Vài cầu thủ nổi tiếng như Cristiano Ronaldo hay Rio Ferdinand đã lên tiếng ủng hộ tôi và tỏ thái độ phản đối về hành động phân biệt chủng tộc của những người hâm mộ quá khích. Điện thoại của tôi như nổ tung bởi các cuộc gọi và tin nhắn đến tới tấp. Chỉ trong vòng một đêm, tôi đã trở thành đại sứ cho cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
Đây không phải điều gì mới mẻ cả, nên làm ơn đừng ra vẻ như thể mình đang bị shock…
Khoảng 7 năm về trước, khi tôi vẫn còn đang chơi bóng cho Milan trong một trận đấu giao hữu, các CĐV trên khán đài liên đã tục giả tiếng khỉ mỗi lần có một cầu thủ da màu nào đó chạm bóng. Sau 26 phút, tôi chạy đến nói với trọng tài rằng:
“Nếu họ tiếp tục làm vậy, tôi sẽ ngừng chơi bóng ngay lập tức”.
Ông ta chỉ đáp lại ngắn gọn: “Đừng quá lo lắng. Hãy tiếp tục thi đấu đi”.
Tôi quay trở lại sân, nhận bóng, rồi cố gắng vượt qua một cầu thủ đối phương và liên tục nghe thấy những âm thanh tương tự xì xào về phía mình. Tôi quyết định cầm trái bóng lên, sút nó về phía khán đài và đi thẳng ra ngoài đường pitch.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp vấn đề với việc phân biệt chủng tộc, nhưng khoảnh khắc này khiến tôi như nổ tung vậy. Khi trọng tài cố gắng thuyết phục tôi quay trở lại sân, tôi đã không thể kiềm chế được và hét lên: “Câm m* mày mồm đi”, tôi bực tức: “Mày biết mày phải làm một cái gì đó, nhưng mày đã không làm gì”.
Một cầu thủ đối phương muốn tôi quay lại thi đấu, tôi liền chửi thẳng: “Tốt hơn hết là mày cũng nên câm mồm vào. Mày đã làm gì chứ? Có vẻ như mày cũng thích thú với những gì mà bọn ngồi trên kia đang làm đúng không?”.
Tôi lặng lẽ bước thật nhanh về phía đường hầm. Đội trưởng của chúng tôi khi ấy là Massimo Ambrosini đã lên tiếng: “Này, cậu có chắc về những gì mình đang làm không đấy?”.
------------
Để tôi giải thích vì sao mình lại làm như vậy nhé. Một số người bảo rằng tôi chưa bao giờ có hành động tương tự trong một trận cầu ở Champions League, nơi Milan có thể bị mất điểm hoặc phải đối mặt với nhiều áp lực hơn cả bên trong lẫn bên ngoài sân cỏ. Tuy nhiên, mọi sự giận dữ và nỗi sợ hãi trước đó của tôi, cứ như thể đã bị dồn nén vào trong một cái chai vậy. Cho đến một ngày, cái nắp chai chợt bung ra… Tôi biết sẽ rất khó để những người da trắng hiểu được điều này, bởi vì họ chẳng bao giờ bị ghét bởi sự khác biệt về màu da của mình.
Khi tôi 9 tuổi, tôi đã chơi bóng trong một giải đấu thuộc Đông Đức cũ. Tôi từng lớn lên từ một khu phố rất nghèo ở thành phố Berlin, và đây cũng là nơi sinh sống của nhiều người đến từ khắp các nơi trên thế giới: Nga, Trung Quốc, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ… Có rất nhiều xích mích giữa những cộng đồng người này, nhưng không phải vì sự phân biệt chủng tộc. Thực tế là tôi chưa bao giờ thấy sự phân biệt về màu da diễn ra ở nơi đây.
Nhưng rồi, trong giải đấu tại Đông Đức năm ấy, tôi đã nghe thấy tiếng những phụ huynh hét thẳng vào mặt mình từ bên ngoài sân cỏ: “Tắc bóng của thằng mọi đen ấy đi, đừng có để cho thằng mọi rợ này chơi bóng nữa”…
Tôi thực sự bị shock. Trước kia, tôi chỉ biết đến những từ ngữ này qua âm nhạc hay trong phim ảnh và tôi hiểu rằng nó nhắm vào màu da của mình. Tôi cảm thấy quá cô độc, cứ như thể là mình đang ở một nơi mà mình không được phép đặt chân đến vậy, mặc dù nơi này chỉ cách Berlin khoảng 6 giờ lái xe. Làm thế nào mà tôi được yêu quý ở một thành phố nhưng rồi khi đến một nơi khác trong cùng đất nước ấy, tôi lại bị ghét bỏ chỉ vì chính màu da của mình? Là một đứa trẻ, bạn sẽ không thể nào hiểu nổi điều ấy.
Tôi chẳng bao giờ nói với ai về việc mình đã vượt qua chuyện này ra sao. Chỉ biết rằng, trên chuyến xe trở về Berlin, tôi đã bật khóc. Các đồng đội của tôi cũng khóc theo. Không một ai trong số chúng tôi hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Tôi không bao giờ kể với bố mẹ. Tôi chấp nhận bỏ qua mọi thứ và bước tiếp. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng rồi nó sẽ biến mất thôi.
Nhưng không. Mỗi lần tôi chơi bóng ở Đông Đức, mọi thứ lại càng tồi tệ hơn.
“Với mỗi bàn thắng mày ghi được, chúng tao sẽ ném cho mày một trái chuối”.
“Tao sẽ nhét mày vào hộp rồi gửi nó về nơi mà mày thuộc về, thằng mọi rợ khốn kiếp”.
Nỗi đau dường như là quá sức chịu đựng.
Năm 14 tuổi, tôi đã hỏi thầy giáo của mình: “Nhìn em có khác gì những bạn khác không ạ?”. Ông ấy đáp: “Không hề. Tại sao chứ?”.
Tôi chỉ nói: “Vậy tại sao ở Đông Đức họ lại không nghĩ như vậy. Đây chính là đất nước của em, em là một người Đức. Mẹ em cũng là người Đức. Nhưng tại sao họ vẫn muốn xa lánh và kỳ thị em cơ chứ?”.
Rồi thầy giáo giải thích rằng trên đời có những kẻ thật ngu ngốc. Nhưng tôi thì bắt đầu khóc, tôi vẫn không thể nào hiểu được mọi thứ. Và chẳng mấy chốc thì cuộc hội thoại đã biến thành sự ngờ vực. Bạn bắt đầu nghĩ rằng người ta ghét bỏ mình, ngay cả khi bạn không hề hay biết họ là ai. Những người da màu ở Đức đều như vậy. Nó kiểu như là, “Sao mày nhìn tao? Mày không thích tao à? Mày muốn gây sự với tao à? Có giỏi thì vào đây xem nào”….
Dần dần, tôi trở nên hung hăng và hiếu chiến hơn. Tôi đã nhận rất nhiều thẻ đỏ trong khoảng thời gian này. Tôi luôn ra sân với một cái đầu cực nóng.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất đâu. Bởi chẳng ai đứng cạnh tôi cả.
Họ thừa biết về những gì đang xảy ra đấy. Họ hiểu phân biệt chủng tộc là một vấn nạn, nhưng họ mặc kệ và chấp nhận nó. Các bậc phụ huynh lựa chọn giữ im lặng. Trọng tài thì không làm gì cả. Còn huấn luyện viên ư?
“Đơn giản là bỏ qua mọi chuyện đi”.Tôi đã làm theo. Tôi đã giấu kín những nỗi đau và cả sự giận dữ của mình vào bên trong. Điều ấy khiến tôi như chết dần.
Đó là sự thật, cho đến khi phải nghe lại những âm thanh giả tiếng khỉ vào Tháng Một năm 2013 thì tất cả những nỗi ức chế của tôi đã không thể nào kìm nén thêm được nữa. Tôi điên tiết lên và không thèm quan tâm đến việc mình sẽ gặp rắc rối tới mức nào. Tôi đã phải cố gắng suốt cả sự nghiệp để được chơi bóng cho Milan, một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới, và bây giờ thì người ta đối xử với tôi giống như khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi sẽ lại bỏ qua như ngày xưa chăng? Không đâu. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng.
Khi tôi rời sân, có rất nhiều người đã đứng vậy và vỗ tay để khen ngợi tôi. Và sau đó, nhiều đồng đội cũng bước theo tôi. Không chỉ những người da màu đâu, mà là tất cả bọn họ nhé. Đến giờ tôi vẫn còn nổi da gà mỗi khi nhắc về chuyện này. Tôi bước vào phòng thay đồ, cởi áo ra chỉ để cho mọi người thấy rằng mình sẽ không quay lại sân thi đấu nữa. Trọng tài bước vào và hỏi: “Các cậu có muốn đá tiếp không vậy?”, và đó chính là khoảnh khắc Ambrosini đưa ra thông điệp cuối cùng: “Nếu Prince không đá, sẽ không ai đá cả”.
Thước phim đó đã gây xôn xao trên toàn thế giới. Chỉ trong vòng một ngày, người ta đã biết chuyện, từ Ghana, Trung Quốc cho đến Brazil. Mọi tờ báo đều nhắc đến câu chuyện của tôi. Vài cầu thủ nổi tiếng như Cristiano Ronaldo hay Rio Ferdinand đã lên tiếng ủng hộ tôi và tỏ thái độ phản đối về hành động phân biệt chủng tộc của những người hâm mộ quá khích. Điện thoại của tôi như nổ tung bởi các cuộc gọi và tin nhắn đến tới tấp. Chỉ trong vòng một đêm, tôi đã trở thành đại sứ cho cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
Tại sao nhỉ? Vì một người da màu dám bước ra khỏi sân ư? Không hề.
Đó là bởi vì những người da trắng đã đi bên cạnh anh ta. Đó chính là thông điệp làm thay đổi thế giới.
Ít nhất thì điều này cũng thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn.
Vào thời điểm ấy, tôi tin rằng mọi thứ đã đến lúc phải thay đổi rồi. Tôi thực sự nghĩ vậy đấy. FIFA mời tôi gặp Joseph Blatter. Ông ấy đặt vấn đề: “Chúng tôi có thể làm gì bây giờ nhỉ?”. Đến tháng Ba, họ thành lập một ủy ban phòng chống phân biệt đối xử và mời tôi tham dự. Mọi thứ có vẻ rất hoàn hảo. Tôi sẽ tham gia đào tạo mọi người trở thành những nhân tố tiên phong trong việc giới thiệu, quảng bá chiến dịch này. Tôi đề nghị Blatter đặt camera và phone ghi âm trong các sân vận động. Nếu ai đó buông lời phân biệt chủng tộc, họ sẽ phải ra ngoài.
Tôi nói với Blatter rằng: “Nghe tôi đi, hãy thử xem nào. Nếu ổn, ông sẽ là người hùng. Còn nếu không, cũng chẳng sao cả, ít nhất thì ông đã thử rồi”.
Những cuộc họp sau đó, qua email, diễn ra khá thường xuyên. Thế nhưng chẳng có gì thực sự xảy ra cả. Bất cứ khi nào tôi chơi bóng, mọi người lại bắt đầu nhắm vào tôi, với hy vọng rằng tôi sẽ lên cơn điên rồi lại bỏ đi. Tôi chạy đến gặp trọng tài và yêu cầu ông ta phải làm gì đó, rồi họ thông báo trên loa của sân vận động. Chỉ sau đúng một phút im lặng, đâu lại vào đấy. Khoảng một tháng sau thì các phương tiện truyền thông ngừng đề cập đến những chuyện này.
Tháng Chín năm 2016, tôi nhận được một email từ phía FIFA. Và chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên những gì họ nói. Về cơ bản, nội dung chính của thông điệp là: “Lực lượng phòng chống phân biệt đối xử sân cỏ của FIFA đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thế đấy, mọi thứ đã chấm dứt như thể nó chưa bao giờ diễn ra vậy. (còn nữa)
Dịch từ: The Players' Tribune (3983)