cộng 151 ngày, bỏ lỡ 25 trận đấu. Nặng nhất chính là chấn thương đầu gối hồi giữa năm 2021, khiến anh phải lên bàn phẫu thuật và điều trị gần 3 tháng. Thậm chí dù chưa được ra sân bất cứ trận nào ở mùa giải mới cùng với Juventus, Arthur cũng mất 8 ngày điều trị chấn thương mắt cá. Với một cầu thủ có tiền sử chấn thương mắt cá và đầu gối như vậy, cũng dễ hiểu khi đôi chân của Arthur rất mẫn cảm với những pha va chạm bóng trên sân.
Arthur có tiền sử chấn thương dày đặc khi còn khoác áo Barcelona và Juventus. |
Premier League hiển nhiên là một môi trường khắc nghiệt hơn so với Serie A và La Liga. Tại đây chúng ta thường xuyên được chứng kiến những pha va chạm đầy máu lửa ở trên sân, cùng việc tốc độ trận đấu luôn được đẩy lên cao. Thế nên viễn cảnh nền tảng thể chất vốn đã mong manh của Arthur bị bào mòn là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi anh phải chơi bóng dưới triết lý Gegenpressing đậm chất thể lực của HLV Jurgen Klopp.
Đối với Liverpool, không khó để nhận thấy họ xem cựu cầu thủ của Barcelona là bản hợp đồng khẩn cấp để cải thiện tuyến giữa trong bối cảnh đội bóng bị cơn bão chấn thương tàn phá. Rõ ràng nếu Arthur tiếp tục vật lộn với chấn thương thì chẳng khác nào Liverpool rước thêm một bệnh binh về Anfield cả.