Là một cầu thủ giỏi, rất giỏi, có lẽ Kylian Mbappe vẫn sẽ đá tốt dù khoác áo đội bóng nào. Chỉ có một điều chắc chắn: Sẽ có một đội bóng phải thất vọng sau cùng.
Ảnh: Getty Images
Ngày 25/8/2021, một tuần trước khi kỳ chuyển nhượng hè 2021 khép lại, Real Madrid ra giá 160 triệu euro cho Kylian Mbappe của Paris Saint-Germain. Cũng rất nhanh chóng, PSG từ chối lời đề nghị này.
Câu hỏi đặt ra là điều gì điên rồ hơn trong thương vụ này: Đội bóng ra giá 160 triệu euro cho cầu thủ sẽ miễn phí trong một năm nữa, hay đội bóng từ chối 160 triệu euro cho cầu thủ họ có thể mất trắng trong 12 tháng tới?
Trước khi mua Eduardo Camavinga của Rennes ở ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng hè 2021, ban lãnh đạo Real Madrid cứ như đang thử vai cho bộ phim “A Quiet Place”, khi họ im hơi lặng tiếng suốt hai năm qua. Họ thanh lý bớt những cầu thủ lương cao (Raphael Varane, James Rodriguez), từ chối gia hạn các cựu binh (Sergio Ramos) và nhận những khoản tiền kếch xù từ những cầu thủ trẻ không có trong kế hoạch (Achraf Hakimi, Martin Odegaard, Sergio Reguilon). Giống như ép Lady Gaga phải ăn mặc như Mark Zuckerberg, đó không phải thứ chúng ta nhớ đến khi nghĩ tới Real Madrid. Nhất là khi đó là Real Madrid của Florentino Perez, nơi mọi thứ phải hào nhoáng, tiền bạc chưa bao giờ là vấn đề.
Để rồi, ở tuần cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, “bùm”: 160 triệu euro được đặt lên bàn đàm phán với PSG để chiêu mộ Mbappe. Mọi thứ có vẻ đã trở lại bình thường, nhưng nếu coi đó là điều mà Real Madrid vẫn làm như trước kia, thì đây vẫn là tình huống kỳ lạ.
Bởi hợp đồng của Mbappe sẽ hết hạn vào tháng 6 năm sau, Los Blancos chỉ cần chờ thêm một năm là sẽ có cầu thủ người Pháp mà không tốn một xu nào. Trả phí chuyển nhượng cao cho một cầu thủ chỉ còn một năm hợp đồng không phải điều gì quá xa lạ đối với Real Madrid. Mùa hè 2019, họ từng chuyển 100 triệu euro vào tài khoản của Chelsea để đưa Eden Hazard về sân Bernabeu. Và giờ họ đang chuẩn bị tăng gấp rưỡi kỷ lục chuyển nhượng của mình cho động thái tương tự hai năm trước.
Chỉ có một lý do duy nhất có thể lý giải: Real Madrid rất muốn có Mbappe. Có thể bây giờ đội bóng thủ đô mới ra giá, nhưng ý tưởng này đã được thai nghén từ lâu.
Tháng 12/2012, khi Mbappe mới 13 tuổi, anh đã được thần tượng của mình, Zinedine Zidane – người lúc đó đang làm cố vấn không chính thức cho chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez, đi cùng trong chuyến tham quan sân tập của Real.
Real Madrid đã theo đuổi Kylian Mbappe từ rất lâu. Ảnh: Getty Images
Trong cuốn sách “Sacre Bleu: Zidane to Mbappe, A Football Journey”, tác giả Matt Spiro miêu tả chi tiết cách cậu bé sinh ra ở Bondy, ngoại ô thủ đô Paris, trở thành cổ động viên của Real từ khi còn bé, thậm chí còn được tặng mô hình sân Bernabeu vào sinh nhật lần thứ 10 của mình. “Một ngày nào đó, con sẽ đưa mọi người đến Real Madrid và chúng ta sẽ ngồi ở hàng ghế VIP”, cậu bé nói với gia đình, ba năm trước khi điều đó thực sự xảy ra trong trận hòa 2-2 ở La Liga với Espanyol (năm 2012).
Tuy nhiên, là một người hâm mộ Real Madrid không có nghĩa là Mbappe, hoặc những người có ảnh hưởng đến quyết định của cậu bé gật đầu cái rụp trước đội bóng Hoàng gia. Mùa hè sau chuyến thăm đến thủ đô Tây Ban Nha, anh từ chối lời đề nghị từ Real để thay vào đó là gia nhập đội trẻ của Monaco. “Tôi chưa sẵn sàng ra nước ngoài và bỏ lại bạn bè cũng như đất nước của mình,” Mbappe sau đó nói với Le Parisien.
Mối liên hệ giữa Real Madrid và Mbappe vẫn bền chặt. Nhiều người ở Real Madrid, bao gồm cả Perez nhận thức rõ về sự phát triển nhanh chóng của anh ở đội một của Monaco cũng như ở đội tuyển Pháp. Tháng 2/2017, Zidane đã được các phóng viên hỏi liệu Real có chuẩn bị mua Mbappe, người chỉ mới 18 tuổi hay không. “Chúng tôi biết anh ấy là một cầu thủ giỏi, những gì anh ấy đang làm ở độ tuổi của mình thật tuyệt. Nhưng thương vụ gần như không tiến triển”, Zidane trả lời.
Tất nhiên, những dấu hiệu không chỉ có thế. Có một bức ảnh nổi tiếng, hình chụp Mbappe trong phòng ngủ được bao quanh bởi các poster của Cristiano Ronaldo trong màu áo của Real Madrid. Bức ảnh là tư liệu hoàn hảo mà bộ phận truyền thông của Real thường sử dụng để lấy mục tiêu từ các đội bóng khác. Nhưng Mbappe không tỏ ra vội vã. ‘‘Hiện tại tôi đang ở Monaco,“ anh nói vào tháng 3/2017. ‘‘Madrid dành cho những cầu thủ đang ở đỉnh cao sự nghiệp, còn tôi thì chưa”.
Mùa giải đó kết thúc với việc Real Madrid vô địch Champions League, với cây đinh ba ‘‘BBC“ đang ở đỉnh cao gồm Gareth Bale, Karim Benzema, Cristiano Ronaldo. Nhưng Perez chưa bao giờ thôi nghĩ về Mbappe; ông muốn thương vụ này xảy ra càng sớm càng tốt, để tránh việc Barcelona, đại kình địch của Real sẽ nẫng tay trên như cách họ đã làm với Neymar năm 2013.
Vào giữa tháng 7, Real Madrid đã đồng ý trả 180 triệu euro cho Mbappe. Tuy nhiên, lần này mối quan hệ thân thiết giữa Zidane và Mbappe đã cản trở kế hoạch của Perez. Trong cuốn sách Mbappé: Le Phénomène, tác giả Arnaud Hermant tiết lộ Zidane đã thẳng thắn nói với Mbappe rằng anh sẽ không tự động đi thẳng vào đội hình chính. Điều này khiến Mbappe nghi ngờ về việc liệu đây có phải thời điểm thích hợp để chuyển đến sân Bernabeu hay không.
PSG kiên quyết giữ chân Mbappe trong mùa hè vừa qua
Đội chủ sân Bernabeu dành sáu tuần tiếp theo để gạt bỏ Bale ra khỏi kế hoạch, nhất là khi HLV của Manchester United là Jose Mourinho công khai ý định chiêu mộ cầu thủ người Xứ Wales. Nhưng Bale không có ý định trở lại Anh, để rồi đến ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, Mbappe kí hợp đồng với PSG dưới dạng cho mượn kèm theo điều khoản mua đứt trị giá 180 triệu euro vào mùa hè năm sau.
Đó chưa phải lần cuối cùng Real bỏ lỡ Mbappe.
Khi Ronaldo chuyển đến Juventus vào mùa hè 2018, đã có những suy đoán rằng người thay thế cầu thủ người Bồ Đào Nha sẽ là một tiền đạo từ PSG. Nhưng khi Zidane cũng ra đi, Mbappe không thực sự được nhắm tới. Tiền đạo từ PSG, cuối cùng lại là Neymar, người mà Perez vẫn đau đáu vì đã bỏ lỡ, và được coi là ‘‘trong tầm với” hơn Mbappe ở thời điểm đó. Cuối cùng, tiền đạo của PSG tiếp tục nhâm nhi Croissant ở Paris, vì Real chuyển hướng sang một người Brazil khác, đó là Vinicius Junior từ Flamengo.
Đó chưa phải lần cuối cùng Real bỏ lỡ Mbappe.
Một năm sau, Mbappe một lần nữa trở thành tâm điểm chính trong cuộc họp của ban lãnh đạo Real Madrid, dù khi đó giá của anh có thể lên tới 280 triệu euro. Zidane giờ đã trở lại băng ghế huấn luyện và được hứa hẹn sẽ có nhiều quyền lực hơn trong các vụ chuyển nhượng. Nhưng chính cầu thủ có biệt danh “Ninja rùa” đã công khai loại trừ việc rời PSG – một đòn giáng mạnh cho Real Madrid.
Như chúng ta đã biết cách đây nửa tháng, đó chưa phải lần cuối cùng Real bỏ lỡ Mbappe.
Trở lại với câu hỏi ở đầu bài: ‘‘Điều gì điên rồ hơn trong thương vụ này: Đội bóng ra giá 160 triệu euro cho một cầu thủ sẽ miễn phí trong một năm nữa, hay đội bóng từ chối 160 triệu euro cho một cầu thủ họ có thể mất trắng trong 12 tháng nữa?”
Thực ra cả hai đội bóng đều có lý của mình. Lý do dễ thấy nhất từ hành động của Real Madrid, đó là họ chỉ đơn giản muốn đi trước một bước, để tránh việc Mbappe có thể đổi ý khi trở thành cầu thủ tự do sau đó một năm nữa.
Đã có những ý kiến lo ngại về việc Perez sẽ lấy tiền ở đâu để chi cho thương vụ này, khi vẫn còn đó khoản lỗ 300 triệu euro do dịch Covid-19, chưa kể việc xây lại sân Bernabeu trị giá 600 triệu euro. Đúng là tác động của đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến tài chính của Real Madrid, nhưng nhờ cách quản lý tài chính có phần dứt khoát của Perez, thậm chí họ vẫn kiếm được 313.000 euro lợi nhuận ở mùa 2019/2020 và ở mùa trước là 874.000 euro. Hơn 100 triệu euro cũng đã được huy động từ hè năm ngoái, bằng việc bán những tài năng trẻ triển vọng như Achraf Hakimi, Sergio Reguilon, Martin Odegaard hay Oscar Rodriguez.
Việc theo đuổi liên tục tiền đạo người Pháp cũng là cách để khiến các cổ động viên đội nhà cảm thấy hài lòng, trong bối cảnh đội bóng vừa trải qua mùa giải trắng tay đầu tiên kể từ mùa 2009/2010. Nhưng trên tất cả, sự tập trung như vậy vào Mbappe chỉ thực sự có ý nghĩa khi nghĩ đến khía cạnh chính trị. Perez phải có Mbappe, không phải để đảm bảo cho số lượng bàn thắng trên sân, mà là để chứng tỏ với thế giới rằng ngay cả khi đã thất bại trong dự án Super League, ông trùm xây dựng vẫn không hề hấn gì trước những tin đồn hay sự suy yếu về mặt tài chính.
Vị thế của Real Madrid và các thế lực truyền thống khác đang lung lay dữ dội trước những thế lực mới giàu có hơn, nhờ sự hỗ trợ của các quốc gia hoặc giới tài phiệt như Manchester City, Chelsea hay PSG, vì thế thương vụ Mbappe có thể được ví như “trận Trân Châu Cảng của Real Madrid”: Có thể vị thế của chúng tôi yếu hơn, nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ cuộc.
Yếu tố chính trị cũng là lý do chính để PSG tìm cách giữ chân Mbappe bằng mọi cách. Quan hệ giữa Florentino Perez và chủ tịch PSG, Al-Khelaifi vốn tương đối tốt đẹp. Perez là người đứng đầu một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất thế giới, ACS. ACS là cổ đông chính của Hochtief, một công ty xây dựng của Đức, nơi quỹ tài sản quốc gia của Qatar sở hữu khoảng 10% cổ phần từ 2010 đến 2015.
Nhưng rồi mối quan hệ này trở nên căng thẳng bởi sự sụp đổ của Super League, nơi PSG cùng với Bayern Munich và Borussia Dortmund tìm mọi cách để phá hoại kế hoạch của Perez. Khi PSG từ chối lời mời, Perez là một trong những người cảnh báo Al-Khelaifi rằng CLB của ông sẽ bị bỏ lại phía sau. Để đáp trả, PSG đã đem về sân Parc des Princes một loạt các ngôi sao từ các CLB định lập ra giải đấu Super League như Real Madrid, Barcelona, Liverpool, Inter Milan và AC Milan
Nếu Real Madrid muốn lấy Mbappe thế nào thì PSG cũng muốn giữ cầu thủ người Pháp như vậy. Mbappe là người trẻ nhất trong dự án cầu thủ toàn sao (Galacticos) của PSG, là cầu thủ bản địa xuất sắc nhất ở độ tuổi của mình, khiến PSG tin rằng anh sẽ là nền tảng của họ trong hơn một thập kỉ tới.
Họ không mang về Lionel Messi để thay thế Mbappe, mà để chơi cặp cùng anh. Đội ngũ thương mại của PSG tự tin rằng bộ ba tấn công mới của họ sẽ mang lại cho CLB những cơ hội tiếp thị và tài trợ mới, đồng thời nó cũng nói lên giá trị ngày càng tăng của CLB nói chung khi kết hợp ba trong số những cầu thủ ưu tú nhất của thế giới bóng đá.
Ngoài ra, nếu đội bóng do Mauricio Pochettino có thể nhờ bộ ba này mà vô địch Champions League, đó sẽ là cú hích khó có thể định lượng bằng con số cho dự án World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar, quốc gia đứng sau đội bóng này.
PSG kiên quyết giữ chân Mbappe ở lại và tạo nên một hàng công cực mạnh. Ảnh: Getty Images
Cuối cùng, nếu việc ký hợp đồng với Messi là để nâng tầm ý tưởng về một PSG như một siêu cường thực sự của bóng đá thế giới, là điểm đến của những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, việc mất đi Mbappe sẽ là vết xước trên viên kim cương lấp lánh. Tất cả đều biết rõ PSG dưới quyền sở hữu của Qatar chưa bao giờ để một cầu thủ rời đi nếu như họ chưa cho phép. Marco Verratti và Adrien Rabiot là những người đã cố gắng thay đổi điều này, nhưng vô ích; Verratti sau nỗ lực chuyển đến Barcelona vẫn ở lại PSG đến tận bây giờ, còn Rabiot chỉ có thể ra đi khi đã hết hạn hợp đồng.
Một trong những khía cạnh khó hiểu hơn của thương vụ này, là tại sao Mbappe lại muốn rời PSG để đến Real Madrid vào thời điểm này. Việc Mbappe muốn ra đi là có, khi PSG muốn trói Mbappe trong 5 năm tới, kèm theo lựa chọn gia hạn thêm một năm nữa, nhưng tiền đạo này đã từ chối, không chỉ một mà hai lần.
Nhưng chuyển từ việc khoác áo đấu do Qatar tài trợ sang UAE tài trợ có vẻ không thực sự thích hợp ở thời điểm này. Mbappe đã cố rời khỏi một đội bóng vốn đã rất mạnh trước cả khi họ đưa Messi về (và tránh cơ hội chơi cùng với cầu thủ người Argentina), để ủng hộ một đội đang ở cuối chu kì thành công, khi họ vẫn dựa vào những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhưng đã có tuổi, và kế hoạch chuyển nhượng lớn nhất trong hai năm trở lại mang tên Mbappe – đúng vậy, chính là anh.
Hai giải đấu LaLiga và Ligue 1 cũng đang ở trong trạng thái đối lập. Giải bóng đá Tây Ban Nha đang ở trong tình trạng yếu nhất về mặt tài chính trong nhiều năm trở lại đây. Tổng chi của các đội bóng LaLiga hè này ít hơn 10 lần so với các khoản đầu tư của các CLB Premier League. Giải đấu cũng vừa chứng kiến sự ra đi của Varane, Ramos và Messi chỉ trong một mùa hè.
Trái lại, kể từ khi Messi gia nhập hàng ngũ toàn sao của PSG, Ligue 1 đã đảm bảo việc giải đấu của họ sẽ được chiếu ở Ấn Độ, Bỉ hay Việt Nam, nhờ việc bán bản quyền truyền hình cho họ. Về cơ bản, việc chuyển từ PSG sang Real Madrid thời điểm này giống như việc Mbappe rút hết tiền mặt từ cổ phiếu TikTok của mình để đầu tư vào Yahoo. Cầu thủ người Pháp biết điều này. Anh biết rõ cơ hội vô địch Champions League năm nay với Messi và Neymar ở Paris lớn hơn nhiều so với Hazard và Bale ở Madrid. Việc Zidane rời ghế huấn luyện một lần nữa vào tháng 5 cũng là yếu tố khiến cầu thủ người Pháp phải cân nhắc.
Thế nên không như Harry Kane của Tottenham Hotspur, cầu thủ 22 tuổi không hé lấy một lời về tham vọng rời PSG. Anh cũng trở lại tập luyện trước mùa giải đúng thời hạn sau Euro 2020. Bom tấn đã không nổ; giống như sau khi xem xong trailer Suicide Squad, khán giả mong chờ thương vụ này đã nhận lấy sự thất vọng tương tự.
Mbappe sẽ có một năm thể hiện tài năng của mình cùng với Messi và Neymar. Sau đó anh có thể xem xét các lựa chọn, hoặc ở lại Paris với mức lương khổng lồ, hoặc ra đi với tư cách là cầu thủ tự do giá trị nhất lịch sử bóng đá. Là một cầu thủ giỏi, rất giỏi, có lẽ Mbappe vẫn sẽ đá tốt dù khoác áo đội bóng nào. Chỉ có một điều chắc chắn: Sẽ có một đội bóng phải thất vọng sau cùng.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.