Klaas-Jan Huntelaar: Gã thợ săn trong vòng cấm (P2)

Tác giả CG - Thứ Năm 28/12/2017 17:49(GMT+7)

Và khi Van Nistelrooy từ giã Oranje vào năm 2008, Huntelaar lại phải cạnh tranh trực tiếp với Van Persie - cầu thủ lúc đó đang khoác áo Arsenal - cho một vị trí chính thức.
Những tranh cãi bắt đầu xuất hiện tại Nam Phi khi Huntelaar không hài lòng vì phải làm dự bị cho tiền đạo của Pháo thủ. Sự cạnh tranh vẫn tiếp tục vào 2 năm sau tại vòng chung kết Euro khi Bert van Marwijk không thể nào thỏa mãn yêu cầu đá chính cho cả hai.
Ngay cả Louis van Gaal, một người từng miêu tả Huntelaar là “cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong vòng cấm địa” dường như cũng thích sử dụng Van Persie đá chính hơn sau khi tiếp quản đội bóng từ Van Marwijk. Căng thẳng lên cao trong một trận đấu vòng loại trước Kazakhstan vào tháng 10/2014 khi cả hai tranh cãi ngay trên sân vì Van Persie lựa chọn dứt điểm thay vì chuyền cho Huntelaar đang ở vị trí thuận lợi hơn. Đó có lẽ cũng là đóng góp có ý nghĩa cuối cùng của cựu cầu thủ Ajax với màu áo cam.
Tuy nhiên trở lại với thời điểm năm 2010, Huntelaar có nguy cơ hoàn toàn sẽ “bốc hơi” nếu cứ tiếp tục phải mài đũng quần với ghế dự bị như vậy. Ở tuổi 27, Schalke chính là cơ hội cuối cùng để anh khẳng định mình, đặc biệt là năm đầu tiên tại nước Đức. Trước đó Felix Magath – người từng dẫn dắt Wolfsburg đến với chức vô địch Bundesliga không tưởng – đã giúp Königsblauen cán đích ở vị trí thứ hai sau Bayern Munich. Thế nhưng việc chân sút số một của đội bóng là Kevin Kurányi chỉ ghi được 9 bàn thắng là không thể đáp ứng được yêu cầu với một tiền đạo săn bàn.
Ban đầu Huntelaar đã gặp đôi chút khó khăn dù 8 bàn thắng vỏn vẹn mà anh ghi được đã đưa đội bóng vào đến bán kết Champions League cũng như vô địch DFB-Pokal. Huntelaar ghi 2 bàn trong trận chung kết vào lưới Duisburg và trong khi Magath có nguy cơ bị sa thải thì mùa giải đầu tiên của tiền đạo người Hà Lan ở Đức đã giúp anh tìm lại được cảm giác chiến thắng.
Được sự hỗ trợ của Raúl và Jefferson Farfán, Huntelaar là chân sút số 1 của đội bóng vùng Westphalia trong mùa giải tiếp theo với tổng cộng 48 lần xé lưới đối thủ trên mọi đấu trường mà rất nhiều trong số đó được ghi tại Champions League. Anh trở thành người Hà Lan đầu tiên giành Torjägerkanone (vua phá lưới Bundesliga) và là vua phá lưới ghi nhiều bàn nhất tại Bundesliga kể từ thành tích của Karl-Heinze Rumenigge 30 năm trước đồng thời cũng là tiền đạo xuất sắc nhất châu Âu mùa giải đó.
Giữa thời điểm đang thi đấu thăng họa, số phận lại trêu ngươi Huntelaar một lần nữa khi chấn thương nghiêm trọng đã khiến anh phải ngồi ngoài phần lớn thời gian lượt về mùa giải 2012/2013. Teemu Pukki, Chinedu Obasi và Ciprian Marica không thể khỏa lấp vị trí của cầu thủ người Hà Lan. Và với một đội bóng bị mất đi chân sút luôn là mối đe dọa lớn nhất với mọi đối thủ, Schalke đã phải rất vất vả để có tấm vé tham dự Champions League trong ngày cuối cùng của mùa giải. 
Chấn thương lại đến vào năm tiếp theo, lần này vết thương ở đầu gối buộc anh phải ngồi ngoài trong vòng 5 tháng. Anh bình phục và trở lại đúng vào cuộc đối đầu với đội bóng cũ Real Madrid tại vòng 16 đội Champions League. Schalke thảm bại với tổng tỷ số 2-9 sau 2 lượt. Mùa giải sau đó, đội bóng nước Đức có một cơ hội để phục hận. Sau thất bại đáng thất vọng với tỷ số 0-2 trên sân nhà ở trận lượt đi, Schalke hành quân đến Bernabéu vào tháng 3/2015 với hy vọng phép màu sẽ xảy ra.
Và kết quả đã chứng minh có lẽ đó là một trong những trận đấu hay nhất lịch sử Champions League đồng thời có lẽ cũng là màn trình diễn xuất sắc nhất sự nghiệp của Huntelaar. Christian Fuchs mở tỉ số ở phút thứ 20 từ pha bỏ bóng thông minh của tiền đạo người Hà Lan để đánh bại Iker Casillas. Sau khi Ronaldo cân bằng tỷ số, Huntelaar ghi bàn từ khoảng cách 5 m để tiếp tục đưa đội bóng của mình vươn lên dẫn trước, trước khi Ronaldo lại quân bình về mặt tỷ số.
Khi Benzema ghi bàn thắng thứ ba cho đội chủ nhà sau giờ nghỉ giữa hiệp, Los Blancos tưởng như đã có thể yên tâm. Thế rồi Leroy Sané vào sân và tung cú cứa lòng tuyệt đẹp bằng chân trái, pha lập công đưa cầu thủ này đến với tiềm thức và con mắt của cả thế giới, để một lần nữa đưa trận đấu về thế cân bằng. Nhưng chính tiền đạo người Hà Lan mang áo số 25 mới là người ấn định tỷ số chung cuộc của trận đấu với một cú dứt điểm bóng dội xà ngang, rơi xuống và lăn vào lưới. Tuy nhiên kết quả này đã chẳng thể giúp Huntelaar cùng các đồng đội giành quyền đi tiếp.
Mùa bóng sau diễn ra thậm chí còn thất vọng hơn khi Huntelaar đánh rơi phong độ và Schalke kết thúc mùa giải mà không có tấm vé tham dự Champions League. Cứ mỗi năm trôi qua, điều khoản giải phóng mà anh yêu cầu trong hợp đồng của mình dường như lại càng không thể thực hiện được. “Trước trận đấu nếu bạn nói ‘Hunter’ ghi bàn thì anh ấy sẽ ghi bàn,” thủ thành Ralf Fährmann của Schalke ca ngợi đồng đội sau một trong những trận đấu ấn tượng nhất của Huntelaar. Tuy nhiên vấn đề mà anh phải đối diện trong suốt sự nghiệp là anh không thể phát huy hết nội lực của mình.
Sau kết quả thất vọng trước Real Madrid tại Champions League, phong độ của anh sa sút cùng với đội bóng, 30 bàn thắng chỉ trong 2 mùa khiến anh phải ngồi ngoài trong phần lớn mùa giải 2016/2017. Phần nào đó, Huntelaar chính là hiện thân cho câu lạc bộ này – có đầy đủ mọi thứ để thành công nhưng lại không thể vươn tới sự vĩ đại.
Ở tuổi 33, mùa giải cuối cùng của Huntelaar ở nước Đức diễn ra khi anh không thể nào cạnh tranh nổi với Guido Burgstaller và Eric Choupo-Moting. Vẫn có một vài khoảnh khắc lóe sáng như pha lập công trước PAOK giúp anh trở thành cầu thủ thứ 16 ghi được 50 bàn thắng tại giải đấu của UEFA thế nhưng chẳng có ai bất ngờ khi “Thợ săn” xác nhận sẽ trở về Ajax vào tháng 4/2017.
Anh rời Schalke 04 với vị thế chân sút ghi bàn nhiều thứ hai trong lịch sử đội bóng, chỉ sau huyền thoại Klaus Fischer. Tuy nhiên, nói đến điều này lại càng khiến người hâm mộ thở dài tiếc nuối vì tài năng của anh mãi mãi không bao giờ được khai phá hết. “Khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy mọi thứ rất khác. Nhưng chẳng có ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không lựa chọn như vậy”, Huntelaar thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm.
Dường như anh chẳng có chút gì hối tiếc về sự nghiệp của mình. Quả thực là như thế, những giọt nước mắt chia tay tại sân Veltins-Arena vào tháng 5 vừa qua đã nói lên nhiều điều về một cầu thủ đã sống và yêu đội bóng này trong suốt 7 năm. Với một người đã gây dựng sự nghiệp của mình với hình ảnh của một cầu thủ điềm tĩnh thì khoảnh khắc ấy đã khắc họa quá nhiều thứ. Giọt nước mắt xúc động của anh được xoa dịu nhờ những bài hát ca tụng được hát vang khắp các khán đài bởi cổ động viên Schalke. Anh thừa nhận đây chính là “một câu lạc bộ luôn kích thích và không bao giờ khiến bạn muốn rời đi.”
Có một vài điều đúc rút ngắn gọn về tài năng của Huntelaar. Anh ghi nhiều bàn thắng. Anh dường như chẳng tạo được tác động gì trong việc tìm kiếm không gian giữa các tuyến; anh không xuất hiện hào nhoáng trên quảng cáo; anh hiếm khi vướng vào những vấn đề gây tranh cãi và cũng chẳng bao giờ bị phân tâm bởi thành công mà những người đồng nghiệp của mình đạt được.
Anh chọn cho mình một chỗ đứng riêng, ghi rất nhiều bàn – trong đó số pha lập công cho đội tuyển quốc gia còn nhiều hơn cả Patrick Kluivert lẫn Dennis Bergkamp – và giờ đây đã trở về quê hương Hà Lan. Trong một thế giới ngày càng nhiều những số 9 ảo thì anh là một, là riêng và là duy nhất.

Lược dịch từ bài viết “Klaas is permanent: the Huntelaar way” của tác giả Christopher Weir trong ấn phẩm Netherlands của These Football Times.

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.