Ký ức Chelsea và Mourinho: Khi “Người đặc biệt” khuấy động nước Anh

Tác giả CG - Thứ Sáu 10/04/2020 15:40(GMT+7)

Người ta có thể nói Mourinho đã hết thời, Mourinho đã không còn đặc biệt. Nhưng suy cho cùng, ông chính là HLV thành công nhất lịch sử Chelsea, là chứng nhân của một giai đoạn The Blues và Premier League chuyển mình. Nhớ về Mourinho với những ký ức Chelsea chính là nhớ về một thuở “Người đặc biệt” khuấy động bầu không khí bóng đá của xứ sở sương mù.

“Xin đừng nói tôi kiêu ngạo nhưng tôi là nhà vô địch châu Âu và tôi nghĩ mình là người đặc biệt”, lời khẳng định của Jose Mourinho trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị HLV trưởng Chelsea vào năm 2004 đã mở ra kỷ nguyên mới của Premier League. Đó là một kỷ nguyên mà giải đấu được mệnh danh là hấp dẫn nhất hành tinh gắn liền với một HLV tài năng, giàu cá tính và rất ngông. Và cho đến nay, những năm tháng của Mourinho tại Chelsea vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều khán giả.
 
 

Đó không phải lần đầu tiên Mourinho gây sốt với truyền thông Anh. Rõ ràng việc một nhà đương kim vô địch Champions League như ông kết hợp cùng một đại gia mới nổi khi đó như Chelsea khiến tất cả đều háo hức và thích thú. Nhưng từ trước đó, tên ông đã từng là chủ đề trên các phương tiện thông tin đại chúng của xứ sở sương mù.
 
Ngày 9/3/2004, Porto hành quân đến sân vận động Old Trafford với hành trang là chiến thắng 2-1 ở lượt đi vòng 16 đội UEFA Champions League. Đến phút 90, cả sân vận động đều nín thở. Tấm vé đi tiếp đã cận kề với “Quỷ đỏ” nhờ pha lập công của Paul Scholes ở phút 32. Nhưng Costinha đã cướp nó lại cho đại diện của Bồ Đào Nha. Bàn thắng của anh ở phút 90 đã khiến Manchester United sụp đổ ngay tại Old Trafford. Mourinho đứng bật dậy, chạy dọc đường biên vui sướng như một đứa trẻ, nhảy cẫng lên, nắm tay đấm vào không trung.
 
Ngay tại thánh địa của một đội bóng hàng đầu nước Anh và thế giới, đối đầu với một trong những vị HLV đáng kính nhất làng túc cầu nhưng Mourinho không hề tự ti. Trước đó, sau chiến thắng 2-1 ở trận lượt đi, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha thậm chí còn bị Sir Alex Ferguson từ chối bắt tay. Và trong cuộc họp báo, ông không ngần ngại tuyên bố: “Tôi hiểu cảm xúc của Ferguson mà. Làm sao mà không buồn cho được khi đội bóng của bạn bị áp đảo bởi một đối thủ có ngân sách chỉ bằng 1/10 so với mình”. 
Có tài nhưng hơi lười - Ký ức về cầu thủ Jose Mourinho
Hoàn toàn không giống với những kết luận rằng Mourinho chẳng có tài cán gì trong việc đá bóng, các đồng đội cũ đánh giá rất cao khả năng của ông. Thứ ông...
Mourinho đã manh nha trở thành chủ đề cho truyền thông Anh kể từ thời điểm ấy. Tuy nhiên, khi chiến lược gia người Bồ Đào Nha tới Chelsea ngay sau chức vô địch Champions League cùng Porto và tuyên bố mình là “Người đặc biệt”, cái tên ông bùng nổ dữ dội. Với cá tính ngang tàng của mình cộng thêm sức mạnh của nền truyền thông thể thao mạnh mẽ hàng đầu thế giới, không khó để hình ảnh “Người đặc biệt” trở nên lan tỏa trong đại chúng. 
 
Sau tất cả, những năm tháng của Mourinho tại Chelsea vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều khán giả. Đó là những danh hiệu - giá trị mà chúng ta đong đếm được qua những con số. Trong chuyến hành quân của Manchester United đến sân Stamford Bridge vào tháng 10/2018, ông đã giơ 3 ngón tay về phía các cổ động viên The Blues để đáp trả lại những lời chửi rủa, miệt thị của những cổ động viên chủ nhà nhắm vào ông. Thông điệp của Mourinho rất rõ ràng và mạnh mẽ: Ông đã giúp Chelsea giành 3 chức vô địch Premier League và những cổ động viên vô ơn kia tốt nhất nên ngậm miệng lại.

 
 
Mourinho đã đúng, ông xứng đáng và chắc chắn phải có tên trong cuốn biên niên sử đội bóng. 3 trên 5 cúp vô địch Premier League của The Blues đều do công dẫn dắt của “Người đặc biệt”. Chelsea dành danh hiệu vô địch quốc gia đầu tiên sau 50 năm là nhờ Mourinho. Mùa giải ấy (2004/2005), Chelsea thiết lập nên kỷ lục lúc bấy giờ là đội bóng giành nhiều điểm số nhất (95 điểm) và nhận ít bàn thua nhất Premier League (15). Mùa giải tiếp theo, ông tiếp tục bảo vệ thành công ngôi vương. Và 9 năm sau, trong giai đoạn thứ 2 dẫn dắt The Blues, ông lại giúp đội bóng vô địch Premier League lần nữa.
 
Hình ảnh hiện ra của Mourinho của những ngày đầu khi mới tới nước Anh làm việc là một vị lãnh đạo đích thực của tập thể, một nhà tâm lý của đội bóng. 

Phẩm chất của ông ấy là khi ngồi xuống, ông khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái ngay lập tức. Ông tạo ra bầu không khí gia đình đích thực, chúng tuyệt vời giống như bất cứ cuộc thảo luận nào của ông về chiến thuật vậy.
Frank Lampard
 
Tiền đạo Benni McCarthy của Porto từng chia sẻ Mourinho tạo cho các cầu thủ cảm giác họ sẵn sàng chạy lao vào tường, làm những công việc khó khăn vất vả nhất vì ông quá giỏi. Tâm lý đó được Mourinho mang đến Chelsea. Khi ấy, Mourinho hội đủ cá tính mạnh mẽ bẩm sinh, sự nhiệt huyết của một HLV trẻ và hào quang từ thành công rực rỡ với Porto. Và đến Chelsea, ông có một tập thể nhất tề tuân thủ lời mình thông qua “cánh tay mặt” là thủ quân John Terry. John Obi Mikel nói rằng sau một trận thua, Mourinho sẽ lên tiếng trước rồi sau đó để Terry “sạc” cả đội một trận.
 
Có một hình ảnh ấn tượng khi Chelsea vượt qua Barcelona ở vòng 16 đội Champions League mùa giải 2004/2005 là Mourinho đã nhảy cẫng lên lưng của Terry sau khi tiếng còi chung cuộc vang lên. Desmond Morris, chuyên gia về hành vi con người, chia sẻ với FourFourTwo như sau: “Tôi không đồng tình với cách khắc họa Mourinho là hình ảnh một người cha. Anh ta giống một người anh trai hơn. Bạn không thể nào tưởng tượng ra nổi một ngày Alex Ferguson hay Arsene Wenger nhảy lên lưng một cầu thủ nào đó”.

 
 
Và cũng bởi sự ngang tàng mà Mourinho không ngán ai. Ông xách mé từ Rafa Benitez tới Wenger, bất đồng với cả ông chủ Roman Abramovich. Sự rạn nứt giữa ông với tỷ phú người Nga đến khi Andriy Shevchenko - người bạn thân của Abramovich - gia nhập Chelsea từ AC Milan. Sau đó là những mâu thuẫn với giám đốc thể thao Frank Arnesen và cố vấn Piet de Visser. Kế tiếp, Abramovich tiếp tục làm gia tăng hố sâu ngăn cách với việc bổ nhiệm Avram Grant làm giám đốc bóng đá bất chấp sự phản đối từ Mourinho. 
 
“Nếu Roman Abramovich hỗ trợ tôi ở chuyên môn, chúng tôi sẽ ở dưới đáy bảng xếp hạng. Nếu tôi phải tham gia vào công việc kinh doanh của ông ấy, chúng tôi sẽ phá sản”, chia sẻ của Mourinho như một lời tuyên bố rằng tỷ phú người Nga hãy ngừng ngay việc can thiệp và công việc chuyên môn. Tuy nhiên trong cuộc chiến quyền lực này, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha khó lòng để giành chiến thắng. “Người đặc biệt” rời Chelsea lần đầu tiên vào tháng 9/2007 bằng một “thỏa thuận chung” với ban lãnh đạo sau trận hòa 1-1 đáng thất vọng trước Rosenborg ở Champions League.

 
 
Jose Mourinho luôn là một nhân vật gây phân cực, người mến ông sẽ rất thích và người không thích có thể ghét đến thậm tệ bởi sự hoạt ngôn cùng những phát biểu không ngại đụng chạm. Khi Mourinho chỉ trích và xúc phạm bác sĩ Eva Carneiro vì vào sân hỗ trợ y tế cho Eden Hazard, ông đã nhận rất nhiều “gạch đá” từ dư luận. Sau khi để thua Leicester City ở vòng 16 Premier League mùa giải 2015/2016, ông thẳng thắn tuyên bố “tôi đã bị phản bội”. 3 ngày sau ông phải rời đội bóng và truyền thông Anh điểm ra những gương mặt nằm trong nhóm chống đối này. Rốt cuộc, cái cách ông ra đi khỏi Stamford Bridge trong nhiệm kỳ thứ 2 cũng không khác là mấy so với lần đầu tiên mà con sóng ngầm đều xuất phát từ những mâu thuẫn.
 
Người ta có thể nói Mourinho đã hết thời, Mourinho đã không còn đặc biệt. Nhưng suy cho cùng, ông chính là HLV thành công nhất lịch sử Chelsea, là chứng nhân của một giai đoạn The Blues và Premier League chuyển mình. Nhớ về Mourinho với những ký ức Chelsea chính là nhớ về một thuở “Người đặc biệt” khuấy động bầu không khí bóng đá của xứ sở sương mù.
 
CG

Xem thêm:
Jose Mourinho và Chelsea: Những chuyện chưa kể (P2)
“Tôi cảm ơn và chúc các cậu cũng như gia đình gặp nhiều may mắn. Kể cả những kẻ đã phản bội tôi”. Mourinho từng nhắn nhủ như vậy với đội bóng cũ của mình trước...

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.