Có thể nói Kevin Keegan như vua Midas, chạm đâu cũng ra vàng. Ông đến Liverpool và không mất nhiều thời gian để giúp Liverpool đoạt cúp sau 6 năm trắng tay. Tại Hamburg, ông đưa đội bóng đoạt chức vô địch quốc gia lần đầu tiên sau 19 năm.
Kevin Keegan ghét nhìn về quá khứ. “Tôi ghét những cuộc họp mặt, hội ngộ cầu thủ vì tất cả mọi người sẽ chỉ nói về cái năm mà họ giành được danh hiệu hay thành tựu nào đó. Và rất nhiều người bị đắm chìm ở đấy. Sir John Hall từng nói: ‘Nếu bạn sống trong quá khứ, bạn sẽ chết trong quá khứ’ Bạn phải liên tục làm mới mình và cố gắng hướng về phía trước”, Keegan chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Guardian vào năm 2018.
Đó là một điều kỳ lạ với một huyền thoại có sự nghiệp hiển hách như ông. Với một người đã nếm trải nhiều vinh quang như Keegan, kể cả có hơi “đắm chìm” trong quá khứ một chút như ông nói thì cũng là điều bình thường và có thể chấp nhận được. Keegan không thích như thế. Nhưng dù ông có ghét nói về quá khứ như thế nào, thì những người yêu mến ông, những người đã được có dịp chứng kiến “King Kev” tung hoành trên sân cỏ sẽ không bao giờ quên một huyền thoại của làng túc cầu, một ngôi sao với độ phủ sóng đã vượt khỏi khuôn khổ sân bóng trong thời đỉnh cao của mình.
Kevin Keegan gần như toả sáng ở mọi đội bóng mà ông khoác áo, nhưng những nơi mà ông gặt hái chiến công hiển hách nhất là Liverpool và Hamburg. Đặc biệt, tại Liverpool, Kevin Keegan trở thành một huyền thoại bất diệt. Ian Callaghan - người vẫn đang nắm giữ kỷ lục ra sân nhiều nhất trong lịch sử Liverpool - nói: “Kevin là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử Liverpool. Cậu ấy từng là người xuất sắc nhất, đơn giản vậy thôi”.
Năm 1968, lúc đó Kevin Keegan mới 17 tuổi và cùng Scunthorpe bị giáng xuống hạng Tư của bóng đá Anh. Tuy nhiên, Keegan không lấy đó làm điều chán nản. Cần phải nói thêm rằng Scunthorpe thời điểm đó rất khó khăn. Họ phải tập luyện trên một sân rugby. Các cầu thủ trong đội thì phải làm thêm việc bán thời gian vào mùa hè để trang trải cuộc sống. Và cũng vì không có nhiều tiền để thuê một tài xế toàn thời gian, các cầu thủ trẻ trong đội phải kiêm luôn nhiệm vụ lái xưa đưa cả đội di chuyển trong các chuyến làm khách.
Tuy nhiên ông quyết tâm tập luyện, thậm chí là đeo tạ vào hông và chạy bộ để cải thiện cơ thể, tăng cường sức bền. Những nỗ lực tập luyện được đền đáp bằng những màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ. Thời điểm đó, Keegan bắt đầu được các đội hạng Nhất ở Anh bày tỏ sự quan tâm, một trong số đó là Liverpool.
Năm 1971, sau sự đề xuất của tuyển trạch viên đầy tin cẩn Geoff Twentyman, HLV trưởng Bill Shankly quyết định chiêu mộ Keegan. HLV Ron Ashman của Scunthorpe đã trực tiếp lái xe đưa cha con Keegan đến văn phòng của Shankly ở Liverpool. Trước chuyến đi, ông hỏi cậu học trò của mình: “Cậu có một bộ cánh đẹp chưa? Ở cái đang đến, cậu cần trông thật là bảnh”. Bản hợp đồng 33.000 bảng sau đó được chốt, và phần còn lại là lịch sử.
Ở thời điểm đó, chàng trai Kevin Keegan 20 tuổi chưa có quá nhiều danh tiếng. Các cầu thủ Liverpool thời điểm đó cũng không hề biết gì về người đồng đội mới của mình. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi Liverpool khi ấy ở hạng Nhất còn Keegan thì trước đó phải xuống chơi ở hạng Tư cùng Scunthorpe. Nhưng ngay lập tức các đồng đội mới của Keegin đã được chứng kiến năng lực của ông.
Thời điểm ban đầu, Bill Shankly đưa Keegan về để làm một tiền vệ cánh phải. Tuy nhiên, kỷ luật vị trí của ông là một vấn đề và ông thường xuyên dâng lên đá tiền đạo. Sau đó, Shankly nhận ra điều này và trong một trận đấu tập, Keegan ghi 4 bàn trong chiến thắng 7-0 của đội mình. Sau đó, chiến lược gia người Scotland chính thức đẩy cậu học trò của mình lên đá cặp với John Toshack ở hàng tiền đạo. Ian Callaghan chia sẻ trên FourFourTwo: “Cậu ấy nhanh chóng tạo thành cặp đôi xuất sắc với Tosh, giữa họ có sự kết nối rất lớn”.
Ảnh: Getty Images
Trận đầu tiên cho Liverpool tại Anfield, ông ghi bàn chỉ sau 12 phút. Mùa giải đầu tiên cho “Lữ đoàn đỏ”, Keegan ghi 11 bàn trong 41 lần ra sân trên mọi đấu trường. Mùa giải tiếp theo, ông ghi 13 bàn ở giải hạng Nhất và giúp Liverpool vô địch quốc gia sau 6 năm trắng tay. Sau đó vài tuần, ông lập cú đúp vào lưới Monchengladbach ở trận chung kết lượt đi UEFA Cup. Những mùa giải tiếp theo đó, Keegan tiếp tục duy trì phong độ bùng nổ của mình mà đáng chú ý là mùa giải 1976/1977 với chức vô địch C1. Đối thủ của Liverpool ở trận đấu đó lại là Monchengladbach, và đại diện nước Đức tiếp tục bại trận.
Dù Keegan không ghi bàn, nhưng ông có một trận đấu quá xuất sắc. Thậm chí mọi người còn coi ông là cầu thủ xuất sắc nhất trận khi khiến hậu vệ đội trưởng Bertie Vogts của Gladbach khốn đốn. “King Kev” đã vươn lên đỉnh cao của mình cùng “Lữ đoàn đỏ”. Ông được các cổ động viên yêu mến và tôn sùng. Ian Callaghan nói: “Kevin đến Liverpool và trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất đồng thời là người nổi tiếng nhất nước. Cậu ấy trở thành siêu sao tiếp theo sau George Best. Bạn bước ra bãi đỗ xe sau trận đấu và có hàng dài người hâm mộ chờ để được gặp cậu ấy. Kevin sẽ không thể nào đi nếu không ký tặng hết tất cả”.
Tầm ảnh hưởng của Keegan vượt khỏi khuôn khổ bóng đá. Ông đóng quảng cáo, xuất hiện trên truyền hình và thậm chí còn phát hành cả đĩa đơn âm nhạc. Còn với Bill Shankly, Keegan không chỉ là cậu học trò cưng mà ông coi danh thủ người Anh như con trai.
Khi Keegan quyết định rời Liverpool để chuyển đến Hamburg, điều đó đã gây bất ngờ với tất cả. Mức phí của thương vụ này là 500.000 bảng – kỷ lục chuyển nhượng của Anh và Đức thời điểm đó. Ông Peter Krohn – Tổng giám đốc Hamburg khi ấy – tuyên bố: “Có Chúa và Kevin Keegan ở bên, chúng tôi sẽ giành vinh quang”. Nhưng quãng thời gian đầu tiên của Keegan ở nước Đức không hề dễ dàng. Đến Hamburg với mức phí chuyển nhượng cao và tất nhiên đi kèm đó là rất nhiều áp lực. Đội trưởng Peter Nogly đã dẫn đầu một nhóm cầu thủ trong đội đến gặp HLV trưởng Rudi Gutendorf để bày tỏ quan điểm thẳng thừng: “Nếu ông cho gã người Anh này vào đội, chúng tôi không muốn làm việc với ông nữa. Bọn tôi không cần hắn và cũng không thích hắn”.
Kevin Keegan (áo đỏ) và Bill Shankly (bên cạnh) trong lễ rước cúp ở Liverpool. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, ngôn ngữ cũng là một rào cản với Keegan. Có một câu chuyện là khi vào cửa hàng để mua cầu chì, cuối cùng ông lại bước ra với một cái đèn Giáng sinh. Thực sự lúc đó Kevin Keegan bắt đầu nhớ nước Anh. Nhà vô địch của Liverpool và đội trưởng tuyển Anh lúc này dường như cô đơn tại Hamburg.
Để rồi bước ngoặt đến trong một trận đấu giao hữu, không giữ được bình tĩnh trước lối đá rắn của đối thủ, ông đã hạ đo ván một hậu vệ đối phương rồi tiến thẳng vào đường hầm trước khi trọng tài kịp đuổi ông khỏi sân. Án phạt dành cho Keegan là 8 tuần. Trong lúc sự nghiệp tại Hamburg đi vào bế tắc, “King Kev” nhận được một cuộc điện thoại từ người thầy cũ Bill Shankly. Như nắng hạn gặp cơn mưa rào, những lời động viên của người thầy đã giúp Keegan lấy lại sự quyết tâm. Ông hứa với cựu HLV trưởng Liverpool sẽ nỗ lực để toả sáng.
Khi động lực đã được tìm lại, Keegan quyết tâm học tiếng Đức. Cựu hậu vệ phải Manfred Kaltz của Hamburg chia sẻ trên FourFourTwo: "Anh ấy rất nỗ lực và học tiếng Đức khá nhanh. Anh ấy cần chút thời gian để thích nghi và sau đó đã hoà nhập tốt. Về sự quyết tâm, khát khao và thái độ, ai cũng thấy Kevin thực sự đặc biệt”. Cùng với đó, Hamburg cũng không chơi tốt trong quãng thời gian Keegan vắng mặt vì án treo giò, và đó là khi họ nhận ra cần sự hỗ trợ của cựu ngôi sao Liverpool.
Dần dần, tác động của Keegan lên đội bóng lớn hơn. Kết thúc mùa giải đầu tiên tại Hamburg, bất chấp những khó khăn ban đầu cũng như việc CLB chỉ xếp thứ 10 Bundesliga, Keegan vẫn ghi được 12 bàn thắng và nhận danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu do tạp chí France Football tổ chức. Bước sang mùa giải tiếp theo, tầm ảnh hưởng của Keegan càng lớn hơn nữa. Dưới sự dẫn dắt của tân HLV Branko Zebec cùng chế độ huấn luyện kỷ luật, nghiêm khắc mà ông áp dụng, Hamburg đoạt chức vô địch Bundesliga lần đầu tiên sau 19 năm.
Với cá nhân Keegan, ông đoạt Quả bóng vàng châu Âu năm thứ hai liên tiếp và đến nay vẫn là cầu thủ người Anh duy nhất đoạt hai danh hiệu Quả bóng vàng. Người hâm mộ Hamburg đặt cho ông biệt danh “Mighty House” – dựa trên nhân vật được xem là Superman phiên bản chuột trong bộ phim hoạt hình cùng tên. Để kỷ niệm chức vô địch Bundesliga với Hamburg, ông phát hành đĩa đơn “Head Over Heels In Love” và bán được hơn 200.000 bản ở Đức.
Có thể nói Kevin Keegan như vua Midas, chạm đâu cũng ra vàng. Ông đến Liverpool và không mất nhiều thời gian để giúp Liverpool đoạt cúp sau 6 năm trắng tay. Tại Hamburg, ông đưa đội bóng đoạt chức vô địch quốc gia lần đầu tiên sau 19 năm. Tại Southampton, ông giúp đội bóng đứng vị trí thứ 6 – vị trí cao nhất của The Saitns trong lịch sử đến thời điểm ấy – ngay trong mùa giải đầu tiên đồng thời đoạt danh hiệu vua phá lưới giải hạng Nhất.
Kevin Keegan tại Hamburg. Ảnh: These Football Times
Đến Newcastle trong khoảng thời gian cuối cùng của sự nghiệp, ông được tôn sùng như một vị thánh. “Anh ấy như đấng cứu thế với người hâm mộ đội bóng. Chắc chắn khi đó anh ấy vẫn là cầu thủ đẳng cấp thế giới. Toàn bộ đội bóng khi bước vào sân đều biết anh ấy sẽ tạo ra khác biệt”, cựu tiền vệ David McCreery chia sẻ với FourFourTwo.
Khi Keegan quyết định giải nghệ trên đỉnh cao khi nhận ra tốc độ của mình đã suy giảm, các đồng đội và HLV trưởng thuyết phục ông ở lại. Trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp, ông khoác áo Newcastle đối đầu Liverpool. 15.000 cổ động viên đã đứng bên ngoài sân St James’ Park để tri ân cựu đội trưởng tuyển Anh. Thời điểm tiếng còi chung cuộc vang lên, ông đi một vòng quanh sân để chào tạm biệt khán giả trước khi một chiếc trực thăng đậu ở trung tâm để đón huyền thoại người Anh đi. Gạt đi những giọt nước mắt, Keegan bước lên máy bay và vẫy tay chào tất cả. Ông đến như một đấng cứu thế và rời đi như một vị vua.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.