Khả năng di chuyển của Haaland cũng rất nổi bật và trong khi tiền đạo người Na Uy thực sự may mắn vì được chơi cùng một số cầu thủ sáng tạo tuyệt vời như Jadon Sancho, thì khả năng có mặt ở đúng nơi vào đúng lúc chính là chìa khóa để anh có được các cơ hội.
(Lưu ý: Các dữ liệu trong bài viết được tính đến ngày 15/3/2021)
TÍNH TOÁN THỜI GIAN VÀ PHÁN ĐOÁN
Ngay sau khi gia nhập Dortmund, Haaland đã có được rất nhiều “niềm vui” từ những lần đối đầu với các hàng thủ dâng cao. Tiền đạo người Na Uy thường khởi đầu ở một vị trí lùi sâu hơn một chút, không muốn ngay lập tức đứng ngang với cầu thủ phòng ngự thấp nhất của đối phương, đây là điều chúng ta sẽ phân tích chi tiết hơn ở phần sau của bài viết.
Tuy nhiên, vị trí này sẽ cho phép Haaland đạt đến tốc độ tối đa tại thời điểm đồng đội của anh thành công trong việc đưa quả bóng ra phía sau các hậu vệ. Tiền đạo người Na Uy nhắm tới mục tiêu đưa bản thân ở ngang với hàng thủ đối phương vào lúc đường chuyền được đồng đội thực hiện, trong khi chạy nước rút, qua đó tạo ra một lợi thế trước họ. Thế mạnh chiều cao của Haaland đã được chúng ta lưu ý từ trước, nhưng chính tốc độ của anh đã khiến cho việc triển khai một hàng thủ dâng cao trở thành một trong những chiến thuật có tính rủi ro cao nhất khi đối đầu với Dortmund.
Ngay cả khi hàng thủ đối phương được bố trí lùi sâu hơn một chút, anh cũng sẽ chọn khởi đầu ở một vị trí giống vậy. Nhờ tốc độ của mình, nếu hàng thủ đối phương quay lưng lại với khung thành, còn Haaland hướng về phía trước, anh vẫn có khả năng đón được bóng từ một pha chọc khe và dứt điểm nếu nó được thực hiện với một lực hợp lý.
Chúng ta có thể thấy điều đó từ trận đấu với Bayern Munich qua những hình ảnh tiếp theo, khi Haaland đã tiếp tục không đứng sát với các trung vệ đối phương.
Từ không gian này, tiền đạo người Na Uy có thể xoay người rồi thực hiện một pha tăng tốc thoát ra phía sau hàng thủ Bayern, và các hậu vệ sẽ phải cực kỳ chật vật với nhiệm vụ theo kịp anh. Nếu Haaland đứng sát với các trung vệ ngay từ đầu, họ có thể khiến anh mắc lỗi việt vị hoặc phán đoán tốt hơn về pha tăng tốc của anh so với ví dụ dưới đây.
Sau khi chứng kiến phong độ săn bàn bùng nổ mà Haaland thể hiện ngay trong giai đoạn đầu của sự nghiệp ở Dortmund, các đội bóng đã bắt đầu chơi thấp và cực kỳ tập trung vào việc không để lộ ra những khoảng trống thuận lợi dành cho các đường chuyền như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi đội bóng đều chơi lùi sâu để ngăn chặn những tình huống như đã nêu xảy ra, nhưng các đối thủ của Dortmund chắc chắn đang triển khai một hàng thủ thấp hơn so với những gì họ đã làm vào thời điểm này của năm ngoái.
Về khâu chọn vị trí của Haaland, anh đặt mục tiêu tránh bị kèm sát càng lâu càng tốt, và nói chung sẽ đặt bản thân ở giữa hai trung vệ đối phương, nhưng thấp hơn một chút. Khi một trong các winger hoặc hậu vệ cánh đồng đội cầm bóng ở cánh, Haaland muốn trung vệ phía gần bóng của đối phương phải liên tục nhìn qua nhìn lại giữa quả bóng và mình. Anh không muốn tay trung vệ đó có thể nhìn thấy cả hai cùng một lúc.
Chúng ta có thể thấy điều đó trong ví dụ dưới, từ trận đấu với Bayern, khi Jerome Boateng đang ở trong một tình huống đúng y như vậy.
Haaland rất tự tin rằng anh có thể nhanh hơn 5-10 yard so với hầu hết các trung vệ, và điều đó đã diễn ra trong ví dụ này. Với việc Boateng không thể biết chính xác thời điểm Haaland tăng tốc và vì trung vệ 32 tuổi còn phải quan sát quả bóng, rất khó để biết được tiền đạo người Na Uy sẽ chạy đến đâu. Trong ví dụ dưới, Haaland đã tính toán chính xác thời gian hợp lý cho pha tăng tốc của mình để hoàn toàn thoát khỏi Boateng, lao đến cột gần và đệm bóng vào lưới trống.
Nói chuyện này có vẻ quá thừa thãi, nhưng vẫn cần phải nhấn mạnh rằng bản năng săn bàn của Haaland cũng đã được thể hiện rất rõ ràng. Haaland thường xuyên phán đoán trước một bước so với các cầu thủ phòng ngự đối phương. Không khoảnh khắc nào có thể chứng minh cho điều đó một cách thuyết phục hơn một pha lập công vào lưới Koln ở mùa giải trước, được hiển thị trong ảnh dưới.
Khi Raphael Guerreiro thực hiện cú sút, chúng ta có thể thấy Haaland đã tính toán thời điểm và bắt đầu tăng tốc, vì đã phán đoán về trường hợp thủ môn cản phá được cú dứt điểm của đồng đội. Các hậu vệ của Koln vẫn chưa sẵn sàng cho tình huống đó, và “canh bạc” của Haaland đã được “đền đáp” khi quả bóng nảy đến đường chạy của tiền đạo người Na Uy, nơi mà anh đã có thể tung ra một cú sút với khoảng cách ít nhất 1 yard giữa mình và bất kỳ hậu vệ nào.
ĐÁNH LẠC HƯỚNG
Để hiểu rõ hơn nữa về khả năng tính toán thời điểm của Haaland, chúng ta cần quan sát những tình huống “đánh lạc hướng” đối thủ của anh.
Về bản chất, đó là khi Haaland kéo một hậu vệ rời khỏi một khu vực mà anh muốn đánh vào. Nó có thể diễn ra trong vòng cấm, khi anh tìm cách dứt điểm các quả tạt, hoặc khi tiền đạo người Na Uy muốn mở rộng không gian cho những đường chọc khe.
Bắt đầu với trường hợp thứ hai, chúng ta có thể thấy một ví dụ điển hình trong trận đấu với RB Leipzig. Với việc Haaland đang có vị trí thấp hơn một chút so với hậu vệ cuối cùng của đối phương, điều này mang đến cho anh nhiều không gian hơn để sử dụng và cho phép anh “khống chế” việc chọn vị trí của trung vệ kia. Một lần nữa, chúng ta có thể thấy hậu vệ được highlight, Dayot Upamecano, phải liên tục nhìn qua nhìn lại giữa bóng và Haaland. Nếu Haaland ở sát với trung vệ người Pháp, Upamecano sẽ có thể kiểm soát tình hình tốt hơn một chút, nhưng bằng cách giữ khoảng cách với đối thủ, Haaland đã nắm thế thượng phong.
Với việc Upamecano đang hướng về phía khung thành, nếu một đường chọc khe được thực hiện và dẫn đến một màn đua tốc độ diễn ra, hậu vệ của RB Leipzig sẽ có vị trí tốt hơn để giành chiến thắng.
Vì vậy, Haaland đã quyết định di chuyển ra xa cầu thủ cầm bóng.
Sau đó, Upamecano đã buộc phải thay đổi định hướng cơ thể để có thể nhìn thấy quả bóng và Haaland dễ dàng hơn. Chúng ta có thể thấy trung vệ người Pháp giờ đây đã quay lưng về phía khung thành, trong khi Haaland đang hướng về phía trước, tạo ra lợi thế cho tiền đạo này khi bóng được đưa ra phía sau hàng thủ đối phương. Haaland đã sẵn sàng thực hiện pha tăng tốc của mình, trong khi định hướng cơ thể của Upamecano đồng nghĩa với việc anh sẽ phải quay người 180 độ để phản ứng với đường chuyền và đồng thời, anh cũng đã tạo ra không gian cho một pha chọc khe.
Haaland đã làm tốt những gì cần làm để có được một tình huống nhận bóng ở phía sau hàng thủ đối phương, tính toán thời gian di chuyển một cách hoàn hảo, và rồi có thể dứt điểm mà không bị cản trở.
Bên cạnh những tình huống nhắm đến cột gần, tiếp theo, chúng ta sẽ quan sát hành động của Haaland trong những trường hợp mục tiêu của anh là cột xa. Khi đó, anh thích vị trí của mình ở ngang với trung vệ phía xa bóng. Một lần nữa, điều này được kết hợp với nguyên tắc tương tự như trước, khi tiền đạo người Na Uy muốn hậu vệ đối phương phải theo dõi cả quả bóng và mình, nhưng không thể làm hai việc đó cùng một lúc.
Chúng ta có thể thấy Haaland đã tạo ra được bao nhiêu khoảng trống cho mình bằng cách thức được đề cập khi nhìn vào 2 bức ảnh mô tả bàn thắng đầu tiên của Dortmund trước Hertha Berlin.
Tuy nhiên, chuyện này không phải lúc nào cũng đơn giản, và nếu anh bị theo kèm chặt hơn, Haaland sẽ tạo ra khoảng trống cho mình bằng khả năng đánh lạc hướng đối phương. Vào một tình huống diễn ra trong trận đấu với Schalke, ban đầu tiền đạo người Na Uy lao về phía cột gần để đưa trung vệ đối phương hướng đến đó. Haaland thậm chí còn đặt tay lên vai của trung vệ kia để đẩy nhẹ – điều mà đôi khi chúng ta sẽ thấy ở các cầu thủ bóng rổ lúc dẫn bóng, khi họ tìm cách đánh lạc hướng hậu vệ và tạo ra nhiều khoảng trống hơn cho bản thân với một pha đổi hướng nhanh.
Sau đó, tiền đạo người Na Uy đã bất ngờ chuyển hướng nhanh về phía cột xa, nơi mà anh có thể thực hiện một pha đệm bóng vào lưới trống khác.
Anh cũng sử dụng khả năng đánh lạc hướng này khi thực hiện các pha chạy đến cột gần. Những tình huống như vậy thường diễn ra nhất trong các đợt phản công nhanh, khi hàng thủ đối phương không được tổ chức tốt. Trong trận đấu gần đây với Sevilla ở Champions League, Haaland đã ghi bàn mở tỷ số với một pha “late run” về phía cột gần. Một lần nữa, chúng ta cần lưu ý cách mà anh khởi đầu giữa hai trung vệ, nhưng không đứng ngang với người thấp nhất. Ban đầu, Haaland giả vờ như sẽ di chuyển hướng đến “trung vệ xa bóng”, để tạo ra nhiều khoảng trống hơn cho bản thân trước khi tăng tốc. Sau đó, anh bất ngờ lao về phía cột gần, tạo ra lợi thế quân số trước “trung vệ gần bóng”.
Haaland đã quan sát thấy hậu vệ được highlight của Sevilla đang phán đoán về việc bóng được căng ngang vào khu vực 6 yard trước khung thành, vậy nên đã điều chỉnh pha chạy của mình để nhận bóng ngay trước chấm penalty.
Ngay cả khi hậu vệ đối phương nhận thức được tiền đạo người Na Uy đang đổi hướng di chuyển và tăng tốc, như trong hình dưới, họ cũng không thể vừa quan sát bóng, vừa theo dõi anh cùng một lúc. Với việc anh chạy bằng một tốc độ như vậy để đón lấy đường chuyền trả ngược, thật khó để kiểm soát được tình hình.
KẾT LUẬN
Chính sự tuyệt vời về khả năng dứt điểm, di chuyển, tính toán thời điểm, bản năng, tốc độ, sức mạnh và chiều cao đã biến Haaland trở thành một tiền đạo toàn diện đáng kinh ngạc. Không nhiều tiền đạo sở hữu một loạt những khả năng như vậy, chứ chưa nói đến những người thể hiện được chúng một cách nhất quán ở độ tuổi của anh.
Haaland chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong tư cách một cầu thủ và có thể sẽ bổ sung thêm nhiều “vũ khí” hơn nữa cho lối chơi vốn đã toàn diện và cực kỳ tuyệt vời của mình. Tuy nhiên, bài phân tích này chỉ nhằm mục đích nêu bật lên một số việc mà anh hiện đang làm rất tốt để qua đó biến bản thân trở thành một trong những tiền đạo đáng sợ nhất thế giới bóng đá.
Nguồn: Dịch từ bài phân tích “The Haaland Hype: What makes him so good?” của tác giả David Seymour, đăng tải trên Total Football Analysis.