Kevin-Prince Boateng: Bức tâm thư gửi những người da trắng (P2)

Tác giả Ole - Thứ Hai 31/08/2020 16:09(GMT+7)

Thành thật mà nói, tôi xin thề rằng FIFA thành lập ra cái mà họ gọi là Ủy ban phòng chống nạn phân biệt chủng tộc gì đó chỉ để cho ra vẻ mà thôi. Chẳng có gì phải sợ ở đây cả, đó là sự thật mà. Tôi không biết tại sao họ không làm gì nhiều hơn.


 
Tôi gọi điện cho người đại diện của mình: “Đây rõ ràng là một trò hề”. Họ đã làm gì? Họ phạt một đội bóng nào đó 30.000 euro? Và rồi những kẻ phân biệt chủng tộc có thể quay trở lại sân ngay vào ngày hôm sau? Những đứa trẻ sẽ chứng kiến những gì xảy ra trên sân rồi bắt chước theo? Đối với một CLB, khoản tiền 30.000 euro liệu có ý nghĩa gì ở đây nào? Chẳng có cái gì cả? Đây không phải một hình phạt. Đây là sự thỏa hiệp.
 
Thành thật mà nói, tôi xin thề rằng FIFA thành lập ra cái mà họ gọi là Ủy ban phòng chống nạn phân biệt chủng tộc gì đó chỉ để cho ra vẻ mà thôi. Chẳng có gì phải sợ ở đây cả, đó là sự thật mà. Tôi không biết tại sao họ không làm gì nhiều hơn.

Cái đó bạn đi mà hỏi họ ấy. Trong thâm tâm, tôi chỉ có thể nghĩ rằng điều quan trọng hơn với họ vào thời điểm ấy chính là các vấn đề liên quan đến công nghệ VAR. Phải chăng vượt qua những giới hạn của bóng đá là quá khó để thoát khỏi nạn phân biệt chủng tộc? FIFA có nhiều tiền, họ đầu tư rất nhiều vào máy ảnh, công nghệ goal-line, mọi thứ. Nhưng chiến đấu chống lại phân biệt chủng tộc thì không? Thật đấy. Vì điều đó không mang lại cho họ khán giả, không thu hút mọi người đến sân xem đá bóng. Điều đó không hề mang lại cho họ nhiều tiền. Đó chính xác là những gì mà tôi nghĩ đấy.
 
Và hãy nhớ này, FIFA từng thành lập “lực lượng đặc nhiệm” ấy vào năm 2013, tức là cách đây đến 7 năm rồi. Nhưng bây giờ thì sao, chúng ta vẫn đang nói về những vấn đề cũ.
 
Chẳng có gì thay đổi cả. Không có bất cứ điều gì. 
 
Thậm chí, tình trạng phân biệt chủng tộc ngày một tồi tệ hơn.
Những tiếng giả khỉ và góc nhìn của một ngôi sao bóng đá về phân biệt chủng tộc
Từ đội tuyển Anh bị sỉ nhục ở Bulgaria, rồi đến một trận đấu bị tạm hoãn vì những tiếng hú giả khỉ ở Hà Lan, rồi Manchester City trong cuộc đối đầu với...
------------------
Bạn biết không, chúng tôi luôn nhìn về nước Mỹ khi nói về vấn đề phân biệt chủng tộc, nhưng điều này cũng xảy ra ở châu Âu. Có thể chúng tôi không chết, không bị giết hại đâu nhưng người ta vẫn luôn muốn dìm chúng tôi xuống đáy bùn, lúc nào cũng vậy. Khi tôi ở ngoài đường, tôi có thể cảm nhận qua cách cư xử của mọi người. Họ nhìn tôi rồi… chuyển sang vỉa hè bên kia. Khi tôi lái xe, tôi biết họ đang nghĩ gì trong đầu. “Làm thế quái nào mà một thằng da đen với cả đống hình xăm lại có thể ngồi trong chiếc xe như vậy nhỉ? Có lẽ nó buôn ma túy hoặc là một rapper”. Hoặc là một vận động viên.
 
Tại sao lại thế à? Bởi vì phân biệt chủng tộc là thứ gì đó đã hằn sâu trong cái xã hội này. Nó là một hệ thống. Những người da trắng đứng đầu hệ thống này, họ không muốn phải thay đổi. Vì sao? Vì mọi thứ đang diễn ra tuyệt vời đối với họ, giống như cách mà họ từng làm cách đây 300 năm.
 
Để tôi kể cho các bạn nghe thêm về một ví dụ khác nhé. Vào Tháng Tám năm ngoái, Clement Toennies, chủ tịch Schalke, CLB cũ mà tôi từng khoác áo, đã đưa ra một nhận định không thể nào hiểu nổi về phân biệt chủng tộc. Ông ta nói rằng thay vì tăng thuế nhằm bảo vệ môi trường, chính phủ Đức nên lắp đặt các nhà máy điện ở châu Phi để ngăn những người da đen chặt cây và sinh em bé khi trời tối. 
 
Tôi hoàn toàn bị shock. Clement đang có trong đội bóng của mình những cầu thủ da màu. Báo chí lên tiếng khẳng định đây là phát ngôn sai trái. CLB cũng đưa ra thông báo yêu cầu mọi người đồng lòng chống lại vấn đề phân biệt chủng tộc. Nhưng bạn biết họ đã làm gì không? Họ đình chỉ công việc của hắn ta trong ba tháng. Ba tháng… cho một kỳ nghỉ dài và tuyệt vời. Sau đó, hắn quay lại làm việc như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
 
Đây là một hệ thống. Và nó đã ăn sâu đến mức khiến mọi thứ trở nên quá đỗi bình thường. Nhưng điều mấu chốt ở đây là những người da màu như tôi thì rất nhiều, nhiều hơn nhiều những kẻ muốn vận hành cái hệ thống ấy. Chúng tôi có sức mạnh và niềm khao khát của mình. Chúng tôi có tiếng nói. Những kẻ phân biệt chủng tộc không thể nào chống lại cả thế giới được. Nó là bất khả thi. 
 
Chỉ cần chúng ta sẵn sàng đứng bên cạnh nhau. Tất cả mọi người cùng lên tiếng. Chúng ta quyết định sẽ hành động và làm một điều gì đó thay đổi.
 
Cách đây không lâu, tôi xem được một đoạn video trên Instagram, khi một giảng viên đại học nói với tất cả mọi người trong căn phòng rằng: “Hãy dũng cảm đứng lên nếu các bạn muốn được đối xử như một người da đen”.

Kết quả là gì, chẳng ai đứng dậy cả.
 
Điều này có ý nghĩa gì, ngắn gọn thôi, đó chính là sự bất công về chủng tộc. Người ta biết những gì đang diễn ra đối với người da màu, nhưng chẳng ai làm gì cả. Bất cứ khi nào tôi nghe thấy những âm thanh về sự phân biệt chủng tộc, tôi lại thấy có nhiều người dù đang đứng ngay bên cạnh nhưng vẫn tỏ ra bình thường như không có chuyện gì. Như thể họ muốn nói là: “Ồ, thực ra thì chuyện này cũng không tệ đến mức ấy đâu”.

 
Có thật nhiều lý do để tôi thực hiện bài viết này. Tôi cảm thấy phẫn nộ. Tôi đã khóc rất nhiều khi xem video về George Floyd. Tôi đã xem đi xem lại tới năm lần để có thể nhận thức một cách đầy đủ về những gì xảy ra. Nếu bạn nghe thấy tiếng kêu cứu của anh ấy: “Tôi không thể thở được, không thể nào thở được”, “Làm ơn, mẹ ơi…”, nó thật đáng sợ và ám ảnh.

Khi sắp chết, người ta sẽ muốn nói chuyện với ai nào? Chúa đúng không? Để cầu xin sự tha thứ. Và mẹ. George Floyd, anh ấy biết mình sẽ chết trong khoảnh khắc đó.
 
Mọi thứ vẫn luôn khiến tôi xúc động vì tôi nhìn thấy mình trong anh ấy, bạn có hiểu không? Tôi nhìn con tôi và chợt nghĩ: “Làm thế nào tôi có thể giải thích cho con trai mình bây giờ? Làm thế nào mà bạn có thể lý giải được về việc một người đàn ông bị giết chết chỉ vì màu da của anh ta?”.
 
Tôi lắng nghe những gì mà con gái của Floyd chia sẻ: “Bố đã thay đổi thế giới”, tôi yêu thông điệp này và tôi tin rằng cô bé ấy đã nói đúng. Những cuộc biểu tình có thể trở thành bước ngoặt. Nhiều người bắt đầu hiểu được những người da màu đến từ đâu. Họ hiểu rằng chúng tôi không làm việc này để gây chiến. Chúng tôi chỉ muốn thực hiện những gì đã hứa với những người khác. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi anh trai gửi cho mình những tấm ảnh từ Berlin, nơi mọi người đang giơ cao nắm đấm để ủng hộ người da màu, có cả những người Mexico, người Ả Rập, người Thổ Nhĩ Kỳ, người da đen và người da trắng. Điều tương tự đã diễn ra ở Paris, Milan, London, Stockholm, Amsterdam, New York, khắp mọi nơi trên thế giới.
 
Nhưng vẫn có một điều khiến tôi luôn cảm thấy lo lắng. Đó là vào lúc này thì mọi người dường như có vẻ hiểu về vấn đề phân biệt chủng tộc. Tất cả đều đang nhận thức được tình hình. Nhưng liệu trong vài tuần nữa, thế giới rồi sẽ sớm lãng quên mọi thứ chăng?
 
Tôi lo sợ rằng đến tháng Bảy hay tháng Tám, những cuộc biểu tình rồi sẽ chết yểu và các phương tiện truyền thông sẽ lại ngừng đề cập đến chúng tôi, mọi thứ sẽ sớm biến mất.
 
Giống như những gì từng diễn ra vào năm 2013…
 
Đây cũng chính là lý do mà tôi thực hiện bài viết này.
 
Tôi muốn đảm bảo rằng, nó, cuộc chiến chống lại sự phân biệt chủng tộc sẽ không chết. Và để làm được điều này, tôi cần những người da trắng đứng bên cạnh mình. 
 
Bây giờ, phong trào Black Lives Matter có thể đang có nhiều sức mạnh và ảnh hưởng nhưng chúng tôi không thể nào làm nó một mình. Chúng tôi cần sự ủng hộ từ những người da trắng, những người đang thực sự kiểm soát thế giới. Đó là những người da trắng có thể xóa bỏ cái hệ thống phân biệt chủng tộc này. Nếu họ muốn tiếp tục đẩy người da màu xuống bùn, chúng tôi sẽ chẳng có cơ hội nào cả.
 
Hãy nói với họ rằng các bạn ở bên cạnh chúng tôi. Nói với họ về việc các bạn nghĩ gì sau khi chứng kiến cái chết của George Floyd. Nói với họ những gì mà các bạn hiểu về người da màu.

 
Bởi vì đây là cách duy nhất để chúng tôi thấy rằng thế giới đang thực sự đứng về phía những người da màu, rằng mọi người muốn thay đổi. Đó chính là chìa khóa. 
 
Tôi muốn làm công việc của mình. Tôi sẽ bắt đầu từ Berlin rồi đến toàn bộ nước Đức, châu Âu, nước Mỹ và hy vọng là cả thế giới. Tôi chẳng hề sợ hãi. Nếu như những nhà tài trợ cho tôi hay đội bóng của tôi sa thải tôi vào ngày mai chỉ vì những gì tôi nói ra để bảo vệ quyền bình đẳng con người, tôi sẽ chẳng quan tâm. Tôi chỉ muốn làm việc cùng những con người đang thức tỉnh. Tôi đã nghĩ về một ngày tri ân dành cho George Floyd để tôn vinh cộng đồng người da màu và sự xuất sắc của những người da màu. Tôi muốn xem một buổi hòa nhạc ở Berlin, nơi tất cả mọi người đều được mới đến tham dự, nơi có thể tập trung vào sự kiện Black Lives Matter. Tôi đang viết một bài hát về nó. Tôi muốn làm điều gì đó ý nghĩa nhất cho tất cả.
 
Nếu phải chi tiền, tôi sẽ làm. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ, chắc chắn là như vậy. Tuy nhiên, tôi cần sự giúp đỡ của mọi người. Tôi là một cầu thủ bóng đá, một người có rất nhiều ý tưởng và dám lên tiếng vì một lý do hoàn toàn chính đáng. Tôi biết sẽ có một cuộc biểu tình khác ở Berlin vào thời gian tới và tôi cũng hiểu nhiều quốc gia gặp áp lực trước những cuộc biểu tình này. Điều này lại cho tôi thêm những hy vọng. Ít nhất thì mọi thứ sẽ tiếp tục kéo dài. Nó cần phải kéo dài hơn thế nhiều. Và để cuộc chiến về vấn nạn phân biệt chủng tộc này không trở nên vô nghĩa, chúng tôi cần sự tham gia và ủng hộ của tất cả mọi người, đặc biệt là những vận động viên, các phương tiện truyền thông và tất nhiên rồi… cả những người da trắng nữa.
 
Một số người có thể cảm thấy điều này thật là ngớ ngẩn nhưng hãy nghĩ xem, bạn có thể lựa chọn nhảy lên chuyến tàu của chúng tôi, một chuyến tàu sẽ thay đổi cả thế giới. Đừng cảm thấy sợ hãi và cũng đừng im lặng. Bởi chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng bạn. Chúng tôi chỉ muốn biết rằng bạn sẵn sàng đứng về phía chúng tôi, sẵn sàng ủng hộ cho những người da màu đang tìm kiếm sự công bằng cho chính cuộc đời mình. Chúng tôi cần sự giúp đỡ tất cả mọi người.  

Dịch từ: The Players' Tribune (3983)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.