Lê Huỳnh Đức: Còn chút gì để nhớ?

Tác giả Phương GP - Thứ Hai 14/11/2016 18:43(GMT+7)

Dùng tên một tác phẩm văn học tuổi teen để nói về một cầu thủ? Hẳn có bạn nghĩ nó hơi bay bay quá. Nhưng đối với cái tên Lê Huỳnh Đức, mỗi lần nhắc đến cứ như là dòng sông êm đềm của tuổi thơ lại trôi về với hình ảnh thật đẹp. Hình ảnh anh tăng tốc, hình ảnh anh bay người đánh đầu cực dũng mãnh, hình ảnh Huỳnh Đức dang đôi tay ăn mừng như điên dại khi mang về đội nhà một bàn thắng.

Lê Huỳnh Đức: Còn chút gì để nhớ?
Chúng thật đẹp biết bao cho lứa tuổi ô mai dán hình anh đầy cả cuốn tập nhỏ, khi những dòng văn của Nguyễn Nhật Ánh làm rung động trái tim tuổi mộng mơ. Nhưng bóng đá đối với Huỳnh Đức không phải chỉ một màu hồng, đặc biệt đối với bóng đá Sài Gòn, nơi mà người viết tự hỏi: Liệu có chút gì để Huỳnh Đức luyến tiếc nơi đây không?
Tình yêu với bóng đá Sài Thành là một tình yêu hơi phũ phàng, vì sao vậy, vì chúng chả bao giờ được đền đáp lại. Nơi phồn hoa đô hội nhất cả nước, nơi có truyền thống lịch sử thể thao nói chung và bóng đá nói riêng thuộc hàng lâu đời nhất cả đất nước hình chữ S này, giờ tiếc thay chỉ còn là hoài niệm. Ký ức một thời quá vãng của những cái tên như Sở Công Nghiệp, Hải Quan, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, Cảng Sài Gòn giờ chỉ còn nằm đâu đó trong đống tài liệu phủ bụi của thời gian. Tất cả ra đi từ ngày Sài Gòn tự tay đuổi đi người con ưu tú nhất của nền bóng đá nơi đây, Lê Huỳnh Đức.
Nhắc đến Lê Huỳnh Đức thì phải nhớ đến đội bóng Sở Công Nghiệp, nơi thân phụ anh, danh thủ Lê Văn Tâm (hay mọi người còn gọi là Tâm Huế) chơi trong những ngày đỉnh cao. Sở Công Nghiệp ngày ấy không phải là đội bóng được yêu thích nhất Sài Gòn, nhưng đó lại là nơi tập trung những tên tuổi nổi đình nổi đám một thời của nơi đây vào trước ngày Giải phóng, có lẽ nhờ đó mà đội bóng này giữ lại được cái hồn của thứ bóng đá lãng mạn, tài tử của Sài Gòn xưa, nơi Võ Thành Sơn tung cánh với những pha ngã bàn đèn tuyệt đẹp hay Quang Đức Vĩnh với mái tóc dài lãng tử. Tự hỏi, phải chăng nhờ theo cha đến sân tập của Sở Công Nghiệp mà ở Huỳnh Đức, tuy sau này khoác áo của người chiến sĩ Công An, nhưng vẫn mang trong mình một sự tài tử như vậy?
Lê Huỳnh Đức cùng các đồng đội ở CA TP Hồ Chí Minh
Cao to, vạm vỡ với thể hình thuộc hàng hiếm trong lịch sử bóng đá Việt, sở hữu cái đầu khủng cùng khả năng dứt điểm cực kỳ đa dạng, Huỳnh Đức là một tượng đài đối với các thế hệ tiền đạo Việt Nam. Người đời xưng tụng anh là ông vua vòng cấm bởi chẳng có đối thủ nào mong muốn hình bóng của Huỳnh Đức lai vãng trong vòng 16m50 của đội nhà. Tuy nhiên nếu so sánh với những số 9 cổ điển của bóng đá Việt, ở Huỳnh Đức dường như tồn tại sự khác biệt.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà anh mang trên mình chiếc áo số 10, số áo cần nhiều hơn là cá tính của một tay săn bàn. Huỳnh Đức có thể không cần cù như Anh Đức, không quá khéo léo trong những pha một chạm như Việt Thắng, hay sở hữu khả năng dứt điểm bằng mọi tư thế như Công Vinh. Nhưng ở anh là một sự tổng hòa vừa đủ, cộng với đó là sự tài hoa trong những pha xử lý mang đậm tính tinh tế.
Để nói về những bàn thắng của Huỳnh Đức thì kể cho đến hết ngày cũng không đủ, nhưng để nói về sự tinh tế đến đặc biệt thì có hai bàn mà người viết nhớ nhất về trung phong này. Bàn đầu tiên là pha mở tỷ số của anh vào lưới Công An Hà Nội trong trận derby ngành Công An năm 1998. Huỳnh Đức có một pha phá bẫy việt vị băng xuống từ đường chuyền của đồng đội, bóng đi hơi ngược so với chân thuận của anh nhưng ngay khi mọi người suy nghĩ đến một tình huống hãm bóng thì anh “tiện” chân chích luôn trái bóng vào lưới đội bóng thủ đô, phải có kỹ năng tuyệt vời lắm mới có thể thực hiện được như thế, pha ghi bàn ấn tượng đến độ mà nhà báo Phan Đăng phải nói rằng trong suốt bao nhiêu năm theo dõi bóng đá Việt, anh chưa thấy ai có thể dứt điểm được giống vậy.
Bàn thứ hai là khi anh dẫn dắt đội tuyển Việt Nam của thế hệ chuyển giao đối đầu với đội chủ nhà của kỳ Tiger Cup 2002, Indonesia. Indonesia khi đó cần một trận thắng sau khi không được kết quả có lợi từ trận mở màn, và để tiếp thêm lửa cho cầu thủ của mình, hàng vạn cổ động viên chủ nhà đã dồn một sức ép khủng khiếp lên đội bóng chúng ta. Nhưng trong tình huống không rõ là sút hay chuyền của Xuân Thành, Huỳnh Đức đã xử lý trái bóng cực kỳ tinh tế để làm rung mành lưới đối phương mở tỷ số cho đội khách. Pha bóng đầy ngẫu hứng, cứ như anh không biết sợ là gì. Ai nói Huỳnh Đức cứng nhắc chơi dựa nhiều vào sức, chứ chỉ cần nhìn pha bóng ấy, người viết nghĩ rằng phải có cái tính tài tử và nghệ sĩ lắm anh mới ghi bàn được.
Lê Huỳnh Đức cùng thế hệ vàng của ĐT Việt Nam
Bên cạnh sự tinh tế và đẳng cấp trong những pha chơi bóng, thì yếu tố khiến cho chiếc áo số 10 của Huỳnh Đức trở nên đặc biệt hơn nữa đó chính là sự tinh quái chứa trong tầm nhìn đầy bao quát của anh. Nếu ta theo dõi nhiều bài báo viết về giải đấu V-league thì sau một trận thua của SHB-Đà Nẵng, Huỳnh Đức thường lên tiếng chỉ trích trọng tài, nhưng không phải nó chỉ xuất hiện mới đây mà chính vào những tháng năm tuổi trẻ, cụ thể là năm 24 tuổi trong trận đấu chung kết vô địch cúp Quốc Gia năm 1996 trên sân Đồng Tháp, Huỳnh Đức từng có hành động đầy tai tiếng khi dám nổi cơn tam bành với trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng. Tình huống mà sau đó một fan hâm mộ của anh tại Đồng Tháp phải lên báo Tuổi Trẻ tâm sự để trút đi sự thất vọng với hình ảnh của anh. Vậy tại sao Huỳnh Đức làm như vậy, chính trọng tài Hùng đã thừa nhận, chính nhờ cơn thịnh nộ của anh mà mọi con mắt đều hướng về trọng tài và chính số 10 của Huỳnh Đức. Và trong một trận cầu nóng thì việc gánh hết lấy những sức ép cho đồng đội thì còn gì tuyệt vời hơn chăng?
Có lẽ cũng nhờ cái tinh quái ấy mà Huỳnh Đức có thể bao năm dẫn dắt đội bóng Công An TP.HCM đến với những thành công nhất định, một đội bóng mà chính tên tuổi lão làng như Nguyễn Thành Vinh cũng từng buông lời tâm sự về việc khó khăn như thế nào để có thể giữ vững được hàng ngũ nội bộ của các cầu thủ. Nhưng cũng như nhiều câu chuyện về số 10 khác của làng bóng đá thế giới, số 10 của Huỳnh Đức cũng phải gánh lấy nhiều sự đau khổ, cũng như thấm đẫm những giọt nước mắt của sự bẽ bàng trong nghiệp quần đùi áo số.
Lê Huỳnh Đức những năm tuổi trẻ
Trên màu áo tuyển, ngay kỳ Tiger Cup 1996, cặp đôi Hồng Sơn-Huỳnh Đức đã từng gây kinh thiên bát đảo cả Đông Nam Á, và đỉnh cao là Tiger Cup 1998 trên sân nhà, đội tuyển Việt Nam với lứa thế hệ vàng đã thổi lên một dòng máu nóng đầy nhiệt huyết trong con tim của người hâm mộ. Tuy nhiên đó cũng là kỳ Tiger Cup lấy đi nhiều nước mắt của cổ động viên Việt Nam, khi trận chung kết một hàng tiền đạo thiếu vắng Văn Sỹ Hùng đã không thể xuyên phá mành lưới của Singapore để rồi họ phải chịu thúc thủ với tỷ số 0-1. Vạn người khóc trên sân, triệu người khóc trước vô tuyến truyền hình. Và dĩ nhiên cái tên gây thất vọng nhất không ai khác chính là Lê Huỳnh Đức khi cả giải anh chỉ ghi duy nhất hai bàn trong chiến thắng với đội tuyển Lào. Tiếp đó, các kỳ Tiger Cup 2000, rồi 2002, Huỳnh Đức khi ấy đã trở thành đội trưởng của tuyển Quốc gia và trở thành ngôi sao sáng nhất trong thế hệ của mình với hàng loạt danh hiệu cá nhân trong nước.
Khi ấy, Huỳnh Đức đã ghi bàn nhiều lắm, hầu như trận nào anh cũng gây dấu ấn đặc biệt. Nhưng đáng tiếc là ở hai trận bán kết của giải đấu các năm đó, anh đều im lặng. Để rồi kỳ 2000, Việt Nam chúng ta thua đầy tức tưởi trước bàn thắng vàng của Indonesia. Còn kỳ 2002, là trận thua đầy đau đớn trước Thái Lan. Để rồi một nhà báo đã thốt lên: “Hãy xem, trong những trận cầu lớn Huỳnh Đức có ghi bàn bao giờ”. Không thể trách nhà báo ấy được, vì có thể trong một trạng thái thất vọng, ông đã nói lên suy nghĩ trung thực của mình, nhưng nó cho chúng ta hình dung thấy cái sự bẽ bàng của bóng đá: thắng anh được tất cả, thua anh phải chịu trách nhiệm. Số phận của ngôi sao lớn, của một số 10 là vậy đấy, có mấy ai hiểu chăng?
Lê Huỳnh Đức và Công Vinh
Trở lại câu hỏi đầu bài về tình cảm của Huỳnh Đức và bóng đá thành phố mang tên Bác. Anh ở đây hết những năm tháng tuổi trẻ cũng như đỉnh cao của mình, vậy mà suốt những năm tháng thành công trên cương vị huấn luyện, chưa bao giờ thấy Huỳnh Đức nhắc gì đến nền bóng đá đã chết nơi đây. Nhưng khoan trách anh, bởi chính TP.HCM là nơi đã đuổi anh đi không thương tiếc. Ngã rẽ đến từ năm 2003 trong một trận đấu giữa Ngân Hàng Đông Á TP.HCM với LG Hà Nội ACB, khi ấy đội bóng phía nam đã dẫn trước với tỷ số 3-0. HLV Vital vì muốn giữ quân cho trận đấu quan trọng gặp Thể Công nên đã rút Huỳnh Đức ra sau khi anh góp dấu giày vào hai bàn thắng. Ngay sau đó, đội bóng thành đô gỡ hòa 3-3, làng túc cầu dậy sóng, sức ép buộc ban huấn luyện NH Đông Á TP.HCM phải ngồi với nhau tìm ra nguyên nhân, và Huỳnh Đức sau màn đôi co cãi vã để đòi lấy sự công bằng cho anh em cầu thủ đã bị gắn cho cái mác quyền lực đen thế lực ngầm. Anh liền bị soi mói, từ một công thần giờ trở thành cái gai trong mắt mọi người.
Đó cũng là mùa mà Công An TP.HCM tự bán mình để đội bóng có thể tồn tại, câu chuyện của Huỳnh Đức là câu chuyện không cũ đối với những ai theo dõi dòng chảy của lịch sử, mỗi khi chuyển giao thế lực là lúc công thần phải bị trảm. Trớ trêu cho Đức khi tên tuổi của anh giờ trở thành con dao đâm vào tim anh. Huỳnh Đức lao đao trên con đường sự nghiệp, thậm chí anh tính chuyện giải nghệ và đoạn tuyệt hoàn toàn với bóng đá, cho đến một ngày anh nhận được cuộc gọi điện thoại, tiếng chuông reo lên như báo hiệu anh đã thoát khỏi được cơn ác mộng dai dẳng. Bên kia là người đã giúp Huỳnh Đức đội bùn đứng lên để trở thành nhân vật có tiếng tăm trong giới huấn luyện viên, ông cũng là người đã xây dựng nên nền bóng đá Đà Nẵng đầy bản sắc, cố Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Bá Thanh.
Vậy đấy, cuộc đời sự nghiệp của Huỳnh Đức tồn tại hai mảng đối lập: tột đỉnh vinh quang ở danh hiệu cá nhân, nhưng bẽ bàng trong đời sống tập thể. Người hâm mộ nhìn vào Huỳnh Đức với con đường tấn lộ đầy hoa hồng, nhà báo thì nhìn vào đó toàn là góc khuất với những ngã đường tăm tối. Riêng người viết thì cho rằng, phải chăng chính như thế mới là cuộc đời của một huyền thoại, cái thứ không trọn vẹn ẩn chìm, ba phần thấy bảy phần không ấy khiến cho nó cứ mờ ảo như một truyền thuyết vậy. Còn riêng bóng đá Sài Gòn thì tự hỏi: Huỳnh Đức ơi, liệu nơi đây còn chút gì để nhớ hay không?

PHƯƠNG GP(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.