Không còn những triều đại được thai nghén và dựng xây theo thời gian. Không còn những Alex Ferguson hay Arsene Wenger để có thể kiên nhẫn định hình bản sắc và đảm bảo sự trường tồn dài lâu của cả một đế chế.
Dường như ở bóng đá Châu Âu thời điểm hiện tại, có một vòng tròn khép kín luân chuyển giữa các đội bóng lớn nhất và nhóm những con người với tầm vóc hàng đầu tương tự trên phương diện huấn luyện. Họ luôn ở trong tâm thế chờ thời và sẵn sàng được chiêu mộ, hoặc… bị sa thải hay tự nguyện ra đi.
Một chiếc đu quay không nhạc nhẽo hay những niềm vui thú cơ bản, nhưng rất rất nhiều tiền đối với những ai may mắn được tham gia. Đều đều thay phiên nhảy lên nhảy xuống, và rồi kể cả lúc vẫn chưa có chỗ ngồi, hãy cứ ung dung tận hưởng quãng nghỉ giải lao để chờ tới lượt mình.
Không còn những triều đại được thai nghén và dựng xây theo thời gian. Không còn những Alex Ferguson hay Arsene Wenger để có thể kiên nhẫn định hình bản sắc và đảm bảo sự trường tồn dài lâu của cả một đế chế.
Ngày nay, những gì ngắn ngủi, chóng vánh đến độ lạnh lùng đã trở thành xu hướng được ưa chuộng gần như tuyệt đối trong giới túc cầu. Nhiệm vụ tối thượng dành cho các HLV là chiến thắng tức thì, bằng không buộc phải cúi đầu ra đi ngay khi thất bại, hoặc thậm chí có thể mới chỉ ở giai đoạn trông như sớm muộn sẽ như vậy. Bước lùi ngắn hạn cho bước tiến dài hạn không còn là chiến lược đủ sức hấp dẫn đối với ban lãnh đạo, những ông chủ mà độ kiên nhẫn hiếm khi tỷ lệ thuận với sự giàu có của họ.
Ngay cả tầm cỡ Zinedine Zidane, với chỗ đứng và tiếng nói vốn được khẳng định chắc chắn ở Bernabeu nhờ vào những chiến tích vĩ đại trên cấp độ cầu thủ lẫn HLV nơi đây, cũng phải thừa nhận không thể tránh khỏi những khó khăn và áp lực khổng lồ trên con đường kiến thiết thứ xa xỉ gọi là thành công bền vững và dài hạn. Để rồi, tất cả vẫn mãi chỉ là giấc mơ, tham vọng dang dở trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Chia sẻ của nhà cầm quân người Pháp xoay quanh quyết định rời ghế nóng Real Madrid cũng như phần nào về mối quan hệ rạn nứt với chủ tịch Florentino Perez: “Tôi chẳng đòi hỏi đặc quyền nào hết, tất nhiên không rồi, chỉ là ít nhiều thấu hiểu và cảm thông mà thôi. Ngày nay, các HLV thường chỉ trụ lại được hai mùa giải hoặc hơn chút ở một CLB lớn. Để mối lương duyên có thể dài lâu hơn, yếu tố tối thượng vẫn phải là những mối quan hệ giữa người với người, quan trọng hơn tiền bạc, danh tiếng, hơn tất thảy. Nó cần được vun vén và dung dưỡng, chứ không thể cứ bị xem nhẹ như hiện tại.”
Cái tên thay thế Zizou ở Real Madrid từ mùa hè này? Không phải ai khác chính là ông thầy cũ Carlo Ancelotti. Vị chiến lược gia người Ý chấp nhận một nốt trầm trong sự nghiệp với hai năm ngồi ghế nóng Everton cho sứ mệnh đoạt vé Champions League, giờ đây sẽ trở lại Bernabeu chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Ở tuổi 62, Carletto là một trong những HLV già dơ nhất vẫn còn đang hoạt động bóng đá, cũng như đã chu du nhiều nhất ở Châu Âu kinh qua những Juventus, AC Milan, Chelsea, Paris Saint-Germain, Real Madrid và Bayern Munich. Everton hân hoan chào đón một nhà cầm quân đẳng cấp thế giới, nhưng CLB nước Anh đơn giản không thể giữ chân ông trước lời mời gọi về khó cưỡng từ đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha, không chút lưỡng lự bỏ lại những dự án hứa hẹn nhưng mãi còn dang dở ở Goodison Park.
Ancelotti trở về Real Madrid không phải là màn tái duyên duy nhất ở Châu Âu trong mùa hè này. Massimiliano Allegri cũng đã quay lại Juventus sau hai năm xa cách và cũng để thế chỗ một người học trò cũ của mình, Andrea Pirlo. Cựu tiền vệ huyền thoại có thể đã vô địch cúp quốc gia Ý và siêu cúp Ý, nhưng sự non kém kinh nghiệm khiến Lão bà bị soán ngôi vương Serie A sau 9 năm thống trị, thậm chí suýt chút nữa lỗi hẹn với tấm vé tham dự Champions League, đã khiến ông nhanh chóng phải trả giá bằng công việc của mình chỉ sau đúng một mùa giải đầu tiên.
Juventus rõ ràng không cần phải tìm kiếm xa xôi tận đâu khi Allegri vẫn còn đang thất nghiệp suốt hai năm qua. Quá khứ với năm danh hiệu Serie A và hai trận chung kết Champions League đã là sự đảm bảo quá đủ cho năng lực của HLV 54 tuổi, còn Bà đầm già thành Turin cũng chẳng còn thiết tha mạo hiểm sự tươi mới lạ lẫm nào nữa sau một mùa giải có thể coi là thất bại.
Có cảm giác về một sự tương đồng ở nhà đương kim vô địch Châu Âu Chelsea khi giống như Juventus, họ cũng bổ nhiệm một huyền thoại CLB cho chiếc ghế nóng suốt một mùa giải rưỡi qua, để rồi nhận thức ra sự thật trần trụi về vốn liếng năng lực và kinh nghiệm hạn chế của những HLV trẻ. Frank Lampard đã phải chia tay Stamford Bridge để nhường chỗ cho Thomas Tuchel, đồng nghiệp ưu tú vượt trội với những thành tích đã đạt được ở Dortmund và PSG.
Tuchel đã nhanh chóng khẳng định đẳng cấp với chức vô địch Champions League chỉ sau chưa đến nửa năm dẫn dắt Chelsea, nhưng có lẽ cũng chẳng có gì đảm bảo cho tương lai của ông ở thủ đô London. Bất luận có hay không ấp ủ tham vọng xây dựng một đế chế tại Stamford Bridge, nguy cơ bị ngài chủ tịch Roman Abramovich sa thải luôn chầu chực chờ đợi vị chiến lược gia người Đức ngay khi ông thất bại trong chiến dịch vô địch nước Anh hay bảo vệ ngôi vương Châu Âu trong mùa giải tiếp theo đây. Tấm gương của ông là Jose Mourinho, Antonio Conte hay Maurizio Sarri, ba tiền nhiệm rõ ràng đều thành công không kém, nhưng rồi tất cả cũng chịu chung số phận ra đi không kèn không trống.
Nhắc tới Conte, người vừa dứt áo Inter Milan trong sự ngỡ ngàng dẫu mới dẫn dắt đội bóng xanh-đen lên ngôi vô địch Serie A và giải cơn khát danh hiệu kéo dài suốt cả thập kỷ. Cựu thuyền trưởng tuyển Ý khởi đầu kỳ nghỉ hè với những liên hệ công việc ở Real Madrid và rồi giờ đây là Tottenham Hotspur. Đội bóng nước Anh cũng được cho đang có kế hoạch tái hợp cố nhân Mauricio Pochettino từ PSG sau khi vừa mới sa thải Mourinho.
Tiện nói đến Mourinho, ông nhanh chóng tìm được công việc mới ở một ông lớn lục địa già khác là AS Roma. CLB còn lại duy nhất để cho HLV người Bồ Đào Nha có thể thử sức dường như chỉ là PSG, trước khi ông có thể chọn lựa bước sang chương mới sự nghiệp có cảm giác an nhàn hơn ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Vậy thì điểm mấu chốt của vấn đề là đây. Mỗi khi lên kế hoạch bổ nhiệm một vị thuyền trưởng mới ngồi vào ghế nóng, các đội bóng lớn ở Châu Âu thường xuyên bị mắc kẹt trong vòng quay tìm kiếm chỉ một nhóm nhất định các HLV hiện tại hoặc đã từng dẫn dắt những đội bóng lớn khác, kể cả bất chấp việc sa thải họ từ trước vì thành tích tệ hại hay do mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Bình cũ rượu cũ cũng không quan trọng miễn sao là quyết định an toàn, không ai còn dám mạo hiểm những sự tươi mới lạ lẫm có thể mang tính đột phá nữa.
Vốn dĩ đâu phải bóng đá nghèo nàn HLV tài giỏi đến thế. Ví dụ đơn cử như Brendan Rodgers, nhà cầm quân người Bắc Ireland xứng đáng được trao cơ hội tại một ông lớn Châu Âu thực sự, sau khi đã và đang tạo dựng tên tuổi ở những Liverpool, Celtic hay Leicester City thời điểm hiện tại. Erik Ten Hag cũng vậy, nhưng vị chiến lược gia người Hà Lan cũng mới gia hạn hợp đồng với Ajax Amsterdam.
Unai Emery có thể đã thất bại trên ghế nóng Arsenal, nhưng với danh xưng kỷ lục gia Europa League với bốn lần lên ngôi vô địch, mới nhất là chiến thắng cùng Villarreal trước thế lực Manchester United trong trận chung kết ở Ba Lan, tại vì sao Real Madrid không cân nhắc HLV người Tây Ban Nha thay thế Zidane?
Và rồi, một mùa hè hay cả mùa giải biến động trước mắt có thể được tiếp nối với những thay đổi vị trí thuyền trưởng ở Barcelona, Arsenal hay thậm chí cả Manchester United, nhưng hãy cứ tin rằng họ sẽ đều rơi vào vòng quay HLV đương thời ở lục địa già.
Giới mộ điệu đã từng chứng kiến một vòng quay HLV tương tự ở Anh, nhưng là giữa các CLB tầm trung bình khá lên xuống giữa hai hạng đấu cao nhất xứ sở sương mù. Đó là những Sam Allardyce, Steve Bruce, Mark Hughes, Steve McClaren, Alan Pardew hay Tony Pulis… với nhiệm vụ đưa đội bóng chủ quản của mình thăng hạng Premier League hoặc trụ lại ở đó.
Giờ đây, xu thế này đang chuyển hướng xuất hiện ở cả những ông lớn hàng đầu Châu Âu, với điểm khác biệt xoay quanh những danh hiệu vô địch chứ không còn là cuộc chiến thăng hạng hay trụ hạng. Một vòng quay HLV lặp đi lặp lại dường như không có hồi kết, lạnh lùng và buồn tẻ.
Hải Đường