Kalidou Koulibaly: Đến, yêu và cảm nhận Napoli

Tác giả CG - Thứ Sáu 15/07/2022 11:50(GMT+7)

Chuyển đến Napoli từ năm 2014, Kalidou Koulibaly đã thực sự là một người con của thành phố này. Từng nhịp thở, từng cơn say của thành phố đã thấm đẫm vào con người cầu thủ người Senegal. Trên The Players' Tribune, Koulibaly chia sẻ hành trình bóng đá và tình yêu dành cho Napoli.

Tôi (Kalidou Koulibaly - BTV) lớn lên ở thị trấn Saint-Die của Pháp, nơi đây có rất nhiều người nhập cư từ Senegal, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ. Bố mẹ tôi đến từ Senegal. Thực ra bố tôi đến Pháp trước, ông là một tiều phu. Trước khi có công việc đó, bố đến Paris mà không có giấy tờ và làm việc trong nhà máy dệt 7 ngày mỗi tuần. Bố làm việc mà không có thứ Bảy hay Chủ nhật. Bố làm công việc đó suốt 5 năm để có thể kiếm đủ tiền đưa mẹ tôi đến Pháp. Và cuối cùng, “Kalidou bé nhỏ” chào đời ở Saint-Die (tên tôi được đặt dựa theo Kinh Koran).

Mẹ tôi hay kể một câu chuyện về lần đầu tiên gia đình chúng tôi trở về Senegal. Năm đó tôi 6 tuổi và có chút sợ sệt. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông bà và anh chị em họ của mình. Lúc đó, tôi bị sốc vì chứng kiến cách mà những con người ở các nơi khác trên thế giới sống ra sao. Tất cả trẻ con ở đây chơi đá bóng mà không có giày và tôi thức sự hơi khó chịu vì điều này. Mẹ bảo tôi đã xin mẹ đưa đến cửa hàng và mua giày cho mọi người để tôi có thể chơi bóng với họ. Nhưng mẹ nói: “Kalidou à, con hãy cởi giày ra và chơi giống như mọi người”.

Cuối cùng tôi cởi giày và dùng chân trần chơi bóng với các anh em, đây là nơi mà câu chuyện bóng đá của tôi bắt đầu. Khi cả nhà trở về Pháp, tôi chơi bóng hàng ngày trong công viên nhỏ ở gần nhà. Có rất nhiều người nhập cư trong khu phố nên chúng tôi hay đá các trận Senegal với Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ với Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ với Senegal. Thực sự nó giống như World Cup diễn ra hàng ngày.

Ở khu phố này, nếu mẹ bạn cần thứ gì đó, bạn sẽ không ra cửa hàng tạp hóa trước mà sẽ hỏi hàng xóm. Ở đây mọi người không đóng cửa với bạn. Khi tôi đến nhà bạn và hỏi: “Cháu chào mọi người, có Mohammed ở đây không ạ?”, mẹ cậu ấy sẽ nói: “Không, nó ra ngoài rồi. Nhưng cháu có muốn chơi PlayStation không?”.

Ở nhà tôi không có PlayStation nên tôi lại cởi giày và vào nhà chơi cứ như nhà của mình. Ở đó tôi được chào đón. Nếu cô ấy bảo tôi: “Kalidou, cháu ra cửa hàng mua hộ cô bánh mì nhé”, tôi sẽ nghe lời chẳng khác nào cô ấy là mẹ tôi.

Khi lớn lên trong môi trường này, bạn sẽ thấy mọi người giống như anh em của mình. Chúng tôi có người da đen, người da trắng, người Arab, người châu Phi, đạo Hồi, đạo Cơ đốc,… nhưng tất cả chúng tôi đều là người Pháp. Nếu cả lũ cùng đói, chúng tôi có thể cùng nhau đi ăn một bữa ăn Thổ Nhĩ Kỳ. Hoặc mọi người cũng có thể đến nhà tôi và ăn đồ ăn Senegal. Chúng tôi khác biệt nhưng bình đẳng với nhau.

Tôi nhớ trong kỳ World Cup 2022, chúng tôi phải đến trường khi trận đấu giữa Pháp và Senegal đang diễn ra. Giải đấu được tổ chức ở Nhật Bản nên múi giờ bị lệch khá nhiều. Giờ giải lao, cả lũ ra ngoài và chơi bóng như thể đó là trận chung kết World Cup, sau đó chúng tôi lại vào lớp học bài. Tất cả cảm thấy vô cùng thất vọng. Trận đấu diễn ra lúc 2 giờ chiều. Đến 1 giờ 59, thầy giáo nói: “Cả lớp mở sách vở ra học bài”.

Chúng tôi mở sách nhưng đầu óc lại không ở đó. Không ai nghĩ đến chuyện đọc sách nữa mà chỉ nghĩ tới Henry, Zizou, Diouf,… 2 phút trôi qua, rồi đến 3 phút. Sau đó thầy nhìn đồng hồ và nói: “Thôi được, cả lớp cất sách vở đi”.

 

Chúng tôi nghĩ bụng: “Chuyện gì vậy, thầy đang nói gì?”

Thầy nói tiếp: “Cả lớp sẽ xem một bộ phim về giáo dục mà thầy tin là mọi người sẽ thấy rất chán”. Thầy cầm điều khiển và bật cái TV nhỏ trong lớp đến kênh có trận đấu. Thầy bảo: “Đây là bí mật của chúng ta phải không?”

Đó là một trong những thời điểm tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Trong lớp có khoảng 25 học sinh từ Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Senegal, Pháp, nhưng tất cả chúng tôi xem cùng nhau. Tôi nhớ rõ sau khi Senegal giành chiến thắng, trên đường đi học về tôi thấy những ông bố bà mẹ người Senegal nhảy múa trên phố. Sau đó, vì mọi người đều rất hạnh phúc nên thậm chí cả những phụ huynh người Thổ Nhĩ Kỳ hay Pháp cũng nhảy cùng họ.

Tôi nhớ rõ khoảnh khắc này vì đây chính là ý nghĩa của bóng đá, là giá trị của khu tôi sống. Bạn có thể có mọi thứ trong cuộc sống như tiền bạc, xe sang. Nhưng bạn không thể nào mùa được 3 thứ này: tình bạn, gia đình và sự bình yên. Đây là những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Bạn không thể mua chúng ở bất cứ đâu. Đây là bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể dạy cho con trẻ.

Và đó là điều bố mẹ dạy tôi. Họ không hoàn toàn quan tâm tới bóng đá. Bố mẹ chưa bao giờ đến sân xem tôi chơi bóng. Chính xác thì bố có đến một lần còn mẹ thì chưa bao giờ. Nhưng đôi khi họ lại xem các trận đấu lớn với tôi khi họ ngồi trước TV. Vì thế tôi luôn suy nghĩ rằng nếu bố mẹ không đến sân thì tôi sẽ mang cả sân vận động đến với họ.

Tôi phải xuất hiện trên TV để bố mẹ có thể thấy tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên khi lần đầu tiên được gọi lên đội một của Metz. Tôi vào sân từ ghế dự bị khi trận đấu sắp xong, và tôi biết mình sẽ xuất hiện trên TV. Vì thế ngay sau trận đấu, tôi gọi điện cho mẹ: “Mẹ, mẹ thấy con không? Mẹ vui không?”

Mẹ đáp: “Vui? Con chơi bóng suốt ngày, chuyện đó là bình thường. Đó là điều con thích à? Thế thì giờ con lên TV rồi. Tuyệt đấy”.

Mẹ không hề có ý xấu mà tính của mẹ là như thế. Với mẹ, trận đấu đó cũng không khác gì trận đấu khi tôi chơi hồi nhỏ. Có lẽ nếu nhiều người cũng có suy nghĩ ấy thì khá hay. Bóng đá là trò chơi được cho là đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Bóng đá đã đưa tôi đi khắp thế giới. Tôi đến Genk ở Bỉ, sau đó là Napoli ở Italy, tôi đã học được nhiều ngôn ngữ và gặp gỡ nhiều người. Có một câu nói thế này: “Khi bạn học tất cả các ngôn ngữ, bạn có thể mở mọi cánh cửa ra thế giới”.

Tôi không nói dối đâu, tôi cũng có những định kiến về những con người và địa điểm khác nhau. Trước khi tới Napoli, tôi tương đối lo lắng vì không biết tiếng Italy, bên cạnh đó còn nghe không ít người nói những điều không mấy tích cực về mafia, tội phạm,… Tôi chưa bao giờ ở đó nên không biết họ có nói đúng không.

 

Có một câu chuyện vui thế này. Khi tôi ở Bỉ trong thời gian khoác áo Genk, bạn tôi là Ahmed đã đến ở nhà tôi vài ngày. Tôi đợi anh ấy từ tàu bước ra, trong lúc đó tôi nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ. Tôi trả lời bằng tiếng Anh: “Xin chào, ai đấy?”

Đầu dây bên kia đáp: “Xin chào, tôi là Rafa Benitez”.

Tôi trả lời lại: “Thôi nào Ahmed, đừng có đùa với tôi nữa. Tôi đang đợi cậu đây”. Thế là sau đó tôi cúp máy. Số đó gọi lại tôi, và lần này tôi đã phát cáu: “Ahmed, thôi đi. Tôi đang ở đây rồi. Khi nào cậu tới?”.

Bên kia đáp: “Xin chào, tôi là Rafa Benitez”.

Tôi lại dập máy lần nữa. Sau đó người đại diện gọi điện cho tôi: “Kouli, cậu thế nào? Cậu có biết Rafa Benitez ở Napoli không? Ông ấy sẽ gọi điện cho cậu”.

Tôi sửng sốt: “Sao cơ? Ông có đùa tôi không đấy? Tôi nghĩ ông ấy vừa gọi điện cho tôi, nhưng tôi lại nghĩ là thằng bạn giở trò đùa”.

Thế là người đại diện của tôi phải gọi điện cho Rafa để giải thích chuyện gì đã xảy ra. Sau đó Rafa gọi lại cho tôi, và tôi nghe máy như chưa từng có gì. “Hello Rafa! Hello! Bonjour! Hola! Hello!”

Ông ấy nói: “Xin chào, cậu muốn tôi nói chuyện bằng tiếng Anh không?”

Tôi đáp: “Chúng ta có thể nói bằng bất cứ ngôn ngữ nào ông muốn”.

Cuối cùng chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Pháp. Ông ấy hỏi tôi nhiều câu hỏi như tôi có bạn gái chưa, có thích ra ngoài tiệc tùng không, tôi có biết gì về thành phố, cầu thủ ở đó không?

Tôi đáp: “Thưa, tôi biết Hamsik”. Sự thật là tôi không thực sự biết gì về cầu thủ hay điều gì về thành phố đó cả. Nhưng tất nhiên tôi biết Rafa Benitez và khá ấn tượng với mọi điều ông ấy nói. Sau đó tôi gọi điện ngay cho người đại diện: “Hãy làm bất cứ thứ gì ông phải làm nhé. Chúng ta sẽ đến Napoli”.

Khi đó thị trường chuyển nhượng mùa đông chỉ còn 48 tiếng nữa sẽ đóng cửa và Napoli không thể đạt được thỏa thuận với Genk. Nhưng Rafa đã giữ lời và đưa tôi về vào mùa hè. Khi đến kiểm tra y tế tôi đã khá lo lắng vì tôi chưa nói được tiếng Italy. Ở hành lang, chủ tịch De Laurentis chào tôi. Và tôi nghĩ điều này nói lên mọi thứ về Napoli cũng như CLB này. Ông ấy nhìn tôi kiểu khá vui vẻ hài hước và nói: “Ồ, cậu là Koulibaly hả?”

Tôi đáp: “Vâng, cháu là Koulibaly”.

Ông ấy nói: “Nhưng cậu không cao sao? Cậu cao 1m92 à?”

Tôi trả lời: “Không, thưa Chủ tịch. Cháu cao 1m86”.

Ông ấy nói tiếp: “Trời, thế mà khắp nơi viết rằng cậu cao 1m92. Tôi sẽ nói chuyện với Genk để đòi lại chút tiền!”.

Tôi nhấn mạnh: “Không sao đâu thưa Chủ tịch. Với số tiền mà bác đã bỏ ra, cháu sẽ trả lại từng centimeter cho bác ở trên sân, bác đừng lo”.

Ông ấy rất thích điều đó. Ông ấy cười phá lên và nói: “OK, OK. Chào mừng cậu đến Napoli, Koulibaly”.

 

Sau buổi kiểm tra y tế, Rafa đưa tôi đi ăn trưa và điều đầu tiên ông ấy làm sau khi chúng tôi ngồi xuống và xem thực đơn là lấy hết số ly rượu ở bàn bên cạnh. Ông ấy đặt chúng trên bàn và di chuyển chúng. Tôi nghĩ bụng: “Ông ấy làm cái gì thế nhỉ? Điên à?”

Rafa nói: “OK, bây giờ tôi sẽ chỉ chiến thuật cho cậu”.

Bồi bàn đến nhưng thầy vẫn di chuyển ly rượu khắp nơi rồi bảo: “Đây là cách chúng ta thi đấu. Cậu đến đây, sau đó đi ra kia. Cậu hiểu chứ? Bây giờ có hai điều cậu phải làm rất nhanh: hiểu những chiến thuật này và học tiếng Italy”.

Tôi đáp: “OK, thưa sếp”.

Khi tôi trở lại từ kỳ nghỉ ngắn, Rafa gọi tôi vào phòng cùng trưởng bộ phận phân tích video. Ông ấy cho tôi xem tất cả những đoạn video tốt nhất về tôi, những đường chuyền ấn tượng, những pha rê bóng, xoạc bóng. Ông ấy hỏi: “Đây, đây và đây sao?”

Tôi đáp: “Vâng? Nó có tốt không?”

Ông ấy nói lại: “Đừng làm ba cái thứ này nữa”.

Tôi nói thêm: “Nhưng tôi sẽ đoạt lại bóng”

Thật khó để dịch phần tiếp theo, nhưng ông ấy nói: “Vớ vẩn, cậu đoạt bóng vì cậu có sức mạnh thôi. Nhưng nếu đối thủ khôn ngoan hơn, cậu sẽ gặp rắc rối”.

Sau đó ông ấy cho tôi xem video khác, nó rất nhàm chán và chẳng có gì đặc biệt. Ông ấy cười: “Đây mới là tốt, là rất tốt”. Tôi đáp: “Nhưng thưa thầy, đây là những tình huống đơn giản mà”.

Ông ấy nhấn mạnh: “Đúng, chính xác đấy Kouli”.

Điều này nói lên tất cả mọi thứ về trải nghiệm của tôi ở đây. Khi mới đến Italy, tôi là một cậu bé. Tôi trở thành cầu thủ giỏi hơn nhờ học hỏi những chiến thuật hàng đầu. Ở đây mọi người rất tỉ mỉ về chiến thuật. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi cũng trở thành một người đàn ông của gia đình, một Neapolitan chính hiệu.

Mỗi khi trở về Pháp, bạn bè không gọi tôi là “người Senegal” hay “người Pháp nữa” mà họ nói là “A, người Napoli đến rồi”.

Napoli là một thành phố yêu quý mọi người. Nó nhắc tôi nhớ đến châu Phi bởi sự ấm áp. Mọi người không chỉ liếc qua bạn, họ muốn nhìn thẳng vào bạn, chạm vào bạn, nói chuyện với bạn. Họ rất yêu quý bạn. Hàng xóm của tôi coi tôi như con trai của họ. Kể từ khi tôi đến Napoli, tôi giống như thành một người khác. Tôi thực sự cảm thấy bình yên.

 

Điều tuyệt vời nhất với tôi là con trai tôi chào đời ở đây, và tôi sẽ không bao giờ qiên ngày hôm đó bởi đây là một câu chuyện thực sự điên rồ, nó gói gọn hết mọi thứ về Napoli. Chuyện là hôm đó vợ tôi đến phòng khám vào buổi sáng và tối đó đội chúng tôi đá với Sassuolo trên sân nhà. Chúng tôi đang trong buổi phân tích video thì điện thoại tôi rung lên. Bình thường tôi hay tắt máy, nhưng hôn đó tôi khá lo cho vợ. Cô ấy gọi tôi 5-6 lần. 

HLV của chúng tôi khi đó là Maurizio Sarri. Ông ấy là người rất nghiêm khắc, vì thế tôi không muốn nghe máy. Cuối cùng tôi phải chạy ra ngoài để nghe điện thoại, ở đầu dây bên kia vợ tôi bảo: “Anh phải đến đây ngay, em sắp sinh rồi”.

Tôi chạy lại báo với Sarri: “Thưa thầy, em xin lỗi nhưng em phải đi ngay. Vợ em sắp đẻ rồi!”

Sarri nhìn tôi và nói: “Không, không, không. Tôi cần cậu vào tối nay, Kouli. Tôi thực sự cần cậu, cậu không thể đi được”.

Tôi đáp lại: “Con trai em chào đời đó, thưa thầy. Thầy có thể làm bất cứ điều gì thầy muốn với em, phạt em, treo giò cũng được, em không quan tâm. Em sẽ đi”.

Sarri nhìn tôi một cách khá căng thẳng và ông ấy châm một điếu thuốc. Ông ấy rít một hơi, suy nghĩ và cuối cùng nói: “Thôi được rồi, cậu có thể đi. Nhưng cậu phải quay lại cho trận đấu tối nay. Tôi cần cậu, Kouli”.

Tôi phóng đến phòng khám nhanh nhất có thể. Nếu bạn chưa từng làm cha bao giờ bạn sẽ không hiểu cảm giác này. Bạn không thể nào bỏ lỡ ngày chào đời của đứa con mình. Tôi đến phòng khám vào buổi trưa và tạ ơn Chúa, vào lúc 1h30, một Neapolitan bé nhỏ đã chào đời. Chúng tôi đặt tên con là Seni. Đó là ngày hạnh phúc nhất đời tôi.

Đến 4 giờ chiều, tôi nhận được cuộc gọi của Sarri. Người đàn ông này thực sự rất “điên”, bạn phải hiểu như vậy. Tôi nói điều này theo nghĩa tích cực đấy. Ông ấy nói: “Kouli à? Cậu quay lại chưa? Tôi cần cậu, thực sự cần cậu! Làm ơn quay lại nhé!”

Vợ tôi lúc đó vẫn đang nghỉ ngơi và có lẽ cô ấy cũng cần tôi. Nhưng tôi không muốn làm các đồng đội thất vọng vì tôi cũng yêu quý họ. Và tôi cũng yêu thành phố Napoli. Tôi nhận được lời chúc của vợ và sau đó tôi đến sân. Khi tôi đang rất sẵn sàng thi đấu rồi thì Sarri bước vào phòng thay đồ và công bố đội hình xuất phát. Tôi nhìn một lượt… và không có tên tôi ở đó.

“Thưa thầy, thầy đùa em à?”

“Sao? Đó là lựa chọn của tôi”.

Đúng vậy, ông ấy xếp tôi ngồi dự bị, ông ấy có để tôi đá chính đâu. Tôi đáp: “Thưa thầy! Em đã bỏ lại con trai và vợ ở lại đó! Thầy nói cần em cơ mà!”

Ông ấy đáp: “Đúng, chúng tôi cần cậu ngồi dự bị”.

Bây giờ nghĩ lại câu chuyện này tôi lại thấy buồn cười, nhưng lúc đó thực sự tôi chỉ muốn khóc. Bạn có thể nghĩ đây là một câu chuyện mang tính tiêu cực. Nhưng với tôi, câu chuyện này là về tất cả mọi thứ mà tôi yêu ở Napoli. Nếu tôi phải giải thích thì có lẽ bạn cũng không hiểu được. Nó giống như khi cố giải thích một câu đùa vậy. Bạn phải đến thành phố này, khi đó bạn sẽ cảm nhận được. Đúng, nó rất điên nhưng cũng đầy ấm áp.

Tôi đã đi khắp thế giới, học nhiều ngôn ngữ và được mở nhiều cánh cửa đến các nơi. Tôi may mắn kiếm được nhiều tiền. Nhưng tôi muốn nhắc lại bài học quan trọng nhất tôi đã học được. Đó là trên đời này có 3 thứ bạn không thể mua được: tình bạn, gia đình và sự bình yên. Đó là điều tôi đã học được ở Saint-Die khi còn bé và cũng là thứ tôi muốn con mình hiểu. Đây là điều tôi mong những người từng la ó lăng mạ tôi sẽ hiểu. Có thể chúng ta khác nhau, nhưng chúng ta là anh em.

Theo: The Players' Tribune

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.