Kevin-Prince Boateng: Vì cuộc đời là những hành trình bất ngờ và điên rồ

Tác giả CG - Thứ Bảy 20/04/2019 13:07(GMT+7)

Một ngày, anh nhận ra mình trông như 1 người già trong cơ thể của chàng trai 20. “1 buổi sáng, tôi thức dậy, nhìn vào gương và nghĩ: “‘Không, đó không phải mình, mình không muốn như thế. Mình là 1 cầu thủ bóng đá.’”

Tuổi 31, Kevin-Prince Boateng khoác áo tới 3 đội bóng: Eintracht Frankfurt, Sassuolo và Barcelona. Chặng đường đã qua của cầu thủ người Ghana chỉ có thể gói gọn trong 2 chữ: “điên rồ”.
Ngày 17/2 vừa qua, Kevin-Prince Boateng đã đánh dấu trận đấu chuyên nghiệp thứ 400 bằng chiến thắng 1-0 trước Real Valladolid. Hành trình 400 trận đấu kinh qua 10 đội bóng và thời điểm hiện tại là Barcelona, Boateng luôn khiến người hâm mộ phải bất ngờ. Hẳn khi Boateng có pha xử lý khéo léo loại bỏ Eric Abidal rồi dứt điểm má ngoài hạ gục thủ thành Victor Valdes trong cuộc đối đầu giữa AC Milan và Barcelona ở vòng bảng UEFA Champions League mùa giải 2011/2012, anh khó mà tưởng tượng đến ngày hôm nay, khi đỉnh cao đã đi qua anh lại chuyển tới thi đấu cho đội bóng ấy.
Cầu thủ người Ghana chuyển đến đội bóng xứ Catalunya với bản hợp đồng cho mượn kèm mua đứt trị giá 8 triệu euro chỉ sau nửa mùa giải gia nhập Sassuolo. Từ Sassuolo tới Barcelona là 1 đẳng cấp chênh lệch quá lớn. Với 1 cầu thủ trẻ, đó có thể đã là điều không tưởng chứ chưa nói đến 1 người bị xem là hết thời ở tuổi 31 như Boateng. Nhưng cuộc đời là những điều bất ngờ không thể lường trước. Và cả sự điên rồ nữa.
“Đó là khoảnh khắc điên rồ nhất cuộc đời tôi”, Boateng cũng từng nói tới 2 chữ này để nhắc về 1 ngày tháng 3/2013. Đấy chính là thời điểm anh được mời tới trụ sở Liên hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) để phát biểu về nạn phân biệt chủng tộc. Boateng đã chuẩn bị gần 24 tiếng/ngày trong vòng 5 ngày để chia sẻ về thứ mà anh phải hứng chịu. Cuộc sống của tiền vệ người Ghana là tập hợp của nhiều sự kiện, sự việc và khoảnh khắc điên không tưởng.
Boateng là điểm nhấn sáng nhất trong buổi lễ ăn mừng chức vô địch Serie A mùa giải 2010/2011 của AC Milan với điệu nhảy Moonwalk lừng danh. Anh tự động rời sân trong 1 trận giao hữu giữa AC Milan và Pro Patria hồi tháng 1/2013 khi trở thành điểm đến của những hành động phân biệt chủng tộc. Chàng trai ấy cũng có thể là chủ nhân của những bàn thắng xuất thần trong 1 ngày đạt phong độ cao nhất. Nhưng đó chưa phải tất cả.
Trong cuộc đời mình, Boateng có những ngày điên rồ tới nỗi đi xăm 2 hình mới trên cơ thể chỉ vì muốn nổi bật hơn 1 người bạn cũng vừa xăm. Anh cũng đã từng mua 3 ba chiếc xe hơi (Lamborghini Gallardo Spyder giá 300.000 euro, Hummer H2 giá 75.000 euro và Cadillac giá 40.000) trong vòng 1 ngày. Boateng đã có những ngày chơi ngông đến như thế để thỏa mãn thú vui và khát khao tuổi trẻ.
Boateng sinh ra ở Wedding, khu vực nổi tiếng vì tỷ lệ tội phạm, thất nghiệp và người nhập cư rất cao ở Berlin. Bên cạnh khu nhà của gia đình anh là con phố Koloniestrasse, nơi nằm trong top 10 khu vực nguy hiểm nhất nước Đức với 1 “luật bất thành văn” rằng: nếu anh không chết thì tức là tôi chết. Boateng đã sống quãng đời ấu thơ cùng mẹ và anh trai Geogre Boateng ở đó. Trong 1 cuộc phỏng vấn với tuần báo Der Spiegel, Boateng nhận xét đó là những ngày tháng mà: “Mẹ thì say rượu ở nhà, chẳng có gì trong tủ lạnh còn anh trai thì ngồi tù”.
Cuộc sống xù xì và thô ráp định hình nên tính cách của chàng trai mang 2 dòng máu Đức và Ghana. Bóng đá cữu rỗi Boateng, cho anh tiền bạc nhưng nó không thể kìm bớt bản tính của 1 con “ngựa hoang” bên trong.

Năm 2007, anh gia nhập Tottenham Hotspur với mức giá 5,4 triệu bảng. Quãng thời gian ở Bắc London, Boateng sống buông thả tới nỗi tưởng như đã đánh mất mình. Cân nặng tăng lên 95 kg, thường xuyên về nhà lúc 6h sáng vì những buổi tiệc tùng thác loạn thâu đêm, Boateng của tuổi đôi mươi là chàng trai có tương lai rộng mở nhưng suýt nữa đã mất tất cả.
Cho đến 1 ngày, anh nhận ra mình trông như 1 người già trong cơ thể của chàng trai 20. “1 buổi sáng, tôi thức dậy, nhìn vào gương và nghĩ: “‘Không, đó không phải mình, mình không muốn như thế. Mình là 1 cầu thủ bóng đá.’”, cầu thủ sinh năm 1987 bộc bạch lại suy nghĩ trong cuộc phỏng vấn với The Guardian. Sự tỉnh thức kịp thời đã kéo Boateng trở lại để ít nhất kéo dài sự nghiệp đến lúc này.
Phải thừa nhận rằng, Kevin-Prince Boateng không phải cầu thủ xuất chúng nhưng đặc biệt. Anh đặc biệt vì có thể khiến tất cả nhớ đến mình chỉ bằng 1 bàn thắng xuất thần. Trong quãng thời gian Boateng khoác áo AC Milan có những hỉ nộ ái ố, HLV Max Alegri có thể loay hoay vì không biết nên xếp anh đá tiền vệ tấn công hay tiền vệ trung tâm sau khi Zlatan Ibrahimovic ra đi thế nhưng có những điều mà Milanista sẽ nhớ mãi về tiền vệ người Ghana: mùa giải 2010/2011 bùng nổ và những siêu phẩm.
Siêu phẩm chính là thứ làm nên thương hiệu của cầu thủ người Ghana. Năm 2017, anh có tên trong đề cử giải thưởng Puskas (Giải thưởng dành cho bàn thắng đẹp nhất năm của FIFA) với cú bay người vô lê trên không, ghi bàn vào lưới Villareal, thời điểm này anh khoác áo Las Palmas.
Giờ đây ở tuổi 32, không còn những lúc chơi ngông mua liền 3 chiếc xe hơi trong 1 ngày, ăn chơi thâu đêm suốt sáng cùng những người phải gọi là “bè” chứ không phải “bạn”, Boateng biết quãng thời gian thi đấu chuyên nghiệp của mình không còn nhiều. Và anh đang tận hưởng cuộc sống ở Barcelona, điều mà không ai từng nghĩ sẽ xảy ra. Gia nhập đội bóng chủ sân Camp Nou với vai trò là cầu thủ dự bị cho Luis Suarez, Boateng hiểu điều này nhưng vẫn sẵn sàng đồng ý bởi anh coi đây là cơ hội chỉ có 1 lần trong đời và không thể chối từ. Từ đó tới nay, cầu thủ người Ghana mới chỉ 2 lần ra sân và chưa trận đấu nào thi đấu trọn vẹn 90 phút.
Thế nhưng bạn đừng bất ngờ nếu sắp tới đây, trong 1 ngày đẹp trời, khi chất “điên” trỗi dậy, Boateng lại khiến tất cả phải trầm trồ bằng 1 siêu phẩm nào đó như anh đã từng. Đúng, Boateng vẫn sẽ “điên”, nhưng hy vọng anh sẽ làm khán giả phải vỗ tay tán thưởng vì sự “điên” đó.

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.