Ký ức Quỷ Đỏ: Những ngày vòng cấm vắng bóng Van Gol

Tác giả Frank - Thứ Sáu 29/07/2016 14:27(GMT+7)

Đầu tháng Bảy vừa rồi, các CĐV Manchester United hoan hỉ khi đội bóng cuối cùng cũng hoàn tất thương vụ Zlatan Ibrahimovic. Người ta nói rằng cái duyên với các giải VĐQG của Ibra sẽ giúp United trở lại với vị thế số một tại nước Anh, nhưng với người hâm mộ Quỷ đỏ đó còn là sự trở lại của những giá trị quen thuộc. Đã lâu lắm rồi United mới lại sở hữu một tiền đạo cắm đẳng cấp tới nhường ấy, kể từ cái ngày một người Hà Lan đặt chân tới Old Trafford đúng 15 năm trước. Tên anh là Ruud Van Nistelrooy.
Nói tới Van Nistelrooy, người ta sẽ nhớ ngay tới một tiền đạo cắm điển hình, một số 9 đích thực mà đội bóng nào cũng muốn có ở thời kỳ sơ đồ 4-4-2 cực thịnh. Kỹ năng đánh hơi bàn thắng cực thính và khả năng tận dụng cơ hội thuộc loại thượng thừa giúp Van Gol trở thành nỗi ám ảnh của mọi hàng thủ. Nistelrooy không phải không có kỹ thuật cá nhân hay là mẫu tiền đạo chậm chạp, ngược lại trong một ngày đẹp trời, anh có thể thực hiện một cú solo từ gần giữa sân hoặc bứt tốc qua vài hậu vệ. Nhưng chỉ có ở trong vòng cấm, Van Gol mới cảm thấy thoải mái nhất. Những bàn thắng không cần phải đẹp mắt và cầu kỳ, đó chỉ đơn giản là một pha đệm lòng một đối một với thủ môn, một cú đánh đầu gọn ghẽ hoặc một tình huống băng cắt sau đường căng ngang của đồng đội. Thế là đủ.
Van Gol là một trong những số 9 xuất sắc nhất mà bóng đá Hà Lan từng sản sinh. Nhưng cần phải nhớ một điều rằng, thứ tạo nên một “sát thủ vòng cấm” Van Nistelrooy không phải là tài năng thiên bẩm.
Quay ngược thời gian trở lại ngày 1/7/1976 khi Van Nistelrooy chào đời, một tài năng khác của bóng đá Hà Lan cũng cất tiếng khóc chào thế giới, đó chính là Patrick Kluivert. Với tài năng thiên phú, Kluivert giành được những thành công từ rất sớm. Anh giành chức vô địch Champions League cùng Ajax Amsterdam năm 19 tuổi, chuyển tới thi đấu cho Milan năm 21 tuổi và một năm sau đó khoác lên mình chiếc áo đỏ xanh của Barcelona. Ngược lại, Van Nistelrooy vẫn chỉ loay hoay với cái mác của một tiền đạo cỡ trung bình. Chỉ đến khi tới Heerenveen và được HLV Foppe de Haan chỉ bảo, chàng trai trẻ xứ Oss mới thật sự chuyển mình. Heerenveen với danh tiếng là nơi đào tạo những chân sút hàng đầu của Hà Lan giúp Van Gol mài sắc khả năng dứt điểm. Còn HLV de Haan giúp Nistelrooy học được cách chạy chỗ khôn ngoan khi đưa anh tận mắt chứng kiến huyền thoại Dennis Bergkamp thi đấu. Thế rồi chỉ trong vòng 3 năm, Van Nistelrooy trở thành chân sút xuất sắc nhất giải VĐQG Hà Lan.
Trong vòng 3 năm, Van Nistelrooy trở thành chân sút xuất sắc nhất giải VĐQG Hà Lan

Thế nhưng số phận trớ trêu đã khiến Van Gol dính chấn thương dây chằng cực nặng ngay khi Man United để mắt tới anh. Một năm trời vật lộn với chấn thương, Nistelrooy đã nhận được vô số lời dị nghị nhưng cuối cùng Quỷ đỏ vẫn quyết bỏ ra 19 triệu bảng để đem anh về Old Trafford. Vượt lên trên sức ép, anh đáp lại bằng những ngày tập luyện miệt mài trên sân tập. Để rồi trong mùa giải 2001/2002, mùa giải đầu tiên khoác áo Man United, Van Gol ghi tới 23 bàn tại Premier League và 10 bàn tại Champions League. Chưa có một tân binh nào ra mắt ấn tượng như thế tại Old Trafford, và cũng chưa có một cầu thủ nào trở lại sau một năm dưỡng thương lại đạt hiệu suất khủng khiếp tới nhường ấy. Thế đấy, nhắc tới Ruud Van Nistelrooy là nhắc tới sự miệt mài khổ luyện để vươn tới đỉnh cao.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì bức tranh về Van Nistelrooy sẽ chẳng thể trọn vẹn. Trên tất cả, điều cần thiết nhất để trở thành một tiền đạo vĩ đại là sự ích kỷ. Và hãy nghe Sir Alex nói gì về tính cách của Van Nistelrooy: “Thực ra, Ruud là một trong những cầu thủ ích kỷ nhất mà tôi từng thấy. Số bàn thắng cá nhân chính là nỗi ám ảnh dẫn đường cho cậu ta. Sự tập trung vào một mục tiêu duy nhất như thế khiến Ruud trở thành một sát thủ tuyệt vời. Cậu ta không quan tâm tới việc xây dựng lối chơi, không quan tâm đã chạy bao nhiêu mét trong một trận đấu hay tăng tốc bao nhiêu lần. Lĩnh vực duy nhất mà cậu ta quan tâm là mình đã ghi được bao nhiêu bàn.”
Trong văn hóa ứng xử hàng ngày, tính ích kỷ thường bị coi là thói xấu, nhưng đối với một tiền đạo, đó là một phẩm chất tuyệt vời. Và có lẽ trong mùa giải 2002/2003, người ta đã thấy Van Nistelrooy “ích kỷ” tới nhường nào khi anh ghi một mạch 15 bàn trong 10 trận liên tiếp ở Premier League, thành tích đã tồn tại suốt hơn một thập kỷ trước khi bị Jamie Vardy xô đổ. Trong khoảnh khắc Man United giành ngôi vô địch giải Ngoại hạng, Ruud Van Nistelrooy là tất cả đối với các CĐV Quỷ đỏ. Vua phá lưới với 25 bàn thắng và là Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải, Van Gol làm nên những kỳ tích ấy bằng sự ích kỷ tới cùng cực của mình, và giá như tính cách ấy của anh lúc nào cũng đem tới nụ cười…
Van Gol và C.Ronaldo tại Nhà hát

“Đi mà khóc với bố mày ấy!”…. Nistelrooy buông những lời cay nghiệt với Ronaldo sau khi tặng cho cậu một cú đấm. Cậu bé vừa trải qua nỗi đau mất cha khóc nức nở, trong khi đó trợ lý HLV Carlos Queiroz tức tối khi biết chính mình mới là người mà chàng tiền đạo Hà Lan nhắm tới. Chỉ vì một pha giữ bóng rườm rà của Ronaldo trong buổi tập, Van Gol đã đặt sự nghiệp ở Old Trafford vào thế nguy hiểm. Và rồi khi không được ra sân trong trận chung kết League Cup chỉ vài tuần sau đó, anh đã tự ký vào án tử của mình khi buông lời thóa mạ Sir Alex Ferguson.
Mùa hè 2006, Nhà hát của những giấc mơ chứng kiến sự ra đi đầy nuối tiếc của Van Nistelrooy sau 5 mùa giải cống hiến. Ở tuổi tam tuần, Van Gol với sự sắc bén của mình vẫn đủ sức trở thành Vua phá lưới La Liga và cùng với Real Madrid giành 2 chức vô địch quốc nội nữa. Nhưng người ta tự hỏi rằng anh có bao giờ nuối tiếc khi đã quá vội vã ra đi? Ruud à, anh có thấy Rooney và Ronaldo đã làm nên những trang sử vàng của United sau khi anh ra đi không? Những chàng trai mà anh cho rằng sẽ không bao giờ đủ lớn để gánh vác trọng trách hồi sinh Quỷ đỏ, họ đã giành được chiếc cúp Champions League mà anh hằng ao ước đấy. Giá mà anh ở lại, giá mà anh kiên nhẫn hơn, giá mà anh đừng ích kỷ tới mới cực đoan như thế.
Và có lẽ Van Nistelrooy cũng đã hối tiếc vì những quyết định sai lầm trong quá khứ, khi anh gọi điện và xin lỗi Sir Alex Ferguson trong một ngày xuân năm 2010. Một lời xin lỗi muộn màng chẳng thể lấy lại những ngày tháng đã qua, nhưng ít nhất nó khiến cho người ta phải nhìn nhận lại con người của Van Gol. Một con người quá sức ích kỷ, nhưng cuối cùng cái tính nết đó cũng chỉ để hướng tới chiến thắng cho toàn đội mà thôi.
“Tôi nghĩ rằng nếu như không ghi bàn thì có nghĩa là tôi chẳng đóng góp gì cho đội bóng cả. Mỗi khi United thất bại, tôi cảm thấy như mình là người duy nhất có lỗi”, những lời từ đáy lòng ấy chợt khiến người ta nhận ra một Van Nistelrooy thật khác. Người ta vốn không hiểu hết về anh, cũng như về cái cách mà anh đóng góp cho Man United. Trong suốt những năm tháng cực thịnh của một Arsenal bất bại, chính Van Nistelrooy là người đã giúp cho cán cân trong cuộc đua tới ngôi vương Premier League trở nên cân bằng. Người ta sẽ mãi nhớ về cú sút phạt đền hỏng ăn của anh ở mùa giải 2003/2004, để rồi Martin Keown nhảy cẫng lên và “tương” ngay một cú đầy khiêu khích vào đầu anh. Và nhiều người cũng sẽ không thể nào quên cách Van Gol trả thù đầy ngọt ngào một năm sau đó, khi anh ghi bàn trên chấm 11m và góp phần chấm dứt chuỗi 49 trận không thua của Pháo thủ. 150 bàn thắng sau 200 lần đá chính, 38 bàn sau 45 trận ra sân từ đầu, những số liệu khô khan đó không thể nói lên hết câu chuyện đầy thăng trầm của Ruud Van Nistelrooy ở Old Trafford, nhưng đủ để nhắc người ta nhớ lại rằng Quỷ đỏ đã từng sở hữu một chân sút lợi hại như thế nào.
150 bàn thắng sau 200 lần đá chính, 38 bàn sau 45 trận ra sân từ đầu

Năm năm tỏa sáng rực rỡ chỉ để đổi lấy có một chiếc cúp Premier League, Nistelrooy giống như một dấu gạch nối giữa quá khứ huy hoàng của những Dwight Yorke, Andy Cole hay Ole Solskjaer và tương lai tươi sáng của Wayne Rooney hay Cristiano Ronaldo. Van Nistelrooy giống Eric Cantona đến kỳ lạ, từ khả năng của một sát thủ trong sân đấu cho tới tính cách ương ngạnh ngoài sân cỏ. King Eric là đứa con hoang của nước Pháp nhưng lại trở thành vua của thành Manchester, Van Gol cũng chẳng có mấy ký ức tốt đẹp với đội tuyển Hà Lan, nhưng ở Old Trafford, anh vẫn được các CĐV gào tên đến lạc giọng. Chính họ đã xuất hiện ở những thời điểm chuyển giao đầy khó khăn của Man United và giúp đội bóng đi qua giông bão.
Mười năm sau ngày Van Gol ra đi, Man United vẫn đang mòn mỏi tìm kiếm một số 9 khác để thay thế anh. Các CĐV vẫn nhắc về những pha chớp thời cơ tuyệt hảo, những cú xoay người dứt điểm bén gọn của “Red Van the Man” với sự tự hào xen lẫn nuối tiếc. Và trong những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp, Nistelrooy cũng đã từng bộc bạch rằng 5 năm chơi bóng trong màu áo Man United giống như một giấc mơ, một giấc mơ không trọn vẹn như anh xứng đáng được có. Nhưng điều đó có lẽ không làm anh bận lòng nữa, điều duy nhất khiến anh nuối tiếc là đã không kịp nói lời chào từ biệt với người hâm mộ.
Đừng tiếc làm gì Ruud ạ, bởi lẽ anh không bao giờ cần phải chào từ biệt hết. Với những người mang dòng máu Quỷ, anh vẫn ở đây, ngay trong tim và trong tiềm thức. Và để rồi vào cái ngày 28/7 này, họ sẽ lại nhớ về một chàng trai lần đầu tiên đặt chân lên thảm cỏ Old Trafford. Anh đến để ghi bàn, để khiến cầu trường nổ tung, và để khỏa lấp những khoảng trống trong vòng cấm địa.

► Xem thêm tin tức bóng đá TBN mới nhất và chính xác nhất.
FRANK (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?