Không thể trở lại Liverpool: Tiếc nuối lớn nhất trong đời Michael Owen

Tác giả August - Thứ Năm 19/09/2019 16:13(GMT+7)

Không phải những năm tháng đáng quên tại Newcastle, những chấn thương dai dẳng quái ác mà điều tiếc nuối lớn nhất của Owen, có lẽ chính là việc anh không thể trở lại Liverpool. Thêm 1 lần nữa…

Michael Owen là một trường hợp kỳ lạ và tạo ra sự phân cực lớn tại trong lòng bóng đá Anh. Những gì Owen đã đạt tới trong sự nghiệp của mình thực sự đáng nể: chân sút tốt thứ 5 trong lịch sử đội tuyển Anh, cầu thủ có thành tích ghi bàn cao thứ 8 của Liverpool (dù anh chia tay The Reds năm 24 tuổi), người Anh duy nhất được vinh danh ở giải thưởng Ballon D’or trong hơn 4 thập kỉ qua. Nhưng Owen hiếm khi có được sự thừa nhận cao nhất về thành tựu của bản thân. Không nhiều sự trân trọng và quá ít tình cảm.

 

“Mọi giấc mơ của bọn trẻ đi học, những câu chuyện kỳ diệu chỉ có thể xảy ra với… Harry Potter”, Owen đã nói như thế trong cuộc họp báo ra mắt cuốn tự truyện mới nhất của anh – Reboot – tại khách sạn Cheshire tuần trước. 
 
Nhưng Owen, trong những năm tháng đầu tiên của đời cầu thủ, đã từng là một câu chuyện kỳ diệu như thế. Cho tất cả những chú nhóc yêu bóng đá. Như khoảnh khắc anh lao đi như một cơn lốc xuyên phá hàng thủ Argentina trước khi tạo ra một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup tại mùa Hè nước Pháp 1998. 
 
Trở về nhà sau World Cup 1998, Owen, từ chỗ là một tài năng trẻ mới nổi được coi là người hùng mới của bóng đá xứ sương mù. Trong hơn 1 tuần đầu tiên hậu World Cup, khuôn viên nhà Owen bị vây quanh bởi lớp lớp người hâm mộ cùng hàng chục tay săn tin.
 
“Hồi ấy, mỗi ngày tôi nhận được cả trăm bức thư tay. Tôi đọc hết, trả lời từng thư một, từ một giờ chiều cho tới nửa đêm. Khi công việc này kết thúc, thành quả của tôi là một túi lớn chỉ để chứa những bức thư trả lời fan. Và sáng hôm sau, các nhân viên đưa thư sẽ đến và mang nó đi. Điều này lặp đi lặp lại trong nhiều tuần liền đến mức mẹ tôi phát cáu mà nói: “Michael, con không thể cứ như này mãi được. Nếu cứ tiếp tục thế, mẹ sẽ cấm con đọc thư của người hâm mộ đấy”.

 
Một khoảnh khắc kỳ diệu khác, ở Owen, diễn ra trong trận chung kết Cúp FA 2001. Liverpool bị Arsenal dẫn trước một bàn nhưng ngược dòng thành công để đăng quang, nhờ 2 pha lập công từ Owen. Bàn thứ hai của Owen là một pha solo lập công tuyệt đẹp. Khi còn là một chú nhóc, Owen đã luôn mơ về việc ghi bàn thắng quyết định trong 1 trận chung kết cúp FA: “Rê bóng quanh các gốc gây nhỏ trong vườn nhà, sút thật mạnh vào cánh cửa garage và sắm luôn vai bình luận viên hét vang “Michael Owen, Vàoooooo” rồi sau đó là màn ăn mừng bàn thắng một mình”.
 
Owen đã làm được điều đó. Với Liverpool. Không chỉ 1 mà 2 bàn thắng giúp The Reds vô địch cúp FA 2001. “Đấy là thứ mà tôi chưa từng một lần trong đời thực sự được nếm trải” – Owen hồi tưởng lại khoảnh khắc anh ghi bàn vào lưới Arsenal 18 năm trước – “Tôi đơn giản, chỉ là tận hưởng hết mình, trong cái thời khắc mà giấc mơ thơ trẻ trở thành hiện thực. Nếu có phép màu để trở lại một thời điểm nào đó trong quá khứ, trận chung kết cúp FA năm ấy chắc chắn sẽ là 1 lựa chọn ưu tiên của tôi”.
 
Trên sân cỏ là một Owen đầy đam mê. Nhưng ngoài đời, anh thường tạo ra cảm-giác-xa-cách với người đối diện. Chỉn chu, trầm tính và thường thu mình trước đám đông, Owen không phải là mẫu người hùng ấm áp và hòa đồng tại Liverpool – nơi mà trước anh vốn đã có một chuẩn mực ngôi sao trong mắt số đông người hâm mộ thành phố cảng: Robbie Fowler.
 
“Bản năng, sôi nổi, hài hước và tinh quái, Fowler, ngoài tài ghi bàn của anh từ đội trẻ tới đội một Liverpool, được hầu hết yêu thích. Owen, trong khi đó, lại “chỉ” cho thấy sự cuốn hút tuyệt vời trên sân cỏ. Owen là 1 trong những cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá Anh được “đào tạo” về kỹ năng ứng xử truyền thông. Nhưng Owen chuẩn mực quá, an toàn quá. Điều đó khiến anh không hợp “khẩu vị” của số đông” – John Gibbons, đồng sáng lập kênh Podcast nổi tiếng The Anfield Wrap cho biết.

 
Hình ảnh mà Owen thể hiện ra bên ngoài trong những năm tháng ấy – một ngôi sao bóng đá xuất thân từ tầng lớp trung lưu – là thứ được “xây dựng” bởi các cố vấn của anh, đặc biệt là người đại diện cũ Tony Stephens (từng đại diện cho cả David Beckham và Alan Shearer). Tuyệt nhiên, không phải con người thực của Owen!
 
“Cuộc sống của tôi không giống như vậy. Cha mẹ tôi đúng là có nhà riêng ở Hawarden nhưng đó không phải là một gia đình kiểu mẫu như tất cả vẫn nghĩ. Căn nhà ở Hawarden từng phải thế chấp ngân hàng vì tình trạng tài chính khó khăn của gia đình. Thu nhập của cha mẹ đơn giản là không đủ để trang trải tất cả các khoản chi và hầu như ngày nào chủ nợ cũng đến réo trước cổng nhà”.
 
Xoay quanh chủ đề “hình ảnh bản thân” trong những ngày đầu sự nghiệp, Owen nói: “Tôi luôn tin rằng, mình đã có một sự nghiệp bóng đá tuyệt vời. Nhưng hình-ảnh-của-Owen là thứ mà tôi thường nhìn lại và tự vấn bản thân. Cho tới tận thời điểm này, tôi cũng không chắc là mình đã lựa chọn đúng hay không. Người đại diện của tôi hồi đó (Tony Stephens) thực sự luôn quan tâm, chăm sóc tôi rất kĩ. Nhưng có một thứ liên quan đến Stephens, thực sự khiến tôi hối hận. Đó là cách Stephens nói về tôi như là một người “Whiter than White”.
 
“Whiter than White” – là trắng hơn cả trắng, là trong sáng, là ngây thơ và ở một lớp nghĩa sâu là hơn là “tuyệt đối hoàn hảo”. Đấy là hình ảnh của Owen, dưới sự nhào nặn của Stephens, trưng ra trước đại chúng.

“Stephens luôn sẵn sàng chiến đấu với tất thảy để bảo vệ hình ảnh của tôi, để khiến tôi luôn có-vẻ-hoàn-hảo, như thể tôi luôn ở một đẳng cấp trên tầm so với tất cả. Và đấy là thứ khiến tôi hối hận, bởi đó không phải là tôi. Owen thì cũng như bao người bình thường khác thôi. Trên sân cỏ, tôi từng vài lần phạm sai lầm, như bận bị phạt thẻ đỏ ở Old Trafford năm 1998 chẳng hạn. Tôi cũng từng uống say túy lúy, hay tiệc tùng thâu đêm và làm nhiều thứ điên rồ khác…”.
 
Mạch hồi tưởng của Owen đưa chúng ta đến một câu chuyện về “Bữa tiệc Giáng sinh khét tiếng” ở Liverpool năm 1998. Với hình ảnh của Jamie Carragher, trong vai “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” ôm ấp một vũ nữ thoát y xuất hiện đầy rẫy trên trang nhất các đầu báo tại Anh. Và đối lập với “gã trai hư” Carragher là một đoạn tin ngắn về Owen-tuyệt-đối-hoàn-hảo: tránh xa bữa tiệc thác loạn, nép mình ở góc bàn và… uống nước lọc.

“Đúng là tôi chẳng có cô đào nào bên cạnh nhưng chắc chắn tôi không ngồi đó, thu mình trước tất cả và uống một ly nước như những gì báo chí đã viết” – Owen khẳng định trong tự truyện Reboot. “Tôi thích chém gió, tôi là tay tếu táo biết làm nhiều trò vui và tôi cũng khoái đánh bạc cá cược nữa. Tôi còn nhớ, có lần Rio Ferdinand đã thốt lên rằng: “Tớ thẳng thể hiểu nổi tại sao cậu cứ phải cố giữ cái hình ảnh hoàn-hảo-chết-tiệt này mãi thế?”

“Bởi vì tôi còn quá trẻ vào thời điểm danh tiếng và tiền bạc ập đến, nến tất cả những gì xoay quanh cuộc sống của tôi, trừ việc tập luyện và ra sân thi đấu cho Liverpool, đều được quyết định bởi sự thống nhất giữa cha-mẹ cùng Stephens. Tôi chỉ tập trung vào bóng đá và để người đại diện của mình quán xuyến mọi thứ khác. Nếu Stephens bảo tôi thực hiện một cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí danh tiếng nào đó, tôi sẽ làm. Nếu Stephens khiến tôi trông như “một vị thánh nổi bật giữa đám đông” – và thực sự là điều đó đã xảy ra – tôi cũng ok thôi. Hiểu một cách đơn giản, ngoài sân cỏ, Stephens bảo gì thì tôi làm nấy”.
 
Cho tới trước khi bị những chấn thương liên tiếp hủy hoại, một Owen chỉ-biết-tới-bóng-đá đã làm rất tốt công việc của anh trên sân cỏ. Trong cả màu áo Liverpool lẫn đội tuyển Anh. Với đỉnh cao là những danh hiệu liên tiếp cấp CLB và “Quả bóng vàng” châu Âu năm 2001. Nhưng Owen, đứng trong hàng ngũ 8 chân sút vĩ đại nhất lịch sử The Reds, vốn chưa từng được coi là một người hùng của Anfield.
 
Mối quan hệ của Owen với Liverpool đã xấu đi ngay từ thời điểm anh rời CLB gia nhập Real Madrid năm 2004. Nó còn tệ hơn lúc Owen tái hồi Premier League nhưng lại khoác áo Newcastle. Và đỉnh điểm của sự đổ vỡ là khi Owen cập bến Man Utd năm 2009. 
 
Vào tháng 12/2016, Twitter chính thức của Liverpool đăng lời chúc mừng sinh nhật tuổi 37 của Owen. Bài đăng nhận được hơn 280 bình luận và hầu hết trong số đó có nội dung yêu cầu CLB phải lập tức xóa dòng “tweet” này. Một số ít bình luận khác thì phản ứng với những ảnh gif chế nhạo và phỉ báng Owen. Không ngạc nhiên, khi kể từ đó, Liverpool đã không còn công khai gửi lời chúc mừng sinh nhật tới Owen, trong các năm 2017 và 2018 nữa.
 
Owen liệu có chịu nhiều tổn thương bởi thực tế này không, anh chưa từng một lần thừa nhận. Nhưng trong bài phỏng vấn với The Athletic và qua những gì Owen tiết lộ ở cuốn tự truyền Reboot, chủ nhân “Quả bóng vàng” 2001 không hề giấu giếm khát khao tái hồi Liverpool khi phải rời Real Madrid chỉ sau một mùa giải tại Bernabeu.
 
Liverpool đã không nỗ lực đủ lớn để đưa Owen trở lại. Và Owen thay vì tái hồi CLB mà anh đã yêu - giờ vẫn yêu, chỉ còn duy nhất một lựa chọn ở cửa “Exit” Bernabeu vào mùa Hè 2005: gia nhập Newcastle – chuyến xê dịch mà trong Reboot anh hơn một lần khẳng định là thứ “mình không hề mong đợi”.
 
Sự nghiệp của Owen xuống dốc không phanh tại St James Park và nó kết thúc trong những tiếng dè bỉu của người Tyneside ở mùa Hè 2009 mà Newcastle chính thức xuống hạng. Sau đó là một vài khoảnh khắc lóe sáng qua 3 năm ở Man Utd trước khi anh chính thức treo giày tại Stoke năm 2013. “Bạn phải là một người có tuổi thì may ra mới còn nhớ chút ít về tôi đã làm được gì với bóng đá trong vài ba năm đầu sự nghiệp. Những CĐV tuổi đôi mươi hiện tại, có lẽ chỉ biết về một Owen đã ra sân dăm ba trận cho Man Utd, ghi vài bàn thắng và giờ là bình luận viên thôi”.
 
 
“Lẽ ra hành trình của Owen đã có thể là một phiên bản tương tự những gì từng xảy ra với Ian Rush: rời Liverpool ra nước ngoài thi đấu 1 năm, sau đó trở lại Anfield, ghi vô số bàn thắng, giành những danh hiệu lớn và trở thành huyền thoại của CLB”
- John Gibbons bình luận.
 
Không phải những năm tháng đáng quên tại Newcastle, những chấn thương dai dẳng quái ác mà điều tiếc nuối lớn nhất của Owen, có lẽ chính là việc anh không thể trở lại Liverpool. Thêm 1 lần nữa…
 
Lược dịch từ ‘And yet … who is Michael Owen?’ – The Athletic

AUGUST (TTVN)
 
 
 
 
   
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.