Kai Havertz đã trải qua một hành trình gian khó kể từ khi gia nhập Chelsea với mức phí chuyển nhượng 62 triệu bảng mùa Thu năm ngoái. Lần đầu tiên chơi bóng ở nước ngoài với một chàng trai tuổi 21, chuyện “sốc văn hóa” là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Những tháng đầu tiên của Kai tại Stamford Bridge gợi lên một cảm giác rõ ràng rằng anh dường như chưa sẵn sàng với cường độ thi đấu của bóng đá Anh. Những bất ổn trên phương diện kỹ-chiến thuật và nhân sự dưới thời Frank Lampard, trong một mùa giải mà Chelsea trình làng một đội hình gồm rất nhiều cầu thủ mới, cũng tác động đến tiêu cực đến khả năng hòa nhập của một tân binh như Kai.
Nhưng rốt cuộc, những tuần gần đây, người ta đã được thấy rõ hơn và thường xuyên hơn những màn trình diễn ấn tượng từ chàng trai này. Đặc biệt là khi anh được Thomas Tuchel sử dụng trong vai trò một “số 9 ảo”. Như trong trận thắng 2-0 trước Everton hồi tháng Ba, hay khúc khải hoàn mới nhất cuối tuần trước, 4-1 trên sân Crystal Palace - thắng lợi hoành tráng nhất của The Blues thời Tuchel.
***************************
Tại Selhurst Park, được bố trí chơi ở vị trí cao nhất (về lý thuyết) trên hàng công Chelsea, hỗ trợ bởi cặp đôi Christian Pulisic – Mason Mount, những bước di chuyển thông minh cùng khả năng liên kết lối chơi nhạy bén của Kai đã đem đến cho mặt trận tấn công của Chelsea 2 giá trị tích cực: sự linh hoạt cao và cường độ đe dọa ở 1/3 phần sân đối phương.
Cách tiếp cận của Kai, trước Crystal Palace, có thể được mô tả như sau: anh liên tục di chuyển vào khoảng trống giữa các tuyến hậu vệ và tiền vệ (between the lines) đội chủ sân Selhurst Park nhận bóng trong thế quay lưng với cầu môn, có thể ở trung tâm hoặc ở khu vực hành lang trong, sau đó đẩy bóng ra biên cho đồng đội còn bản thân mình ngay lập tức di chuyển xâm nhập box của đối thủ.
Bàn mở tỉ số của Kai vào lưới Palace đã diễn ra theo “mô-típ” như thế khi Kai nhận bóng ở hàng lang trong lệch phải theo hướng tấn công của Chelsea từ Hudson-Odoi. Ngay lập tức, Kai chuyền bóng cho Mount ở tư thế trống trải biên phải, còn anh di chuyển vào khu vực 16m50. Pulisic nhanh chóng chiếm lĩnh khoảng trống ở cột gần khung thành Palace, đón đường dọn cỗ từ biên phải, dứt điểm.
Guaita cản phá thành công và bóng bật tới khu vực của hậu vệ Eze. Nhưng Havertz ngay lập tức gây sức ép và Chelsea nhanh chóng tái chiếm quyền kiểm soát bóng. Bóng trở lại vị trí của Hudson-Odoi và 1 đường chuyền tốt được trao cho Kai. Nhận bóng trong tư thế quay lưng với khung thành đối phương, Kai xoay người vào thế dứt điểm nhưng phía trước mặt anh là 4 cầu thủ phòng ngự Crystal Palace. Không vấn đề bởi cú cứa lòng chân trái của anh đủ hiểm và đủ tinh tế để trở thành bàn thắng.
Đó mới chỉ là bàn thắng thứ 2 của Kai tại Ngoại hạng Anh mùa này và là bàn đầu tiên dưới thời HLV Tuchel! Ngoài đường pitch, ngôn ngữ cơ thể của Tuchel thể hiện rõ sự hài lòng. Không chỉ bởi bàn thắng đẹp mắt của Kai mà còn vì chàng trai này làm rất tốt ý tưởng mà ông luôn yêu cầu ở các cầu thủ tấn công của mình – pressing và đoạt lại bóng nhanh nhất có thể trong 1/3 phần sân đối phương.
********************
Lợi thế rõ ràng nhất của việc sử dụng Kai trong vai trò “false 9” là anh có thể làm được rất nhiều thứ cho lối chơi chung của toàn đội thay vì những cầu thủ sở trường trung phong. Ở Kai có sự khéo léo, khả năng lùi sâu nhận bóng, kéo bóng và sự liên kết tốt với các tuyến của 1 tiền vệ. Nhưng ở Kai cũng có sự nhạy bén của một tiền đạo để tự mình tìm ra những vị trí thuận lợi nhất ở 1/3 phần sân đối phương, có tốc độ để khi cơ hội xuất hiện có thể nhanh chóng chiếm lĩnh khoảng không gian phía sau cá hậu vệ.
Chúng ta có thể thấy rõ cảm quan không gian và sự thông minh trong các bước di chuyển của Kai - một số 9 ảo - ở các tình huống phút thứ 18 khi anh nhanh chóng biến mất khỏi tầm quan sát của Cahill để đón đường bấm bóng của Kovacic. Hay sau đó 3 phút là một pha bứt tốc xuyên qua 2 “line” để chiếm lĩnh khoảng trống sau lưng hàng thủ Palace, nhận bóng từ Jorginho và dứt điểm.
Sự tích cực của Havertz trong việc tìm kiếm hoặc tự mình tạo ra các cơ hội ghi bàn cho bản thân cho thấy anh hoàn toàn thoải mái với việc chơi trong vai trò “false 9”. Trước Palace, anh là cầu thủ Chelsea dứt điểm nhiều nhất và sút trúng đích cũng nhiều nhất.
Nhưng điều quan trọng là ở chỗ, đó là “sự ích kỷ” vừa đủ và nó không hề ảnh hưởng đến nhịp điệu và chất lượng tổng thể trong lối chơi của Chelsea. Đơn giản là vì Havertz ngoài chơi như một số 9, còn đá như một số 10. Từ cách anh liên tục di chuyển để tạo ra khoảng trống cho các vệ tinh xung quanh đến khi cần thì đá gần với Jorginho để chia sẻ công việc cho hàng tiền vệ. Hoặc chính anh là người trực tiếp “dọn cỗ” cho đồng đội như pha kiến tạo đẹp cho Pulisic nhân đôi cách biệt.
Pulisic đã kết thúc 90 phút đêm thứ Bảy tại Selhurst Park với 2 bàn thắng và Mount nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất trận nhưng Havertz mới là người “cho đi” nhiều nhất trong một trận đấu mà Chelsea-Tuchel chưa bao giờ chơi tấn công đẹp mắt và hiệu quả đến thế!
********************
“Cậu ấy có tài. Và điều cậu ấy cần làm là thể hiện tài năng của mình thường xuyên và hiệu quả. Tất nhiên, Kai vẫn còn phải cải thiện một số thứ. Như chất lượng dứt điểm chẳng hạn. Cậu ấy cần tàn nhẫn hơn để nâng cao hiệu suất ghi bàn. Nhưng hôm nay (trận thắng Crystal Palace), Kai đã cho thấy bước tiến lớn, đã đem đến một màn trình diễn tốt” – Tuchel.
HLV người Đức của Chelsea tin rằng, Kai có thể tỏa sáng ở bất kỳ “vị trí cao” nào trong sơ đồ 3-4-2-1 đang được trưng dụng. Một “số 9 ảo” hoặc 1 trong 2 vị trí “số 10 ảo” phía sau trung phong cắm (khi Werner hoặc Giroud đá chính).
“Tôi thích được chơi trong vai trò này” – Havertz đã nói như thế về vị trí “số 9 ảo” sau trận Chelsea đại phá Selhurst Park. “Tôi nghĩ đó là vị trí tốt nhất để tôi phát huy hết những phẩm chất của mình, được di chuyển tới mọi điểm nóng. Và tất nhiên, tôi hy vọng mình sẽ tiếp tục (được chơi số 9 ảo) như thế”.
“Sau một trận đấu tốt, thật quá dễ để nói tôi đang ở trạng thái “đỉnh” nhất. Nhưng tự bản thân tôi hiểu rằng, mình phải chứng minh nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa cho những “trận đấu tốt” phía trước. Để làm được điều đó, bạn đương nhiên cần nỗ lực và cải thiện từng ngày” – Kai cho biết.
Sau nhiều tháng vật lộn trước những biến động chóng mặt tại Stamford Bridge, trước rất nhiều sự hoài nghi và dè bỉu, Kai rốt cuộc cũng đã cho thấy anh hoàn toàn có thể trở thành một tài sản quý giá tột cùng cho Chelsea khi mùa giải bước vào giai đoạn quyết định.
Sau Everton và Crystal Palace sẽ là Porto - lượt về tứ kết Champions League đêm mai, là cuộc đua Top 4, là hành trình chinh phục FA Cup, và Kai, đã sẵn sàng tỏa sáng thêm nhiều trận nữa. Cho Chelsea. Trong vai trò một “false 9”!
Lược dịch: The day Kai Havertz showed Chelsea his class. His runs, passes and movement analysed (The Athletic)