Đó là một buổi chiều lạnh giá, cả sân Lạch Tray chật kín như bưng. Đã tự bao giờ, việc đến đây theo dõi đội bóng con cưng trở thành niềm vui cuối tuần của người dân xứ Cảng.
|
King Lean: Khúc samba dang dở của nhà vua |
Nhưng chưa bao giờ cảnh tượng lại phấn khởi như thế. Không khí sôi động len lỏi đến những quán cóc vỉa hè mà những ông già châm thuốc, uống cà phê bàn tán từ bao ngày qua. Họ đến vì tập thể màu áo đỏ, họ đến vì Vị Vua trong màu áo đỏ: King Lean.
Leandro de Oliveira da Luz là tên đầy đủ của cầu thủ Brazil, nhưng có vẻ không ai bận tâm lắm đến cái tên dài ngoằng ấy. Bởi vì họ đang phải dành thời gian nhiều hơn cho bước chạy của số 18 trên sân, những điệu samba của người nghệ sĩ Ginga đích thực.
Và khán giả Hải Phòng đã không mất nhiều thời gian để chứng kiến màn trình diễn của Leandro. Vị Vua “khai gươm” cho trận đánh chỉ sau bốn phút bóng lăn trên sân. Anh vung chiếc chân trái dũng mãnh từ khoảng cách rất xa làm tung mành lưới Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn. Cả vạn người vang “ồ” lên làm bùng nổ cả sân vận động. Pha làm bàn mở màn cho buổi trình diễn làm mê hoặc tất cả. Ngày hôm ấy, người Hải Phòng đã gieo vào trí nhớ người Sài Gòn ký ức khó phai nhạt. Trận đấu ghi dấu ấn với sự kiện: “Người Hải Phòng không còn pháo sáng để mà đốt”. Và King Lean ngạo nghễ với màn trình diễn của mình.
Leandro là vậy. Ngày anh đặt chân đến sân chơi V-league, người hâm mộ đã cảm nhận sự khác biệt hoàn toàn. Anh chơi thứ bóng đá mà khán giả Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến. Bước ra sân với số áo 18 sau lưng, nhưng cảm giác như chính những số 10 của thập niên 90-2000 đang hiện diện bên trong chàng trai ấy. Đứng bên cạnh một Minh Châu mạnh mẽ, Leandro thoải mái tung chân cho những đường bóng đẹp.
Khán giả hẳn nhớ lắm những pha qua người gãy gọn, gặt lưng đối phương rất nhanh nhạy. Những đường chuyền ngắn đầy thông minh và cảm giác. Khán giả chắc cũng nhớ như in đường bóng phát động tấn công dài với khoảng cách trên 40m mà chàng trai có quả đầu “chôm chôm” ấy phất cho tiền đạo đồng đội. Nơi mà người đồng hương Elenildo de Jesus và Ngọc Thanh cực kỳ xông xáo tả xung hữu đột. Và đặc biệt là những cú ra chân đầy táo bạo, từ khoảng cách không tưởng để đem về bàn thắng tuyệt vời.
Tôi vẫn thường xem lại bàn thắng để đời của Leandro vào lưới Sông Lam Nghệ An. Khi ấy là một quả đá phạt, bóng được đặt rất xa khung thành, chếch về phía cánh phải theo hướng tấn công. Và Leandro bằng chiếc chân trái thần sầu của mình, vẽ nên đường cong tuyệt đẹp khiến bóng bay thẳng vào lưới trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Kể cả BLV Quang Huy, người đàn ông điềm tĩnh cũng phải khó kiềm nén cảm xúc trong cabin bình luận.
Ngay trên kênh Youtube riêng của BLV Quang Huy cũng ghi lại trận đấu đầy ấn tượng, trận Xi Măng Hải Phòng tiếp SHB Đà Nẵng trên sân Lạch Tray ở mùa V-league 2008. Trận đấu mà người Hải Phòng mỗi lần xem lại vẫn cảm thấy tự hào khi họ đã biến đội bóng sông Hàn thành đội chiếu dưới thực sự. Ở đó, với 70 phút hiện diện trên sân, Leandro trở thành tâm điểm với màn trình diễn đầy tính nghệ sĩ của mình. Anh thực hiện cú trivela vào vòng cấm, tạo điều kiện cho de Jesus mở tỷ số. Nhà vua tự ghi bàn thắng thứ hai với cú volley thương hiệu. Nhưng dấu ấn không chỉ là tính hiệu quả, Leandro còn mang về cảm xúc với hàng loạt pha bóng điệu nghệ. Đó có thể là khoảnh khắc anh xoay người đánh gót cho đồng đội, hay kể cả pha qua người tiểu xảo khiến Almeida của Đà Nẵng phải phạm lỗi.
Và nhắc đến Leandro thì không thể quên đi những cú sút phạt của anh, những pha cứa lòng chân trái đã trở thành thói quen. Hẳn sẽ có bạn nhớ đến trận đấu duy nhất của Denilson trên sân chơi V-league, khi mà Hải Phòng tiếp HAGL trên sân nhà. Cựu ngôi sao thế giới tung cú đá phạt hàng rào đầy đẳng cấp ghi dấu ấn duy nhất của mình tại đất nước này. Và ngay sau đó người đồng hương của anh liền có câu trả lời. Leandro bằng chiếc chân trái của mình, chứng minh rằng ở Lạch Tray chỉ có một vị vua duy nhất mà thôi.
|
King Lean và Denilson ăn mừng bàn thắng |
Thế đấy, Leandro khi ấy xuất hiện trên sân cỏ Việt khiến bao người hình dung như đang theo dõi những ngôi sao Samba ở trên TV trực tiếp ở ngoài đời thực. Đẳng cấp là điều không cần bàn cãi. Và quả thật, Leandro đã từng chung mâm với những ngôi sao sáng nhất khi anh tham gia đội U23 Brazil tham dự U23 Thế Giới tại Nga. Nhưng khúc Samba của anh, tiếc rằng luôn là một bản nhạc dang dở.
Tại sao lại nói vậy? Bởi vì những việc mà Leandro làm đều không được tròn vẹn.
Trận đấu bóng đá chuyên nghiệp kéo dài 90 phút. Nhưng đối với Leandro, chỉ diễn ra trong 70 phút mà thôi. Người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Vương Tiến Dũng đến khoảng thời gian 3/4 trận đấu lại phải lúi cúi cho người ra sân để thay số 18. Nguyên nhân vì sao vậy? Đơn giản là anh không thể chạy nổi hết trận đấu. Đó là sự thật, thể lực của Leandro chính là điểm yếu duy nhất kiềm hãm khả năng chơi bóng của tiền vệ tài hoa này. Ngay cả trên sân cỏ Việt Nam, nơi mà chuyện đương nhiên khi mướn ngoại binh là vì họ có thể sung mãn ở những giây phút cuối cùng, thì Leandro lại tỏ ra có phần kém cạnh. Một chi tiết nhỏ, nhưng cho ta thấy được bức tranh lớn hơn.
Ba năm khoác áo Hải Phòng, Leandro tự biến mình thành một ngôi sao thật sự. Nhưng tiếc rằng tài năng của anh không thể giúp đội bóng thành phố Cảng bước lên ngôi vô địch như mong đợi. Tuy vậy, cái tên Leandro vẫn luôn được yêu mến nơi đây, tình yêu mà cổ động viên dành cho anh có lẽ không khác nào tình yêu mà cổ động viên The Viola dành cho Batigol thuở nào bên nước Ý. Bỗng nhiên, thông tin bất ngờ được chuyển đến rằng Leandro đã ký hợp đồng với Bình Dương. Bản hợp đồng khủng với mức lương cao ngút. Lý do anh ra đi, đơn giản là chữ tiền. Khi mà Hải Phòng không thể chi trả lương cho anh như đại gia đất Thủ. Vị Vua ra đi để lại sự tiếc nuốc khó tả trên khán đài sân Lạch Tray.
|
Leandro đứng cạnh Lee Nguyễn trong màu áo Becamex |
Thế nhưng, số tiền càng cao thì đóng góp của Leandro càng ít. Anh đến Gò Đậu và trở thành nỗi thất vọng. Chấn thương và phong độ sụt giảm khiến cho Hoàng đế ngày nào giờ chỉ là cái bóng của chính mình. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi vì sao lại như thế? Và họ nhận ra sự thật. Anh đem tiền để thả vào những cuộc chơi thâu đêm không có đường về. Cuộc sống xa hoa khiến đôi chân trở nên rệu rã trên sân bóng. Thân hình trở nên béo hơn, thể lực còn tệ hơn trước. Và đội bóng đất Thủ thanh lý hợp đồng vào năm 2011. Leandro lận đận ở Thái Lan một thời gian trước khi quay về Thanh Hóa, nhưng cũng chỉ đóng góp chút ít rồi anh lại ra đi. Khán giả buồn cho hình ảnh có phần vật vờ của Nhà Vua.
Sự nghiệp của Leandro dường như vẽ ra một vòng luẩn quẩn. Từ tài năng anh hái ra tiền, rồi dùng tiền tiêu pha cho cuộc sống nhộn nhịp, và cũng chính cuộc sống ấy dần lấy đi sức sống của đôi chân anh. Bản Samba mà anh viết chính vì thế mà cứ mãi không trọn vẹn. Nhưng có thể nảo chính lối sống ấy lại tạo ra một Leandro mà người hâm mộ từng yêu mến. Một Vị Vua ngạo nghễ, không biết sợ là gì. Một ông “Vua con” với tính khí khá thất thường không muốn kém cạnh ai. Và đó cũng là nguồn cơn cho cái máu nghệ sĩ ở đôi chân Samba ấy. Để khán giả tại mảnh đất mà bóng đá thuộc vùng trũng thế giới có thể chứng kiến đẳng cấp của một tài năng, của một Ginga thật sự. Như khúc nhạc không cần lời kết, để lại sự âm ỉ không nguôi tồn đọng trong ký ức.
Là kẻ ngạo mạn, long đong, lận đận trong sự nghiệp. Hay là chàng nghệ sĩ điệu nghệ, ngạo nghễ trên sân cỏ. Có lẽ sẽ không có đánh giá nào dành cho Leandro công tâm hơn là những lời đến từ cổ động viên Hải Phòng. Những người yêu mến anh thật sự, những người đã tôn anh là “KING LEAN”.
PHƯƠNG GP (TTVN)