Như bất kỳ cầu thủ nào của Thế giới bóng đá chuyên nghiệp, Lionel Messi cũng THÍCH một hoặc một vài đồng đội này hơn so với những người khác. Đó là lý do tại sao Messi muốn Barca đưa Neymar trở lại, muốn Suarez ra sân thường xuyên hơn dù thể trạng không tốt hay muốn Arturo Vidal được trọng dụng dù các đời HLV Barca đều coi tiền vệ người Chile là phương án dự phòng.
Đó là mùa Thu 2009. Pep Guardiola ngồi ở hàng ghế đầu trên xe bus CLB. Cạnh ông là người bạn - người cộng sự thân thiết Manuel Estiarte.
Điện thoại của Pep rung lên. Một tin nhắn mới. Nội dung: “Boss, em cảm thấy mình không còn có giá trị quan trọng với tập thể này nữa, thế nên….”. Tin nhắn của Lionel Messi. Người đang thu mình ở hàng ghế cuối xe bus.
Vào thời điểm ấy, tân binh đắt giá Zlatan Ibrahimovic đang tỏa sáng rực rỡ với thành tích “nổ súng” trong cả 5 trận đầu tiên của anh tại La Liga. Messi cũng sở hữu số bàn thắng tương đương. Giữa họ, đều đã có một pha kiến tạo giúp đối tác lập công.
Một sự kết hợp hoàn hảo? Không! Bởi người trẻ hơn và trầm tính hơn - ở đây là Messi - cảm thấy vị thế của mình bị đe dọa bởi “gã khổng lồ” Thụy Điển. Trong nỗi bất an, Messi chọn người anh tin tưởng nhất để giãi bày. Nhắn tin cho Pep!
Pep nhanh chóng sửa chữa “sai lầm”. Messi được Pep kéo từ cánh (phải) vào chơi ở trung tâm hàng công Barca, được trao nhiều không gian để thi triển tài năng hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn được coi là 1 trong những quyết định vĩ đại nhất của Pep, mở ra kỳ nguyên thành công tột bậc cho Messi nói riêng và Barca nói chung. Còn Ibrahimovic, anh rời Nou Camp chỉ sau 1 năm!
Có quá nhiều đổi thay tại Barcelona kể từ thời điểm ấy. Lionel Messi, từ một siêu tài năng trẻ đã vươn lên hàng ngũ những ngôi sao kiệt xuất nhất lịch sử bóng đá Thế giới. Đã là một người đàn ông trưởng thành, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn ở Nou Camp, cả trong và ngoài sân cỏ.
Nhưng có một thứ tuyệt nhiên không thay đổi, bất chấp Barca đã trải qua nhiều đời chủ tịch - HLV, hàng chục cầu thủ đã đến và đi trong ngần ấy năm. Đó là: giữ cho “số 10” luôn cảm-thấy-hạnh-phúc luôn phải là ƯU TIÊN hàng đầu, là NHIỆM VỤ tối thượng của CLB.
********
Tháng Hai vừa qua, Messi gửi một “tin nhắn” khác. Tất nhiên, lần này không phải là một gã trai cố giấu đi sự bất an nơi hàng ghế cuối xe bus Barca mà là trong phòng khách biệt thự của anh ở khu siêu giàu thuộc quận Castelldefels.
“Tin nhắn” của Messi không phải gửi cho Pep, mà là cho tất cả những ai quan tâm đến tình hình của Barcelona. Là phản ứng từ siêu sao Argentina sau bài trả lời phỏng vấn gây sốc của Eric Abidal, giám đốc thể thao CLB và cũng là người đồng đội cũ của Messi. Nói với Dario Sport, Abidal khẳng định việc HLV Ernesto Valverde bị sa thải hoàn toàn là do lỗi của cầu thủ.
“Tin nhắn” của Messi thực chất là một bài đăng khá dài trên Instagram cá nhân. “Thật lòng mà nói, tôi không thích làm điều này. Nhưng trong quan điểm của tôi, mỗi người phải có trách nhiệm với công việc và chịu trách nhiệm với quyết định mà mình đưa ra. Là cầu thủ, bạn phải chịu trách nhiệm với những màn trình diễn không tốt trên sân cỏ. Với những thành viên của BHL hay cấp quản lý, họ phải chịu trách nhiệm khi mọi thứ ở CLB không đi đúng hướng, đặc biệt là sau mỗi quyết định của họ. Cuối cùng, khi có ai đó muốn đổ lỗi hay chỉ trích cầu thủ của đội tôi nghĩ họ nên nêu đích danh những cái tên thay vì ám chỉ chung chung hay cào bằng tất thảy. Bởi những phát ngôn kiểu đó sẽ châm ngòi cho ngàn vạn tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng tiêu cực đến CLB”.
Ở cuộc phỏng vấn với Mundo Deportivo ngay sau đó, Messi đã không ngại ngần “tuyên chiến” với Abidal: “Tôi không biết thứ quái quỷ gì nhảy múa trong đầu Eric khi anh ấy nói ra những lời đó. Và tôi phản ứng lại (bài đăng trên Instagram) là bởi tôi cảm thấy mình là người bị-công-kích. Với tôi, những gì mà Abidal đã nói giống như mũi giáo sắc nhọn chĩa về phía tôi và các cầu thủ của Barcelona vậy”.
“Có quá nhiều điều đơm đặt về CLB này. Như chúng tôi - các cầu thủ kiểm soát mọi thứ trong phòng thay đồ đội bóng, đứng sau chuyện sa thải hay thuê mới một HLV, quyết định CLB sẽ mua người này, bán người nọ. Và trên tất cả là về tôi, như thể tôi nắm trong tay quyền lực tối thượng, vượt xa bất kỳ ai và tự mình đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh đội bóng” - Messi nói.
“Điều khiến tôi giận dữ là vì người nói ra những điều tệ hại đó lại là thành viên của “Ban kỹ thuật” CLB. Chẳng phải, việc thuê hay sa thải HLV là công việc của họ hay sao? Họ đưa ra quyết định thì phải tự gánh lấy trách nhiệm chứ, sao lại đổi lỗi cho chúng tôi? Đó là lý do khiến tôi phải lên tiếng để làm rõ điều này. Tôi không thể mặc kệ cho Giám đốc Thể thao của CLB tấn công mình theo cách như vậy”.
Khi được Mundo Deportivo hỏi, liệu tâm trạng thất vọng hiện tại có ảnh hưởng tới tương lai của mình tại Barcelona hay không, Messi trở lại với “trạng thái” quen thuộc của anh bằng câu trả lời mà bất kỳ culé nào cũng có thể đọc rõ từng chữ: “Tôi muốn cống hiến trọn đời cầu thủ cho Barcelona. Nhưng tôi cũng mong đợi BLĐ và tất cả các thành viên của CLB chia sẻ khát vọng đó”.
“Trong quá khứ, đâu thiếu cơ hội để tôi rời Barcelona. Có nhiều đội bóng muốn tôi và sẵn sàng chi đậm để phá vỡ điều khoản ràng buộc hợp đồng” Messi cho biết. “Nhưng trong đầu tôi, tuyệt nhiên chưa từng một lần xuất hiện ý niệm về việc chia tay Barcelona. Quá khứ đã vậy và hiện tại cũng thế. Cho đến khi nào Barca còn cần Messi, thì Messi vẫn ở đây thôi”.
*********
Cơn giận của Messi đối với những phát ngôn của Abidal là RẤT THẬT. Và thông điệp mà Messi gửi đi trên Instagram cũng như trong cuộc phỏng vấn với Mundo Deportivo chính là sự “phát nổ” của những ẩn ức tích tụ suốt nhiều năm qua.
Barcelona vừa chính thức mất chức vô địch La Liga vào tay kình địch Real Madrid, nhưng đó chỉ là hệ quả của những màn trình diễn đáng thất vọng giai đoạn hậu covid-19. Nhưng kể cả trước đó, khi Barca chơi tốt và giành kết quả tích cực thì tâm trạng của Messi vẫn chất chứa nhiều u sầu.
Cảm giác thất vọng lớn nhất chính là việc Messi hiểu rằng, mọi vấn đề của CLB này dù tốt dù xấu đều quy hết về bản thân anh. Rằng anh phải chịu trách nhiệm cho TẤT CẢ những biến cố ở Nou Camp. Điều này lý giải tại sao Messi phải nhấn mạnh về cái gọi là “trách nhiệm” đối với từng thành viên thuộc những phân cấp khác nhau của Barcelona.
“Ai làm sai người đó chịu. Cấp nào sai, cấp đó chịu. Chứ không phải cứ có chuyện là đổ vấy cho tôi - Messi”. Đó là thông điệp lớn nhất mà Messi muốn tuyên bố với tất cả. Đó là một phản ứng hoàn toàn dễ hiểu với một Messi đã có quá nhiều trải nghiệm về việc anh luôn-là-mục-tiêu-dễ-bị-tấn-công-nhất.
Nếu Antoine Griezmann không thể hiện tốt như đã từng thời còn đá cho Atletico - đó là vì Messi không chịu phối hợp với ngôi sao người Pháp. Nếu “sức khỏe” tài chính của Barcelona rơi vào tình trạng báo động - đó là vì Messi và cha anh Jorge chỉ chăm chăm vòi tiền. Nếu HLV bị sa thải - đó cũng là vì Messi - như cách mà Abidal ám chỉ sau “án trảm” dành cho Valverde…
Suy cho cùng, những câu chuyện kiểu này luôn hấp dẫn với đa số mọi người ở bên ngoài Nou Camp. Nhưng điều nguy hại là ở chỗ, ngay cả nhiều thành viên CLB cũng mặc nhiên coi đó là SỰ THẬT. Rằng Messi sở hữu một quyền lực tối thượng và chỉ cần “số 10” gọi một cuộc điện thoại hay gửi đi một tin nhắn là “Boom!!!”, một sự kiện lớn lao sẽ phát nổ tại Barcelona.
Câu chuyện có thật về tin nhắn Messi gửi Pep Guardiola hơn 1 thập kỷ trước là một bằng chứng cho thấy ngôi sao nhỏ bé người Argentina, dù ít nói, dù sống nội tâm, dù có phần nhút nhát thì trước sau vẫn luôn muốn là SỐ 1 ở Nou Camp. Và nhiệm vụ của những “đầu não” tại Barcelona là giữ cho Messi luôn hạnh phúc.
Nhưng có cầu thủ nào mà không muốn mình là số 1, là riêng, là duy nhất của CLB? Nhất là với một thiên tài bóng đá trăm năm có một như Messi! Có ai là không muốn mãi mãi hạnh phúc với công việc của mình, với nơi chốn mà mình đã cống hiến cả một thời thanh xuân? Nhất là với Messi, người thực sự đã góp phần làm thay đổi lịch sử hiện đại của Barcelona!
Nhưng trên thực tế, chẳng hề tồn tại bất kỳ sự liên quan nào giữa một Messi luôn-muốn-là-số-1 và một Messi nắm trong tay cả trời quyền lực tại Nou Camp cả. Nếu Messi thực sự là ông trùm có “quyền sinh sát” thì những chuyển động của Barcelona vài năm qua chắc chắn đã diễn ra theo hướng hoàn toàn khác.
********
Kể từ năm 2014, Barca đã đưa về Nou Camp cả thảy 30 cầu thủ mới với tổng phí chuyển nhượng lên tới 800 triệu euro. Và KHÔNG MỘT AI trong số này trước đó từng là bạn hay đồng đội của Messi ở các cấp độ đội tuyển Argentina. Messi từng ngỏ ý muốn chơi cùng những người-anh-em đồng hương như Sergio Aguero hay Ever Banega tại Barca, nhưng không một vụ chuyển nhượng nào liên quan được sắp đặt.
Messi đã làm tất cả những gì có thể trên cương vị một người đồng đội, một người anh lớn nhưng cũng chẳng thể giữ chân Neymar hồi Hè 2017. Suốt 3 năm qua, Messi đã nhiều lần công khai lên tiếng kêu gọi Barca đưa Neymar trở lại hay nhắn gửi mong muốn tái hợp với ngôi sao người Brazil nhưng rốt cuộc không có gì thay đổi hết. Thay vào đó chủ tịch Barcelona - Josep Maria Bartomeu đưa về từ Ousmane Dembele đến Philippe Coutinho và Antoine Griezmann!
Ở Barcelona vẫn còn lưu truyền một câu chuyện về Messi vài năm trước, rằng siêu sao người Argentina đã.. “mắt chữ A mồm chữ O” khi được BHL giới thiệu một tân binh mới gia nhập CLB ngay trước buổi tập sáng. Hợp đồng hoàn tất vào trưa hôm trước và Messi thậm chí còn chẳng biết một chút gì về sự kiện này.
Với các đời HLV Barcelona thì tên cái duy nhất có những liên kết rõ ràng với Messi là Gerardo Martino. Martino là người gốc Rosario (quê nhà Messi), là cựu cầu thủ - HLV của Newell’s Old Boy (CLB đầu đời của Messi), được cựu chủ tịch Sandro Rosell mời về dẫn dắt Barca ngay sau khi CLB hoàn tất thương vụ mua Neymar Hè 2013.
Messi đúng là đã được BLĐ Barca hỏi ý kiến trước khi chính thức bổ nhiệm Martino. Nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ “chỉ dấu” nào cho thấy việc HLV này hiện diện tại Nou Camp là bởi Messi muốn thế. SỰ THẬT: từ một tháng trước khi Messi biết Barca sẽ thuê Martino, chủ tịch Rosell đã đeo bám và thuyết phục HLV này. Mùa giải 2013/14 của Martino, Barca trắng tay trên mọi đấu trường và ông bị sa thải nhường chỗ cho Luis Enrique.
Với các HLV sau Martino, như Enrique, Valverde hay Quique Setien - dĩ nhiên lại càng không dính dáng gì đến Messi cả. Không có bất kỳ phát ngôn nào của Messi trước khi các chiến lược gia nêu trên được bổ nhiệm. Mối quan hệ của Messi với họ cũng không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Thậm chí giữa Messi và Enrique còn xuất hiện bất đồng lớn vào tháng 1/2015 nhưng cả hai sau đó đã giải quyết ổn thỏa trở thành tiền đề cho “cú ăn ba” mùa 2014/15.
(còn nữa)
Lược dịch: How much power does Messi really hold at Barcelona? (The Athletic)
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.
Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.