Julian Nagelsmann: Mở ra cơ hội cho những nhà cầm quân trẻ tuổi trên thế giới (P1)

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 20/09/2020 16:00(GMT+7)

Nagelsmann sở hữu hai ván trượt, yêu thích những chiếc drone và đủ trẻ để hiểu về “tiếng lóng” năm 2020 của các cầu thủ. Nhưng nhà cầm quân người Đức vẫn còn nhiều phẩm chất đáng nể hơn nữa bên cạnh vẻ ngoài niềm nở, lôi cuốn và hấp dẫn của anh.

Julian Nagelsmann đã phải mất một tuần để vượt qua trận thua của RB Leipzig trước Paris Saint-Germain ở vòng bán kết Champions League 2019/2020. Anh đã chia sẻ về những chiến thắng mà họ giành được trước Tottenham Hotspur và Atletico Madrid với tôi qua Zoom, và đưa ra những nhận định về việc họ đã thua PSG như thế nào; bạn có thể cảm nhận được rằng anh đang “tổ chức lại” những trận đấu đó trong tâm trí của mình. 

Sau đó, anh mỉm cười, nhún vai, nói rằng họ vẫn là một đội bóng trẻ, họ sẽ học hỏi … và bạn sẽ tin vào anh.
Độ tuổi của Nagelsmann khi anh thành danh trên con đường cầm quân sẽ khiến người ta phải liên tưởng đến Mozart. Anh là vị huấn luyện viên trẻ nhất lịch sử từng dẫn dắt đội bóng của mình lọt vào giai đoạn knock-out của Champions League.

Nagelsmann chỉ mới 33 tuổi! Một trong những “cậu học trò” của anh – thủ môn dự bị Philipp Tschauner – thậm chí còn lớn hơn “người thầy” của mình 1 tuổi (34 tuổi). Thủ quân của PSG, đối thủ mà RB Leipzig đã để thua ở vòng bán kết, lớn hơn vị chiến lược gia người Đức 2 tuổi. Nếu không phải vì một chấn thương đầu gối trầm trọng đã hủy hoại sự nghiệp cầu thủ, Nagelsmann có lẽ giờ đây vẫn đang ra sân thi đấu thay vì đứng ở đường biên. Như anh đã thừa nhận mà không có một chút kiêu ngạo nào, anh là nhà cầm quân trẻ nhất lịch sử Bundesliga, và thành công của anh tại Hoffenheim khi đảm nhận chiếc ghế nóng ở đó vào tháng 2 năm 2016 đã mở ra cơ hội cho sự vươn mình của những nhà cầm quân trẻ trong ngành này. 
Thật sự là một trải nghiệm đáng kinh ngạc khi được trò chuyện cùng Nagelsmann – vị huấn luyện viên đã dẫn dắt RB Leipzig cán đích ở vị trí thứ ba tại Bundesliga và lọt vào vòng bán kết Champions League. Tại giải đấu hạng cao nhất bóng đá Đức, nơi mà độ tuổi trung bình của các nhà cầm quân là 49 tuổi, sự xuất hiện của Nagelsmann đã bác bỏ đi cái quan điểm cho rằng kinh nghiệm là chìa khóa chủ chốt. Và anh cũng hoàn toàn đi ngược với những logic thanh thường của thế giới bóng đá. 
Hãy cùng bàn về các đội hình thi đấu. Man City của Pep Guardiola sử dụng đội hình nào? Thường là 4-2-3-1. Liverpool của Jurgen Klopp thì sao? 4-3-3. Còn Leipzig của Nagelsmann? “Tôi không đặc biệt ưa thích đội hình nào cả, bởi vì chúng chỉ là những con số,” Anh chia sẻ với ESPN. “Tôi chẳng nghĩ ngợi về các đội hình thường xuyên đâu. Đó là sự hiện hữu dễ nhận ra và dễ thấy nhất trên sân, nhưng ngay khi trận đấu bắt đầu cũng là lúc mà mọi thứ đều sẽ trở nên kỳ lạ.” 
Liệu Nagelsmann sẽ làm thế nào để thay thế Timo Werner, một tiền đạo đẳng cấp thế giới đã chia tay RB Leipzig để gia nhập Chelsea vào mùa hè này? “Chẳng thể làm điều đó đâu, và ngoài ra tôi cũng phải thay thế cả Patrik Schick nữa,” Anh chia sẻ. 
Đúng vậy, đừng quên đi cái tên đó, tiền đạo to cao mà họ đã mượn về từ AS Roma vào mùa giải trước. (Anh hiện đang khoác áo một đội bóng hàng đầu khác tại Đức, Bayer Leverkusen.)
Nhưng Nagelsmann đã tâm sự về tất cả những điều này một cách rất thư thái, thoải mái đến mức khi kết thúc cuộc trò chuyện, bạn sẽ cảm thấy như thể chúng ta đã quá phóng đại sự khó khăn của công tác quản lý trong thế giới bóng đá, và hình thành suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ mà bạn đinh ninh mình biết về môn thể thao vua – trên thực tế - đều có thể đã sai.

Có lẽ, bạn hoàn toàn có thể vừa đạt được sự thành công trong nghiệp cầm quân, vừa vui vẻ tận hưởng cuộc sống – Nagelsmann sở hữu hai ván trượt, yêu thích những chiếc drone và đủ trẻ để hiểu về “tiếng lóng” năm 2020 của các cầu thủ. Nhưng nhà cầm quân người Đức vẫn còn nhiều phẩm chất đáng nể hơn nữa bên cạnh vẻ ngoài niềm nở, lôi cuốn và hấp dẫn của anh. 
Đừng chỉ nhìn vào tuổi tác của vị huấn luyện viên này mà hiểu nhầm rằng ở anh chỉ có sự non nớt, vô tư của tuổi trẻ: Nagelsmann đã chứng minh rằng mình hoàn toàn có thể đối đầu với bất kỳ nhà cầm quân nào trong thế giới bóng đá.
Cuộc đời Nagelsmann đã hoàn toàn có thể diễn ra theo một hướng rất khác. Vào năm 20 tuổi, sự nghiệp đầy hứa hẹn ở vị trí trung vệ của anh đã bị hủy hoại bởi một chấn thương đầu gối rất nặng. Những hậu quả của biến cố đó đã khiến Nagelsmann phải rời xa sân cỏ.

Ban đầu, anh dự định sẽ nói lời chia tay với thế giới bóng đá, tham gia vào một khóa học quản trị kinh doanh tại một trường đại học. Nhưng Thomas Tuchel, hiện tại đang là huấn luyện viên trưởng của PSG, đã mời anh đảm nhận một vai trò trinh sát viên không chính thức ở Augsburg, và đây sẽ là bước đi đầu tiên của Nagelsmann trong nghiệp huấn luyện. Sau đó, anh trở thành trợ lý của Alexander Schmidt ở đội U-17 của 1860 Munich, tiếp theo chuyển sang làm việc tại học viện của Hoffenheim vào năm 2010. Đến năm 2015, Nagelsmann được thăng chức lên làm huấn luyện viên trưởng của đội một, và chính thức đảm đương vai trò đó vào đầu năm 2016.
Cuộc bổ nhiệm này đã được truyền thanh Đức mô tả bằng thuật ngữ “Schnapsidee” (một quyết định được đưa ra trong lúc say sỉn), nhưng anh đã nhanh chóng chứng minh rằng mọi sự nghi ngờ về năng lực của mình đều là sai lầm và dẫn dắt Hoffenheim, một đội bóng nằm giữa bảng xếp hạng với những nguồn lực khiêm tốn, giành được tấm vé tham dự Champions League. Tất cả mọi người đều vô cùng sửng sốt.
“Hồi ấy, tôi là tay huấn luyện viên trưởng trẻ nhất, và tôi đã làm rất tốt công việc của mình, điều đó giúp mở ra cánh cửa cơ hội cho những nhà cầm quân trẻ khác,” Nagelsmann giải thích. “Tôi đoán là mình đã trở thành một hình mẫu. Hoffenheim đã đủ can đảm để giao cho tôi dẫn dắt đội một, và sau đó, các câu lạc bộ khác nhận ra rằng họ hoàn toàn có thể tin tưởng vào những huấn luyện viên trẻ tuổi. Nhưng nếu mà khi đó tôi thua mọi trận đấu ở Hoffenheim thì những người như tôi sẽ chẳng đời nào cất mình lên được.” Anh cười. 
Nagelsmann luôn có một mối quan hệ đầy thú vị với đội bóng của mình. Anh rất thích việc bản thân có cùng chung độ tuổi với phần lớn các thành viên trong đội hình. Những cầu thủ trẻ sẽ học hỏi nhanh hơn, và anh có thể tạo dựng sự thân thiết với họ một cách dễ dàng hơn.
Nagelsmann cũng nổi tiếng với tinh thần sẵn sàng áp dụng những công nghệ hiện đại vào công tác huấn luyện. Tại Hoffenheim, anh đã cho lắp đặt một màn hình lớn ở sân tập để phục vụ cho việc phân tích; bên cạnh đó là những chiếc drone; ngoài ra, anh cũng sử dụng một hệ thống gọi là “Footbonaut” nhằm cải thiện khả năng nhận thức không gian và thời gian phản ứng (reaction time) của các cầu thủ. Nhưng triết lý huấn luyện và cách tiếp cận của Nagelsmann luôn tuân theo hai nguyên tắc nền tảng: Sự hiệu quả trên sân cỏ và cách tiếp cận hợp lý bên ngoài sân cỏ. Anh nhìn nhận vai trò của mình bao gồm 30% thuộc về các chiến thuật, và 70% nằm ở năng lực xã hội (social competence). 
Triết lý huấn luyện của Nagelsmann một phần được bắt nguồn từ những nhà cầm quân mà anh từng làm việc cùng – như Thomas Tuchel tại Augsburg, ngoài ra, anh cũng học hỏi từ vị chiến lược gia thần tượng của mình là Pep Guardiola, và anh tổ của gegenpressing, Ralf Rangnick. Rangnick là người tiền nhiệm của Nagelsmann tại RB Leipzig, và cũng từng dẫn dắt Hoffenheim từ năm 2006 đến 2011. 
Những lý thuyết về gegenpressing của Rangnick có tầm ảnh hưởng rất lớn đến triết lý của Jurgen Klopp tại Liverpool, Tuchel ở PSG và nhiều nhà cầm quân khác trên toàn thế giới. Khi Nagelsmann tiếp quản Leipzig, anh đã vận hành đội bóng dựa trên chính nền tảng được kế thừa từ Rangnick, cũng như những bài học mà mình lĩnh hội được từ vị chiến lược gia thần tượng: “Tôi đã quá quen với triết lý của Rangnick tại Hoffenheim. Counter-pressing là một chủ đề cực kỳ quan trọng. Gây áp lực lên đối phương gần như từng phút một để có thể giành lấy bóng … nhưng đó chỉ mới là một điểm thôi; chúng tôi cần phải đạt được một sự cân bằng chất lượng giữa khả năng kiểm soát bóng và các pha tấn công,” Anh chia sẻ.
Nagelsmann sau đó đã đi sâu hơn vào những sự ưu tiên của mình tại RB Leipzig: “Đánh giá khi nào nên đá nhanh, khi nào nên đá chậm, đưa ra quyết định một cách hợp lý về việc liệu nên tổ chức phản công nhanh hay duy trì quyền kiểm soát bóng.”
Việc củng cố tất cả những điều đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhận thức của anh về mùa giải khắc nghiệt ở phía trước, vì Leipzig có khả năng sẽ phải “cày cuốc” ở cả Bundesliga, DFB-Pokal và Champions League mà không hề có kỳ nghỉ. 
(còn nữa)
Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn Julian Nagelsmann được thực hiện bởi ký giả Tom Hamilton, “How Nagelsmann, RB Leipzig's fearless manager, blazed a trail for young coaches in world soccer”, đăng tải trên ESPN.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.