Lionel Messi: Hành trình ở nước Pháp bắt đầu

Tác giả CG - Thứ Năm 12/08/2021 19:09(GMT+7)

Tạm biệt Barcelona, giờ đây tâm trí của Messi đã ở Paris. Hành trình mới của La Pulga tại xứ lục lăng bắt đầu.

 
Lionel Messi đã khuấy động bầu không khí ở Paris. Ảnh: Getty Images

2 ngày qua, Paris nhộn nhịp hơn vì có sự xuất hiện của Lionel Messi. 2 hôm trước khi tiền đạo người Argentina chính thức gia nhập Paris Saint-Germain, rất đông người hâm mộ và giới truyền thông đã có mặt ở sân bay Le Bourget để đón Messi. Tại sân Parc des Princes, cổ động viên cũng đã chờ sẵn. Lúc đó, Messi còn chưa rời khỏi Barcelona nhưng sức nóng ở Paris đã được đẩy lên cao nhất.
 
Trong bài tường thuật của tờ L’Equipe về sự kiện đón Messi tới PSG, lúc 14h00 ngày 10/8 (tức khoảng 19h00 ở Việt Nam), lối vào sân bay Le Bourget đã kín đặc với rất nhiều cổ động viên của Messi đã đứng ở đó suốt 2 ngày trước đó. PSG đã phải cử khoảng 20 nhân viên an ninh có mặt tại sân bay từ 12 tiếng trước khi Messi đến. L’Equipe thuật lại lời của một cảnh sát với đồng nghiệp mình khi nhìn thấy hàng rào mà họ dựng ra đang bị lung lay: “Chúng ta phải làm gì đây nếu họ tràn qua?”
 
Và lúc 15h52 giờ địa phương (20h52 ở Việt Nam), Messi xuất hiện ở cửa sổ sân bay. Anh mặc chiếc áo phông có in dòng chữ “Đây là Paris”, vẫy tay chào tất cả người hâm mộ kèm một cười tươi. Đó là hình ảnh đầu tiên của La Pulga ở Paris. Mọi sự chú ý ở thành phố này sau đó đổ dồn vào chủ nhân của 6 Quả bóng vàng. Sự tiếp đón dành cho anh chẳng khác nào một nguyên thủ quốc gia với đoàn hộ tống hoành tráng ở trên đường. 
 
Messi đã đến, mang theo sự kỳ vọng lớn lao và khơi dậy cảm hứng. Hơn 10 năm trước, khi anh thực hiện cú solo siêu đẳng vào lưới Getafe, nhà báo Keir Radnedge đã viết trên tờ World Soccer về hưng cảm mà Messi tạo ra cho bóng đá Tây Ban Nha. Giờ đây, Messi lại tạo ra hưng cảm cho nước Pháp nói chung và thành Paris nói riêng.
 
Sự xuất hiện của Messi không chỉ đơn thuần là một cuộc chuyển nhượng bóng đá. ESPN tiết lộ đích thân ông Tamim bin Hamad Al Thani, Quốc vương Qatar kiêm chủ sở hữu PSG, đã chỉ đạo từ xa trong thương vụ này. Trong cuộc họp báo ra mắt Messi, ông Nasser Al-Khelaifi cũng khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử với CLB và bóng đá thế giới. Chúng tôi đã có cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”. Ký giả Julien Laurens gọi cựu cầu thủ Barcelona là “Hoàng tử mới của Paris”. Còn với Ligue 1, ngay cả khi quy định là số áo 30 chỉ dành cho thủ môn, họ cũng phải dành một ngoại lệ cho Messi.

Messi chào người hâm mộ Paris ở sân bay. Ảnh: Getty Images
 
Một năm trước, khi Messi gửi burofax tới Barcelona để đề nghị ra đi, PSG đã bày tỏ sự quân tâm tới siêu sao người Argentina. Tuy nhiên, thời điểm đó Messi được cho là muốn tới Manchester City hơn và cuối cùng thì anh không đi đâu cả. Nhưng theo ESPN, suốt 1 năm, PSG vẫn giữ sự liên lạc với Messi thông qua ông Jorge Messi, bố của anh. Vào tháng 1 năm nay, bản thân Giám đốc Thể thao Leonardo cũng từng khẳng định sẽ theo dõi diễn biến hợp đồng của Messi. Và như chính La Pulga thừa nhận trong cuộc họp báo ngày hôm qua, ngay khi Barcelona bất ngờ đưa ra thông báo về sự chia tay, PSG đã lập tức liên lạc. 
 
Kể từ đó, PSG bước vào một cuộc đua để có được đội trưởng Barca. Chủ tịch Al-Khelaifi, Phó Tổng Giám đốc Jean-Claude Blanc, Giám đốc Thể thao cùng các cộng sự đã làm việc cật lực trong suốt vài ngày để đưa ra một lời đề nghị chính thức. Thậm chí Al-Khelaifi và Leonardo không tới Troyes dự khán trận đấu đầu tiên của PSG ở Ligue 1 mùa giải mới để ở lại Paris chỉ đạo trực tiếp cuộc chuyển nhượng. Tuy chiêu mộ miễn phí chuyển nhượng nhưng các khoản phí khác dành cho chủ nhân 6 Quả bóng Vàng, người đã ghi 672 bàn thắng không hề thấp. 
 
Về mức lương của anh có nhiều thông tin khác nhau. Nhà báo Fabrizio Romano cho biết Messi sẽ nhận 35 triệu euro/mùa sau thuế, trong đó bao gồm phụ phí. The Athletic thì tiết lộ siêu sao Argentina nhận phí lót tay 25 triệu euro kèm mức lương 25 triệu euro mỗi năm.  Trong khi tờ Le Parisien cho biết tân binh của PSG sẽ kiếm 41 triệu euro mỗi năm tại PSG đồng thời nhận mức phí lót tay 40 triệu euro.
 
Dù thế nào thì đó cũng đều là những con số rất cao và việc luật Công bằng Tài chính không được áp dụng ở mùa này là một phần giúp PSG có thể chiêu mộ Messi. Trong khi đó, quá trình soạn thảo hợp đồng được tiến hành rất nhanh chóng nhưng phải cực kỳ chính xác. Trong bản hợp đồng mà ESPN tiết lộ dày tới 70 trang ấy bao gồm rất nhiều các điều khoản khác nhau liên quan đến các hợp đồng tài trợ, quảng cáo của cá nhân Messi và các đối tác thương mại của PSG để hai bên không xung đột lợi ích của nhau.

Ban lãnh đạo PSG đã làm việc cật lực trong vài ngày để tiến hành chiêu mộ Messi. Ảnh: Paris Saint-Germain
 
Cuối cùng, khi mọi thứ được thống nhất, sau khi Messi đã kết thúc cuộc chia tay với những người bạn thân tại nhà riêng của mình ở Barcelona, anh lên đường tới Paris. Tại vùng đất mới, anh lại được tái ngộ những người bạn khác của mình như Angel Di Maria, Leandro Paredes và đặc biệt là Neymar. Ngay từ năm ngoái, sau một trận đấu của PSG ở Champions League, tiền đạo người Brazil đã công khai mong muốn thi đấu cùng Messi: “Tôi muốn lại được sát cánh cùng anh ấy”. 
 
Anh là cầu thủ PSG đầu tiên nói chuyện với Messi sau khi Barca đưa ra thông báo chia tay đội trưởng của họ. Neymar đã gọi điện trực tiếp cho Chủ tịch Al-Khelaifi để đề nghị đẩy nhanh quá trình đàm phán. Và cũng chính số 10 của PSG đã đưa ra dòng thông báo Messi đến PSG khi đăng lên story của Instagram hình ảnh họ ăn mừng với nhau kèm dòng chữ “Trở lại với nhau” dù đội bóng thủ đô nước Pháp còn chưa đưa ra thông báo chính thức. 
 
Và phần còn lại, là lịch sử. Như chủ tịch Al-Khelaifi đã nói, đây đích thực là một sự kiện lịch sử của Paris Saint-Germain. Trong suốt 10 năm qua, những cột mốc lịch sử của PSG thường gắn với những thương vụ mua bán. Đầu tiên là họ được Hoàng gia Qatar mua lại, sau đó là thương vụ chiêu mộ Zlatan Ibrahimovic, siêu sao đầu tiên của Les Parisiens dưới kỷ nguyên Qatar. Kế đến là thương vụ kỷ lục thế giới 222 triệu euro mang tên Neymar vào năm 2017, và bây giờ là Messi.
 
Nhưng không chỉ riêng PSG, đó còn có thể là ngày lịch sử của bóng đá Pháp. Tờ L’Equipe phân tích rằng với việc các CLB mất 400 triệu euro tiền bản quyền truyền hình khiến các CLB Pháp gặp khủng hoảng tài chính mà nguyên nhân sâu xa từ việc sức hấp dẫn quá thấp của Ligue 1, Messi sẽ thay đổi điều đó. Ông Vincent Labrune, Chủ tịch Giải Bóng đá nhà nghề Pháp (LFP), đơn vị quản lý Ligue 1 và Ligue 2, thậm chí đã cảm ơn Al-Khelaifi và ca ngợi Messi trên trang chủ LFP.

Giờ đây, hành trình của Messi là ở PSG. Ảnh: Getty Images
 
Trong khi đó, ông Jean-Michel Aulas, Chủ tịch CLB Lyon, chia sẻ về sự xuất hiện của Messi ở Ligue 1: “Đây là điều tuyệt vời với tất cả chúng ta. Đối với bản quyền truyền hình và giá trị marketing của Ligue 1 nói chung, đó chắc chắn là điểm cộng”.
 
Ngay lập tức, sức hút của Messi đã được thể hiện qua việc 150.000 áo mà PSG bày bán trên trang chủ đã được bán sạch chỉ trong vòng 7 phút. Về khía cạnh thương mại, quảng cáo, rõ ràng Ligue 1 và PSG đều có lợi. Nhưng sau cùng, điều mà người hâm mộ cũng như ban lãnh đạo PSG mong muốn chính là Messi sẽ mang về cho phòng truyền thống của CLB chiếc cúp Champions League đầu tiên, điều họ đã suýt chút nữa làm được. Và đó cũng chính là khát khao của siêu sao 34 tuổi.
 
Tạm biệt Barcelona, giờ đây tâm trí của Messi đã ở Paris. Hành trình mới của La Pulga tại xứ lục lăng bắt đầu.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.