Lionel Scaloni: “Bóng đá bây giờ thừa mứa phân tích, quá tải thông tin, cầu thủ bị điều khiển từ xa”

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Sáu 08/03/2024 21:32(GMT+7)

Zalo

Lionel Scaloni (sinh năm 1978 tại Santa Fe, Argentina) là một trường hợp đặc biệt trong thế giới bóng đá. Tháng 11 năm 2018, ông bất ngờ được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia Argentina dù không có kinh nghiệm dẫn dắt bất kỳ đội bóng nào trước đây, khi chỉ từng làm HLV ở đội U20 Argentina trong một giải đấu.

Khong co tieu de
 

Sau 5 năm, những gì Scaloni đạt được không thể ấn tượng hơn: 67 trận với tỷ lệ chiến thắng 76% (chỉ thua 6 trận) và đã giành được chức vô địch ở cả ba giải đấu tham dự là World Cup, Copa America và Finalissima trước Italia. Tại Qatar cuối năm 2022, Scaloni đã vươn đến đỉnh cao khi trở thành nhà vô địch thế giới.

Với phong cách lãnh đạo điềm đạm, Lionel Scaloni đã tạo dựng được dấu ấn của mình bằng sự bình tĩnh, sáng suốt để dẫn dắt lối chơi và truyền lửa cho một tập thể xoay quanh Messi. Tại Gala Globe Soccer được tổ chức tại Dubai vào đầu năm nay, Scaloni đã nhận thêm một giải thưởng nữa dựa trên thành tích xuất sắc của ông trên băng ghế huấn luyện. Nhà cầm quân 45 tuổi đã có cuộc trả lời phỏng vấn với tờ MARCA (Tây Ban Nha). Trò chuyện với nhân vật thể thao cừ khôi này (Scaloni từng chơi 200 trận trong 9 mùa giải với tập thể Super Depor đáng nhớ một thời) quả thực là một trải nghiệm mang tính khai sáng.

Đầu năm nay, tại lễ trao giải The Best của FIFA, đã có tranh cãi xung quanh việc bầu chọn Leo Messi là cầu thủ xuất sắc nhất năm dù tiêu chí không tính đến kỳ World Cup. Đây là giải thưởng mà ban giám khảo bao gồm tất cả các HLV trưởng, đội trưởng, một nhà báo của mỗi quốc gia và người hâm mộ. Không thể có đại diện nào dân chủ hơn được, nhưng người chiến thắng vẫn bị tranh cãi. Theo ông là vì sao?

Tôi nghĩ cuộc tranh luận này vượt ra ngoài phạm vi bóng đá, tôi không nghĩ rằng giữa giới cầu thủ hay các HLV có tranh cãi về lý do tại sao Messi lại giành chiến thắng. Nếu Haaland hoặc Mbappe chiến thắng, cũng không sao cả. Đó là chuyện của giới truyền thông. Thật kỳ lạ khi tranh luận vì sao Messi chiến thắng, dù những người bỏ phiếu là những người gắn với bóng đá.

Tháng 12 năm ngoái, Liên đoàn Lịch sử và Thống kê Bóng đá Quốc tế (IFFHS) bầu chọn ông là HLV xuất sắc nhất năm 2023 (ông cũng từng giành giải này vào năm 2022) với số phiếu bầu cao hơn nhiều so với Deschamps. Tại lễ trao giải Globe Soccer ở Dubai, ông nhận giải thưởng danh dự cho sự nghiệp của mình. Đúng là một năm đáng nhớ với vô số giải thưởng, vinh danh,... Việc mang về World Cup cho Argentina sau 36 năm đã thay đổi cuộc sống của ông như thế nào?

Còn tùy vào việc bạn tiếp nhận chúng thế nào nữa. Nếu cố gắng giữ nguyên bản chất con người mình thì chúng chỉ là những giải thưởng mà thôi. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, bạn vẫn nên tiếp tục sống, chiến đấu và rèn luyện. Nhưng nếu không suy nghĩ thấu đáo, bạn có nguy cơ khiến những dự định của mình bị đảo lộn, vì bạn sẽ từ một người bình thường trở thành một người mà mọi người tin rằng bạn khác biệt. Nhưng chúng ta đâu có khác biệt, chúng ta vẫn là chính mình, với những vấn đề của riêng mình. Song có một thứ chắc chắn là chúng tôi đã mang đến niềm hạnh phúc cho rất nhiều người ở quê nhà, và điều đó khiến chúng tôi tự hào. Nhưng như tôi đã nói, cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Lionel Scaloni “Bóng đá bây giờ thừa mứa phân tích, quá tải thông tin, cầu thủ bị điều khiển từ xa” 1
 

Đâu là chi tiết đẹp nhất ông còn nhớ về những buổi lễ ăn mừng World Cup?

Ồ, nhiều lắm! Quan trọng nhất là những người mà bạn không hề quen biết kể cho bạn nghe về cách họ đã trải qua kỳ World Cup như thế nào. Những người gặp vấn đề về sức khỏe hoặc chuyện gia đình – vốn là những thứ khiến họ thay đổi cách nhìn nhận mọi thứ, và họ nói với bạn rằng họ đã vô cùng hạnh phúc với cảm xúc được chìm đắm trong một tháng diễn ra World Cup. Họ biết ơn bạn vì điều đó. Ở một đất nước như Argentina của chúng tôi, khi những bất ổn của đất nước vẫn diễn ra không ngừng, tình cảm và sự tin yêu mà mọi người dành cho mới là điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, cảm giác ấy còn hơn cả việc đã vô địch World Cup.

Ông quyết định muốn trở thành HLV từ khi nào: khi còn là cầu thủ, khi sắp kết thúc sự nghiệp hay khi đã giải nghệ? Tôi đọc được rằng ông quyết định trở thành HLV vì nhận thấy rằng bản thân không thể tiếp tục làm cầu thủ bóng đá.

Đó là năm 2005, trước kỳ World Cup 2006 tổ chức tại Đức, tôi dính một chấn thương nặng khi thi đấu cho Deportivo. Kể từ đó, ở cái tuổi 27-28, sự nghiệp của tôi đã không còn như ý muốn. Từ thời điểm ấy, tôi bắt đầu nghĩ rằng việc đá bóng sẽ ngày càng trở nên quá sức với mình. Mặc dù tôi đã thi đấu thêm 10 năm nữa, nhưng đó là quãng thời gian tôi chơi bóng với rất nhiều khó khăn, bởi tôi ý thức rằng bản thân mình đang gặp vấn đề. Trong suốt 10 năm đó, tôi luôn suy nghĩ về tương lai và nhận ra rằng mình phù hợp với vai trò trợ lý HLV hơn. Quãng thời gian bấy giờ khi tôi thi đấu cho Lazio và Atalanta, tôi luôn quan tâm đến công việc huấn luyện hàng ngày và cách các HLV làm việc. Tôi bắt đầu nhận thức được điều này sớm hơn nhiều so với các cầu thủ khác. Khi vẫn còn thi đấu, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về việc trở thành một HLV. Năm 2011, sáu năm trước khi giải nghệ, tôi đã bắt đầu theo học khóa huấn luyện viên tại Italia và hoàn thành khóa học tại Las Rozas (Tây Ban Nha).

HLV nào để lại ảnh hưởng sâu đậm nhất đến ông trong thời gian ông còn thi đấu?

Tất cả. Tôi biết là ai hay được hỏi câu này cũng đều nói vậy cả, nhưng với tôi thì đúng là như thế thật. Tất cả các HLV từng dẫn dắt tôi đều ảnh hưởng đến tôi, dù theo cách này hay cách nọ. Tôi cố gắng học hỏi những điều tốt từ các HLV và cố gắng không lặp lại sai lầm của họ. Những điều họ làm sai sẽ là bài học cho bạn. Giờ đây khi đã là HLV, bạn mới cảm thông hơn cho những người thầy của mình, những người mà ngày xưa bạn từng tỏ ra giận dỗi trước họ. Bạn nhận ra rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy, và những điều bản thân không hiểu trước đây thì giờ đây mình đã hiểu. Tôi có nhiều người thầy, nhiều tấm gương và mỗi người đều có con đường hay cách dẫn dắt riêng. Cá nhân tôi thích phong cách mang tính toàn diện, không chỉ tập trung vào bóng đá mà còn quan tâm đến những thứ xung quanh cầu thủ, đặc biệt là những điều làm nên con người của họ.

Hiện tại, ai là hình mẫu của ông, người mà ông có thể học hỏi được nhiều điều?

Tôi học hỏi từ những người đang làm những thứ mà chúng tôi cũng muốn có ở đội tuyển quốc gia. Tôi thích Guardiola, tôi thích De Zerbi, người đang làm rất tốt công việc của mình ở Brighton, tôi cũng thích Simone Inzaghi và cả Luciano Spalletti. Và chắc chắn rồi, tôi không thể không kể đến Ancelotti, người hiện nay là hình mẫu của tất cả những gì tôi muốn trở thành nhất khi làm HLV: một người mà tất cả đều yêu quý, rất thông minh, không phải vô cớ mà ông ấy đã giành được mọi danh hiệu. Carlo là một hình mẫu. Và còn có Cholo (Diego Simeone), người mà tôi cũng đã có những cuộc trò chuyện. Tôi có đến Madrid để thăm anh ấy và anh ấy đã cho tôi rất nhiều lời khuyên khi tôi mới tiếp quản đội tuyển quốc gia. Carlo và Cholo có hai cách lãnh đạo khác nhau, nhưng bạn sử dụng cả hai trong phương pháp của chính mình.

Lionel Scaloni “Bóng đá bây giờ thừa mứa phân tích, quá tải thông tin, cầu thủ bị điều khiển từ xa” 2
 

Ông tiếp quản đội tuyển với ít kinh nghiệm huấn luyện, nhưng đã lột xác Argentina một cách ngoạn mục để làm nên một chu kỳ vinh quang nhất trong thời gian ngắn với ba danh hiệu: vô địch Copa America 2021, vô địch Finalissima trước Italia năm 2022 và vô địch World Cup 2022. Yếu tố kinh nghiệm có bị thổi phồng trong bóng đá không?

Thế giới bóng đá khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ thế giới nào khác. Ở những công việc khác, bạn có thể cần có kinh nghiệm, ví dụ như một kỹ sư, nhưng với một người từng thi đấu chuyên nghiệp 21 năm như tôi, thì nói tôi không có kinh nghiệm là điều có phần tương đối. Vì suy cho cùng, phòng thay đồ nào cũng như nhau cả thôi, các buổi nói chuyện kỹ-chiến thuật cũng vậy... Chỉ những thời điểm khó khăn mới chứng minh được cái tài xoay sở của bạn. Khi đó, mọi người nói rằng yếu tố kinh nghiệm cần xuất hiện, để xem cách bạn vượt qua chúng là như thế nào. Song không phải cái khó khăn nào cũng giống nhau. Trong trường hợp của tôi, có một HLV lão làng là Tavares, đã gọi cho tôi một ngày sau trận Argentina-Uruguay và nói: “Này cậu, ai cũng nói cậu không có kinh nghiệm, nhưng cậu phải nói với họ rằng cậu đã trải qua những gì, rằng trong bóng đá điều đó mới quan trọng.” Lời khuyên ấy luôn in sâu vào tâm trí tôi và nó có giá trị đối với tất cả các HLV trẻ. Tôi muốn nói với họ rằng hãy tiến lên phía trước. Nếu bạn đã từng chơi bóng và cảm nhận được bóng đá, thì bóng đá chính là công việc duy nhất cho phép bạn được là chính mình mà không cần phải có 20 năm kinh nghiệm làm HLV gì cả.

Đâu là điểm mạnh nhất của ông khi làm HLV: sự linh hoạt về chiến thuật, khả năng kết nối với các học trò, hay là biết các thích ứng?

Tôi không thích nói về những điểm mạnh của mình, nhưng tôi tin rằng mình có thể thích nghi với bất kỳ tình huống nào. Nếu cần thay đổi, tôi sẽ không ngần ngại. Bóng đá thuộc về các cầu thủ và tôi sẽ điều chỉnh lối chơi của đội bóng dựa trên những cầu thủ mà tôi có. Nếu những cầu thủ giỏi nhất có lối chơi khác với ý tưởng của tôi, tôi sẽ thay đổi để phù hợp với họ. Tôi không cố chấp vào một lối chơi nhất định, vì mọi thứ thay đổi rất nhanh. Hôm nay bạn có thể có những cầu thủ giỏi, nhưng ngày mai họ có thể sa sút phong độ. Trong một đội tuyển quốc gia, việc lựa chọn cầu thủ liên tục diễn ra. Nếu bạn cố chấp chơi theo một cách với những cầu thủ không phù hợp, bạn sẽ thất bại.

Tuyển Argentina cũng gặp vấn đề như vậy khi ông mới bắt đầu dẫn dắt đúng không?

Đúng vậy, nhưng nhờ công lao của cả ban huấn luyện mà mọi chuyện được khắc phục. Chúng tôi có một ý tưởng và sau đó dần dần thay đổi, hoàn thiện nó. Cuối cùng, lối chơi của đội tuyển bây giờ không giống như cách đây 5 năm.

Trong suốt kỳ World Cup ở Qatar, với sự điềm tĩnh, ông có vẻ như là đối trọng lý tưởng so với nhiệt huyết bộc phát được các cầu thủ thể hiện trên sân. Việc các cầu thủ thể hiện quá nhiều cảm xúc khi thi đấu xem ra cũng gây bất an nhỉ?

Đúng vậy. Hồi tôi còn thi đấu thì ngược lại hoàn toàn. Tôi suy nghĩ rằng với một người đứng đầu tập thể, nhất là ở một đội tuyển như Argentina, nơi mọi người đặt rất nhiều kỳ vọng, quan trọng nhất là bạn cần phải giữ bình tĩnh. Và trong những lúc căng thẳng, cần phải tỉnh táo. Nhất là khi biết rằng trong bóng đá ngày nay, một bàn thắng chẳng là gì cho đến khi trận đấu kết thúc, cái này hết sức rõ ràng rồi còn gì. Thực tế, câu chuyện này từng diễn ra với chúng tôi trong hai trận đấu, khi chúng tôi bị gỡ hòa ở những phút cuối cùng và một trong những phẩm chất của tập thể Argentina này chính là: tiếp tục, tiếp tục và không mất tập trung vào mục tiêu đã đề ra. Quan trọng là HLV phải có khả năng truyền tải sự bình tĩnh cho các cầu thủ vào những thời điểm thích hợp, đó là lúc bạn cần phải nói chuyện với họ và nắm bắt lợi thế từ lời nói của mình.

Javier Mascherano (HLV trưởng đội U23 Argentina) có nói rằng nếu Argentina giành vé dự Olympic thì anh ấy muốn ông làm người thuyền trưởng, Messi và Di Maria cũng cần được gọi triệu tập. Ông thấy sao?

Trước tiên tôi muốn nói rằng Javier vẫn phải là HLV trưởng của đội U23. Tôi muốn Javi là người dẫn dắt vì cậu ấy xứng đáng với công việc mình đang làm. Còn về chuyện Angel và Leo, tới lúc đó thì chúng tôi mới có thể đưa ra được quyết định, đặc biệt là những vấn đề về thể trạng, vì Olympic diễn ra ngay sau Copa America. Chúng tôi sẽ đánh giá khi thời điểm đến. Nhưng Javi làm HLV trưởng Argentina ở Olympic là điều chắc chắn khỏi phải bàn.

Lionel Scaloni “Bóng đá bây giờ thừa mứa phân tích, quá tải thông tin, cầu thủ bị điều khiển từ xa” 3
 

Mọi người kỳ vọng gì ở tuyển Argentina tại kỳ Copa America vào tháng 6 tới? Liệu ông có thấy lo lắng vì chịu quá nhiều áp lực hay không, nhất là sau thành công ở Qatar?

Tuyển Argentina luôn có áp lực phải thắng, hòa thôi là không đủ. Từ thời điểm dẫn dắt đội tuyển, chúng tôi biết mình đang làm việc ở một đội tuyển tầm cỡ và ai nấy cũng đều kỳ vọng vào đội tuyển. Tôi luôn nói cùng một điều: chúng tôi sẽ chiến đấu hết mình, tôi không hứa hẹn gì cả, ở đây không có chuyện hứa suông. Chúng tôi hứa sẽ thi đấu hết mình với mọi đối thủ, cố gắng giành chiến thắng và để lại hình ảnh đẹp về đội tuyển Argentina trong lòng người hâm mộ bóng đá, như những gì chúng tôi đang làm.

Chẳng phải vô địch World Cup và đánh bại Brazil tại Maracana để đăng quang Copa America đã tạo nên một tiêu chuẩn quá cao rồi sao? Nếu tiếp tục như ông nói, sớm muộn sẽ chẳng còn thử thách nào nữa cả.

Đúng thế, thử thách là rất lớn, tôi không biết liệu còn mục tiêu nào cao hơn nữa hay không. Nhưng tôi phải làm gì đây? Bỏ về nhà, ngồi trên ghế sofa và về hưu ở tuổi 45 sao? Không đời nào! Cái hay là sẽ có lúc khó khăn ập đến, đó là chuyện đương nhiên, ai cũng từng trải qua cả và chúng tôi cũng sẽ gặp phải. Và khi vấp ngã, chúng tôi phải đứng dậy, bước tiếp để chinh phục đỉnh cao lần nữa, như đã từng làm trước đây. Sự nghiệp cầu thủ trước đây của tôi cũng vậy: có lúc thăng lúc trầm. Và đó chính là lúc thực sự cho thấy chúng ta đã sẵn sàng hay chưa. Nhưng điều đó không làm tôi sợ hãi, không một chút nào cả.

Sau cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Claudio Tapia, mối quan hệ của ông với Liên đoàn Bóng đá Argentina hiện tại như thế nào? Sau trận thắng Brazil, ông có nói rằng: “Tôi cần suy nghĩ kỹ về những gì mình sẽ làm. Đây không phải là lời tạm biệt hay gì cả, nhưng tôi cần suy nghĩ vì mục tiêu đặt ra rất cao và việc tiếp tục chiến thắng là rất khó khăn, những chàng trai tài ba này khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Đội tuyển quốc gia cần một HLV đầy năng lượng.”

Khi tôi nói rằng chúng tôi cần suy ngẫm, đó là một thời điểm quan trọng. Copa America đang dần đến và hai năm nữa là World Cup, đây là thời điểm chúng tôi cần suy nghĩ, đặc biệt là cần phải hiểu rõ mục tiêu của mình với đội tuyển quốc gia, trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ đang nỗ lực từ phía sau. Đấy là cách tóm tắt những gì sắp diễn ra và tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp. Không bao lâu nữa thì Argentina sẽ có trận đấu tiếp theo và điều quan trọng là, như tôi đã nói, hãy tạm dừng mọi thứ lại một chút. Tôi nghĩ như vậy là chuyện tích cực vì nó khiến chúng ta suy ngẫm về những gì sắp diễn ra.

Nhưng tuyên bố của ông tạo ra một sự lo lắng nhất định về vị trí chiếc ghế nóng ở đội tuyển Argentina.

À thì, giống như chuyện Quả bóng Vàng của Leo thôi. Mọi người tranh cãi về nó hoặc giải The Best. Lúc đó, cần phải dừng lại một tí và suy ngẫm, cần phải nói chuyện với tất cả những người cần nói chuyện. Nói với từng người những gì chúng ta muốn: các cầu thủ, ban lãnh đạo, những người cần biết chúng tôi đang hướng đến đâu. Sắp tới sẽ có những chuyện quan trọng, đội tuyển sẽ phải chịu nhiều áp lực, chúng tôi cần những người cũng mạnh mẽ như chúng tôi.

Lionel Scaloni “Bóng đá bây giờ thừa mứa phân tích, quá tải thông tin, cầu thủ bị điều khiển từ xa” 4
 

Ông còn hợp đồng dẫn dắt Argentina đến World Cup 2026. Ông có hình dung ra đội tuyển Argentina sẽ như thế nào khi Messi, Di Maria và Otamendi không còn thi đấu nữa?

Chẳng phải trong quá khứ, những huyền thoại như Maradona, Ruggeri rồi cũng đến lúc rời khỏi đội tuyển và Argentina vẫn tiếp tục con đường của mình đấy thôi. Đúng là ai nấy cũng sẽ cảm thấy buồn khi những cầu thủ tài năng như vậy không còn thi đấu nữa. Tuy nhiên, chúng tôi có nhiệm vụ phải tiếp tục. Bởi vì đội tuyển Argentina, bất kể có Messi, Maradona hay không đi chăng nữa, vẫn luôn là một đội tuyển hùng mạnh. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với thử thách duy trì sức mạnh đó khi không có họ. Chúng tôi cần hướng đến mục tiêu xây dựng một tập thể cũng cạnh tranh như vậy với những gương mặt khác. Chúng tôi cần tưởng tượng ra viễn cảnh đó và đặt mục tiêu cho tương lai khi họ không còn thi đấu.

Có tin đồn rằng Messi có thể chơi kỳ World Cup thứ sáu trong sự nghiệp vào năm 2026, được đồng đăng cai bởi Canada, Mỹ và Mexico. Nếu đúng vậy thì đấy sẽ là một kỷ lục trong lịch sử. Ông nghĩ có khả năng đó không?

Thực tế thì giờ đây tôi thấy cũng có nhiều cầu thủ vẫn còn thi đấu ở tầm tuổi đó mà. Với trường hợp của Leo thì tôi cũng không bất ngờ lắm. Nhưng từ đây cho tới đó vẫn còn lâu, mà thời gian trong bóng đá trôi qua rất nhanh. Cá nhân tôi thì cho rằng Leo vẫn có thể góp mặt ở World Cup 2026. Về thể trạng thì tôi không có gì để phải nghi ngờ cậu ấy cả, riêng về tinh thần thì còn tùy thuộc vào chính Leo.

Ban huấn luyện của ông có rất nhiều cựu cầu thủ, nhưng người luôn có quan điểm khác biệt nhất về việc đào tạo cầu thủ là Pablo Aimar. Aimar giúp ích cho ông điều gì trong công việc hàng ngày?

Pablo là người có tư duy chiến lược, có tầm nhìn rộng mở. Cậu ấy làm việc với các cầu thủ trẻ và ngoài ra còn là một người bạn của tôi. Cậu ấy mang đến cho tôi sự bình tĩnh và ý niệm về bản chất bóng đá. Đôi khi các HLV chúng tôi điên cuồng với những ý niệm về chiến thuật và chiến lược, và cuối cùng chính Pablo luôn nói: “Nếu những cầu thủ giỏi chơi tốt và chúng ta biết cách đặt họ vào cạnh nhau, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy cả.” Đôi khi những HLV chúng tôi cứ suy nghĩ quá nhiều, nhưng chính các cầu thủ trên sân là những người giải quyết mọi vấn đề. Giống như 25 năm về trước, không có nhiều chiến thuật và các cầu thủ tự giải quyết vấn đề trên sân. Pablo luôn nhắc nhở tôi: “Đừng phát điên lên làm gì cả!” Cậu ấy là một trợ giúp việc tuyệt vời và làm việc với bạn bè thì luôn dễ dàng.

Roman Riquelme là tân Chủ tịch của Boca Juniors. Chúng ta có thể mong đợi gì từ cuộc hành trình của ông ấy?

Hình như Roman cũng đã có mặt trong bộ máy ban lãnh đạo ở nhiệm kỳ trước rồi thì phải? Roman yêu Boca, là một fan của đội bóng và sẽ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất đến với CLB. Roman là một người bạn khác mà bóng đá đã mang đến cho tôi và tôi hy vọng cậu ấy sẽ thành công. Cậu ấy chọn tham gia vào chính trường và không dành nhiều thời gian cho sân cỏ; nhưng mỗi người có con đường riêng của họ và tôi hy vọng Roman sẽ thành công.

Lionel Scaloni “Bóng đá bây giờ thừa mứa phân tích, quá tải thông tin, cầu thủ bị điều khiển từ xa” 5
 

Mới đây, tôi có đọc được một câu nói rằng ở Argentina, với bóng đá, người ta có thể không ăn nhưng ít nhất vẫn thở được. Nói vậy nghe chừng những người trẻ phải gánh vác quá nhiều trọng trách sao?

Đúng vậy, tôi đồng ý với điều đó. Tôi luôn nói rằng bóng đá vẫn chỉ là bóng đá và ở Argentina, mọi người không hiểu như vậy. Có những lúc chúng ta nghĩ rằng một trận bóng đá sẽ cứu mạng mình, hoặc một người hâm mộ cho rằng mọi thứ sẽ thay đổi nếu đội bóng họ yêu thích thắng hoặc thua. Đó là đặc trưng của nền văn hóa chúng tôi, của hoàn cảnh mà chúng tôi đang trải qua. Mọi người cảm ơn bạn vì đã vô địch World Cup và vì đã cho họ những trải nghiệm tuyệt diệu trong một tháng, khi vinh quang ấy đã thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống cho họ... Chuyện này chỉ xảy ra ở Argentina, ở cả khía cạnh tốt lẫn xấu. Tôi thì muốn chúng tôi đặt bóng đá vào đúng vị trí mà nó thực sự xứng đáng, một vị trí tuyệt vời, nhưng bóng đá không và không nên chiếm vị trí đầu tiên trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở Argentina là như vậy và mọi người hiểu nó theo cách đó. Dẫu vậy, tôi tin rằng dần dần mọi người sẽ nhận ra rằng bóng đá không chỉ có mỗi chiến thắng mới là quan trọng nhất, không phải cứ lên đỉnh vinh quang mới là tối thượng.

Bóng đá ngày nay thiếu gì và thừa gì?

Thừa quá nhiều những phân tích, quá nhiều. Thời nay ai cũng biết đối thủ chơi thế nào, có quá nhiều thông tin mà cuối cùng cái quan trọng nhất, là cầu thủ, đang bị điều khiển từ xa. Trong trường hợp của chúng tôi, tôi không biết với các đội khác thì thế nào, nhưng bạn có nguy cơ đánh mất đi bản chất của bóng đá, tước đi khỏi cầu thủ thứ tốt nhất mà họ có. Nếu bạn cứ liên tục nói với họ phải làm gì thì bạn sẽ ngày càng gặp rủi ro. Chúng tôi chỉ truyền tải những gì đúng đắn, những gì chúng tôi tin rằng chúng tôi phải truyền tải cho họ, những gì thực sự quan trọng, để không làm họ bị quá tải thông tin. Chúng ta đang đánh mất bản chất của bóng đá, không chỉ ở cấp độ chuyên nghiệp mà còn ở cấp độ trẻ. Các con tôi chơi ở Tây Ban Nha và chúng đang bị quá tải thông tin. Chúng nhận bóng và đã được yêu cầu phải làm gì.

Có lẽ vì vậy mà ngày càng ít cầu thủ giỏi rê dắt bóng.

Đúng thế. Chẳng còn ai rê bóng cả vì các cầu thủ vừa nhận bóng thì đã bị bảo “Chuyền đi!”… Tưởng tượng xem nếu khi Messi 8 tuổi, các HLV cứ liên tục bảo “Chuyền đi!”, thì chúng ta sẽ không có Messi như bây giờ. Thật kinh khủng! Bóng đá giờ đã trở thành một thứ quá lớn, ai cũng đọc, cũng học và nghĩ rằng chỉ cần như thế thôi là có thể huấn luyện được. Bạn yêu cầu một đứa trẻ 7 hay 8 tuổi, bảo nó phải chạy chéo sân, kèm người, bọc lót... Nó mới có 7 tuổi thôi mà! Hãy để nó được chơi bóng, để nó mắc sai lầm và khi nó 14 hay 15 tuổi thì ta bắt đầu sửa lỗi cho nó. Đây là lời nhắn nhủ cho tương lai. Bóng đá là một môn thể thao và vẻ đẹp của bóng đá không thể bị mất đi.

Lionel Scaloni “Bóng đá bây giờ thừa mứa phân tích, quá tải thông tin, cầu thủ bị điều khiển từ xa” 6
 

Cuối cùng, tài năng mới là thứ tạo nên sự khác biệt. Bóng đá là của các cầu thủ, không phải của các HLV.

Đúng ra thì phải như vậy. Nhưng có những HLV thì nghĩ khác, và điều này được xem là hoàn toàn bình thường. Một số HLV tin vào phương pháp của họ và cho rằng cầu thủ sẽ chơi tốt hay dở tùy thuộc vào những gì họ nói. Họ cho rằng nếu cầu thủ không làm theo những gì họ nói, thất bại sẽ ập tới. Quan điểm đó cũng có lý, nhưng theo tôi thì không hẳn vậy. Cầu thủ mới là người làm chủ trên sân, và nhiệm vụ của HLV là giúp họ làm những gì tốt nhất cho đội bóng. Mỗi người có một cách làm việc riêng. Ví dụ điển hình là với trẻ em. Khi mới 12 hoặc 13 tuổi, các em cần được chơi bóng và vui vẻ, chứ không nên bị HLV sửa sai quá nhiều. Việc đó sẽ khiến các em mất đi sự tự nhiên, tước đi khỏi các em bản chất của bóng đá và ngày càng ít cầu thủ có được sự tự tin như trước đây.

Ông đã sống ở Tây Ban Nha và có mối liên hệ mật thiết với đất nước của chúng tôi. Dựa trên hiểu biết và trải nghiệm của mình, ông cho rằng vì sao với niềm đam mê bóng đá ở đây, mọi người lại không đồng cảm với đội tuyển quốc gia như ở Argentina?

Thú thực là tôi chưa bao giờ hiểu được điều này. Sao lại như vậy được nhỉ?! Bởi vì chẳng hạn như ở Italia, đội tuyển quốc gia thực sự quan trọng, và tôi không nói rằng ở Tây Ban Nha thì đội tuyển không quan trọng, nhưng sự thật là nó không giống nhau. Khi đội tuyển quốc gia thi đấu, không có cảm giác cuồng nhiệt như khi Argentina, Brazil hoặc Italia thi đấu. Khó giải thích lắm! Nhưng khi Tây Ban Nha vô địch World Cup, mọi người đều ra đường ăn mừng và rất vui. Điều kỳ lạ là điều đó không tiếp diễn. Các bạn cần phải tìm kiếm niềm đam mê khi khoác lên mình chiếc áo đấu của Tây Ban Nha, để các cầu thủ cống hiến hết mình vì điều đó, và để người hâm mộ nhìn thấy, cảm nhận được tinh thần quyết tâm ấy. Đó là một sự lan tỏa, cộng hưởng. Từ năm 2010 đến nay đã có một sự thay đổi, nhưng vẫn cần phải thay đổi nhiều hơn nữa.

Ông có theo dõi Deportivo đều đặn không? Bài phát biểu của ông vào tháng 8 năm ngoái đã được người hâm mộ ở La Coruna đón nhận rất nồng nhiệt, bởi nó cho thấy ông thực sự dành tình yêu cho Deportivo sau 8 mùa giải khoác áo đội bóng trong giai đoạn đỉnh cao của Super Depor.

Đúng vậy, tôi rất yêu quý Depor, dù tôi không biết những gì tôi nói có mang lại suy nghĩ thế nào đối với mọi người. Tôi buồn vì Depor giờ đây đang phải chơi ở giải đấu hạng dưới, vì CLB không xứng đáng phải chịu cảnh như vậy. Tôi có thể tin rằng các CĐV của Malaga cũng sẽ nói điều tương tự, rằng Malaga không xứng đáng phải chơi ở hạng dưới. Nhưng Depor thực sự không xứng đáng ở đó. CLB đã mang lại quá nhiều niềm vui cho toàn bộ Tây Ban Nha trong những năm tháng đẹp đẽ, và thật đáng buồn khi chứng kiến cảnh ngộ của đội bóng hiện tại. Bằng cả tình yêu và tâm hồn, tôi mong rằng đội bóng sẽ trở lại, để mọi người biết Depor có ý nghĩa như thế nào. CLB có một lượng fan tuyệt vời, chơi ở Primera Federacion có 20.000 khán giả... Chúng ta cần mọi người lan tỏa và nhìn thấy Depor ở đỉnh cao một lần nữa. Tôi luôn nói rằng tôi sẽ quay lại CLB vì tôi mãi mãi biết ơn những gì thành phố đã mang lại cho tôi, chắc chắn là như vậy.

Vậy khi không còn dẫn dắt đội tuyển quốc gia Argentina, chúng tôi sẽ sớm thấy ông huấn luyện ở Tây Ban Nha phải không?

Ừ, ừ, ý tôi là huấn luyện ở đây. Mọi thứ đều cần có thời gian, nhưng Tây Ban Nha là mục tiêu của tôi, đó là ngôi nhà thứ hai của tôi, tôi biết bóng đá của các bạn và tôi yêu thích cuộc sống ở đó, một đất nước tuyệt vời. Và tôi luôn nói rằng nếu Depor cần tôi, tôi sẽ ở đó để chìa cánh tay ra giúp đỡ và trở thành người hâm mộ đầu tiên.

Hoàng Thông Le Foot dịch từ MARCA

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

X
top-arrow