Kaka chia tay sân cỏ: Đôi chân có thể ngừng chạy nhưng Thiên thần thì luôn bất tử

Tác giả Elflaco - Thứ Hai 18/12/2017 17:37(GMT+7)

Khi chứng kiến cặp đôi Lionel Messi – Cristiano Ronaldo chia nhau thống trị các giải thưởng cá nhân danh giá hết mùa này qua mùa khác trong suốt 1 thập niên qua, giới chuyên môn vẫn thường nói với nhau rằng: Ngay trước thời đại của 2 “Quái vật” ấy, những kẻ như đến từ hành tinh khác với khả năng tàn phá biết bao kỉ lục ghi bàn, từng có một-người-thường giành “Quả bóng vàng”.

 
Người thường ấy, trong mắt các CĐV, vốn luôn yêu thứ bóng đá đẹp và không bị ám ảnh bởi những kỉ lục ghi bàn hay những con số thống kê chuyên môn dù hoành tráng nhưng khô khan, lại là một “Thiên thần”. Ngày hôm qua, “Thiên thần” đã chính thức nói lời chia tay bóng đá, kết thúc 16 năm sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp thăng trầm nhưng đong đầy cảm xúc.

Ricardo Izecson dos Santos Leite, hay ngắn gọn và thân quen hơn, Kaka. Anh không phải là cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của mình. Nhưng trước Kaka và sau Kaka, có lẽ không từng có 1 cầu thủ nào để lại thứ cảm xúc đặc biệt thuần nhất như thế. Người ta chỉ có thể yêu anh, mến anh, khâm phục anh, tôn trọng anh hay thậm chí tiếc cho anh. Chứ chẳng thể ghét anh.
 
Kaka sinh ra, chơi bóng, chiến đấu và chiến thắng hoặc kể cả nhiều thời điểm thất bại hay rơi xuống hố sâu của khủng hoảng trong sự nghiệp cầu thủ cũng như biến cố ở cuộc sống đời thường, chưa bao giờ là một chủ đề gây tranh cãi. Như cách mà các Fan của Messi hay Ronaldo vẫn thường làm với nhau mỗi ngày. Như cách người ta đánh giá hai mặt Tối – Sáng ở huyền thoại Diego Maradona. Như cách số đông vẫn nói về các cầu thủ lắm tài nhiều tật đồng hương Kaka: Ronaldo béo, Ronaldinho hay Adriano…
 
Kaka ấy chẳng bao giờ là một hình mẫu cầu thủ chuyên nghiệp hoàn hảo kiểu Ronaldo để thế hệ hậu bối nhìn vào và noi theo. Kaka, sinh ra và trưởng thành trong một gia đình trung lưu, có bố là kỹ sư và mẹ là giáo viên, càng không phải là đại diện cho đa số các tài năng bóng đá người Brazil vươn lên đỉnh vinh quang từ cuộc sống bần hàn. Và Kaka, dĩ nhiên, không là một thiên tài trăm năm có một như Messi. Nhưng Kaka là Một, là Riêng, là Duy Nhất. Theo cách của anh. Theo cách người đời nhớ đến anh và yêu anh.
 
Người viết không phải là một fan của Milan, nơi chứng kiến Kaka vươn lên hàng ngũ những cầu thủ xuất sắc nhất, nơi gắn liền với sự nghiệp đỉnh cao của anh, nơi anh giành tất cả những danh hiệu tập thể và cá nhân cao quý nhất cấp CLB nhưng luôn tự cảm thấy mình là 1 trong những tifosi may mắn vì đã sống, đã trưởng thành cùng thời đại của Kaka.
 
Có lẽ những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất và giàu cảm xúc nhất trong sự nghiệp cầu thủ của Kaka, là quãng thời gian 6 năm anh khoác áo Milan. Trước đó, Kaka là một tài năng trẻ của Sao Paolo, CLB mà mỗi năm giới thiệu không ít những sao mai đầy hứa hẹn cho bóng đá Thế giới. Sau đó, là chuỗi ngày sống mòn với cái đầu gối không bao giờ khỏe tại Real Madrid và chút hồi quang le lói trên đất Mỹ.
 
Sự nghiệp đỉnh cao của Kaka thực ra đâu có trọn vẹn. Anh lên đỉnh Thế giới cùng Brazil ở tuổi 19 nhưng với tư cách là cầu thủ dự bị, chỉ chơi vài chục phút tại VCK World Cup 2002. Khi bước vào cái tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ, Kaka lại mắc kẹt tại Madrid. Chỉ có Kaka trong sắc áo “Đỏ-Đen”, của các pha đi bóng theo kiểu lướt sóng trên thảm cỏ San Siro, với những bàn thắng đẹp như câu truyện cổ tích, với nụ cười tỏa nắng và hình ảnh tạ ơn Chúa sau mỗi lần lập công thì vẫn luôn in hằn trong tâm trí chúng ta. Dù anh ở đâu hay khoác lên mình một màu áo khác.
 
Kaka đặc biệt hơn tất thảy chính là ở điểm này. Anh không phải dạng siêu sao ngự trị trên đỉnh cao trong toàn bộ sự nghiệp của mình như Ronaldo hay Messi. Anh lại chẳng phải mẫu cầu thủ gắn bó trọn đời với chỉ duy nhất 1 CLB, như Francesco Totti hay Ryan Giggs. Anh cũng chưa từng là một chân sút thượng thặng, thể hiện qua thành tích ghi bàn không mùa nào chạm mốc 20 kể từ khi rời Sao Paulo. Nhưng Kaka lại là Thiên thần duy nhất trong tim những người từng có cơ hội dõi theo anh trong năm tháng cầu thủ này chơi bóng tại Milan. 
 
Là một Milanista, bạn không thể không yêu Kaka. Là một Interista, bạn cũng chẳng thể ngăn mình thôi ngưỡng mộ Kaka. Là một Juvenista, bạn vẫn dành cho Kaka sự khâm phục hay niềm cảm mến. Có lẽ trong toàn bộ lịch sử Serie A thời hiện đại, hiếm có 1 cầu thủ nào nhận được thứ tình cảm trân quý, thuần khiết không gợn chút hoài nghi nào như cách Kaka từng có trong 6 năm anh khoác áo Milan, và ngay cả trong quãng thời gian chông chênh sau đó ở Madrid.
 
Ngày hôm qua, trong dòng chia sẻ về việc chính thức giã từ sự nghiệp sân cỏ, vẫn là một Kaka như thế. Đơn giản, khiêm nhường và thân quen. Nhưng đủ để khiến ta thổn thức. Một tấm hình đen trắng, với hình ảnh Kaka quỳ trên thảm cỏ, 2 tay giang rộng lên trời, đôi mắt nhắm nghiền và dòng chữ “I belong to Jesus – Con thuộc về Chúa” in trên áo T-shirt.
 
Đã bao lần chúng ta, những người yêu mến Kaka, chứng kiến hình ảnh tương tự? Sau trận chung kết World Cup 2002 mà Brazil của anh đánh bại người Đức để đăng quang chức vô địch. Trong ngày AC Milan chính thức giành Scudetto mùa giải 2003/04. Và khi Kaka cùng các đồng đội chiến thắng Liverpool trong một buổi tối cuối tháng Năm 2007 tại Athens để lên đỉnh châu Âu.
 
Sự khác biệt lớn nhất, có chăng chỉ là trong tấm hình chia tay hôm qua, Kaka khoác lên mình một bộ thường phục. Với áo T-shirt và quần Jean. Với khuôn mặt giờ đã không còn nhiều nét thanh xuân như ngày nào. Nhưng dù vẻ ngoài đã thay đổi, dù Kaka của-tuổi-35 đã “sẵn sàng cho một hành trình mới” như dòng Tweet anh chia sẻ, thì những kí ức về Kaka vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu, trong tâm trí những người hâm mộ anh, trong tim những người yêu anh. Bởi “Thiên thần” thì luôn bất tử!

ELFLACO (TTVN)
 
 
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.