Kevin-Prince Boateng và sân ga cuối cùng của gã trai nổi loạn

Tác giả CG - Thứ Sáu 28/10/2022 15:19(GMT+7)

Kevin-Prince Boateng chia sẻ với ESPN: “Có một điều tôi muốn chia sẻ mà không hề có chút ngạo mạn nào: Sự khác biệt chính là việc tôi là người đặc biệt. Không có nhiều cầu thủ giống như tôi, 10 năm mới xuất hiện 1 người”.

306712009_1564102300699373_7786514381622384519_n

Tiền vệ tấn công 35 tuổi ngồi trong phòng họp ở trụ sở của Hertha Berlin. Anh đeo một dây chuyền vàng trên cổ, lựa tựa vào ghế và nhấm nháp chút cappuccino trước khi chia sẻ. Prince - như tất cả những người đi qua đều gọi anh như vậy - vẫn là người đàn ông tự tin, người có nhiều kẻ thù trong những phòng thay đồ anh từng sử dụng. Nhưng điều quan trọng là hiện tại anh được yêu mến hơn xưa nhiều. Anh tỏ ra thoải mái trong cuộc trò chuyện với ESPN, và sự nghiệp với 13 CLB ở 5 quốc gia của anh được chia sẻ dần dần.

Tất cả bắt đầu, và sẽ kết thúc, ở Berlin trong màu áo Hertha. Boateng gia nhập CLB năm 7 tuổi. Anh lớn lên ở một trong những khu nghèo nhất thành phố. Một tờ báo địa phương từng sử dụng cụm từ “Wedding gen” để miêu tả tâm lý của Boateng và những người xuất thân từ khu của Wedding - nơi nằm ở phía tây thành phố Berlin.

Cậu bé xốc nổi

Wedding rất nghèo nhưng tràn đầy ước mơ. Chính ở đó, và các quận lân cận như Gesundbrunnen, Prince cùng cậu em cùng cha khác mẹ Jerome đã chơi bóng và tập luyện khi còn nhỏ.

“Chúng tôi đến từ đường phố”, Boateng hồi tưởng. Dù có sự hiện diện của Jerome và những người khác, Boateng không hề có cảm giác thân thuộc trong gia đình. “Mẹ tôi có những câu chuyện trong lòng, bố tôi có những câu chuyện trong lòng. Kết thúc câu chuyện. Tôi ở một mình, có được tất cả những điều này nhờ tự thân. Đó là lý do tôi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Lúc đó tôi chẳng có gì cả. Cách duy nhất là đi ra ngoài đường. Mà không, tôi có tài năng”.

Chính Hertha đã nuôi dưỡng tài năng của Kevin-Prince Boateng, đặc biệt là những kỹ thuật của một tiền vệ tấn công. Anh đã đoạt chức vô địch U17 Đức năm 2003 cùng Hertha sau khi đánh bại Vfb Stuttgart với tỷ số 4-1 trong trận chung kết. Trong khi phần lớn các đồng đội của anh ở thời điểm đó không thể vươn lên đẳng cấp Bundesliga, Boateng lại có sự nghiệp phát triển hơn hẳn khi từng khoác áo những đội bóng như AC Milan, Barcelona, Dortmund.

Cầu thủ người Ghana nói: “Tôi biết mình phải gạt người khác ra để có được vị trí. Các đồng đội từng bảo tôi: ‘Trời ơi, Prince, hãy ngậm miệng lại!’ Nhưng tôi phải vươn lên dẫn đầu”.

Boateng thừa nhận tuổi trẻ hiếu thắng khiến quãng thời gian của anh ở Hertha và các CLB khác trong nửa đầu sự nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Đúng, không phải lúc nào tôi cũng kiểm soát được cảm xúc khi còn trẻ. Đó là cái sai của tôi, hiện tại tôi đã hiểu. Trước đây, khi thấy cầu thủ nào không giỏi như tôi, tôi sẽ không tôn trọng họ. Đó quả là một sai lầm”.

Boateng hối tiếc vì mình đã quá xốc nổi khi còn trẻ, tuy nhiên, điều này có nguyên nhân của nó. Anh lớn lên với nỗi sợ phải quay về khu Wedding. Dù được coi là cầu thủ sáng giá nhất bước ra từ Học viện của Hertha Berlin giai đoạn giữa thập niên 2000, Boateng không ở lại đội một quá lâu. Anh thi đấu 2 mùa giải Bundesliga trước khi đồng ý gia nhập Tottenham Hotspur mùa hè 2007. 

Nhìn lại, cầu thủ người Ghana tin rằng việc anh đến Premier League khi đó là quá sớm, tuy nhiên anh cũng cho rằng những nhân vật có tiếng nói quan trọng ở Herth khi ấy đã không nỗ lực để giữ anh lại. Boateng khẳng định anh đến Tottenham không phải vì tiền bạc.

Berlin và nước Đức

Hành trình tiếp theo là một cuộc phiêu lưu từ Tottenham đến Dortmund, Portsmouth, Genoa, Milan và sau đó trở lại Bundeslia - nơi anh khoác áo đội bóng kình địch của Dortmund là Schalke 04. Song, CLB duy nhất anh cảm thấy giống như ngôi nhà thứ hai là Milan - nơi anh chơi bóng từ 2010 đến 2013 và có thêm 6 tháng khoác áo trong năm 2016.

Tại đó, Kevin-Prince Boateng đã từng chung phòng thay đồ với những ngôi sao như Ronaldinho, Zlatan Ibrahimovic. Đó là quãng thời gian anh không phải cầu thủ tài năng nhất trong đội và là lúc anh cần niềm tin vào bản thân hơn bao giờ hết.

“Tôi đến Milan năm 23 tuổi và biết mình cần phải làm những điều đặc biệt, nếu không tôi sẽ không được ra sân dù chỉ một phút. Tôi tập luyện rất nhiều ngày này qua ngày khác. Tôi là người đầu tiên đến sân tập và cũng là người cuối cùng rời đi. Tôi thi đấu bên cạnh Ronaldinho, Ibrahimovic, Seedorf nhưng tôi cũng đứng trước gương và tự nhủ bản thân tôi là người giỏi nhất. Bạn phải hành động như thế”, Boateng nhớ lại.

Khi đó, dù trong đội có sự cạnh tranh cao, Boateng đóng vai trò quan trọng. Anh đã có 100 lần ra sân dưới sự dẫn dắt của Massimiliano Allegri trong 3 năm ở Milan. Đôi lúc có cảm giác việc Boateng thành công ở Milan lúc đó giống như một cuộc đào thoát khỏi nước Đức khi nơi anh sinh ra đã hết tình yêu với anh sau chấn thương anh gây ra cho Michael Ballack trước thềm World Cup 2010.

AC-Milan-v-S

Song, Boateng tin rằng mối quan hệ của anh với nước Đức đã có nhiều sóng gió không chỉ vì điều đó. Cựu tuyển thủ Ghana bày tỏ: “Mối quan hệ của tôi với nước Đức trở nên khó khăn suốt một thời gian dài bởi tôi từng là một người nổi loạn thích nói lên suy nghĩ của mình. Tôi luôn thể hiện quan điểm, nhưng hiện nay thì điều đó đã khác. Hình ảnh của tôi ở Đức đã thay đổi vì tôi thể hiện một khía cạnh khác của bản thân. Tôi chia sẻ cảm xúc với mọi người. Họ thấy tôi cười, họ thấy tôi khác. Họ nhận ra tôi không chỉ là Boateng mạnh mẽ, gai góc trên sân. Họ biết tôi cũng là một con người”.

Dù có những mâu thuẫn với cộng đồng bóng đá ở Đức, dù lựa chọn thi đấu cho ĐT Ghana và có nhiều năm thi đấu ở ngoài nước Đức, Berlin vẫn luôn là thành phố của Boateng. Anh có một Berlin của riêng mình. Những người Berlin có nguồn gốc nhập cư và xuất thân từ khu nghèo có thể tìm thấy mối liên hệ với Boateng: Họ hiểu cách anh nói, họ hiểu lý do anh hành động tự tin hơn người khác và họ hiểu sự xốc nổi của anh xuất phát từ đâu.

Khi được hỏi về việc mới chỉ có mùa giải thứ tư đá cho đội một Hertha, Boateng tin rằng thời gian không phải yếu tố quyết định nên vị thế: “Mọi người hay nói về thời gian 1 năm, 2 năm, 10 năm. Nhưng cuộc sống không phải thế. Cuộc sống gắn với cảm xúc, cảm giác. Bạn có thể dành 8 năm ở 1 CLB nhưng nếu không có chút cảm xúc nào, bạn sẽ bị lãng quên ngay sau khi bạn rời đi”.

Người đàn ông trưởng thành

Thực tế, Boateng không bị cổ động viên Milan, Besiktas hay Eintracht Frankfurt lãng quên. Boateng vẫn hừng hực ngọn lửa khát khao và thường tức giận khi thấy những cầu thủ trẻ tỏ ra thờ ơ.

“Khi bạn rạch tay tôi, máu sẽ chảy. Nhưng nhiều cầu thủ trẻ ngày nay thì ở đó chỉ có nước lã. Họ chẳng có chút cảm xúc nào cả. Họ không tức giận khi thua cuộc, đó là thứ đang thiếu. Có thể họ không cần phải điên như chúng tôi ngày xưa. Song, họ phải có tâm lý tự nói với bản thân rằng họ không được phép thua”, cầu thủ 35 tuổi bày tỏ quan điểm.

Ở nhiều thời điểm khác nhau trong sự nghiệp, Boateng luôn sẵn sàng hy sinh để chiến đấu vì đội bóng. Hoàn cảnh buộc anh phải chiến đấu để giúp Hertha ở lại Bundesliga mùa trước. Trong trận đấu đã từng có thể là trận chuyên nghiệp cuối cùng của Boateng, Hertha đã đánh bại Hamburg trong trận play-off và thoát cảnh xuống hạng.

Boateng dự định sẽ giải nghệ vào mùa xuân 2022 nên chỉ ký hợp đồng 1 năm với Hertha vào hè 2021, tuy nhiên anh quyết định thi đấu thêm một mùa giải nữa trước khi treo giày (hoặc đốt giày, như cách anh miêu tả trong cuộc phỏng vấn với ESPN).

boateng-1

Mùa bóng 2022/23, Boateng không được ra sân nhiều, thường anh chỉ vào sân trong 10 phút cuối. Tuy nhiên, ngôi sao người Ghana vẫn có tầm ảnh hưởng trong phòng thay đồ. Thành viên trong CLB miêu tả anh giống như cánh tay nối dài, người thay mặt cho HLV Sandro Schwarz.

“Rõ ràng khi quyết định gia hạn hợp đồng, tôi biết mình sẽ không thi đấu nhiều như trước nữa. Đó là điều dễ hiểu với độ tuổi của tôi và cho thấy Bundesliga khắt khe, yêu cầu cao như thế nào. Nhưng tôi biết mình có vai trò rất rất quan trọng cho đội bóng và CLB”, Boateng khẳng định. 

Anh nói thêm rằng ở giai đoạn này của sự nghiệp, cảm giác gắn kết với đội là điều quan trọng nhất: “Hàng ngày, tôi cố gắng chia sẻ kinh nghiệm cho các cậu bé, không chỉ là những cậu nhóc 18 tuổi mà cả những người như Lucas Tousart - cầu thủ đã có khá nhiều kinh nghiệm. Thật tuyệt khi tôi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm khi thi đấu ở nhiều quốc gia, học hỏi từ nhiều người, nhiều nền văn hóa và hiểu bóng đá”.

Dấu chân của Kevin-Prince Boateng đã in ở nhiều nơi. Trong quá trình trưởng thành cả trên tư cách một cầu thủ lẫn một con người, bóng đá đã dạy Boateng nhiều điều. “Có lẽ sự nghiệp của tôi có nhiều ‘trầm’ hơn ‘thăng’, dù sau đó tôi luôn quay trở lại trạng thái cân bằng. Và mỗi khi tôi quay trở lại sự cân bằng như thế, mọi người lại là bạn của tôi. Họ rất tốt với tôi. Nhưng mỗi khi tôi gặp khó khăn, họ lại ra đi, việc này xảy ra suốt cả sự nghiệp của tôi. Lúc này, khi tôi không thi đấu và mỗi khi quay lại phòng thay đồ, tin nhắn duy nhất tôi nhận trên điện thoại là từ vợ”.

Dù vẫn luôn tự tin mình là số một ở Berlin về bóng đá, Boateng không yêu cầu bất cứ ngai vàng nào. Anh không còn là cậu bé ở Wedding, Gesundbrunnen hay cậu thanh niên nổi loạn lúc mới lên đội một Hertha. Thậm chí anh không đến những quán café, nhà hàng nổi tiếng trong thành phố. Mục tiêu duy nhất của anh lúc này là truyền năng lượng tích cực cho Hertha Berlin.

Vậy còn tương lai thì sao? “Tương lai của tôi vẫn sẽ là bóng đá. Đó là thứ tôi biết, hiểu và yêu. Tôi sẽ không đột nhiên thành một luật sư được. Tôi vẫn sẽ gắn với bóng đá. Tuy nhiên tôi chưa quyết định chính xác mình sẽ làm gì. Dù vậy tôi có thể nói là mình đang có những sự lựa chọn khác nhau”.

Việc Boateng trở thành một người đàn ông cổ cồn trắng dường như là điều không tưởng vài năm trước, nhưng những sự phát triển liên tục của cựu tuyển thủ Ghana cho thấy cậu trai hư của Berlin ngày nào đã sẵn sàng cho sự thay đổi.

Theo Constantin Eckner | ESPN

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.