Thời điểm này, câu hỏi “liệu Lionel Messi có xuất sắc hơn Cristiano Ronaldo (hay bất kỳ cầu thủ bóng đá nào khác) hay không?” đã trở nên hoàn toàn lỗi thời. Chức vô địch World Cup 2022 đã chính thức đưa sự nghiệp của siêu sao người Argentina đạt đến mức độ “hoàn hảo” và là một cú chốt hạ quá đanh thép về vị thế G.O.A.T của anh. Giờ đây, đã đến lúc chúng ta nên đặt ra một câu hỏi hoàn toàn mới về người đàn ông này, đó là: Liệu Lionel Messi có phải VĐV thể thao vĩ đại nhất mọi thời đại hay không?
TẠI SAO LIONEL MESSI LÀ CẦU THỦ BÓNG ĐÁ VĨ ĐẠI NHẤT MỌI THỜI ĐẠI
Về khả năng ghi bàn, Messi và Ronaldo gần như tương đương nhau. Tuy Stats Perform chỉ có các dữ liệu từ năm 2010 đến nay, nhưng trên khắp 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (Anh, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Pháp), họ là hai cầu thủ duy nhất có thể ghi ít nhất 300 bàn thắng “non-penalty” (nghĩa là số pha lập công không bao gồm penalty) trong khoảng thời gian đó. Thành tích của Messi là 347 bàn, còn của Ronaldo là 316. Bởi vì Ronaldo lớn hơn Messi 2 tuổi, có lẽ việc chỉ tính thành tích nổ súng trong khoảng thời gian đó sẽ giúp Messi có lợi thế hơn một chút, vì vậy, chúng ta có thể hào phóng và chấm 2 người họ ngang sức nhau về khía cạnh này.
Cả hai người họ đều nằm trong nhóm 10 cầu thủ có ít nhất 100 pha kiến tạo tại Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu kể từ đầu mùa giải 2010-2011. Ronaldo đứng thứ 7 với 105 bàn… và đây là lúc mà việc so sánh hai người họ với nhau là rất thừa thãi, ngớ ngẩn và phí thời gian vô ích. Trong cùng khoảng thời gian đó, Messi đã có đến 179 pha kiến tạo – một thành tích vô song. Cộng thành tích bàn thắng và kiến tạo lại với nhau, điều đó đồng nghĩa rằng Messi đã trực tiếp góp dấu giày vào 526 bàn thắng “non-penalty” kể từ năm 2010. Ronaldo đứng thứ hai với thành tích 421. Nói cách khác, số bàn thắng “non-penalty” mà Messi đã trực tiếp góp dấu giày vào nhiều hơn 25% so với thành tích của người đứng thứ hai. Trên thực tế, Ronaldo gần với cầu thủ đứng vị trí thứ tư là Luis Suarez (331) hơn là Messi.
Những điều đó được thể hiện qua biểu đồ dưới đây:
Trong bài phân tích này, chúng ta đang suy luận trên nền tảng tiền đề là các cầu thủ tấn công nói chung chính là những người giỏi nhất trong thế giới bóng đá, bởi vì việc tạo ra các bàn thắng là cực kỳ khó, những cầu thủ đắt giá nhất trên thị trường chuyển nhượng chính là các tiền đạo và việc ghi bàn đòi hỏi độ chính xác cao hơn nhiều so với các nhiệm vụ phòng ngự và đá tiền vệ. Dựa trên tiền đề đó, kết hợp nó với biểu đồ trên và bạn sẽ có – rất rõ ràng – cầu thủ bóng đá giỏi nhất thế giới.
Ngay cả khi bạn sử dụng thước đo trên, tầm ảnh hưởng của Messi trên sân đấu cũng sẽ bị “underrate” (bị đánh giá thấp so với thực lực) một cách trầm trọng. Anh không chỉ là cầu thủ ghi bàn và kiến tạo giỏi nhất bóng đá hiện đại, mà còn là người giỏi nhất trong việc rê dắt bóng và tạo ra “các đường chuyền làm dấy lên ‘bão táp’”. Tính từ năm 2010, Messi đã có đến 1.816 pha đi bóng qua người thành công. Cầu thủ duy nhất còn lại có trên 1.000 pha qua người thành công trong khoảng thời gian đó là Eden Hazard (1.188).
Để đo lường “khả năng thực hiện các đường chuyền làm dấy lên ‘bão táp’”, chúng ta có thể nhìn vào “những đường chuyền đưa bóng vào vòng cấm”. Đường chuyền trực tiếp kiến tạo nên bàn thắng không phải lúc nào cũng là đường chuyền có giá trị lớn nhất trong một đợt tấn công, mà có thể là đường chuyền tiền kiến tạo hoặc đường chuyền trước đường chuyền tiền kiến tạo. Có thể nói rằng, khi quả bóng được đưa vào vòng cấm là lúc trận đấu thay đổi mạnh mẽ nhất, và dựa trên “giá trị” cực lớn và độ đông đúc của khu vực này, các chân chuyền tốt nhất chính là những người thường xuyên thành công trong việc chuyền bóng vào vòng cấm nhất.
Tính từ năm 2010, Messi đã có 1.992 đường chuyền đưa bóng vào vòng cấm đối thủ thành công – nhiều hơn tận 500 so với người đứng thứ hai là David Silva (1.404).
Dưới đây chính là biểu đồ về khả năng qua người và chuyền bóng vào vòng cấm của các cầu thủ thi đấu ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu tính từ năm 2010.
Messi đã thống trị trong nhiều khía cạnh tấn công đến mức đã xuất hiện một trang Reddit dành riêng cho chuyện này mang tên “Top Right Messi”, cái tên này được đặt dựa trên việc siêu sao người Argentina thường xuyên độc tôn chiếm lĩnh vị trí góc trên cùng bên phải của các biểu đồ (ví dụ như 2 biểu đồ trên).
Hiện tại, với việc Messi đang được ca tụng là G.O.A.T, vậy thì đáng lẽ ra phải có ít nhất một lập luận hợp lý liên quan đến các cầu thủ của những thời đại trước, ví dụ như Diego Maradona, Johan Cruyff, Pele, Alfredo Di Stefano và Ferenc Puskas, phải chứ? Nhưng những so sánh đó thực sự rất khó thực hiện, bởi vì bóng đá đã trở nên toàn cầu hoá hơn trong 3 thập kỷ qua. Gần như tất cả những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay đều chơi bóng ở châu Âu, hoặc đối đầu trực tiếp với nhau tại cùng một giải VĐQG, hoặc chinh chiến ở những giải VĐQG có chất lượng tương đương nhau. Huyền thoại Diego Maradona từng giành chức vô địch Serie A cùng một Napoli ban đầu vốn không được đánh giá cao trong cuộc đua vô địch. Nhưng ông cũng thường xuyên có những mùa giải mà thành tích ghi bàn chỉ ở mức 1 con số. Cruyff và Puskas đã chơi bóng ở những thời đại mà họ phải xoay sở trước sự cạnh tranh gay gắt, sít sao từ những hảo thủ châu Âu khác. Và mặc dù Pele đã ghi được vô số bàn thắng trong sự nghiệp, nhưng ông chưa bao giờ thi đấu ở châu Âu cả.
Với mức độ toàn cầu hoá, chuyên nghiệp hoá và cái thực tế rằng tính cạnh tranh của cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp đã trở nên cao nhất từ trước đến nay và sẽ ngày càng cao hơn nữa, so với các thời đại trước thì cực kỳ, cực kỳ khó để đạt đến được vị thế thống trị như Messi. Nhân tiện, Ronaldo có thể đứng thứ hai là vì anh đã có thành tích đạt Quả Bóng Vàng (trên lý thuyết, đây là giải thưởng trao cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới) 5 lần – nhiều hơn bất kỳ ai khác ngoài Messi (7 lần).
Mặc dù có thể trong quá khứ đã có một số cựu cầu thủ huyền thoại đạt được vị thế áp đảo, thống trị tuyệt đối trước các đồng nghiệp của họ giống như Messi đang làm được, nhưng tôi cho rằng siêu sao người Argentina đang phải cạnh tranh với một nhóm đối thủ đông đảo hơn và khó nhằn hơn (bởi sự phát triển mạnh mẽ trong mọi khía cạnh của bóng đá), vì vậy chúng ta sẽ ưu tiên anh hơn.
Còn về các chức vô địch thì sao?
Bóng đá là môn thể thao 11 người, vậy nên tầm ảnh hưởng của các cá nhân lên chuyện thành / bại sẽ ít hơn so với các môn thể thao khác. Và việc có giành chức vô địch World Cup được hay không sẽ chủ yếu được quyết định bởi nơi mà bạn sinh ra hơn là đẳng cấp trình độ của bạn trong môn thể thao vua. Tuy giải thích dài dòng vậy, nhưng thực tế là bộ sưu tập danh hiệu tập thể của Messi không hề nghèo nàn. Anh đã có 4 lần vô địch Champions League, 10 lần đăng quang ở La Liga của Tây Ban Nha, 1 lần vô địch Ligue 1 của Pháp, 1 Copa America, và giành 1 chức vô địch World Cup (sau 2 lần được chơi trong trận chung kết). Anh đã giành được rất nhiều danh hiệu tập thể.
THẾ NÀO LÀ MỘT VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO?
Trước khi đi tìm lời giải cho câu hỏi ai là vận động viên thể thao xuất sắc nhất mọi thời đại, trước tiên chúng ta phải định nghĩa thuật ngữ “vận động viên thể thao”.
Chúng ta sẽ định nghĩa “vận động viên thể thao” một cách đơn giản là người chơi trong môi trường chuyên nghiệp của một môn thể thao. Vì mục đích của bài phân tích này, chúng ta sẽ giới hạn cuộc thảo luận trong các vận động viên thể thao nam. Và để so sánh các vận động viên thể thao với nhau, chúng ta sẽ không đi tìm câu trả lời dựa trên việc đi phân tích xem họ sẽ thể hiện như thế nào trong các môn thể thao khác. Không, chúng ta sẽ so sánh họ với nhau dựa trên khoảng cách đẳng cấp trình độ mà họ đạt được trong môn thể thao của mình so với các đồng nghiệp.
VẬY, AI LÀ VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO XUẤT SẮC NHẤT MỌI THỜI ĐẠI?
Chúng ta sẽ bắt đầu từ đây: Câu trả lời sẽ không phải là Tom Brady, Michael Jordan hay LeBron James. Tại sao lại vậy? Bởi vì trong cả 2 môn thể thao này đều không có đủ số lượng người chơi.
Mặc dù bạn có thể lập luận rằng thành công cá nhân / tập thể của Brady trong môn thể thao mà mình chinh chiến đã đạt đến mức độ “out trình” tương tự như Messi trong bóng đá, nhưng vấn đề là phần còn lại của thế giới không chơi môn “bóng đá kiểu Mỹ”, hay cái tên quen thuộc hơn là “bóng bầu dục”.
Chính vì vậy, so với Messi, Brady đang cạnh tranh với một nhóm đồng nghiệp nhỏ hơn nhiều. Nói cách khác, môn thể thao này có tính cạnh tranh thấp hơn bóng đá, do đó, nếu chúng ta nói rằng Messi xuất sắc hơn Ronaldo (cầu thủ bóng đá giỏi thứ hai) 30%, thì Brady (hoặc bất kỳ cầu thủ bóng bầu dục nào khác) cần phải có đẳng cấp trình độ so với người đồng nghiệp đứng thứ hai cao hơn ít nhất là gấp đôi so với khoảng cách giữa Messi và người đứng thứ hai trong bóng đá (tức từ 60% trở lên). Brady không được như vậy, và thực tế là chẳng có quarterback nào từng giỏi đến vậy trong môn bóng bầu dục cả.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với môn bóng rổ. Theo các nhà nghiên cứu ở Australia, chỉ có khoảng 5% dân số sở hữu khả năng thể chất di truyền đủ để trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Còn đối với bóng đá, nghiên cứu của họ cho thấy có đến 28% dân số toàn cầu đạt đủ khả năng thể chất để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
Hiện tại, đúng là bóng rổ đã ngày càng trở nên toàn cầu hoá: Trong 3 năm qua, hơn một nửa số cầu thủ của All-NBA được sinh ra bên ngoài Hoa Kỳ. Những người dành được MVP trong 4 mùa giải trước cũng vậy. Do đó, tính cạnh tranh của bóng rổ chuyên nghiệp đang ngày càng cao hơn qua từng năm.
Tuy nhiên, bất chấp thông tin trên, môn thể thao này vẫn chưa thể sánh bằng bóng đá về tính cạnh tranh trên toàn thế giới.
Một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy, tỷ lệ những người trưởng thành tham gia vào cuộc chơi bóng đá trên toàn cầu hiện đang cao hơn gấp đôi so với bóng rổ, và điều này đã nhấn mạnh khoảng cách về mức độ phổ biến giữa hai môn thể thao. Bên cạnh đó, không hề có cầu thủ bóng rổ hiện đại nào có khoảng cách đẳng cấp so với phần còn lại cao hơn ít nhất là gấp đôi so với khoảng cách giữa Messi và người đứng thứ hai trong bóng đá, và mặc dù có lẽ đã có một số cựu cầu thủ bóng rổ từng đạt được đẳng cấp đó trong quá khứ, thì vấn đề là họ đã cạnh tranh với một nhóm cầu thủ nhỏ hơn và có tính cạnh tranh thấp hơn nhiều so với bóng đá.
Tại những nơi khác, Wayne Gretzky của môn khúc gôn cầu hoàn toàn xứng đáng được ca ngợi là vận động viên thể thao kiệt xuất nhất, đạt đến sự thống trị tuyệt đối so với phần còn lại trong top 4 môn thể thao lớn nhất Bắc Mỹ. Giả sử Gretzky chưa bao giờ ghi được một bàn thắng nào, ông vẫn sẽ là cái tên vĩ đại nhất mọi thời đại của NHL về khả năng kiếm điểm. Jaromir Jagr là người xuất sắc thứ hai lịch sử về khả năng kiếm điểm (bàn thắng+kiến tạo) với thành tích 1.921, nhưng riêng thành tích kiến tạo của Gretzky đã là 1.963. Tương tự như Messi, ông cũng đứng đầu về số bàn thắng ghi được trong sự nghiệp với 894 bàn. Tuy nhiên, vấn đề là khúc gôn cầu là một môn thể thao bị giới hạn ở những vùng có khí hậu lạnh giá hoặc các khu vực có xây những sân trượt băng trong nhà. Với những hạn chế này, về cơ bản là chẳng có ai ở châu Phi hoặc châu Á có thể chơi khúc gôn cầu trên băng cả.
Tiếp theo, tôi sẽ loại bỏ tennis vì hai lý do sau:
1) Mặc dù có một số ước tính cho thấy tỷ lệ dân số chơi tennis trên toàn cầu cao hơn nhiều so với một số môn thể thao nói trên, nhưng nó vẫn thua xa bóng đá vì có một số “yếu tố giai cấp” hạn chế khả năng phổ biến của môn thể thao này trong các cộng đồng (môn golf cũng vậy).
2) Đã có rất nhiều tay vợt tuyệt vời xuất hiện, nhưng ở tầng lớp “thượng thặng” lại có quá nhiều cái tên, và chẳng có một tay vợt kiệt xuất nào tạo ra được khoảng cách đẳng cấp so với các đồng nghiệp giống như Messi và Gretzky trong kỷ nguyên hiện đại của tennis - cho dù có là Rafael Nadal, Roger Ferderer hoặc Novak Djokovic – hay thậm chí là trong lịch sử của môn thể thao này.
Môn cricket cũng đáng được nhắc đến. Theo một số cuộc khảo sát và ước tính, đây chính là môn thể thao phổ biến thứ hai thế giới, sau bóng đá. Và theo một số thống kê, vận động viên cricket người Australia Don Bradman sẽ là vận động viên thể thao xuất sắc nhất mọi thời đại. Như Stephen Walters của tạp chí “Significance” từng viết: “Trong 137 năm lịch sử của test cricket, không một ai tiệm cận được với ‘hệ số đánh banh trung bình” của Bradman.”
Nếu bạn muốn nói rằng Don Bradman là một vận động viên thể thao giỏi hơn Messi, thì cứ thoải mái. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, số trận test cricket mà ông đã chơi là không đủ nhiều (52 trận, 80 lượt (innings), trong 20 năm sự nghiệp từ năm 1928 đến 1948) và ông đã thi đấu vào thời điểm mà một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Pakistan và Siri Lanka chưa có đội tuyển quốc gia, hoặc cricket chưa có tính cạnh tranh mạnh như sau này.
Và với những lập luận, phủ định trên, chúng ta sẽ chỉ còn lại một cái tên: Usain Bolt.
Theo một nghiên cứu vào năm 2017 được công bố trên tạp chí “Preventive Medicine” có tiêu đề “Mức độ tham gia của người dân trên toàn cầu đối với thể thao và các hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi: Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp,” chạy và bóng đá rõ ràng là hai hoạt động thể thao phổ biến nhất trên toàn thế giới. Với bóng đá, bạn chỉ cần thứ gì đó mà bạn có thể đá; với môn chạy, bạn chỉ cần đủ không gian để chạy.
Bolt là vận động viên duy nhất giành được huy chương vàng trong các cuộc đua 100 mét và 200 mét tại 3 kỳ Olympic liên tiếp. Vào năm 2008, tại Bắc Kinh, anh đã giành chiến thắng trong cả 2 cuộc đua với thời gian đạt mức kỷ lục thế giới, qua đó trở thành người duy nhất từng nắm giữ cả hai kỷ lục này cùng một lúc. Thật phi thường, tại World Championships ở Berlin 1 năm sau đó, Bolt đã tự phá vỡ hai kỷ lục của bản thân. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có ai vượt qua được hai kỷ lục này của Bolt cả.
Kỷ lục chạy 200 mét mà ngôi sao người Jamaica phá vỡ ở Bắc Kinh đã tồn tại được 12 năm. Nhưng ở nội dung chạy 100 mét, những kỷ lục trước đó chưa từng tồn tại được hơn 4 năm rưỡi kể từ khi Calvin Smith đạt thành tích 9,93 giây vào năm 1983. Tuy nhiên, kỷ lục 9,58 giây của Bolt cho đến nay đã tồn tại được 13 năm, và nó cũng nhanh hơn 0,1 giây so với kỷ lục chạy 100 mét trước đó (0,69 giây), cũng do chính Bolt xác lập.
Hầu hết mọi người đều có thể chạy – và Usain Bolt chính là người chạy giỏi nhất lịch sử. Xét về sự vĩ đại trên góc nhìn thể thao thuần tuý, tôi không chắc liệu có người đàn ông nào xứng đáng được đặt ngang hàng với ngôi sao người Jamaica hay không. Nhưng nếu phải chỉ ra một người có thể được nhìn nhận như vậy, thì đó sẽ không phải là tay cầu thủ bóng bầu dục có khả năng ném bóng ở khoảng cách 50 mét với độ chính xác tuyệt đối, hay một “hậu vệ ghi điểm” có thể úp rổ từ vạch ném phạt.
Không, đó chính là gã cầu thủ nhỏ con sở hữu một đôi chân đầy ma thuật vừa giành được chức vô địch World Cup trên đất Qatar.
Theo Ryan O’Hanlon, ESPN