Bắt đầu câu chuyện bằng...một tình huống đáng quên nhất trong sự nghiệp của Lahm: pha tăng tốc ghi bàn của Torres ở Euro 2008. Nhìn lại pha bóng ấy, người viết tự hỏi, nếu như Lahm biết được đó là bàn thắng duy nhất của trận đấu thì anh có quyết định khác hay không?
Dĩ nhiên, khó mà yêu cầu Lahm có thể ngăn cản Torres một cách hợp lệ trong tình huống ấy, sức rướn và khả năng bức tốc của tiền đạo người Tây Ban Nha luôn là nỗi khiếp sợ trong những tháng năm đỉnh cao của anh. Nhưng rõ ràng, Lahm hoàn toàn có thể sử dụng tiểu xảo để khiến Torres gặp nhiều khó khăn hơn. Có thể là kéo áo, hoặc ngáng chân El Nino, những “kỹ năng” mà các hậu vệ với cái đầu đầy mưu mẹo thường sử dụng mỗi lần ở trong tình thế bất lợi. Đẳng cấp và kinh nghiệm của Lahm đủ để biết những chiêu trò ấy, nhưng anh đã không sử dụng. Vì sao như thế?
Rất nhiều huấn luyện viên, và đặc biệt là Pep Guardiola, một con người đòi hỏi nhiều ở đầu óc của các cầu thủ, đã khẳng định rằng Lahm thuộc nhóm những cá nhân thông minh nhất. Xem Lahm trong suốt sự nghiệp của mình, chúng ta cũng có thể nhìn ra điều ấy. Không một thẻ đỏ ở vị trí hậu vệ, điều không hề dễ dàng để có thể kể tên người thứ hai. Để đạt được “thành tích” đó, bên cạnh là đẳng cấp quá tốt của một cầu thủ phòng ngự, Lahm còn có khả năng đưa ra quyết định rất hợp lý. Nếu anh muốn xoạc bóng, thì kể cả cầu thủ tốc độ cao cũng khó thoát khỏi cái “liềm gạt” của anh. Còn như anh muốn dùng sức, thì đến gã khổng lồ như Jan Koller cũng đã từng suýt chổng vó khi đối đầu với cầu thủ “bé hạt tiêu” này. Thế đấy, đầu óc linh hoạt giúp Lahm đưa ra quyết định hết sức hợp lý, vì vậy để nói đến sai lầm của anh trong sự nghiệp, chúng ta khó mà có thể điểm ra được.
Và nếu chúng ta nhìn nhận điều ấy để đưa vào tình huống trên. Với tốc độ cao và tình huống diễn ra nhanh như vậy, chỉ cần Lahm kéo áo hoặc ngáng chân, điều chắc chắn thứ nhất là Torres sẽ ngã. Và điều chắc chắn thứ hai là Lahm bị truất quyền thi đấu, trừ trường hợp trọng tài tỏ ra quá nhân từ. Để rồi khi anh rời sân bỏ lại một đội tuyển Đức thiếu người trước một Tây Ban Nha cực mạnh, thì cơ hội gần như đã đóng với Cỗ xe tăng. So với việc bị dẫn một bàn thắng, thì điều đó mang đến rủi ro nhiều hơn rất nhiều. Có lẽ chính như thế mà Lahm đã quyết định không sử dụng tiểu xảo. Tỉnh táo và dứt khoát, Lahm đã đưa ra sự lựa chọn cho chính mình. Dù sau đó anh cùng tuyển Đức đã thua, nhưng đó là lựa chọn tốt nhất trong tình huống ấy.
**************
Tình huống thứ hai mà bài viết muốn nói đến là pha kung-fu kinh hoàng của De Jong vào ngực Xabi Alonso. Pha bóng mà giờ đây khi nhớ lại vẫn còn cảm giác rợn người. Ngày hôm ấy, cả thế giới (trừ người hâm mộ Hà Lan?) cảm thấy tức giận trước tấm thẻ vàng dành cho De Jong, vì đáng ra...anh xứng đáng nhận tấm thẻ đỏ. Alonso gục xuống sân và ôm ngực nằm thở trong chốc lát. Đồng đội sửng cồ lên với trọng tài, tranh cãi nảy lửa với quyết định của ông. Rồi Alonso đứng lên...đá tiếp như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Lạ chưa?
Xabi Alonso luôn khiến chúng ta mường tượng đến hình tượng một người đàn ông lịch lãm đá bóng. Bình tĩnh, yên lặng làm chủ khu trung tuyến. Thế nhưng, ít ai để ý rằng Alonso cũng là người rất giỏi những “ngón nghề” ngầm. Bởi thế, đối thủ mới sợ một phép khi thấy Alonso ở vòng tròn giữa sân, khu vực nóng nhất trong bóng đá hiện đại. Anh đủ khôn ngoan để biết rằng nếu ăn vạ lăn lóc thảm thiết thì có khả năng sẽ có án phạt nặng hơn cho De Jong. Thế nhưng, Alonso cũng đủ sáng suốt để hiểu rằng điều ấy sẽ không mang lợi thế gì cho anh khi trọng tài đã có quyết định.
Cũng như Lahm, Alonso là cầu thủ rất đầu óc. Anh tham gia đánh chặn cũng rất đáng gờm nhưng chưa bao giờ để người xem cảm giác anh là một cầu thủ bạo lực. Điểm tĩnh và lạnh lùng, Alonso làm chủ trận đấu. Một trận chung kết, với 2/3 thời gian thi đấu còn ở phía trước. Trọng tài đã quyết định án phạt và dĩ nhiên là không thể thay đổi được kết quả. Để trận đấu nóng lên hoàn toàn không cần thiết. Điều đó không có lợi gì cho đội bóng của anh. Tây Ban Nha rất cần sự bình tĩnh để có thể triển khai lối đá cầm bóng chắc của mình. Và anh chứ không phải ai khác, phải là người đi đầu để lấy lại sự bình tĩnh cho đồng đội. Vì thế, rõ ràng không có cớ gì để tiền vệ số 14 đẩy mọi thứ vào sự quá khích. Anh đứng lên và trả đũa De Jong theo cách riêng của mình, như ông trùm chứ không phải những pha ăn vạ. Và anh đã chiến thắng bằng kết quả của trận đấu.
Hai tình huống được đưa ra phân tích hòng nói lên cái nét điềm tĩnh và thông minh của hai cá nhân điển hình nhất cho mẫu cầu thủ này. Hãy nhớ là điềm tĩnh và thông mình chứ không hề hiền lành. Vì nếu như hiền lành, thì họ không thể đủ bản lĩnh để đưa ra quyết định quan trọng như thế trong một trận chung kết.
Và khi đưa ra hai tình huống trên cũng là chủ ý của người viết. Một trong trận chiến thắng của Alonso để ta thấy rằng, sự điềm tĩnh mang lại kết quả hoàn toàn tuyệt vời. Và một từ thất bại của Lahm để thấy rằng con người không phải là hoàn hảo, mỗi quyết định ta đưa ra có thể đúng nhất trong khoảnh khắc chứ không phải lúc nào cũng là đúng ở chặng đường dài. Nhưng quan trọng nhất là trong những thời khắc “nóng” như thế, họ vẫn chọn là chính mình.
Bóng đá là trò chơi đối kháng và va chạm trực tiếp trên sân. Bầu máu nóng luôn là điều cần thiết để thúc đẩy tinh thần chiến đấu, qua đó tạo nên động lực cho đôi chân thể hiện những gì tốt nhất. Khán giả luôn yêu cầu cầu thủ phải thi đấu với tinh thần cao nhất chứ không chỉ là cần kỹ năng là đủ. Thế nhưng cặp đôi Lahm và Alonso đã cho thấy điều ngược lại.
|
Lahm - Alonso: Bóng đá của những con người lịch lãm4 |
Không nhiều người cho rằng Lahm đã “nhát gan” khi để Torres vượt qua và ghi bàn, bởi đơn giản đó là điều khôn ngoan nhất. Và nếu hỏi Alonso có phải “quá hiền” khi De Jong chỉ phải nhận thẻ vàng không, thì hẳn nhiều người trả lời rằng không, bởi đơn giản là anh đã tỉnh táo. “Nhát gan” và “hiền lành”, đó là thiếu bản lĩnh. Lahm và Alonso không phải như thế. Bởi vì không chỉ riêng hai tình huống trên mà trong suốt sự nghiệp họ luôn chọn một lối chơi đẹp nhất và tôn trọng luật chơi nhất. Họ có đủ sự tự tin về kỹ năng và tư duy để theo đuổi cách chơi của mình.
Và có thể những phân tích trên về lối chơi đầu óc và điềm tĩnh đôi khi khá thừa thãi. Nhiều lúc không phải phức tạp như vậy. Cũng thật hợp lý khi nghĩ rằng hai người chơi bóng với cái máu “quý ông” đã ăn sâu vào máu. Họ không muốn thẻ đỏ, họ không muốn ăn vạ. Họ muốn mình trên sân và chơi một thứ bóng đá sạch. Một thứ bóng đá “quý ông” mà hai người luôn muốn trở thành để làm kim chỉ nam trong suốt sự nghiệp. Và là lý do chính mà người hâm mộ luôn gọi họ là: “Quý ngài lịch lãm chơi bóng”. Đôi khi sự việc chỉ đơn giản như thế cũng dễ xảy ra lắm!
PHƯƠNG GP (TTVN)