Thomas Tuchel đang may mắn khi có thể bắt đầu truyền tải những ý tưởng của mình trong những sân vận động không khán giả. “Chất Chelsea” có thể sẽ rất khác vào thời điểm người hâm mộ quay trở lại sân bóng.
Một CLB không chỉ đơn thuần là một CLB. Nó không chỉ có các cầu thủ và việc họ có thể đưa bóng vào lưới nhiều hơn đối thủ hay không. Một CLB còn nhiều điều để nói hơn thế. Đó có thể là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ, biểu tượng của một kẻ thách thức chống lại những thế lực cũ. Đối với các CLB hàng đầu - những đội bóng suy nghĩ về nhiều thứ hơn chỉ là sự tồn tại đơn thuần - thì họ còn đại diện cho một cách chơi bóng.
Đó là lý do người hâm mộ Manchester United không vui khi CLB không có một triết lý thi đấu ổn định, ngay cả khi trong thời điểm biến động như hiện tại thì nó có thể mang lại lợi ích. Đó là lý do tại sao người hâm mộ Newcastle lại thất vọng dưới thời Steve Bruce nhiều hơn dưới thời Rafa Benietez ngay cả khi những kết quả cho đến thời gian gần đây gần như tương đương: câu trả lời vì ít nhất trong thời gian chiến lược gia người Tây Ban Nha dẫn dắt, đội bóng thi đấu có đường lối và kế hoạch tốt hơn.
Và đó cũng là lý do người hâm mộ Leeds lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi đội bóng đang sống trong những ngày tháng cùng triết lý Bielsismo. Tất cả mọi người đều muốn đội bóng mình có một DNA và ai cũng muốn tin rằng CLB của họ là đặc biệt và độc nhất. Gặt hái thành công cùng với một triết lý thì có ý nghĩa hơn là không có.
Có một vấn đề rộng hơn ở đây chính là quy luật hiệu suất giảm dần, một điều đặc biệt ảnh hưởng trong thời đại của các siêu CLB. Trong suốt 3 thập kỷ, giải golf Ryder Cup có rất nhiều diễn biến kịch tính nhưng chỉ là cuộc chơi của riêng nước Mỹ khi đến năm 1985, lục địa già mới giành danh hiệu đầu tiên sau 28 năm.
Một trong những điều khiến giải cricket Ashes 2005 trở nên đáng chú ý là Anh giành chức vô địch sau 16 năm. Steve Davis đã 6 lần vô địch thế giới ở môn snooker nhưng trận chung kết khiến ông được nhớ tới nhiều nhất là 1 trong 2 trận chung kết ông đã thua - trận đấu với Dennis Taylor vào năm 1985.
Không ai quên lần đầu tiên hoặc lần đầu tiên sau một thời gian dài các vận động viên không giành danh hiệu. Thói quen thành công liên tiếp chắc chắn làm giảm sự hưng phấn cho người xem.
Đã có lúc mọi chức vô địch quốc gia đều đặc biệt. 30 mùa giải đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 có 13 nhà vô địch khác nhau, trong đó không ai vô địch quá 5 lần. Hiện tại, khi quyền lực và sức mạnh tập trung vào một nhóm nhỏ các CLB thì đơn giản vô địch quốc gia thôi là không đủ.
Điều này ít xảy ra ở Premier League hơn là Ligue 1, Serie A hay Bundesliga nhưng không ai tin họ thành công chỉ nhờ giàu có. Vô địch với đường lối đúng đắn, theo cách làm hình ảnh CLB trở nên giá trị hơn có ý nghĩa lớn hơn nhiều.
Hoặc ít nhất nó cũng ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định của người hâm mộ CLB. Một trong những khía cạnh nổi bật nhất với việc Frank Lampard bị sa thải là sự chia rẽ trong cách phản ứng của người hâm mộ. Theo đánh giá thì các cổ động viên càng lớn tuổi thì càng đồng cảm với Lampard.
Dường như sự căng thẳng chính là đặc điểm của toàn cầu hóa. Cộng đồng địa phương gắn kết với Chelsea nhờ việc đến sân xem các trận đấu cũng như liên kết trong gia đình. Cộng đồng quốc tế thì biết đến và gắn kết với Chelsea thông qua truyền hình và các trò chơi điện tử. Nhóm trước cảm thấy có một sợi dây kết nối thiêng liêng của thứ gọi là “chất Chelsea” (Chelseaness) trải ngược từ Mason Mount, Didier Drogba đến Gianfranco Zola, Kerry Dixon, Peter Osgood và xa hơn nữa (điều này có lẽ đúng với mọi CLB lớn và danh giá chứ không riêng Chelsea).
Đó là lý do Lampard rất có ý nghĩa. Ông là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Chelsea. Đội bóng mà ông xây dựng có 6 cầu thủ từ học viện - Tammy Abraham, Callum Hudson-Odoi, Reece James, Fikayo Tomori, Billy Gilmour và Mount. “Chất Chelsea” của họ là không phải bàn cãi. Nói một cách ví von, nếu gặt hái thành công thì thành công đó sẽ được khắc họa là “hữu cơ” chứ không phải là ra cửa hàng mua. Và nó có ý nghĩa hơn nhiều so với những danh hiệu Europa League mà The Blues đã giành được dưới thời Benitez hay Maurizio Sarri.
Tuy nhiên, có giấc mơ đẹp không có nghĩa nó sẽ trở thành hiện thực. Có thể, nếu được trao thêm thời gian, Lampard sẽ giải quyết được những điểm yếu của Chelsea trong các đòn phản công hoặc các quả tạt từ tình huống cố định, tạo nên kế hoạch tấn công mạch lạc, tìm ra cách củng cố sự tự tin cho các cầu thủ đang không có phong độ tốt cũng như tìm ra cách đáp trả sau những thất bại mà không phải là đổ lỗi cho đội bóng mình.
Hoặc có thể không: việc bổ nhiệm người mới chỉ 1 năm kinh nghiệm làm HLV trưởng chắc chắn luôn đi kèm tranh cãi. Dù Lampard là HLV trưởng Chelsea có thời gian tại vị lâu thứ 4 trong kỷ nguyên Roman Abramovich thì về cơ bản đó chỉ mang tính lý thuyết mà thôi.
Nhưng giấc mơ đẹp đã được nhắc đến ở trên chính là vấn đề của Thomas Tuchel. Ông là một trong những HLV sáng giá nhất thế giới nhưng ông không phải là Lampard. Nói cách khác, ông không mang “chất Chelsea”.
HLV Harry Redknapp đã lên tiếng chỉ trích những người Đức mà cháu ông là Lampard có một phần liên quan trong sự xuất hiện của họ ở Stamford Bridge. Ông thấy không phải người người hâm mộ nào cũng vui vẻ phấn khích với thông số 16 lần thu hồi bóng trong 1/3 sân cuối cùng trong cuộc chạm trán Wolverhampton vì ông tin kiểu gì họ cũng sẽ làm được vậy.
Mọi thứ sẽ không thành vấn đề nếu Tuchel đưa Chelsea lọt vào top 4 hoặc giúp họ giành chức vô địch FA Cup hay Champions League mùa giải này. Tuy nhiên, môi trường sẽ dần trở thành thù địch nếu những nỗ lực thay đổi của ông càng khiến đội bóng chơi buồn tẻ hơn.
Cuộc chiến văn hóa tẻ nhạt dường như đang định hình nên cuộc sống hiện đại. Về phương diện này, Tuchel đang may mắn khi có thể bắt đầu truyền tải những ý tưởng của mình trong những sân vận động không khán giả. “Chất Chelsea” có thể sẽ rất khác vào thời điểm người hâm mộ quay trở lại sân bóng.
Lược dịch từ bài viết “Not being a true Blue could be Thomas Tuchel's biggest hurdle at Chelsea” của tác giả Jonathan Wilson trên The Guardian.