Leo Messi: Lùng bắt Bọ chét nguyên tử (P1)

Tác giả Phương GP - Thứ Tư 27/09/2017 17:15(GMT+7)

(Đằng sau câu chuyện Messi đến Barcelona)
Leo Messi: Lùng bắt Bọ chét nguyên tử
Mái tóc dài, bờ mái rũ xuống cặp mắt như chiếc rèm cửa, không một thằng bé nào thèm để ý đến Lionel Messi. Trong mắt chúng, cậu không khác gì những đứa trẻ còn lại trong trại huấn luyện của Barcelona.
Messi bắt đầu sửa soạn lại một chút trước khi bước vào phòng thay đồ. Cậu quăng người vào góc phòng, tránh xa đám nhóc 13 tuổi khác, trong đó có cả những nhà vô địch World Cup tương lai như Gerard Pique hay Cecs Fabregas.
Đó là một buổi chiều thứ hai chán ngắt vào ngày 18 tháng 9 năm 2000. Messi đặt chân đến thành phố này vào đúng ban trưa, sau chuyến bay kéo dài 24 tiếng từ quê nhà Rosario, tại Argentina. Đây là lần đầu tiên cậu được hít thở không khí Tây Ban Nha. Cậu phải tất tưởi quăng đám hành lý vào phòng ở khách sạn. Barca muốn cậu đến tham dự ngay vào buổi huấn luyện lúc sáu giờ tối cùng bọn trẻ cùng trang lứa.
Messi chỉ hy vọng rằng mình được nhận vào đội bóng thôi, nhưng bấy nhiêu đó cũng có vẻ quá khó với cậu. Cậu nhỏ con quá. Khi phải chạy trên đường đất nện trong sân tập sát cạnh Pique, trông cậu như thể chỉ đứng tới thắt lưng thằng bé.
“Cái ngày mà Leo đến đây, chúng tôi thấy cậu nhỏ bé quá, ốm yếu quá, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang hành hạ cậu ta,” Marc Pedraza, một nhân vật quan trọng tạo nên “thế hệ vàng 87,” cái tên chỉ thế hệ thành công của học viện bóng đá Barcelona và các cầu thủ đều sinh năm 1987.
“Thế nhưng ngay lúc cậu ta chạm bóng, chúng tôi đã nhận ra tố chất phi thường. Không ai có thể lấy bóng ra khỏi chân cậu ta lúc ấy.”
Messi đã nung nấu ý định đến Barcelona từ cái ngày mà cậu được thấy Ronaldo của Brazil tung hoành ở Camp Nou vào giữa thập niên 1990. Cậu đã vui như điên khi có được cơ hội này và sẽ làm mọi thứ để cơ hội không qua đi.
Đó là khởi đầu cho 17 tháng ròng thử thách.
Rosario, Argentina, 1994.
******
Josep Maria Minguella – gã đại diện đã mang Diego Maradona và các ngôi sao Brazil như Romario và Rivaldo đến Barca – được giới thiệu đến Messi vào đầu năm 2000.
Những đối tác gửi cho hắn hàng loạt những pha bóng đẹp mắt của Messi được ghi vào trong một cuốn băng video vào tháng hai năm ấy, kể cả những đoạn phim đóng trong một quảng cáo cho MasterCard.
“Lúc ấy, cậu ta đã thi đấu hệt như bây giờ rồi,” Minguella trả lời Bleacher Report, rồi hắn huýt sáo và lắc cánh tay ra điệu như một con rắn trườn để mô tả cái cách Messi đi bóng xuyên qua hàng phòng ngự.
Cậu bé ấy đã được nhắc nhiều ở Rosario. Trên những tờ nhật báo của thành phố đã có bài viết dài về cậu. Năm chín tuổi, cậu đã xuất hiện trên sân bóng trước những trận đấu chuyên nghiệp của Newell’s Old Boys, để quần thảo cùng trái bóng – khoảng 15 phút cho một lần trình diễn – và người hâm mộ thả những đồng tiền vào trong để tỏ sự mến mộ.
Nhưng Minguella vẫn không dễ bị thuyết phục. Messi còn quá nhỏ, thân hình quá bé và quá xa xôi. Nhưng những cộng sự của hắn ở Nam Mỹ cứ khăng khăng rằng hắn cần phải kiên nhẫn. Thế là hắn giới thiệu tài năng này cho người bạn lâu năm Carles Rexach, lúc ấy đang là giám đốc kỹ thuật cho đội một Barca và là người có tiếng nói đối với ngài Chủ tịch. 
Rexach cảm thấy hơi hấp dẫn. Ông cứ tưởng Messi đang ở độ tuổi chừng 18 hay 19 chi đó, và với độ tuổi ấy, Pep Guardiola từng được Minguella làm người đại diện vào mười năm trước. Nhưng khi Miguella tiết lộ rằng Messi chỉ mới 13, ông ấy phát hoảng. “Cậu điên à?” Rexach giãy nảy. Tuy nhiên, ông vẫn đồng ý gửi cậu bé đến Barcelona vào vài tuần sau.
Miguella đặt vé máy bay vào khoảng tháng chín năm 2000, và đưa Messi cùng bố, ông Jorge, thẳng đến một khách sạn nằm trên đường Placa d’Espanya trong thành phố. Buổi tập huấn diễn ra tốt đẹp. Cậu bé nhanh chóng tạo ấn tượng với các huấn luyện viên.
Leo Messi 8 tuổi
*****
“Tarzan” Migueli, trái tim hàng phòng ngự của Barca hơn 15 năm, đã so sánh rằng Messi giống người đồng đội cũ của ông là Diego Maradona. Đó cũng là cảm giác chung của Xavi Llorens, một huấn luyện viên khác của học viện.
“Bạn có thể thấy trái bóng dính chặt vào chân Messi như dính keo,” Llorens kể với Bleacher Report. “Cậu ta rất nhanh, và lúc nào cũng cúi đầu khi chạy. Động tác ấy tạo cảm giác cậu ta không thể biết được bản thân đang chạy đi đâu, nhưng cũng giống như Maradona, nhãn quan của Messi rất tốt. Chỉ cần ngước đầu lên một chút, là cậu ta có thể thấy diễn biến tình huống ra sao.”
Mặc dù thế, vẫn còn nhiều sự hoài nghi. “Một vài người đã nói rằng cậu ta rê dắt quá nhiều, thân hình quá nhỏ; một vài ý kiến khác lại cho rằng việc sử dụng cậu ta là phi thực tế,” Rexach kể lại. “Nhiều lắm chứ không ít đâu.”
Không có bất kỳ huấn luyện viên nào, kể cả Joaquim Rife, người đứng đầu học việc Barcelona, dám đặt cược vào một cầu thủ nhí đến từ lục địa khác. Chuyện đó chưa từng có tiền lệ. Không có gì đảm bảo rằng một đứa trẻ trong độ tuổi ấy có thể làm được điều gì lớn lao, vậy nên họ chờ đợi phán quyết của Rexach.
Nhưng Rexach lúc ấy còn đang bận ở Olympics Sydney, nơi ông phải chứng kiến Carles Puyol và Xavi Hernandez gục ngã trước Cameroon của Samuel Eto’o trong trận tranh huy chương vàng.
****
Tháng chín đầy mơ mộng của năm 2000 dần khép lại, cha con Messi càng thêm lo lắng. Họ đã phải hoãn lại chuyến bay để về nhà. Rexach đã trở về từ Úc và ông đến thẳng khu trại huấn luyện để theo dõi trận đấu cuối vào ngày 2 tháng 10 năm 2000.
Messi được thử thách bằng cách cho thi đấu trong nhóm gồm những cậu bé hơn cậu hai tuổi. Những huấn luyện viên cộm cán của học viện đều có mặt, bao gồm cả Rife, Migueli, Llorens và Rodolfo Borrell, người giờ đây đã làm giám đốc kỹ thuật của Manchester City trên phạm vi toàn cầu. Không có dấu hiệu gì của Rexach khi trận đấu được bắt đầu. Để rồi bất thình lình, ông xuất hiện, thân hình thô kệch của ông lù lù ở những bậc thềm của sân số 3.
“Ngay khi tôi đến ở bên ngoài đường biên, trọng tài đã thổi còi cho trận đấu bắt đầu. Tôi rảo bước vòng quanh sân, trò chuyện với những anh đồng nghiệp. Rồi tôi dừng lại sau những cột gôn, theo dõi trận đấu một tí và khi đến hội cùng những huấn luyện viên trên băng ghế, tôi đã nói: “Anh có thể ký hợp đồng với cậu bé kia ngay đi. Cậu ta thật phi thường.”
Rexach ra về không lâu sau đó. Ông ta chỉ ở lại đúng mười phút. Và như thế là quá đủ.
Messi cùng Rodrigo, Matias ở Buenos Aires, 1991
****
Ngày hôm sau, cha con Messi bay về Argentina và thấp thỏm chờ đợi. Không có cuộc gọi nào có vẻ là sẽ đến. Những người đứng đầu ở Barca vẫn còn đang thảo luận. Trường hợp của Messi là chưa có tiền lệ bao giờ, và điều đấy đem đến một vài cân nhắc, dù cho ngay mùa hè ấy, trên trang nhất một số mặt báo đưa tin AC Milan đã ký hợp đồng với Leandro Depetris, cậu bé mới 12 tuổi đến từ...chính đội bóng của Messi, Newell’s Old Boys.
“Cả thế giới đều tin tưởng ở cậu ta,” Minguella nói về Messi. “Chỉ có một vướng bận lớn nhất là cậu bé quá nhỏ con. Về mặt kỹ năng, không ai nghi ngờ cả. Cậu ta là duy nhất, nhưng mọi người đều cho rằng cậu bé sẽ không trụ nổi qua những pha tắc bóng. Thể hình là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.”
Messi lúc ấy vẫn đang trong quá trình điều trị về một căn bệnh liên quan đến hóc-môn tăng trưởng. Ngày 31 tháng 1 năm 1997, tại cuộc hẹn ở phòng khám nội tiết của bác sỹ Diego Schwartzstein, Messi đã được thông báo về căn bệnh của mình. Vị bác sỹ vẫn còn nhớ rõ ngày tháng vì nó trùng với ngày sinh của ông và ông cũng là cổ động viên của Newell’s Old Boys.
“Một thành viên của câu lạc bộ nói với tôi rằng, họ có một cậu bé vô cùng tài năng nhưng không hiểu sao thân hình lại bé nhỏ quá, thế nên họ muốn tôi trông nom cậu bé để tìm xem có phương cách nào giúp đỡ được hay không,” bác sỹ kể lại.
Messi năm ấy được chín tuổi, chiều cao của cậu là 1m27, tức là thấp hơn những 10cm so với các bạn đồng trang lứa. Bác sỹ Schwartzstein đã tiến hành một vài xét nghiệm, và kết quả cho thấy cậu bé bị nhỏ người vì thiếu hụt hóc-môn tăng trưởng. Đấy là một căn bệnh nghiêm trọng. Nếu căn bệnh là di truyền, thì các biện pháp y khoa không thể nào giúp vóc dáng của cậu bé lớn lên khi ở trưởng thành.
“Chỉ một trong 20,000 đứa trẻ được sinh ra bị mắc chứng bệnh ấy. Tỷ lệ tuy nhỏ nhưng không phải là quá kỳ lạ,” bác sỹ Schwartzstein nói.
Messi được chỉ định phải tiêm bổ sung hóc-môn hàng ngày. Messi đã phải tự tiêm thuốc cho mình với cây kim tiêm to như cây bút mực thẳng vào chân của cậu, một công đoạn cần sự can đảm rất lớn ở một đứa trẻ mới chín tuổi đầu. Bác sỹ Schwartzstein thường trấn an rằng việc tiêm sẽ không đau đâu, nó cứ như vết muỗi cắn thôi. Messi thường phải đem theo bộ dụng cụ y tế đến trường hay thậm chí là đến nhà bạn nếu có dịp dạo chơi. Thỉnh thoảng cậu bé phải bỏ tập vì vết tiêm quá đau đớn.
Chi phí trị liệu không hề nhỏ một chút nào. Mỗi tháng gia đình phải mất khoảng hơn 1000 Euro, bố của Messi phải cầu viện đến bảo hiểm y tế. Nhưng khi nền kinh tế Argentina lâm vào suy thoái vào năm 1999, việc sử dụng bảo hiểm ngày càng khó khăn, thế là Newell’s Old Boys đã nâng đỡ và hứa rằng sẽ giúp gia đình chi phí điều trị.
Thế nhưng sự thực không được như thế. Jorge Messi cảm thấy bực bội và đôi chút nhục nhã với thái độ của đội bóng. Giám đốc thể thao của Newell’s là Sergio Omar Almiron, một nhà vô địch World Cup năm 1986 thường xuyên tránh gặp mặt. Còn mỗi lần gặp, ông chỉ gửi đúng 40 pê-sô tức là chỉ bằng 1/25 so với chi phí thực sự, điều này được cây viết Guillem Balague ghi lại.
Thế là Jorge Messi trở nên bất mãn và ông mang người con trai đến khu huấn luyện của River Plate ở Buenos Aires, nhưng vẫn không có kết quả. Sau đó thì Minguella và Barca đến. Nếu Messi gia nhập Barcelona, thì đó là cơ hội cho cậu bé chi trả những hoá đơn y tế đắt đỏ.
Hết phần 1
Nguồn:
Richard Fitzpatrick. Capturing the Atomic Flea (Inside the Deal That Took Lionel Messi to Barcelona). Bleacher Report.

Phương GP (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.