Keirrison: “Viên ngọc thô” không ai nhớ tới ở Barcelona

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Bảy 21/08/2021 11:27(GMT+7)

Zalo

Suốt hơn một thập kỷ vừa qua, Barcelona đã mua sắm "điên cuồng" trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng có thể bạn đã quên một bản hợp đồng kỳ lạ mang tên Keirrison mà đội bóng chủ sân Camp Nou đã thực hiện.

Keirrison: “Viên ngọc thô” không ai nhớ tới ở Barcelona
Keirrison: “Viên ngọc thô” không ai nhớ tới ở Barcelona. Ảnh: Getty Images

Từ trước đến nay, Barcelona luôn là miền đất hứa với các cầu thủ đến từ Nam Mỹ. Và nhắc đến Nam Mỹ, sẽ thật thiếu xót nếu không đề cập tới những vũ công Samba, những người luôn chơi thứ bóng đá giàu cảm xúc. Chính họ là nhân tố có thể khiến các khán đài tại Camp Nou cuồng nhiệt dõi theo từng bước chạy. Nhưng rõ ràng không phải ai cũng ôm trọn sự may mắn như vậy.
 
Romario, Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho, Dani Alves và Neymar, những ngôi sao chỉ cần nghe đến cái tên thôi cũng khiến các Cules nhớ về miền ký ức ngọt ngào nhất. Nhưng cũng có một cầu thủ Brazil mà chẳng ai muốn hoài niệm cả. Thậm chí theo cách nói của nhiều người, gã đó còn tệ hơn cả con quái vật mà tiến sĩ Frankenstein tạo ra trong tác phẩm cùng tên của nữ nhà văn Mary Shelley. Đó chính là Keirrison! 
 
Vậy điều gì đã xảy ra với một cầu thủ từng được kỳ vọng bậc nhất bóng đá Brazil một thời, lại bị gắn mác trở thành “con quái vật” xấu xí thường được người ta hóa trang trong các lễ hội Halloween? Liệu anh ta có đáng bị so sánh như vậy?
 
Keirrison de Souza Carneiro, sinh ngày 03/12/1988 ở một thị trấn nhỏ tại Coritiba. Cha của Keirrison – ông Adir Carneiro là một người yêu nghệ thuật. Và lý do ông đặt tên cho cậu con trai của mình là để nhớ đến hai nhạc sỹ Keith Richards và Jim Morrison. 
 
Thế nhưng ngay từ khi còn nhỏ, cậu nhóc Keirrison lại có niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng. Từ những trận cầu vô thưởng, vô phạt trên đường phố, Keirrison được các tuyển trạch viên ở Brazil phát hiện, gửi vào các lò đào tạo, trước khi thi đấu ấn tượng tại đội bóng địa phương Coritiba. Keirrison ghi 65 bàn thắng sau 122 trận cho Coritiba, đồng thời đi vào lịch sử với tư cách là vua phá lưới trẻ tuổi nhất tại giải vô địch quốc gia Brazil. 
 
Khi chiếc áo của Coritiba trở nên quá chật chội so với tiềm năng phát triển của cậu nhóc, Keirrison quyết định chuyển đến đầu quân cho Palmeiras vào năm 19 tuổi. Tại đây, Keirrison tiếp tục bùng nổ với việc ghi tới 24 bàn thắng trong 36 lần ra sân, được các cổ động viên đặt cho biệt danh là “Romario mới” bởi khả năng dứt điểm cực tốt của mình.
 
Đó cũng là quãng thời gian mà các đội bóng tại châu Âu thường xuyên để mắt đến các tài năng trẻ tại Brazil. Bởi lẽ so với những sao mai phát triển tại lục địa già, những tài năng trẻ Brazil trưởng thành sớm hơn, cũng dễ thích nghi hơn với môi trường chơi bóng đỉnh cao. Ngoài ra, các CLB chủ quản tại Brazil chưa bao giờ nói không với những lời đề nghị đủ sức nặng. Tiền chuyển nhượng kiếm về từ việc bán “lúa non” đủ để họ trang trải chi phí, tái đầu tư cho lĩnh vực đào tạo trẻ. Đó chính là con đường phát triển bền vững tại đất nước còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế như Brazil. Và đối với Palmeiras, Keirrison chính là một “món hời” như vậy.
 
Tháng 1/2009, Palmeiras chỉ phải trả một khoản phí vừa phải để sở hữu Keirrison từ Coritiba. Nhưng chưa đầy nửa năm sau, họ bán Keirrison cho Barcelona với giá trị lên đến 14 triệu euro, kỷ lục chuyển nhượng mới của đội bóng sau thương vụ trung vệ Henrique (bán cho chính Barcelona trước đó 1 năm với mức giá 8 triệu euro). Để có được chữ ký của Keirrison, ngoài đáp ứng mức giá đối tác yêu cầu, Barcelona còn đánh bại cả Liverpool lẫn AS Roma, hai đội bóng cũng rất quan tâm đến tiền đạo trẻ này. 

Keirrison: “Viên ngọc thô” không ai nhớ tới ở Barcelona
Keirrison là tài năng trẻ một thời ở Coritiba. Ảnh: Coritiba
 
Bản thân Keirrison cũng cực kỳ hứng thú trước viễn cảnh đầu quân cho đội bóng đến từ Catalan. Trong một lần phỏng vấn, anh nói rằng: “Kể từ khi còn nhỏ, ước mơ của tôi là được chơi bóng cho những đội bóng hàng đầu Châu Âu. Tôi cảm thấy tự hào khi mình nhận được một vài sự quan tâm đến từ cả trong lẫn ngoài nước. Nhưng thật xin lỗi bởi lúc này trái tim tôi hoàn toàn hướng về Barcelona mất rồi. Tôi đã xem Ronaldo và Rivaldo thi đấu cho Barcelona trong quá khứ. Điều đó thôi thúc tôi đến đây để đạt được thành tựu như họ. Ngoài ra, việc có thể ra sân hàng tuần với Messi cũng sẽ là trải nghiệm rất đặc biệt”. 
 
Tuy nhiên, khi phát biểu những lời đó, Keirrison không biết rằng giấc mơ của anh sắp trở thành một cơn ác mộng thực sự.
 
Tháng 7/2009, Keirrison chính thức đáp chuyến bay đến Tây Ban Nha để ký vào bản hợp đồng có thời hạn 5 năm với Barcelona. Tại buổi ra mắt đội bóng mới, tiền đạo trẻ mới 20 tuổi tự tin trả lời họp báo: “ Tôi kỳ vọng vào chặng đường sắp tới cùng với đội bóng được dẫn dắt bởi một chiến lược gia tài năng như Pep Guardiola. Đã có rất nhiều cầu thủ Brazil làm nên tên tuổi và thành công tại đây. Đây là đội bóng tốt nhất thế giới và tôi may mắn đến đây khi còn rất trẻ. Tôi muốn có được thành công và những danh hiệu cùng Barcelona”.
 
Nhưng trái ngược với lời phát biểu cởi mở của Keirrison, HLV trưởng của Barcelona, Pep Guardiola lại khá thản nhiên khi được hỏi về cậu học trò mới: “Về cơ bản, ban lãnh đạo đội bóng đã ký hợp đồng với cậu ấy. Tôi được biết rằng họ đã quyết định để cậu ấy ra đi theo dạng cho mượn. Vì thế, sẽ không có nhiều điều để nói về Keirrison ở mùa giải này”. Sự thờ ơ của Pep Guardiola dường như là điềm báo chẳng lành dành cho tương lai của Keirrison tại đội bóng vừa giành cú ăn 3 lịch sử ở mùa giải 2008/2009.
 
Chỉ 6 ngày sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng đáng mơ ước với Barcelona, Keirrison chuyển đến Benfica theo thỏa thuận cho mượn có thời hạn 1 năm, mà không biết mình sẽ chẳng bao giờ được chơi bóng tại Barca dù chỉ một lần. Mãi đến sau này, bí mật mới được chủ tịch Joan Laporta bật mí, rằng ông ký hợp đồng với Keirrison với mục đích đầu tư, để sau này bán lại khi được giá. Đó rõ ràng là một chính sách không tốt của Laporta áp dụng trong vài năm cuối cùng của nhiệm kỳ chủ tịch. Và tất nhiên chính sách ấy đã gặp rắc rối. Từ Henrique cho đến  Keirrison…
 
Laporta hi vọng Benfica là cái nôi để quảng bá tài năng của Keirrison, nhưng ngài chủ tịch Barcelona “tính già lại hóa non”. Bởi lẽ Benfica khi ấy mới bổ nhiệm Jorge Jusus làm HLV trưởng với nhiệm vụ mang về phòng truyền thống chức vô địch quốc nội sau 5 mùa giải trắng tay. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha ưu tiên các cầu thủ có kinh nghiệm. 
 
Và để so sánh với những cây săn bàn có tiếng như Oscar Cardozo, Javier Saviola hay Nuno Gomes, thì một Keirrison mới chân ướt chân ráo đến châu Âu chơi bóng chẳng khác nào cậu sinh viên đang cố tìm cách cạnh tranh với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc. “Benfica là đội bóng lớn ở Bồ Đào Nha nhưng chẳng có nghĩa lý gì khi chuyển đến một nơi có nhiều tiền đạo chất lượng như vậy. Họ đã đưa ra một lời đề nghị và Barcelona đã chấp nhận nó. Nếu biết vậy, không bao giờ tôi đến đó”. Keirrison sau này than thở.

Keirrison: “Viên ngọc thô” không ai nhớ tới ở Barcelona
Keirrison thi đấu ở Benfica không lâu trước khi trở về Barcelona. Ảnh: Getty Images
 
Sự thật thì Keirrison có tài năng nhưng ở độ tuổi như vậy, các cầu thủ rất dễ bị vấn đề về tâm lý, cũng như việc phải hòa nhập trong một môi trường chơi bóng khác biệt hoàn toàn so với quê nhà Brazil. Phải thường xuyên phải ngồi dự bị tại Benfica khiến Keirrison mất đi sự tự tin cần thiết. Anh chỉ chơi vỏn vẹn 355 phút trước khi quyết định tìm kiếm cơ hội khác ở thị trường chuyển nhượng mùa đông 2010. 
 
Vào thời điểm trở về Camp Nou hồi tháng 1/2010, ban lãnh đạo Barcelona đã cố gắng tìm cách bán tháo Keirrison nhưng họ không thể tìm được đối tác sẵn sàng chi tiền. Tiếp tục một thỏa thuận cho mượn có thời hạn 18 tháng với Fiorentina được ký kết. Đồng thời đại diện Italy có quyền lựa chọn mua đứt. Sau khi lọt vào vòng knout-out tại Champions League, HLV Cesare Prandelli của Fiorentina lúc ấy rất cần tăng cường hàng công khi “The Viola” đang gặp khó khăn ở Serie A. Và lý lịch “Romario mới” rất đáng để thử. Còn về phần mình, sau Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Keirrison tiếp tục chuyến phiêu lưu đến Italy, theo một cách gượng ép nhất.
 
Keirrison khởi đầu không đến nỗi nào với bàn thắng ở phút bù giờ trước Lazio để mang về 1 điểm cho đội bóng mới. Anh cũng ghi 1 bàn trong trận hòa 2-2 trước đoàn quân bất khả chiến bại Inter Milan của Jose Mourinho. Nhưng đó là tất cả những gì Keirrison làm được tại Fiorentina. Prandelli có thể cho Keirrison thêm cơ hội, nhưng Fiorentina thì không. Mùa hè năm đó, Prandelli rời Fiorentina để nhận chức HLV trưởng của ĐT Italy, còn Keirrison bị trả lại Barcelona trước thời hạn 1 năm. 

Keirrison: “Viên ngọc thô” không ai nhớ tới ở Barcelona
Fiorentina là bến đỗ cuối cùng ở Keirrison ở châu Âu. Ảnh: Getty Images
 
Và một cầu thủ không thể cạnh tranh vị trí ở Benfica hay Fiorentina, thì làm gì có cơ hội thi đấu cùng với những Lionel Messi, David Villa và Pedro Rodriguez. Đến lúc này, Joan Laporta đã quá chán ghét thương vụ đầu tư thất bại này, chứ đừng nói đến Pep Guardiola - người chưa bao giờ đánh giá cao Keirrison. Mùa hè 2010, Camp Nou chứng kiến một cầu thủ bị vụn vỡ tinh thần khi buộc phải trở về quê nhà Brazil làm lại từ đầu. Lúc đó Keirrison mới chỉ 21 tuổi.
 
“Cú ngã” đầu đời quá lớn, cộng thêm việc cảm hứng chơi bóng bị bóp vụn bởi những sóng gió tại châu Âu, khiến Keirrison không thể tỏa sáng ở Santos. Tại đây, Keirrison chỉ là kép phụ cho một tài năng trẻ đích thực, người sẽ vươn tầm trở thành siêu sao trong tương lai gần . Đó chính là Neymar - niềm cảm hứng bất tận của Santos trên hành trình vô địch Copa Libertadores. 
 
Rời Santos, chuyển đến Cruzeiro, mọi thứ vẫn không được cải thiện, thậm chí còn tệ hơn. Nhất là khi Keirrison lần đầu gặp chấn thương đầu gối nghiêm trọng khiến cầu thủ này phải ngồi ngoài gần như cả mùa giải. Sau cùng anh bị Barcelona giải phóng hợp đồng trước thời hạn để trở về CLB thưở thiếu thời Coritiba vào tháng 3/2012. Kể từ đó đến nay, cái tên Keirrison cũng chìm sâu vào dĩ vãng. 
 
Trường hợp của Keirrison cũng giống như Freddy Adu, cả hai đều là những ngôi sao “sớm nở chóng tàn”. Đây cũng là bài học nhãn tiền với những cầu thủ quá nóng vội ra nước ngoài chơi bóng, trong khi bản thân lại chưa sẵn sàng về mọi mặt. Ngoại trừ Coritiba, Keirrison chưa từng thi đấu trọn vẹn hai mùa giải với bất cứ đội bóng nào ở mỗi nơi cầu thủ này đặt chân đến.
 
Hơn một thập kỷ trôi qua, giờ đây các Cules cũng chẳng còn nhớ đến cái tên Keirrison, vì thực tế họ đã bao giờ thấy cầu thủ này chơi bóng cho Barcelona trận nào đâu. Điều đọng lại duy nhất chỉ là cái mác bản hợp đồng thất bại thế kỷ dưới triều đại Pep Guardiola, bất chấp việc chiến lược gia người Tây Ban Nha thậm chí còn chẳng liên quan gì đến việc đưa Keirrison về. Sai lầm này vốn dĩ xuất phát từ chính sách chuyển nhượng tai hại của chủ tịch Juan Laporta một thời.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow