Rất hiếm khi tại các quốc gia ưu tú của châu Âu bạn tìm thấy được một cầu thủ chắc suất đá chính cho ĐTQG của mình nhưng tình trạng ở CLB thì ngược lại.
\ |
Nhưng đó lại chính là hiện thực của Harry Maguire, người đã có số lần ra sân cho đội tuyển Anh tại World Cup 2022 (5) nhiều hơn so với số trận đã chơi tại Manchester United (4) cho đến thời điểm này của Premier League mùa giải 2022-23.
Rất nhiều người đã nghĩ rằng việc Maguire không được ra sân thường xuyên tại bóng đá quốc nội sẽ dẫn tới hệ quả là HLV trưởng của đội tuyển Anh Gareth Southgate sẽ không cho anh đá chính, hay thậm chí có thể là không triệu tập trung vệ này lên tuyển.
Tuy nhiên, những màn trình diễn mạnh mẽ của Maguire ở Qatar đã gợi lên ký ức về mùa hè năm ngoái, khi anh bắt đầu Euro 2020 với tình trạng chấn thương và cuối cùng có được một suất góp mặt trong đội hình tiêu biểu của giải đấu.
“Cậu ấy (Maguire) luôn có được những trận đấu hay cho đội tuyển Anh. Còn tại Manchester United thì lại chẳng được như vậy, những màn trình diễn tệ đã thường xuyên xuất hiện,” Erik Ten Hag bình luận sau thất bại của Tam Sư trước đội tuyển Pháp ở vòng tứ kết.
Vậy, Ten Hag cần làm gì để có thể có được Harry Maguire “phiên bản Tam Sư” tại Manchester United?
MỘT ĐỐI TÁC PHÙ HỢP VÀ ỔN ĐỊNH
Manchester United từng sở hữu một cặp trung vệ hoàn toàn có thể được ca ngợi là xuất sắc nhất lịch sử Premier League với Nemanja Vidic và Rio Ferdinand.
Cả hai vừa có những kỹ năng, đặc điểm giống nhau, vừa có thể bổ khuyết cho nhau: Thể chất, khả năng không chiến tuyệt vời của Vidic kết hợp với một Ferdinand được nhiều người coi là “trung vệ làm bóng” (ball-playing centre-back) hiện đại đầu tiên của bóng đá Anh.
Tại đội tuyển Anh, John Stones chính là “cạ cứng” của Maguire tại ba giải đấu lớn, tuy Tam Sư đã thường xuyên thay đổi cấu trúc hệ thống phòng ngự - trong bảng dưới, những trận đấu mà hai người họ chơi trong hàng thủ 3 trung vệ sẽ được đánh dấu (*) bên cạnh tên đối thủ.
Trong 16 trận chơi với cặp đôi này ở World Cup 2018, Euro 2020 và World Cup 2022, đội tuyển Anh đã giành được 10 chiến thắng, có 3 trận hoà và nhận 3 thất bại, bên cạnh đó là sự vững chắc của một hàng thủ được ghi nhận thống kê thủng lưới trung bình mỗi trận chưa tới 1 bàn (0,75 bàn thua mỗi 90 phút, thủng lưới tổng cộng 12 bàn) và giữ sạch lưới gần một nửa số trận đó (7).
Trước World Cup, khi được hỏi về khả năng của Maguire, Stones đã chia sẻ như sau: “Chúng tôi đã chơi rất nhiều trận cùng nhau, giữa chúng tôi đã hình thành nên một mối quan hệ đối tác tuyệt vời. Trên sân, chúng tôi biết rõ người kia sẽ làm gì và làm thế nào để có thể phối hợp với nhau một cách tốt nhất.”
Theo cách phân loại các trung vệ của Michael Cox, một chuyên gia phân tích chiến thuật đang làm việc cho The Athletic, thì Maguire là một chú chó (kiểu trung vệ khi nhìn thấy bóng sẽ ngay lập tức ập tới đuổi theo, gây áp lực lên đối thủ và cố giành bóng bằng mọi giá), còn John Stones là một chú mèo (kiểu trung vệ kiên nhẫn chờ đợi thời cơ để “ra đòn” và chú trọng vào việc chọn vị trí chính xác nơi tuyến phòng ngự, yểm trợ cho người đồng đội đang băng ra khỏi hàng thủ để tranh bóng quyết liệt).
Trong tình huống dưới đây, Maguire đã có một pha băng lên và cắt bóng trước xứ Wales để ngăn chặn một đợt phản công, còn Stones không có trong ảnh vì không làm vậy…
Là người có sức mạnh, thể hình vượt trội hơn, Maguire có nhiều pha băng lên tranh cướp bóng hơn, nhưng đồng thời anh cũng nổi bật hơn trong việc phòng ngự vòng cấm – trung vệ 29 tuổi được ghi nhận đã thực hiện nhiều pha phá bóng hơn (18 so với 7), nhiều pha tắc bóng hơn (7 so với 2), và nhiều hơn gấp đôi về số lần không chiến (20 so với 10) so với Stones tại World Cup.
Điều này cũng được phản ánh qua cường độ và phạm vi diễn ra các hành động phòng ngự của hai người họ ở Qatar.
Trong chiến thuật phòng ngự phạt góc của Tam Sư trước đội tuyển Mỹ, Stones đã được giao nhiệm vụ “chốt chặn”, tập trung đề phòng các chân chạy của đối thủ, còn Maguire tuy cũng thực hiện phòng ngự khu vực nhưng nhiệm vụ chính của anh là đánh đầu phá bóng.
Khả năng của trung vệ 29 tuổi ở cả hai vòng cấm và phong cách phòng ngự xông xáo, chủ động chính là những điểm (siêu) mạnh của anh, được chứng minh qua “dữ liệu đấu tay đôi” của smarterscout dưới đây (đánh giá từng khía cạnh theo thang điểm từ 0 đến 99, dựa trên “chất lượng” của đối thủ):
Chú thích: Tackling (tắc bóng), Dribbling (rê dắt bóng), Open-play headers (khả năng không chiến trong các tình huống bóng sống), Set-play headers (khả năng không chiến trong các tình huống cố định). |
Về mặt chiến thuật, điểm yếu lớn nhất của Maguire là những hạn chế trong khía cạnh “athleticism” (một thuật ngữ bao gồm các yếu tố: Dẻo dai, tốc độ, sức bền và sự nhanh nhẹn), một điều đã được kiểm chứng bởi hệ thống chiến thuật đòi hỏi một hàng thủ dâng cao của Ten Hag.
Nhưng mọi trung vệ đều có những khuyết điểm và do đó, việc kết hợp những cầu thủ có thể bổ khuyết cho nhau là vô cùng quan trọng.
Carl Anka của The Athletic từng nhận định rằng Maguire đã thực hiện vai trò của mình vào mùa giải 2020-21 ở mức “gần như hoàn hảo”, và điều này bắt nguồn từ mối quan hệ đối tác của anh với Victor Lindelof – một trung vệ nhỏ con hơn, có “athleticism” tốt hơn và năng động hơn.
“Sẽ mất một khoảng thời gian để tạo dựng được một mối quan hệ đối tác ăn ý, tôi đang học về lối chơi, bộ kỹ năng của cậu ấy (Lindelof), còn cậu ấy thì học về tôi, và tôi nghĩ chúng tôi đang ngày càng trở nên tốt hơn,” Maguire chia sẻ với website chính thức của Man United vào tháng 4 năm 2020.
Trong các mùa giải 2019-20 và 2020-21 của Premier League, họ đã đá cặp với nhau 62 trong tổng số 76 trận đấu của Manchester United (tức là chiếm 79%). Tuy không thể chỉ dựa vào các kết quả để biết được toàn bộ câu chuyện, nhưng với việc trong 62 trận đó bao gồm 33 chiến thắng, 21 trận hoà và chỉ 8 trận thua, trong khi thống kê số bàn thua trung bình mỗi trận chưa tới con số 1 (cụ thể là 0,95 – và tổng số bàn thua là 59), có thể thấy rằng Man United đã có một hệ thống phòng ngự thực sự chắc chắn.
TRIỂN KHAI BÓNG VỚI HÀNG THỦ 3 TRUNG VỆ
Đề xuất để Manchester United sử dụng hàng thủ 3 trung vệ khó có thể được đưa vào áp dụng trong thực tế, bởi vì vị HLV trưởng người Hà Lan của họ đặc biệt yêu thích sử dụng đội hình 4-2-3-1 hoặc 4-3-3.
Nếu giữ nguyên si “sở thích” đó, Ten Hag sẽ chẳng bao giờ có được “Maguire phiên bản Tam Sư” hoàn chỉnh, bởi vì ông chuộng để cho Lisandro Martinez đá trung vệ lệch trái hơn, nhưng đây lại chính là vai trò tối ưu của Maguire và là nơi mà anh hoạt động trên ĐTQG.
“Tôi đang có được 2-3 cầu thủ giỏi cho vị trí trung vệ lệch phải,” nhà cầm quân người Hà Lan khẳng định khi nhận xét về phong độ của Maguire ở World Cup và cơ hội góp mặt trong đội hình đá chính tại Man United của anh.
Mặc dù việc để cho một cầu thủ thuận chân phải chơi trung vệ lệch trái sẽ khiến anh ta gặp khó khăn khi muốn thực hiện các đường chuyền dọc biên – đây là chuyện rất quan trọng nếu Ten Hag muốn thi triển lối chơi kiểm soát bóng – nhưng với việc để Maguire đảm nhận vị trí này, anh sẽ có điều kiện tốt hơn để rê dắt và bảo vệ quả bóng với đôi vai của mình, ngoài ra anh cũng có thể thực hiện những pha mở bóng dài sang hai cánh.
Như cú phất bóng cho cầu thủ chạy cánh trái Raheem Sterling trước đội tuyển Mỹ ở vòng bảng…
…và đường chuyền chéo sân cho cầu thủ chạy cánh phải Bukayo Saka (nằm ngoài khung hình) trước Senegal ở vòng 16 đội.
Trong cả 2 ví dụ trên, những đường chuyền của Maguire đã loại bỏ ít nhất 5 cầu thủ đối phương và tìm tới được một cầu thủ chạy cánh đồng đội, đưa anh ta vào thế 1 chọi 1 với một hậu vệ đối thủ - một kiểu “hầu bóng” đầy lý tưởng dành cho Marcus Rashford và Jadon Sancho.
Với tư cách là một cầu thủ thuận chân phải, tại cánh trái và trung lộ là những nơi mà việc thực hiện các đường chuyền như trên sẽ dễ dàng hơn.
Còn khi chơi ở phần sân đấu bên phải, một cú phất bóng sang phần sân đấu bên trái bằng chân phải cần được thực hiện bằng mu bàn chân và sẽ tương đồng với một đường chuyền ngang có quỹ đạo cong, do đó tính thâm nhập sẽ thấp hơn.
Giải pháp mà Ten Hag đã thử nghiệm là sử dụng một hậu vệ cánh bó vào phía trong và chơi thấp để tạo nên một hệ thống hàng thủ 3 trung vệ tạm thời.
Người đồng đội của Maguire tại Man United là Luke Shaw (hậu vệ trái) đã thực hiện động thái bó vào phía trong đó trước xứ Wales, đội bóng chơi phòng ngự thụ động với một khối phòng ngự tầm trung (mid-block) theo đội hình 4-3-3, cho phép Maguire dâng lên…
…và mở bóng dài sang cánh trái cho Rashford.
Bố cục tương tự đã diễn ra ở Man United vào giai đoạn chuẩn bị tiền mùa giải, với việc hậu vệ cánh trái Tyrell Malacia bó vào trong và tạo nên cấu trúc hàng thủ 3 trung vệ trước Crystal Palace.
Ví dụ tiếp theo được lấy từ trận đấu với Aston Villa ở Carabao Cup, lần này Maguire chơi ở chính giữa của bộ ba, bên trái anh là Lindelof và hậu vệ phải Diogo Dalot bó vào phía trong để trở thành trung vệ lệch phải.
Giống như Palace, Aston Villa đã triển khai một khối phòng ngự tầm trung theo đội hình 4-4-2, và Man United chỉ sử dụng duy nhất một tiền vệ trụ trong cả 2 ví dụ.
Giá trị của hậu vệ cánh lùi sâu trong trường hợp này, trước khối phòng ngự tầm trung theo đội hình 4-4-2 của đối thủ, là anh ta sẽ giúp tạo ra lợi thế 3 chọi 2 khi đội mình kiểm soát bóng.
Một trong các phương án lên bóng mà cấu trúc này mang lại là trung vệ lệch cánh có thể nhận bóng ở half-space (hành lang trong) và dâng cao, giống như Maguire đã làm trước Atletico Madrid vào giai đoạn tập huấn tiền mùa giải, lần này Lindelof là người đá trung vệ giữa.
Và bởi vì bị áp đảo quân số, các đối thủ sẽ không thể pressing – qua đó giúp Maguire có thời gian và không gian để dâng cao, sau đó thực hiện những pha mở bóng dài ra cánh đã đề cập.
Ví dụ như trước Brighton, trong khi tuyến giữa 3 người của Man United đang bị phong toả, Maguire đã nhận bóng ở cánh, trong khoảng trống mênh mông…
…và động thái lao lên phía trước của Christian Eriksen đã thu hút sự chú ý của trung vệ Joel Veltman bên phía Brighton, qua đó mở ra khoảng trống để Maguire phất bóng đến cho Rashford.
Về mặt phòng ngự, việc có thêm một cầu thủ phòng ngự phía sau quả bóng sẽ giúp giảm bớt các nỗi lo về khía cạnh “athleticism”.
Trước đội tuyển Pháp, với một hàng thủ 4 người có sự góp mặt của Maguire và trong tình cảnh phải đối đầu với mối đe doạ cực kỳ đáng sợ mang tên Kylian Mbappe, vị trí lùi sâu và bó vào phía trong của hậu vệ phải Kyle Walker đã tạo nên một hệ thống hàng thủ 3 trung vệ khiến cho tiền đạo 24 tuổi chỉ tung ra được 1 cú dứt điểm và tạo ra 1 cơ hội.
ẢNH HƯỞNG TỪ SỰ RA ĐI CỦA CRISTIANO RONALDO, VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA MỘT THỦ MÔN QUÉT
Tuy nghe rất lạ lùng, nhưng việc thay đổi thủ môn và tiền đạo số 9 thực sự có thể giúp Maguire cải thiện đáng kể ở vị trí trung vệ.
Đặc điểm chẳng tham gia pressing của Cristiano Ronaldo đồng nghĩa với việc Man United sẽ phải phòng ngự một cách vất vả hơn và gần hơn với khung thành của họ - đây là một vấn đề đã được giải quyết với sự ra đi của siêu sao người Bồ Đào Nha.
Bàn thắng đầu tiên của Norwich trước Manchester United vào tháng 4 được ghi sau một cơ hội được tạo nên từ phía sân đấu mà Maguire hoạt động, nhưng khởi nguồn của nó là sự thất bại của 6 cầu thủ tuyến trên (3 tiền vệ và 3 tiền đạo, bao gồm Ronaldo đá trung phong) trong việc triệt tiêu các tuyến đường chuyền chọt của đối thủ…
Trong khi đó, những hạn chế khiến David De Gea không thể đảm nhận tốt vai trò thủ môn quét đã khiến các cầu thủ phòng ngự vất vả hơn, áp lực hơn trong việc truy cản các đường chuyền đưa bóng ra phía sau hàng thủ Man United – theo FBref, ngôi sao người Tây Ban Nha đứng dưới tận 79% các thủ môn thi đấu ở top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu về thống kê số hành động phòng ngự bên ngoài vòng cấm trung bình mỗi 90 phút (0,77) trong 365 ngày qua, trong khi 1,39 là con số được ghi nhận ở thủ môn số 1 của đội tuyển Anh – Jordan Pickford.
THỰC HIỆN NHIỀU CÚ ĐÁ PHẠT GÓC “OUTSWINGING” HƠN
(Outswinging corner: Những cú đá phạt góc có quỹ đạo xoáy cuộn ngược hướng khung thành.)
Kể từ đầu năm 2021, Harry Maguire đã có số bàn thắng cho đội tuyển Anh (5) nhiều hơn so với tại Man United (3). Trong khi đó, hồi tháng 1 năm nay, ký giả Laurie Whitwell của The Athletic từng viết về việc Man United đã không ghi nổi một bàn thắng nào từ 117 quả phạt góc.
Giải pháp rất đơn giản – thực hiện ít đi những cú phạt góc kiểu “inswinging” (có quỹ đạo xoáy cuộn về phía khung thành), và nhiều “outswinging” hơn.
Các bàn thắng của Maguire trong những tình huống phạt góc đã được ghi theo một khuôn mẫu nhất định: Những cú đánh đầu hiểm hóc, uy lực sau các pha chạy theo đường thẳng. Và những cú phạt góc kiểu “outswingers” phù hợp một cách hoàn hảo với điều này, vì quả bóng sẽ lơ lửng trên không lâu hơn và cuộn về phía anh, qua đó dẫn tới một cú dứt điểm mạnh mẽ hơn.
Sự lợi hại của Maguire trong các tình huống cố định đã được xem là một món vũ khí rất đáng gờm của đội tuyển Anh dưới thời Southgate, và 2 ví dụ dưới đây, được lấy từ vòng loại World Cup – nơi mà anh chính là cầu thủ có thành tích ghi bàn tốt thứ hai của Tam Sư (4 bàn) – là những pha lập công được ghi theo khuôn mẫu trên.
Một cú “outswinger” đưa bóng vào khu vực 5m50 cho Maguire, người có vị trí xuất phát xa khung thành nhất và sử dụng các đồng đội làm bình phong che chắn cho mình. Trong ví dụ đầu tiên, người kiến tạo chính là Luke Shaw.
Vào tháng 1 năm 2021, trong chiếc áo Manchester United, Maguire đã có một cú đánh đầu đưa bóng vào lưới Sheffield United theo công thức tương tự hai ví dụ trên.
Tuy nhiên, vào mùa giải trước, phần lớn (55%) những pha phạt góc của Man United đã không được thực hiện theo kiểu “outswinging”.
So sánh với Liverpool, đội bóng cũng sở hữu một chuyên gia không chiến cực nguy hiểm trong các tình huống bóng ch.ết là Virgil Van Dijk, có tới 73% trong số những pha phạt góc của họ được đá theo kiểu “outswinging”.
Bạn có thể lập luận rằng làm vậy thì quá dễ đoán, quá dễ bắt bài, nhưng trên thực tế, Liverpool đã ghi được 6 bàn thắng từ các tình huống phạt góc, đứng thứ ba ở Premier League, còn Man United thì chẳng có bàn nào cả. Đối với khả năng của Maguire, điều quan trọng không phải là sự khó đoán, mà là tạo điều kiện cho anh trở nên bất khả ngăn cản.
Theo Liam Tharme, The Athletic