Khi quyền lực bóng đá nằm trong tay những người đại diện

Tác giả CG - Thứ Bảy 02/07/2022 11:00(GMT+7)

Zalo

Người đại diện là những người thay mặt cho cầu thủ để đàm phán với CLB và các đối tác khác. Là những con người có đầy đủ sự lọc lõi, tinh quái và những mánh khóe trong nghề, mục đích của họ là giúp cho các cầu thủ có được sự nghiệp thăng tiến nhất, những hợp đồng béo bở nhất bởi như vậy chính họ cũng là những người được hưởng lợi với phí hoa hồng từ các thương vụ.

 
Khi quyen luc bong da nam trong tay nhung nguoi dai dien

Tháng 12/2021, trong một chia sẻ về quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng với Paulo Dybala và Matthijs de Ligt, CEO Maurizio Arrivabene của Juventus nói rằng: “Tính tôi vốn đã quen nói rằng. Ngày nay nhiều cầu thủ trung thành với người đại diện của họ còn hơn cả CLB. Nói bạn yêu, bạn quan tâm đến màu áo CLB ra sao là điều rất dễ, nhưng bạn cũng cần hành động để chứng minh điều đó. Và tôi muốn họ chứng minh chúng”.

Quá trình gia hạn hợp đồng của Juventus với cả hai cầu thủ nói trên gặp rất nhiều trắc trở. Cuối cùng, Juventus chủ động thông báo họ sẽ chia tay Dybala. Trong khi đó với trường hợp của De Ligt, mới đây CEO Arrivabene cũng khẳng định: “Không thể nào giữ các cầu thủ lại khi họ đã muốn rời CLB. Tuy nhiên ba bên cần ngồi lại đàm phán với nhau để đạt sự đồng thuận”. Hiện tại, De Ligt đang trong tầm ngắm của Chelsea.

Câu chuyện về cán cân giữa CLB và người đại diện cầu thủ đã xuất hiện từ lâu trong thế giới bóng đá. Nhưng có lẽ những chia sẻ của Arrivabene sẽ khiến tất cả phải giật mình rằng thế giới bóng đá đã thay đổi ra sao và quyền lực của người đại diện giờ đây lớn như thế nào. 

Họ thực sự là những người thay mặt cho cầu thủ để đàm phán với CLB và các đối tác khác. Là những con người có đầy đủ sự lọc lõi, tinh quái và những mánh khóe trong nghề, mục đích của họ là giúp cho các cầu thủ có được sự nghiệp thăng tiến nhất, những hợp đồng béo bở nhất bởi như vậy chính họ cũng là những người được hưởng lợi với phí hoa hồng từ các thương vụ. 

Vẫn có một số ngoại lệ các cầu thủ không cần thông qua người đại diện, ví dụ như Kevin De Bruyne từng thuê một công ty phân tích dữ liệu để phân tích lại màn trình diễn của anh, từ đó tự đứng ra đàm phán hợp đồng mới với Manchester City. Nhưng những trường hợp như vậy thực sự vẫn chỉ là thiểu số. Đa phần các cầu thủ vẫn dựa vào người đại diện. Suy cho cùng, công việc của các cầu thủ vẫn là chơi bóng, và họ cần dồn sự tập trung cho việc phát huy hết năng lực chơi bóng của bản thân thay vì tốn chất xám và tinh thần ở trên bàn đàm phán.

FIFA từng công bố các người đại diện đã nhận tổng cộng 375 triệu bảng phí hoa hồng từ các thương vụ trong năm 2021, trong số đó các CLB Anh chi hơn 100 triệu bảng. Mùa hè này, Manchester City được cho chỉ phải chi ra 51,2 triệu bảng phí chuyển nhượng để có sự phục vụ của Erling Haaland. Thoạt nhìn đây là con số ở mức trung bình trong thời kỳ bão giá với một cầu thủ được xem là hàng đầu thế giới hiện tại. Nhưng đằng sau đó, đội bóng chủ sân Etihad phải trả hoa hồng cho bố và người đại diện của tiền đạo người Na Uy, và tổng cộng số tiền mà Man City đã phải bỏ ra cho cuộc chuyển nhượng này là khoảng 85 triệu bảng.

Khi quyền lực bóng đá nằm trong tay những người đại diện 1
Dybala chia tay Juventus sau khi mùa giải 2021/22 khép lại. Ảnh: Getty Images

Pippo Russo – một nhà xã hội học chuyên ngành về kinh doanh bóng đá tại Đại học Florence – chia sẻ với The Guardian: “Số tiền dành cho người đại diện tăng lên, điều này phản ánh nguồn tài chính trong bóng đá hiện tại. Theo tôi, nhưng siêu đại diện là những người phải chịu nhiều trách nhiệm nhất cho sự điên rồ này. Họ không còn chỉ là trung gian cho các CLB nữa mà thực sự tham gia vào, họ không còn chỉ là những người môi giới mà thực sự là một phần của hợp đồng. Tuy nhiên các CLB không muốn ngăn điều này lại. Chi một số tiền lớn cho những dịch vụ ở khía cạnh nào đó cũng là giúp chính họ được thuận lợi”.

Một trong những lý do đóng góp vào sự gia tăng tầm ảnh hưởng của những người đại diện trong thế giới bóng đá chính là sự ra đời của luật Bosman vào năm 1995. Sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm với CLB Standard Liege xoay quanh việc ra đi tự do sau khi hết hợp đồng, Jean-Marc Bosman đã giành chiến thắng. Chiến thắng của Bosman mở đường cho một sự thay đổi lớn lao trong đời sống bóng đá, các cầu thủ đã có nhiều quyền lực hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa các CLB ngày càng tăng lên. Và người đại diện cũng được hưởng lợi từ sự thay đổi.

Erkut Sogut – người đại diện của Mesut Ozil - chia sẻ trên FourFourTwo: “Luật Bosman đã thay đổi hoàn toàn nhiều thứ. Những người đại diện trở nên đóng vai trò to lớn. Các cầu có nhiều quyền lực, người đại diện còn có nhiều quyền lực hơn”.

Việc các cầu thủ lớn không chịu gia hạn hợp đồng với đội bóng ngày càng trở thành một xu thế rõ ràng trong đời sống bóng đá. Với việc cầu thủ ra đi tự do, đội bóng chủ quản là người chịu thiệt nhất khi không thu về một đồng phí chuyển nhượng nào, trong khi đó các cầu thủ sẽ hưởng lương cao hơn một chút ở đội bóng mới do họ đã gia nhập theo dạng chuyển nhượng tự do. Và tất nhiên, người đại diện cũng được hưởng hoa hồng từ đó.

Không những chỉ đóng vai trò định hướng sự nghiệp cho cầu thủ, HLV mà những người đại diện còn ngày càng có tiếng nói trong công tác chuyển nhượng của các CLB. Jorge Mendes là một siêu đại diện có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới với hai khách hàng nổi tiếng nhất là Jose Mourinho và Cristiano Ronaldo. Tại Bồ Đào Nha, sức mạnh của Mendes là không cần phải bàn cãi.

Những CLB hàng đầu như Porto, Benfica, Sporting Lisbon đều có bóng dáng của Jorge Mendes ở đó với những mối quan hệ mật thiết. Dưới bàn tay lão luyện của mình, Mendes đã thuyết phục Fosun – chủ sở hữu của Wolverhampton - chi 70 triệu USD cho 2 tài năng trẻ được đánh giá cao của Porto dù họ chưa được kiểm chứng: tiền vệ 20 tuổi Vitinha và tiền đạo 18 tuổi Fabio Silva. Poro thông báo 1/4 khoản phí 40 triệu euro cho Silva dành cho các trung gian mà chủ yếu trong đó vào túi Mendes. Số tiền hoa hồng mà Mendes nhận được từ thương vụ Silva rất cao, và cao hơn đáng kể so với mức trung bình. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những ví dụ về cách mà Mendes trở nên giàu có.

Những người đại diện người Bồ Đào Nha khác khó chịu về tầm ảnh hưởng của Mendes trong công việc này suốt nhiều năm qua. Song, ông sở hữu những mối quan hệ tốt đến nỗi các CLB thường liên lạc để nhờ ông bôi trơn cho các thương vụ. Mendes từng được trả 8 triệu USD để giúp đỡ một CLB hạng trung của Bồ Đào Nha là Braga bán tiền đạo trẻ Francisco Trincao đến Barcelona. Những người đại diện đã được đăng ký của Trincao không hề tham gia vào quá trình này. 

Tại Anh, Wolverhampton là đội bóng mà tầm ảnh hưởng của Mendes rõ ràng nhất với rất nhiều cầu thủ quốc tịch Bồ Đào Nha hoặc đến từ thị trường Bồ Đào Nha. Tất cả xuất phát từ mối quan hệ của Mendes với tập đoàn Fosun.

 
Khi quyền lực bóng đá nằm trong tay những người đại diện 2

Năm 2018, chủ tịch Benfica miêu tả vai trò của Jorge Mendes giống như dịch vụ taxi: ông vận chuyển những tài sản lớn nhất của CLB đi một hướng và thu về hàng triệu USD ngược trở lại. Dù FIFA đã làm nhiều cách để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của những người đại diện, song những “siêu cò” khôn ngoan và lọc lõi nhất vẫn biết cách để kiếm nhiều tiền từ các khách hàng của mình. Thậm chí những người đại diện quyền lực nhất không ngần ngại đứng lên chống lại cơ quan điều hành bóng đá thế giới.

Năm 2019, Mino Raiola từng bị FIFA cấm hành nghề trên phạm vi toàn thế giới. Không lâu sau đó, ông lên tiếng trên tạp chí Voetbalmagazine của Bỉ: "Tôi không hiểu tại sao chuyển nhượng một cầu thủ từ Twente đến Verona phải thông qua hệ thống của FIFA. Chúng ta không thể làm điều này ở bên trong châu Âu sao? Nếu một cầu thủ đến MLS thì phải theo luật của MLS chứ không phải FIFA.

Ở đây họ muốn kiểm soát và muốn được chia tiền. Ở FIFA, tất cả mọi thứ chỉ là quyền lực và tiền chứ không phải là lợi ích của bóng đá. Hệ thống cũ của FIFA dừng được rồi. Đây là lúc khởi đầu cho kỷ nguyên mới, chúng ta đang ở giai đoạn nền tảng. Đã đến lúc có một cuộc cách mạng.

Nếu tôi có quyền quyết định thì chúng ta nên hủy bỏ hệ thống chuyển nhượng hiện tại ngay lập tức. Chúng ta đang nhận một phần thu nhập của cầu thủ và nếu chúng ta bỏ hệ thống này đi, tôi nghĩ các CLB sẽ dành nhiều tiền hơn cho các cầu thủ. Hệ thống chuyển nhượng hiện tại giống một dạng buôn người”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, Raiola khẳng định ông “chẳng sợ ai cả. Không sợ FIFA, không sợ UEFA và cũng không sợ một CLB nào hết. Đó là sự khác biệt giữa tôi và hầu hết những người đại diện khác”.

Khi bóng đá ngày càng phát triển và là ngành công nghiệp hái ra tiền, tầm ảnh hưởng của những người đại diện càng khó mà kìm lại. Các cầu thủ cần những người có thể giúp họ tối ưu hóa hết các giá trị tài chính, trong khi đôi lúc các CLB cũng cần chính những người đại diện “bôi trơn” cho các thương vụ. CEO Maurizio Arrivabene đã rất thẳng thắn khi nói rằng “nhiều cầu thủ trung thành với người đại diện của họ còn hơn cả CLB”. Có lẽ cách tốt nhất với các đội bóng vẫn là cố gắng dung hòa lợi ích giữa các bên và ghi nhớ một tôn chỉ: không ai được phép lớn hơn CLB.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow