“Cậu ta đã quên mất cậu ta đến từ đâu rồi, cậu ta đã mất gốc rồi” – Có lẽ đó là cách chỉ trích đơn giản nhất hướng vào ai đó đã từng có một thời thơ ấu khốn khó bỗng chốc trở thành một ngôi sao có trong tay mọi thứ.
|
Lilian Thuram: Người bước ra từ bóng tối5 |
Những danh thủ bóng đá quá quen với những lời lẽ khó nghe ấy, nhưng Llilian Thuram thì không. Bạn có thể tìm ra một vài lí do khác để chỉ trích anh, còn với Thuram, nguồn cội là những gì thiêng liêng nhất.
Sinh ra từ một hòn đảo tươi đẹp thuộc bờ biển Caribbean ở Guadeloupe (thuộc Pháp) năm 1972, rồi sau đó chuyển về thủ đô năm lên chín, Thuram lớn lên và trở thành một đại diện tiêu biểu không chỉ cho lịch sử thể thao của Pháp mà còn đại diện cho lịch sử đất nước hình lục lăng nói chung. Và câu chuyện ngày hôm nay kể về một cậu bé có tuổi thơ gắn liền với những con phố nhỏ nhưng lại có ước mơ lớn lao hơn – ước mơ thu gọn thế giới trong lòng bàn tay – và cậu bé ấy đã đạt được nguyện ước.
Guadeloupe – một phần lãnh thổ nhỏ bé thuộc Pháp lại là nơi sản sinh ra rất nhiều những danh thủ vĩ đại của bóng đá Pháp, trong số đó có thể kể đến chân sút tốt nhất trong lịch sử Les Bleus: Thierry Henry và anh - Thuram – người nắm giữ kỉ lục về số lần khoác áo ĐTQG.
Như nhiều người khác, mẹ của Thuram – người mẹ đơn thân Mariana đã rời hòn đảo nhỏ để tới Pháp mưu sinh. Nhưng tội nghiệp thay, trong khi bà đi kiếm công ăn việc làm, bà phải để cậu con trai nhỏ bé cho những người bà con. Cho dù đó là một quyết định khó khăn nhất nhưng bà biết đó là cách duy nhất để bà mang đến cuộc sống tốt hơn cho gia đình nhỏ của mình.
Sau bốn năm, bà được gặp lại cậu con út sau khi bà nhờ người gửi cậu bé từ Guadeloupe đến Paris. Bà hi vọng cuộc sống ở Pháp và những gì bà đã hi sinh sẽ giúp cậu bé có cơ hội trở thành một người đặc biệt nào đó. Với cậu bé, cậu hoàn toàn tin tưởng và kính trọng mẹ, trong khi đó, không có một sợi dây liên lạc nào giữa cậu và cha ruột của mình.
Cha của Thuram đã bỏ đi từ khi cậu còn đỏ hỏn. Khi lớn lên, cậu có gặp ông một lần nhưng điều đó chẳng có nhiều ý nghĩa đối với cuộc đời của Thuram.
Hàng ngày, khi mẹ cậu đi làm, Thuram dành phần lớn thời gian chơi bóng trên các con phố ở Fontainebleau, một khu ngoại ô ổ chuột biệt lập phía đông nam thủ đô hoa lệ. Cậu chơi bóng vui vẻ với bạn bè – những cậu nhóc đến từ những gia đình nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Trong mắt cậu, những gì xung quanh Paris không hẳn đẹp nhất nhưng lại khiến cậu vui nhất.
Năm 1991, từ những con phố ở Paris, Thuram chuyển tới Monaco tràn ngập ánh sáng, nơi cậu bắt đầu sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp. Và cũng chính nơi đây, những cặp mắt từ không chuyên cho đến khó tính đã ấn tượng với khả năng phòng ngự vững chắc của Thuram cùng nền tảng thể lực sung mãn cũng như cách chàng trai trẻ đọc trận đấu.
|
Lilian Thuram trong màu áo Monaco |
Thời điểm đó, bóng đá Pháp đang trải qua thời kì thất vọng trên đấu trường thế giới khi họ không thể tham dự World Cup 1994. Thuram lúc ấy là một trong những cầu thủ trẻ được trao cơ hội thay đổi vận mệnh bóng đá nước nhà. Như một thời khắc lịch sử, trong lần thứ tư dẫn dắt ĐT Pháp của HLV Aime Jacquet, ông đã đưa hai chàng trai trẻ Thuram và Zinedine Zidane chào sân. Thời điểm ấy, ông đâu biết được rằng, màn ra mắt ấy lại chính là khởi đầu cho một trong những đội hình xuất sắc nhất mọi thời đại.
Trở lại với mặt trận các CLB, màn trình diễn của Thuram khiến các ông lớn khi đó giành giật nhau, thế nhưng Parma là đội bóng cuối cùng có được chữ kí của anh. Carlo Ancelotti đã mang đến cho Parma những nhân tố đặc biệt và Thuram được bổ sung để trở thành một phần của đội bóng gồm những tài năng như Fabio Cannavaro, Gianluigi Buffon and Hernán Crespo. Buffon, Cannavaro và Thuram đều đã vô địch World Cup trong sự nghiệp của mình, trong khi đó Crespo vượt qua Diego Maradona trở thành chân sút xuất sắc nhất mọi thời đại của Argentina. Năm 1997, Parma kết thúc giải quốc nội ở vị trí thứ hai – năm đầu tiên của Thuram ở CLB và là khởi đầu cho chặng đường chinh phục những danh hiệu mới của Parma.
|
Lilian Thuram trong đội hình toàn sao của Parma |
Khi anh có mặt ở Clairefontaine để bắt đầu luyện tập cùng ĐT Pháp trước thềm World Cup 1998 – kỳ WC anh và đồng đội được chơi ở sân nhà. Tuy nhiên, chính trị gia cánh hữu của Pháp - Jean-Marie Le Pen đã đưa ra những lời bình luận gây tranh cãi trên khắp các mặt báo. Ông ta cho rằng mình chẳng thể nhận ra ĐT Pháp nữa bởi có quá nhiều “Cầu thủ da đen”. Thuram là một trong nhiều người đã lên tiếng phản đối ông này. “Họ không chọn Barthez chỉ vì anh ta da trắng, họ không chọn Thuram chỉ vì anh ta da đen. Họ chọn Barthez và Thuram bởi họ đều là người PHÁP.”
----
Cho dù Les Bleus khởi đầu có phần không mấy suôn sẻ với chiếc thẻ đỏ trực tiếp của Zidane, tuyển Pháp đã đi đến trận bán kết sau loạt luân lưu cân não với Italia. Họ phải đối đầu với Croatia, đội bóng đã từng hạ gục Germany trong lượt trận tứ kết. Với sự tỏa sáng của Davor Suker, Croatia mang đến những bất ngờ lớn cho giải đấu, họ có mặt ở bán kết với tâm thế của một đội bóng đang làm nên những điều kì diệu.
Và trận đấu đó cũng chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của Lilian Thuram. Mặc dù vậy, như các câu chuyện kinh điển khác, nhân vật chính trước khi bước ra ánh sáng làm người hùng, họ đều phải trải qua đêm đen đầy khắc nghiệt. Thuram là một nhân vật như thế. Bàn thắng mở tỉ số của Suker như một gáo nước lạnh cho anh và các đồng đội. Trong khoảnh khắc những người Croatia ăn mừng như vỡ òa, anh đứng đó nhìn bần thần, ánh mặt như đang nung nấu ý chí đưa đội bóng của mình thoát khỏi tình cảnh ấy càng sớm càng tốt.
|
Lilian Thuram lặng lẽ ăn mừng bàn thắng |
Thế rồi, hai bàn thắng được thực hiện bằng cả hai chân, thật bất ngờ, chúng đến từ chân của một hậu vệ. Thuram trở thành người hùng đưa tuyển Pháp vào tới trận chung kết. Cụm từ “from zero to hero” cũng từ đó mà được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Trong những khoảnh khắc vui mừng tột độ, ngay cả chúng ta cũng bối rối, không biết phải làm gì. Những bàn thắng đủ để cho một cầu thủ lột áo và chạy khắp sân như thể muốn ào ra cùng với người hâm mộ. Nhưng với Thuram, anh chỉ đơn giản ngồi xuống, đầu gối tì xuống mặt cỏ và chỉ đợi các đồng đội chạy đến ôm chầm mình cùng ngón tay đặt trên môi.
“Tôi không biết tôi là ai và đang ở đâu khi đó nữa, cứ như một giấc mơ vậy.” Sau trận đấu, đồng đội vác anh lên vai và tôn thờ anh như một vị tổng thống. Giá mà anh có làm vài ly sau trận thì có lẽ anh cũng chẳng phải tốn một xu nào.
Sau trận bán kết ấy, Josepth Lother, người chưa từng một lần liên lạc với con trai mình, đã xuất hiện và tự nhận mình là cha của Thuram. “Tôi mừng cho Lilian, một cậu bé tài năng.” Thuram chẳng hề để ý. “Tôi ngạc nhiên trước hành động của Mr Josepth Lother, người đã sinh ra tôi nhưng tôi không thể nhận ông ta là cha mình được. Ông ta khác xa với khái niệm “người cha” trong tôi. Một người cha là phải biết nuôi dưỡng con trai của mình, phải biết khuyên bảo con và vạch đường đi cho con mình. Mẹ tôi mới là người làm tất cả.”
Vài đêm sau đó, Thuram trở thành bất tử trong lịch sử của Pháp: Một nhà vô địch thế giới. Và đương nhiên, anh đóng một vai trò quan trọng trong đội hình Pháp ngày ấy, khiến Jean-Marie La Pen phải hổ thẹn với câu nói trước đó của mình. “Tôi ư? Nhà Vô địch thế giới? Sinh ra ở Guadeloupe, một cậu bé nghèo ở Paris, nhà vô địch ư? Không, tôi vẫn không thể tin được.”
Khi mọi chuyện trở nên êm đẹp, Thuram quay lại Parma mùa giải 1998-99. Mùa giải đáng nhớ với những ai thuộc về CLB đã làm nên cú ăn ba lịch sử: Coppa Italia, Siêu Cúp Italia và Cúp UEFA.
Vào cuối mùa giải sau đó, anh tiếp tục đóng góp cho đội tuyển Quốc gia. Với cương vị là nhà vô địch thế giới, Pháp có cơ hội bổ sung chức vô địch Euro vào bộ sưu tập của mình và trở thành đội bóng ở Châu Âu đầu tiên giành chức vô địch trong hai giải đấu quốc tế liên tiếp. Ở Euro 2000, Thuram khá trầm lặng nhưng chưa hề mất đi hiệu quả, anh không ồn ào và tỏa sáng như một anh hùng – điều mà anh đã làm hai năm về trước. Anh chơi đúng phận sự của mình như một cỗ máy trơn tru. Và sau khi đánh bại Italia trong trận chung kết ở Rotterdam, anh trở thành nhà vô địch Châu Âu. Tên anh lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu năm ấy, trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Pháp.
Đến lúc này, là một nhà vô địch thế giới và vô địch Châu Âu, Thuram có nhiều hoài bão lớn lao hơn những gì Parma đang đem lại. Anh yêu màu áo Gialloblu nhưng anh biết con tim anh đang hướng về một CLB khác, một nơi vĩ đại hơn. Anh đóng góp cho Parma thêm một mùa giải nữa trước khi anh quyết định ra đi. Cuối mùa giải 2000-01, Juventus đưa ra con số 25 triệu bảng để có được anh. Parma đồng ý, Thuram trở thành hậu vệ đắt giá nhất trong lịch sử, vượt qua giá 18 triệu bảng và Leeds đã phải trả cho West Ham để mang Rio Ferdinand về.
|
Lilian Thuram của Lão Bà |
-----
Marcello Lippi đã mang về một hàng thủ vững chắc cho Juventus khi đó. Không chỉ có sự xuất hiện của Thuram mà còn có chàng trai Buffon đầy hứa hẹn. Và bạn biết sức mạnh của Juventus là như thế nào rồi đấy. Thuram đã có 41 lần ra sân trong mùa giải 2001-02 và giúp Lão Bà giành được scudetto mùa giải năm ấy.
Một lần nữa, cuối mùa giải 2001-02, anh trở về làm nhiệm vụ quốc gia. Tuy vậy, World Cup 2002 lại là một kỉ niệm đáng buồn của anh và các đồng đội khi Les Bleus chia tay giải mà không có nổi một trận thắng, thậm chí là một bàn thắng.
Anh quay lại Juve mùa giải 2002-03 để chứng minh khả năng của mình trong khi giá trị các cầu thủ Pháp trên thị trường chuyển nhượng đang giảm mạnh từ sau kỳ World Cup đáng thất vọng. Anh đã giúp Bianconeri giành thêm một danh hiệu vô địch Serie A và đưa CLB đến trận chung kết Champions League – danh hiệu còn thiếu trong bộ sưu tập của anh.
Nhưng sự thiếu vắng Nedved trong trận chung kết đã khiến Juve giảm đi nhiều sức mạnh khi đối đầu với Milan. Hai đội bóng đến từ Ý cống hiến cho bóng đá thế giới một trận cầu đậm chất phòng ngự kiểu Ý để rồi kết quả sau 90 phút thi đấu chỉ là hai số 0 tròn trĩnh. Và Milan là những người bản lĩnh hơn, chiến thắng sau loạt đá 11m may rủi.
Mùa giải tiếp theo chứng kiến sự bết bát của Juventus khi họ không thể kiếm nổi một danh hiệu, thêm vào đó là kì Euro 2004 đầy thất vọng: tuyển Pháp đã để thua nhà vô địch năm ấy – Hy Lạp. Sau tất cả những nỗi buồn liên tiếp ấy, Thuram quyết định giã từ màu áo đội tuyển quốc gia.
----
Thuram không bao giờ quên mình đã từng là một cậu nhóc lớn lên từ khu phố ổ chuột và rồi cậu nhóc ấy đã đạt được ước mơ mà nhiều cậu bé khác đã từng mơ ước. Anh luôn bảo vệ cho những người có cùng hoàn cảnh với mình. Chính vì thế, khi có một cuộc bạo loạn nổ ra ở Pháp tháng Mười Một năm 2005, Thuram đã khiến rất nhiều người chỉ trích mình. Anh đứng về phía đám thanh niên trẻ bảo loạn đó, hơn là theo phe các chính trị gia. Khi Nicolas Sarkozy, bộ trưởng Nội các đã mô tả đám thanh niên đó là “cặn bã”, điều này làm Thuram phát điên. Hậu vệ huyền thoại phản bác: “Họ là cặn bã thì tôi đâu khác gì họ. Đúng là tôi đã trở thành một cầu thủ bóng đá thành công nhưng đó là trường hợp ngoại lệ và hiếm thấy. Hầu hết những đứa trẻ ở vùng ngoại ô đều không có điều kiện phát triển, chính vì thế chúng mới bạo loạn. Tôi không bào chữa cho hành vi đó, nhưng tôi thấu hiểu chúng.”
Người dân Pháp chia thành hai phe sau phát ngôn ấy của anh. Đó có thể là những phát ngôn gây tiếng vang nhất trong sự nghiệp làm chính trị của Thuram, nhưng đó chưa phải là tất cả. Chưa đầy một năm sau, anh lại đối đầu với Sarkozy một lần nữa. Lần này là vì anh đã mời 80 người đã bị Sarkozy trục xuất ra khỏi căn hộ họ đang sống bất hợp pháp đến xem một trận đấu của tuyển Quốc Gia.
----
Quay lại câu chuyện bóng đá, mặc dù năm 2004, Thuram đã tuyên bố giải nghệ nhưng năm 2005, anh đã trở lại với màu áo xanh để giúp Pháp vượt qua vòng loại để tham dự VCK Thế giới 2006.
Mùa hè ở Đức, Pháp khởi đầu khá chậm chạp. Một chiến thắng và hai trận hòa chỉ giúp họ kết thúc vòng đấu bảng với vị trí thứ hai sau Thụy Sĩ. Khi đối đầu với một Tây Ban Nha hùng mạnh, Les Bleus đã chứng tỏ họ là đội xứng đáng hơn với chiến thắng 3-1 mà ở đó Zidane là ngôi sao sáng nhất. Tiếp đến là gã khổng lồ Brazil, đội bóng đã bị hạ gục bởi bàn thắng của Henry, màn trình diễn thuyết phục của Zidane và kinh nghiệm của Thuram nơi hàng phòng ngự. Đội bóng xứ sở lục lăng đường hoàng tiến vào bán kết.
ĐT Pháp khi ấy là tổng hòa của sức trẻ và kinh nghiệm từ những lão tướng. Giống như năm 1998, họ đập tan mọi nghi ngờ để rồi chạm trán Bồ Đào Nha ở trận bán kết. Ở đó, Thuram tạo dựng niềm tin cho cả đội khi anh ngăn chặn hiệu quả một Ronaldo trẻ trung và kĩ thuật, trong khi đó Zidane vẫn tỏa sáng như thường lệ, giúp ĐT Pháp giành vé vào chung kết.
Trận chung kết năm 2006 luôn được gợi nhớ với hình ảnh của Zidane và một hậu vệ khác là Materazzi, không phải Thuram. Anh và các đồng đội đã gục ngã tại chấm phạt đền và nhìn tuyển Ý nâng cao chiếc cup vô địch. Tuy vậy, các cầu thủ Pháp vẫn trở về nhà và được chào đón như những người hùng.
Cùng lúc ấy, cơn bão Calciopoli khiến cho bóng đá Italia rúng động. Juventus bị giáng xuống Serie B. Trong khi một số cầu thủ ở lại giúp vực dậy Lão Bà, Thuram là một trong số những người quyết định chia tay đội bóng áo trắng đen. Và Barcelona là CLB được chọn. Anh đã ở đó, chơi bóng cho một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới.
Thật không may, thời điểm đó là thời điểm Barcelona bắt đầu gặp khủng hoảng. Frank Rijkaard không còn làm chủ được phòng thay đồ, các cầu thủ luôn tranh cãi với nhau trong lúc tập luyện. Thuram đã phải trải qua khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cả hai mùa giải anh chơi bóng ở đó.
Hợp đồng với Barca kết thúc vào năm 2008, anh trở về Pháp để tham dự Euro 2008. Tuy nhiên, màn trình diễn thiếu thuyết phục đã khiến họ bị loại ngay từ vòng bảng. Sau 141 lần khoác áo cho đội tuyển Quốc Gia, Thuram chính thức nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế với vốn liếng chính là hai bàn thắng vào lưới Croatia anh ghi được trước đó một thập kỉ.
|
Lilian Thuram và kì World Cup cuối cùng |
Sau khi rời Barca, anh đầu quân cho Paris Saint-Germain. Còn gì hoàn hảo hơn khi kết thúc sự nghiệp của mình ở thành phố mình yêu mến, thế nhưng điều đó đã không xảy ra với Thuram. Một cuộc kiểm tra y tế cho có lệ đã phát hiện anh có một quả tim to bất thường. Và người ta bắt đầu lo sợ, biết đâu thế giới lại có thể phải chứng kiến thêm một sự ra đi đau lòng trên sân cỏ…Chính vì vậy, Thuram đành phải dừng bước để tránh những rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy là khát vọng được thi đấu tiếp dù tuổi đã cao của Thuram cho Paris St Germain không thành.
Kể từ khi giải nghệ, anh tham gia nhiều hơn vào con đường hoạt động xã hội. Anh hòa vào dòng người biểu tình cho việc hôn nhân đồng giới, tham gia phát biểu về nạn phân biệt chủng tộc. Anh cũng thành lập Quỹ Lilian Thuram để phản đối lại nạn phân biệt chủng tộc thông qua giáo dục.
Có thể Thuram không phải là cầu thủ nổi tiếng nhất của tuyển Pháp, nhưng những kỷ lục mà Thuram tạo lập đã biến anh thành một tượng đài sống. Từ France 98, đến Serie A những năm đỉnh cao, cho đến World Cup 2006, Thuram giống như những gì tiêu biểu cho bóng đá của cả một thời đại - một thập kỉ xuất hiện một chính trị gia làm hậu vệ tuyệt vời.
Dịch từ:
Lilian Thuram: the legend who came from nothing
VIC (TTVN)