Kevin-Prince Boateng: Gã trai ngang tàng

Tác giả CG - Thứ Hai 12/03/2018 17:00(GMT+7)

Zalo
Trong ký ức của người hâm mộ AC Milan giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây hẳn vẫn còn nhớ về hình ảnh một chàng trai với những bước chạy dũng mãnh cùng những cú dứt điểm làm bất ngờ tất cả, một chàng trai đã nhảy Moonwalk trong ngày Milan giành scudetto gần nhất. Đó không còn ai khác ngoài Kevin-Prince Boateng.
Kevin-Prince Boateng: Ga trai ngang tang1
Kevin-Prince Boateng: Gã trai ngang tàng
Đã gần 10 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng AC Milan được nâng cao chức vô địch Serie A. Đó cũng là khoảng thời gian chứng kiến Rossoneri dần lụi tàn trước sự vươn lên mạnh mẽ của những Juventus hay Napoli. 
 
Vết son cuối cùng của triều đại Berlusconi không gì khác ngoài chức vô địch Italia mùa giải 2010/2011, Zlatan Ibrahimovic đến vào mùa hè 2010 như một lời tuyên bố đanh thép của ngài Thủ tướng Italia lúc ấy muốn lật đổ những năm tháng sống nép sau cái bóng người hàng xóm Inter Milan ở giải quốc nội.
 
Nhưng còn một gương mặt xuất hiện vào mùa hè ấy đã bị cái bóng của siêu sao người Thuỵ Điển làm lu mờ để rồi sau đó sẽ vụt lên trở thành một cá tính chẳng thể trộn lẫn: Kevin-Prince Boateng, chàng trai mang 2 dòng máu Đức và Ghana.
 
Chàng trai ấy đã từng tự động bỏ ngang một trận đấu sau khi phải hứng chịu những lời lăng mạ mang hơi hướng phân biệt chủng tộc và rồi sau đó đứng trước các thành viên Liên hợp quốc để phát biểu về vấn đề này. Một điều có thể nhận ra, cá tính mạnh mẽ ấy có lẽ đã được hình thành từ những tháng ngày ấu thơ.
 
Sinh ra và lớn lên ở Wedding – một khu phức tạp và hỗn loạn nhất của Berlin – trong một gia đình với bố là người Ghana và mẹ là người Đức. Cậu bé Kevin-Prince sống cùng anh trai George Boateng với mẹ ở Wedding, trong khi cậu em Jérôme Boateng ở cùng bố tại một nơi sung túc hơn.
Kevin-Prince Boateng: Ga trai ngang tang2
Kevin-Prince Boateng và Jerome Boateng
Những năm tháng ở Wedding đã định hình nên tính cách có phần ngang tàng và “không biết sợ” của Kevin-Prince Boateng. Anh gọi khu mình sống là một nơi mà “mọi người bị bắn và cảnh sát thì chẳng thèm tới”.
 
“Chúng tôi không có nhiều tiền nhưng đó là cuộc sống của tôi. Những thứ mà bạn học và thấy trên đường phố sẽ định hình nên con người bạn”, Boateng chia sẻ.
 
Tuy nhiên, chính bóng đá đã cứu cậu bé ngày ấy tránh khỏi những cám dỗ và tệ nạn. Ngày đó, dù cả ba anh em George, Kevin-Prince và Jérôme sống cách xa nhau nhưng vẫn rất thân thiết. Họ thường gặp nhau vào các ngày cuối tuần và chơi bóng cùng nhau vào những ngày nghỉ. Hertha Berlin trở thành bệ phóng đầu tiên cho sự nghiệp của Kevin-Prince Boateng. 
 
Sau khi đoạt giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Đức vào năm 2006, anh được đưa tới Tottenham với số tiền chuyển nhượng 5,4 triệu bảng vào mùa hè 2007. Tuy nhiên, London không như là mơ. Boateng chỉ có 14 lần ra sân sau 2 mùa giải, những con số hết sức khiêm tốn. Boateng không phải cái tên mà huấn luyện viên Martin Jol muốn sử dụng.
 
Nhớ lại khoảng thời gian tuổi đôi mươi ấy, cầu thủ sinh năm 1987 thừa nhận:
 
“Tôi trông thật già nua. Mỗi đêm tôi ra ngoài đến 6 giờ sáng. Tôi nặng 95 kg, người phát phì ra vì rượu bia và những thứ thức ăn có hại. Tôi tự nhủ: ‘Đây không thể là mình. Mình không muốn thành người như thế. Mình là một cầu thủ bóng đá cơ mà’. 
 
Tôi gọi điện cho bạn bè, 2 người bạn thực sự và họ tới bên tôi. Chúng tôi dọn sạch tủ lạnh và vứt hết đống đồ trong đó đi. Ngày đó tôi tự nói với bản thân: ‘Không, phải dừng lại’. Và tôi đã không uống rượu, không ra ngoài nữa. Tôi bắt đầu tự nấu nướng; tôi muốn ăn uống thật lành mạnh. Dần dần từng ngày một”.
 
Trong khi đó, cựu Giám đốc thể thao của Tottenham - Damien Comolli, người đứng đằng sau những bản hợp đồng như Gareth Bale, Luka Modric hay Dimitar Berbatov – thừa nhận rằng Boateng là một trong những gương mặt ông cảm thấy tiếc nuối nhất tại White Hart Lane. “Đó có lẽ là lỗi của chúng tôi hơn là của cậu ấy”, Comolli khẳng định.
Kevin-Prince Boateng: Ga trai ngang tang5
Vào năm 2006, anh được đưa tới Tottenham
6 tháng cuối cùng thuộc biên chế Spurs, Boateng được đem cho mượn tại Dortmund. Thời điểm đó, đội bóng nước Đức mới được dẫn dắt bởi người đàn ông có tên Jürgen Klopp. Quãng thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng thực sự đã có một tác động mạnh mẽ tới cầu thủ người Ghana. Đặc biệt là Klopp, ông có tầm ảnh hưởng rất lớn trong nhận thức của Boateng vào lúc đó. Sau này khi nhớ lại thời gian ở Dortmund, Boateng vẫn không quên tri ân người thầy cũ của mình:
 
“Đó là huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới. Ông ấy biết cách khi nào thúc giục và khi nào xoa dịu. Hãy hỏi các cầu thủ và họ sẽ nói: Ông ấy là số một, tôi  nguyện chết vì ông.

Có những cầu thủ ở Dortmund chỉ được đá 5 phút trong vòng 6 tháng nhưng họ vẫn vui: vui khi tập luyện, vui khi thi đấu vì ông ấy sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được gặp Klopp, được làm việc với ông ấy dù chỉ vỏn vẹn 6 tháng”.
 
Thực tế là ban lãnh đạo Dortmund rất muốn giữ Boateng ở lại. Tuy nhiên số tiền mà Tottenham yêu cầu lúc đó lại không phù hợp với con số mà Dortmund muốn bỏ ra. Thay vì tới Đức, Boateng ở lại nước Anh và đầu quân cho Portsmouth.
 
Tuy nhiên, sự sa sút không phanh của đội bóng này khi đó khiến hình ảnh của họ cũng như Boateng tại đây thực sự không quá nổi bật. Tất cả những gì mà người hâm mộ còn đọng lại có lẽ chỉ là cú tắc bóng của cầu thủ sinh năm 1987 với Michael Ballack trong trận chung kết FA Cup 2010. Cú tắc bóng ấy khiến Ballack phải lỡ hẹn với World Cup 2010 và chính thức chấm dứt những tháng ngày khoác áo đội tuyển Đức.
 
Tấm băng đội trưởng của Ballack được chuyển giao cho Philipp Lahm và Die Mannschaft chính thức hình thành một thế hệ mới. Còn Kevin-Prince Boateng trở thành một kẻ thù số 1 trong mắt cổ động viên Đức. 
 
Trước đó, anh cùng với những Mesut Özil, Mats Hummels, Sami Khedira, Manuel Neuer và người em trai Jérôme Boateng là thành viên chủ chốt của các cấp độ đội tuyển Đức. Nhưng một vụ vô kỷ luật khi còn khoác áo đội U21 khiến cánh cửa lên đội tuyển quốc gia của Kevin-Prince Boateng đã bị đóng lại. Tháng 5/2010, anh sở hữu tấm hộ chiếu Ghana để rồi có kỳ World Cup đầu tiên trong sự nghiệp trong màu áo đội bóng châu Phi chỉ 1 tháng sau đó.
 
Vòng chung kết World Cup 2010, màn trình diễn ấn tượng của Ghana có đóng góp lớn của Boateng. Sau khi Portsmouth xuống hạng, anh cũng nhảy khỏi con tàu đắm và tới nước Ý. Dù ban đầu gia nhập Genoa nhưng ngay lập tức Boateng trở thành người của Milan dưới dạng đồng sở hữu trong mùa giải 2010/2011. 
 
Như đã nói, lúc đó Milan đang rất khao khát thoát khỏi cái bóng của đội bóng cùng thành phố. Tân huấn luyện viên Massimiliano Allegri được đưa mời vào chiếc ghế nóng sau khi gây ấn tượng ở Cagliari, Ibrahimovic được đưa về cùng Robinho chia lửa với những Ronaldinho và Pato. 
Kevin-Prince Boateng: Ga trai ngang tang6
Milan có Boateng, họ sở hữu một họng pháo từ tuyến hai
Milan có Boateng, họ sở hữu một họng pháo từ tuyến hai. Với Boateng, được gia nhập Milan là một nấc thang mới trong sự nghiệp của anh.

“Tất cả bọn họ đều ở đó”, Boateng nhớ lại. “Tôi gia nhập sau Ibrahimovic và Robinho. Bên cạnh đó là Seedorf, Pirlo, Ambrosini, Gattuso, Ronaldinho, Thiago Silva, Jankulovski. Ngày đầu tiên, tôi đến sớm thực hiện bài kiểm tra. ‘Đây là một giấc mơ, đây là một trò đùa’. Tôi gọi điện cho anh trai: ‘Em đang ngồi cạnh Pirlo.’ ‘Chụp ảnh, chụp ảnh đi!’ ‘Em sử dụng tủ đồ cũ của David Beckham đấy’. Anh ấy nói: ‘Em đang đùa đúng không?’. Tôi bảo: ‘Để em gửi ảnh cho anh’.
 
Và cũng không quá khi nói rằng những năm tháng thi đấu thành công và nhiều cảm xúc nhất của ngôi sao người Ghana cũng gắn với Rossoneri. Trong 2 mùa giải đầu tiên, anh là một mắt xích không thể thiếu trong sơ đồ 4-3-1-2 của Allegri. Sức mạnh, sự bền bỉ, những pha đi bóng dũng mãnh cùng những cú dứt điểm gây bất ngờ tất cả, Boateng chính là người tiếp lửa cho Ibrahimovic trên hàng công của AC Milan.
 
Ngay năm đầu tiên, anh đã có tên trong đội hình tiêu biểu mùa giải 2010/2011. Và có lẽ chẳng ai mà quên được bàn thắng của anh từ một cú dứt điểm mạnh đến nỗi bóng bật các cột trong khung thành mà chẳng hề làm rung bất cứ mảnh lưới nào trong cuộc đối đầu với Arsenal tại Champions League mùa giải 2011/2012. Đó là một trong những bàn thắng ấn tượng nhất cầu thủ sinh năm 1987 để lại trong ký ức người hâm mộ đội bóng chủ sân San Siro.
 
Boateng là vậy, một chàng trai luôn tạo ra cảm xúc bất ngờ cho tất cả các Milanista. Và có lẽ cũng vì thế chăng mà ban lãnh đạo AC Milan cũng quyết định trao cho anh chiếc áo số 10 sau khi Clarence Seedorf chia tay câu lạc bộ. Tuy nhiên, gánh nặng từ một số áo “lớn” cùng một lối chơi đã bị bắt bài và kém phần hiệu quả, Boateng sa sút cùng sự đi xuống của AC Milan.
 
Chuyển tới Schalke 04 vào tháng 8/2013 sau khi lập cú đúp vào lưới PSV Eindhoven giúp Milan giành quyền tham dự vòng bảng UEFA Champions League, Boateng một lần nữa trở lại khoác màu áo đỏ đen vào tháng 1/2016 sau khi bị Schalke chấm dứt hợp đồng.
 
Thế nhưng, anh không bao giờ còn lấy lại được phong độ của mình trước kia nữa. Có lẽ cũng cần thông cảm cho tiền vệ người Ghana bởi ngay lúc đó, Milan cũng đang loay hoay với chính mình trên đường tìm lại ánh hào quang.
Kevin-Prince Boateng: Ga trai ngang tang4
 
Giờ đây ở tuổi 31, Boateng đang hiểu được giá trị mà những năm tháng tuổi trẻ anh từng bỏ phí để rồi phải sống với những thị phi của chính mình. 
 
“Tôi không muốn các cầu thủ trẻ lãng phí tài năng của mình. Tôi sẽ cho họ những ví dụ về những sai lầm tôi từng phạm phải. Tôi đã phạm nhiều sai lầm trong cuộc đời. Bây giờ tôi đang sống rất ổn nhưng tôi không muốn các cầu thủ trẻ làm những điều ngu ngốc để rồi trở thành những ấn tượng xấu mãi mãi như ‘trai hư’, ‘kẻ nghiện rượu’, ‘gã tiệc tùng’,…
 
Đã 7 năm kể từ ngày chàng cầu thủ người Ghana nhảy điệu Moonwalk trong buổi lễ ăn mừng scudetto của AC Milan, cả hai chủ thể ấy đều đã có những biến cố và thay đổi trên hành trình của mình. Thế nhưng, người hâm mộ sẽ mãi luôn nhớ về một gã cầu thủ ngang tàng, mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết trên sân, một cầu thủ có khả năng tạo ra những cảm xúc khác biệt nhất. 

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow