Liệu có cách nào để phần còn lại của MLS khiến Messi phải "tắt điện"?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 01/09/2023 16:26(GMT+7)

Sự kiện Lionel Messi khoác áo Inter Miami có thể được mô tả là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới gia nhập đội bóng được coi là tệ nhất MLS, sau đó giúp họ lột xác ngoạn mục, vượt trội các đối thủ về khả năng ghi bàn với tổng tỷ số 27-11, giành Leagues Cup và hiện vẫn đang bất bại sau 10 trận siêu sao người Argentina chơi cho CLB này.

 

Sự “out trình” mà Messi đang thể hiện tại Mỹ đã đặt ra một câu hỏi cấp thiết dành cho phần còn lại của MLS, liệu có cách nào để họ vô hiệu hóa được anh thay vì bất lực chịu trận như hiện tại? Trong bài phân tích này, chúng ta sẽ cùng tìm kiếm lời giải cho câu hỏi trên.

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG CÁC TRẬN ĐẤU MÀ ĐỘI BÓNG CỦA MESSI BỊ ĐÁNH BẠI?

Theo Stats Perform, Messi đã chơi 434 trận tại đấu trường giải VĐQG ở Châu Âu từ năm 2010 trở đi, trong đó bao gồm 316 trận thắng, 44 trận thua và 74 trận hòa. Với tỷ lệ 73% thắng và 10% thua, rõ ràng các đội bóng của Messi ít khi bị đánh bại. Nhưng liệu tất cả những trận thua đó có điểm chung nào với nhau không?

Điều biến Messi thành cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất lịch sử - thậm chí có thể là vận động viên thể thao vĩ đại nhất – là anh không chỉ ghi bàn và kiến tạo với hiệu suất cao hơn và ổn định hơn nhiều so với bất kỳ cầu thủ hiện đại nào, mà anh còn giỏi rê dắt và đưa bóng vào vòng cấm hơn bất kỳ ai. Ngoài ra, anh còn cho thấy sự vô đối trong khả năng phát triển bóng. Chính vì vậy, khác với những cầu thủ “chạm bóng ít, tác động lớn” như  Kylian Mbappé hoặc Erling Haaland, bạn sẽ gần như không thể tìm được một trận đấu mà Messi chẳng tạo nên được tác động tích cực nào đó cho đội của anh với quả bóng dưới chân.

Vì thế, có vẻ như phần lớn “cuộc kháng chiến chống Messi” này sẽ chỉ hướng tới mục tiêu khiến cho tầm ảnh hưởng của siêu sao người Argentina cách xa khung thành hơn. Sẽ không bao giờ có một trận đấu nào mà Messi không cầm bóng, vậy nên nếu bạn có thể buộc anh ta phải lùi sâu và cầm trịch lối chơi từ khu trung tuyến thì đây – về mặt lịch sử - cũng đáng được coi là một chiến thắng lớn – ngay cả khi anh ta vẫn có thể xé nát hàng thủ của bạn từ dưới sâu và cuối cùng bạn vẫn bị hủy diệt. 

Thông qua bản đồ nhiệt về vị trí chuyền bóng của Messi trong các trận thắng, chúng ta có thể thấy rằng anh đã liên tục dẫn bóng tới khu vực đầu vòng cấm nằm ở hành lang trong phía cánh trái, sau đó tung ra những đường chuyền chéo sân vào phía trong.

 

Còn trong các trận thua, Messi có khuynh hướng thực hiện nhiều đường chuyền tại vòng tròn trung tâm sân đấu hơn – một phần nguyên nhân là do siêu sao người Argentina phải phát bóng nhiều hơn trong những trận thua vì đội của anh để thủng lưới nhiều hơn – nhưng chi tiết đáng chú ý nhất là tần suất chuyền bóng tại khu vực hành lang trong phía cánh trái của vòng cấm đã giảm mạnh. Và hơn thế nữa, số đường chuyền vào vòng cấm cũng ít hơn: Trong các trận thắng là 5,3 mỗi 90 phút, còn trong các trận thua là 4,9.

 

Bản đồ nhiệt các tình huống nhận bóng của Messi cũng kể lên câu chuyện tương tự.

Trong các trận thắng:

 

Trong các trận thua:

 

Trong các trận thắng, Messi có thể thường xuyên xâm nhập vào khu vực đầu vòng cấm nằm ở trung lộ sân đấu và nhận bóng; còn trong các trận thua, những tình huống chạm bóng của anh chủ yếu phân bổ rải rác quanh bề ngang của vòng cấm. Bên cạnh đó, tần suất chạm bóng bên trong vòng cấm của Messi cũng ít hơn nhiều: 8,0 lần mỗi 90 phút trong các trận thắng, 5,5 lần mỗi 90 phút trong các trận thua. Trên hết là sự sụt giảm của những cú dứt điểm – 5,4 mỗi 90 phút trong các trận thắng, 4,8 trong các trận thua – trong khi số đường chuyền vào khu vực 1/3 cuối sân đối thủ của siêu sao người Argentina trong các trận thua (8,7) thì lại nhiều hơn các trận thắng (8,1). Khả năng sáng tạo của Messi trong các trận thua (0,24 kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút) cũng được phát huy rõ ràng hơn so với các trận thắng (0,19).

Những dữ liệu trên cho thấy, các đối thủ đánh bại được đội bóng của Messi trong quá khứ đã buộc anh phải chơi thiên về hướng một chân chuyền thay vì một chân sút, và vì thế, có thể nói FC Cincinnati đã làm khá tốt nhiệm vụ kiềm hãm tầm ảnh hưởng của siêu sao người Argentina vào ngày 24/8.

“Messi luôn phản ứng với mọi khoảnh khắc của trận đấu, bất kể cậu ấy đang phải đối mặt với khó khăn gì,” HLV trưởng Tata Martino của Inter Miami chia sẻ sau cuộc đối đầu với Cincinnati. “Tôi nghĩ hôm nay cậu ấy đã chủ yếu làm điều đó với tư cách một chân kiến tạo chứ không phải một tay săn bàn.”

Nhưng sự lựa chọn “tốt nhất” trong các lựa chọn không hiển nhiên đồng nghĩa với việc nó là một sự lựa chọn thực sự “tốt”. Rốt cuộc, Messi đã kiến tạo 2 bàn trong hiệp hai để cứu nguy cho Inter Miami, rồi sau đó cùng họ giành chiến thắng bằng loạt sút luân lưu.

VÔ HIỆU HOÁ MESSI LIỆU CÓ PHẢI LÀ NHIỆM VỤ KHẢ THI?

Giả sử, bởi vì bạn đã chứng kiến Messi “khủng bố” Leagues Cup với khả năng ghi bàn và sau đó hạ gục đội đứng đầu MLS với khả năng kiến tạo, vì thế bạn không cảm thấy thoải mái với cả 2 kịch bản đó, vậy là bạn chọn phương án thứ 3: Hy sinh toàn bộ phần còn lại của đội để đảm bảo Messi sẽ gần như không thể chạm vào quả bóng.

Câu hỏi đầu tiên: Liệu điều đó có khả thi không?

Có thể nói, sự hiểu biết và khả năng phán đoán của Messi về các khoảng không gian đã đạt đến đẳng cấp thần thánh. Những bước đi bộ của anh mang chất lượng cao hơn nhiều những bước chạy của hầu hết các cầu thủ còn lại trong thế giới bóng đá; đây không phải là những lời phóng đại, đây là sự thật khoa học! Có một đoạn video được viral trên TikTok bắt nguồn từ trận thắng đưa Miami đến với chức vô địch Leagues Cup, trong đó Messi chỉ thong thả đi bộ, cứ như thể chẳng có chút sức sống nào, sau đó, anh đột nhiên bứt tốc tới góc trái của vòng cấm, và bùm, quả bóng được đưa vào lưới. 

“Messi đã khuyên tôi rằng hãy đứng yên nhiều hơn,” tiền vệ 19 tuổi David Ruiz của Miami chia sẻ sau chiến thắng trước Nashville SC ở trận chung kết Leagues Cup. “Thường thì mọi người muốn chạy theo mọi đường bóng, tìm khoảng trống để được nhận bóng nhiều hơn, nhưng anh ấy đã bảo với tôi rằng hãy giữ nguyên vị trí và quả bóng sớm muộn cũng sẽ đến với tôi. Tôi đã thử chơi như vậy và đúng là có hiệu quả thật. Giờ thì tôi hiểu rằng mình phải đá kiên nhẫn hơn.”

 

Ở tuổi 36, một phần lối đá “đi bộ vuốt râu” của Messi diễn ra khi đối thủ có bóng. Siêu sao người Argentina liên tục quan sát tình hình trên sân đấu và sau đó chiếm lĩnh những vị trí có “giá trị” cao, nơi mà anh có thể ngay lập tức nhận bóng sau khi đội của mình thu hồi được nó. Vì vậy, để có thể loại Messi ra khỏi trận đấu, trước tiên đối thủ cần phải hy sinh một nhân sự có thể tham gia tấn công với việc chỉ đạo anh ta phải theo sát Messi như hình với bóng ngay cả khi họ đang kiểm soát quả bóng. Nếu để “nước tới chân mới nhảy”, anh sẽ dễ dàng thoát khỏi kẻ kèm cặp mình và liên tục nhận được bóng trong các tình huống chuyển trạng thái.

Nhưng nhiêu đó đã đủ chưa? Chắc chắn là chưa. Chỉ bản thân Messi mới biết anh sẽ đi đâu, và anh hiểu rõ nơi mình cần đến hơn bất kỳ ai khác. Một đối thủ theo kèm như hình với bóng chắc chắn sẽ hạn chế được tầm ảnh hưởng mà Messi thường tạo ra cùng quả bóng dưới chân, nhưng anh vẫn sẽ có được rất nhiều pha nhận bóng, đặc biệt là khi trận đấu tiếp diễn và đối thủ này bắt đầu mất sức. 

Có một cách để đối phó với vấn đề này là rút cầu thủ đó ra khỏi sân sau hiệp một và đưa một người khác vào để thay anh ta đảm nhận nhiệm vụ theo sát siêu sao người Argentina, nhưng ngay cả như vậy vẫn sẽ chưa đủ; ai cũng biết rằng Messi đã thường xuyên tạo nên được những khoảnh khắc đáng kinh ngạc trong tình thế bị các cầu thủ phòng ngự theo sát. Vậy nên kế sách này sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn tầm ảnh hưởng của anh.

Một kèm một với Messi đôi khi vẫn là chưa đủ!

Bạn có thể cắt cử 2 cầu thủ bám theo Messi trong toàn bộ trận đấu, nhưng nó sẽ khiến bạn phải chơi với thế 9 chọi 11 khi kiểm soát bóng, và khi đối thủ đoạt được bóng, bạn sẽ ở trong thế 9 chọi 10 – đó là chưa kể bạn chẳng thể nào biết chắc được liệu chiêu này có hiệu quả hay không. Nhưng hãy đi sâu hơn vào kế sách này, bởi vì nó đáng để chúng ta làm vậy.

Ví dụ: Bạn cử một cầu thủ bám sát Messi trong từng giây của trận đấu, đồng thời yêu cầu các cầu thủ phòng ngự khác cản trở anh theo cách mà họ thường làm trong một trận đấu: “Theo kèm hắn ta nếu hắn ta di chuyển vào khu vực mà cậu phụ trách.” – qua đó trở thành người thứ hai kèm cặp siêu sao 36 tuổi, “chi viện” cho người đầu tiên. 

Liệu cách này sẽ hiệu quả chứ? Bạn dùng một quyền thay người sau thời gian nghỉ giữa hiệp và sử dụng hai cầu thủ khỏe nhất đội để theo sát Messi từng giây, mỗi người 45 phút, bên cạnh đó là sự chi viện của cầu thủ phòng ngự thứ hai khi siêu sao người Argentina di chuyển vào khu vực của anh ta, và thế là “GOAT” chẳng thể chạm bóng nhiều. Bạn sẽ không thể ngăn Messi có được quả bóng sau những pha phạm lỗi hoặc phạt góc, nhưng hãy giả sử bạn có thể hạn chế được các tình huống đó và cũng tránh được việc để xảy ra các pha đá phạt quanh vòng cấm (đối với anh, chúng chẳng khác nào những quả penalty).

"Hy sinh 1,5 người" để đeo bám Messi cũng là một phương án có thể tính tới

Kế sách này sẽ được gọi là “hy sinh 1,5 người”, thay vì “hy sinh 2 người”, bởi vì bạn không chỉ giao cho một cầu thủ nhiệm vụ theo sát Messi, nhưng người thứ hai sẽ chỉ thực hiện việc này trong giai đoạn phòng ngự của đội mình. Làm thế có đáng không?

Theo nghiên cứu của nhà phân tích Mark Taylor, nếu một đội bóng ở Premier League phải nhận một chiếc thẻ đỏ vào ngay phút đầu tiên của trận đấu, điều đó tương đương với việc họ sẽ thua sút đối thủ khoảng 1,45 bàn trong trận này. Vì vậy, nếu làm tròn một chút, chúng ta có thể nói rằng, về cơ bản việc thực hiện kế sách “hy sinh 1,5 người” sẽ tương đương với 2,15 bàn thua mỗi trận: 1,45 cộng với 0,7.

Ở MLS mùa giải này, đội bóng sở hữu hiệu số bàn thắng bại tốt nhất là St. Louis City (+0,8), còn kém nhất là Colorado Rapids (-0,8). Nói cách khác, cách biệt giữa đội mạnh nhất và đội tệ nhất MLS là 1,6 bàn mỗi trận. Vậy là cái giá của việc loại Messi khỏi cuộc chơi bằng chiến thuật “hy sinh 1,5 người” thậm chí sẽ còn lớn hơn cả con số đó. 

Đúng thật là lý thuyết trên nghe quá ngớ ngẩn và sáo rỗng, bởi vì bóng đá không chỉ có những con số khô khan, và cả tôi cũng không dám chắc liệu kế sách này có thực sự tai hại đến vậy hay không.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là với những cơ hội nhỏ tới đâu, Messi đều có khả năng tạo ra những khoảnh khắc không tưởng, và chuyện này chưa bao giờ thay đổi cả.  

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.