Làm thế nào mà Julian Nagelsmann có thể thành công trong việc dẫn dắt các cầu thủ hàng đầu thế giới với cái tôi lớn trong nhiều năm? Biên tập viên Gerhard Pfeil và phóng viên Rafael Buschmann của Der Spiegel đã tìm kiếm câu trả lời từ gia đình anh và cuối cùng đã nói chuyện với HLV trưởng đội tuyển quốc gia Đức. Nagelsmann đã kể cho họ nghe về cuộc sống ít được công chúng biết đến và vụ tự tử của cha mình, người từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Liên bang Đức. Câu chuyện của người cha đã ảnh hư
Xin chào ông Nagelsmann, là HLV của đội tuyển quốc gia, gần như tuần nào ông cũng đến sân theo dõi các trận đấu ở Bundesliga. Khi đó, ông thường dành sự quan tâm cho điều gì?
Tôi không chú tâm quá nhiều đến các yếu tố chiến thuật, tôi quan sát những khía cạnh thuộc về kỹ năng mềm.
Đó là những kỹ năng mềm gì?
Tôi quan sát cách hành xử của những cầu thủ trên sân, như trong lúc họ khởi động, khi họ được thay ra, hoặc cả khi họ thực hiện những pha ném biên.
Ném biên thì có gì để quan sát chứ?
Lấy ví dụ, khi một cầu thủ X cầm quả bóng trong tay, nhưng vốn dĩ người được chỉ định thực hiện quả ném biên là một cầu thủ khác, liệu lúc ấy X có nhường bóng lại cho đồng đội của anh ta không? Liệu X có nhìn vào đồng đội khi nhường bóng? Hay X sẽ chỉ ném bóng xuống đất và bỏ đi chỗ khác? Tôi đánh giá những cử chỉ nhỏ kiểu như vậy, chúng có thể vẽ nên bức tranh tổng quan về một cầu thủ. Từ đó cho thấy khả năng hòa nhập vào tập thể của một cầu thủ. Liệu anh ta có ý thức về tinh thần đồng đội hay không? Hay anh ta chỉ nghĩ đến bản thân mình trên sân?
Thử ví dụ về Leroy Sane, cậu ấy có kỹ năng mềm gì vậy?
Leroy đặc biệt lắm! Cậu ấy là người tốt bụng với tính cách tốt. Tuy nhiên, trên sân, Leroy có thể khá khó chịu. Cậu ấy không giỏi xử lý nỗi thất vọng của bản thân, ví dụ như khi đường chuyền không đến với mình. Nhưng trong một đội bóng có tinh thần đoàn kết tốt, điều này có thể được khắc phục và cuối cùng tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ Leroy. Bởi vì là một cầu thủ, cậu ấy có một tài năng đặc biệt, là khả năng có thể định đoạt trận đấu. Chỉ với Leroy Sane, bạn sẽ không thể chiến thắng - nhưng bạn cũng không thể chiến thắng, nếu không có Leroy Sane.
Có nhiều cầu thủ Đức được đánh giá cao như Sane. Vậy anh giải thích thế nào về việc đội tuyển quốc gia sa sút phong độ trong những năm qua? Dưới sự chỉ đạo của anh, gần đây tuyển Đức còn thua cả Áo và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thôi, đừng nói về tài năng của những cầu thủ mà chúng ta có. Vì chủ đề này tôi nghe chán rồi.
Không phải vậy sao?
Nền bóng đá của chúng ta không thiếu những tài năng. Và trong những năm qua, chúng ta cũng đã nhiều lần cho thấy rằng chúng ta có thể chơi tốt trước các cường quốc bóng đá ở châu Âu như Pháp hay Anh. Còn lý do chúng ta thua Thổ Nhĩ Kỳ và Áo là vì những đội bóng này chơi rất quyết liệt và bạo dạn. Họ như muốn nuốt chửng chúng ta! Đối với tuyển Đức, những đội bóng tầm trung khoảng từ hạng 6 đến 40 trên thế giới lại nguy hiểm hơn so với các đội bóng ở nhóm đầu.
Vậy thì theo ông nên thế nào?
Chúng ta cần phải bỏ ngay cái tư tưởng tự coi mình là cửa trên, là ông lớn. Chúng ta cứ nói mãi và tự lừa dối bản thân mình rằng Đức là quốc gia có nền bóng đá hàng đầu, trong khi đội tuyển cứ thất bại liên tục. Cứ giữ nếp tư duy này thì đừng mong trở lại đỉnh cao hay tìm lại thành công. Đã đến lúc phải nỗ lực hết mình và nghiêm túc để vực dậy nền bóng đá.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Bernd Neuendorf đặt mục tiêu tối thiểu cho đội tuyển ở Euro 2024 trên sân nhà là vào đến bán kết. Liệu như thế có quá tham vọng?
Nếu Bernd Neuendorf nói vậy thì cũng hết sức bình thường thôi. Đặt mục tiêu cao là chuyện tốt. Tuy nhiên, nếu với tư cách là một người hâm mộ, bạn sẽ quan tâm đến màn trình diễn và cách đội tuyển thi đấu hơn là kết quả đơn thuần. Đội tuyển đã sa sút trong nhiều năm qua. Quãng thời gian gần đây cũng không có gì mang đến hy vọng rằng chúng ta sẽ vào đến bán kết. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu chúng ta chơi hay trong 4 hoặc 5 trận, cống hiến hết mình và sau đó nếu chẳng may bị loại bởi một đội bóng mạnh ở tứ kết, thì đấy vẫn có thể là một kỳ Euro tốt cho nền bóng đá Đức. Tôi không muốn đánh giá thành công của chúng tôi chỉ dựa trên thứ hạng cụ thể mà còn dựa trên việc chúng tôi đã cống hiến hết mình hay chưa.
Hợp đồng của anh sẽ kết thúc sau Euro. Anh như “người lính cứu hỏa” được giao nhiệm vụ vực dậy đội tuyển quốc gia vốn đang sa sút và từ đó có thể cứu vãn giải đấu trên sân nhà. Khi nhận lời làm HLV trưởng tuyển Đức, anh không lo lắng rằng mình còn quá trẻ cho vị trí này và sẽ thất bại trong nhiệm vụ đó sao?
Chuyện đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Thứ làm tôi cảm thấy hấp dẫn nhất là được trải nghiệm một giải đấu trên sân nhà với tư cách là HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Cái này chỉ có một lần trong đời.
Khi anh nhận được lời đề nghị từ Bayern Munich ở tuổi 33, có lẽ anh đã nghĩ rằng mình không nên bỏ lỡ cơ hội này. Nhưng chỉ sau 21 tháng, anh đã bị sa thải. Liệu nhiệm vụ đó có đến quá sớm với anh vào thời điểm đó?
Không hề.
Vậy sao tự dưng hợp đồng của anh bị cắt ngay giữa mùa vậy?
Chúng tôi phí phạm cách biệt 9 điểm so với Borussia Dortmund. Thomas Tuchel thì bấy giờ sẵn sàng thế chỗ ngay lập tức. Chuyện là như vậy đấy.
Anh ký hợp đồng 5 năm với Bayern, được kỳ vọng sẽ cùng CLB làm nên điều gì đó vang dội. Chuyện gì đã xảy ra?
Tôi được Bayern ký hợp đồng với mục tiêu thay đổi mọi thứ. Có những CLB cho bạn thời gian. Jurgen Klopp trải qua 5 năm với Liverpool trước khi ông ấy có lần đầu tiên vô địch Premier League. Pep Guardiola thì phải mất 7 năm mới vô địch Champions League cùng Manchester City. Các HLV ở Bayern Munich không có được cái diễm phúc ấy, họ không có nhiều thời gian để gây dựng điều gì đó.
Lật lại quá khứ, có người ở CLB nói rằng anh đã quá chú trọng vào việc thể hiện hình ảnh bản thân, dành quá nhiều thời gian cho các sở thích cá nhân. Cuối cùng, anh biết tin mình bị sa thải khi đang đi trượt tuyết ở Zillertal.
Lúc đó, tôi bị tố là không thể liên lạc được sau trận thua Bayer Leverkusen. Chuyện hoàn toàn không phải vậy. Từ hôm thứ Hai đến thứ Tư, tôi vẫn có mặt như bình thường ở phòng làm việc tại sân tập Sabener Strasse. Cũng nói thêm, tôi là người duy nhất có mặt, trong khi quãng thời gian ấy toàn đội được nghỉ. Sau đó, tôi đi nghỉ ngắn ngày, từ trưa thứ Tư đến sáng thứ Sáu. Tôi có thông báo với CLB và được chấp thuận.
Quãng thời gian ở Bayern đã dạy cho anh những bài học gì?
Đã là HLV thì không nên quá nổi bật hay gây sự chú ý. Mặt khác, tôi không muốn thay đổi bản thân hoàn toàn vì công việc. Suy cho cùng, tôi có những nét tính cách khác với các HLV trước đây của Bayern, chẳng hạn như Jupp Heynckes…
…một người từng dẫn dắt Bayern, được đánh giá cao vì luôn quan tâm đến người khác.
Tôi hành xử một số chuyện hơi khác biệt, phần vì tôi trẻ hơn. Tôi không đứng chỉ đạo sát đường biên trong chiếc áo khoác màu be ở các trận đấu của Bayern chỉ vì một số người tiền nhiệm của tôi đã làm vậy. Những người đứng đầu ở Munich biết trước rằng thể nào tôi cũng sẽ mặc áo khoác đỏ hết lần này đến lần khác. Và điều đó đâu có khiến họ phiền lòng. Nhưng một khi đã thất bại, những chuyện vặt vảnh như vậy thường được mang ra để kể tội.
Những trải nghiệm như vậy có khiến bản thân anh trở nên đa nghi hơn không?
Tôi sẽ dùng từ: cẩn thận hơn, nhạy cảm hơn. Trong bóng đá, mọi thứ không phải lúc nào cũng màu hồng. Ngay cả khi bạn có mối quan hệ tốt với những người ra quyết định, điều đó cũng không giúp ích được gì. Bản thân tôi đã có mối quan hệ tốt với Oliver Kahn và Hasan Salihamidzic. Chúng tôi từng bàn với nhau cách ứng phó trong trường hợp có một kịch bản tồi tệ nhất nào đó xảy ra. Nhưng cuối cùng mọi thứ lại thay đổi. Khi ấy, bạn tự hỏi mình: Mình sẽ chấp nhận mở lòng với những người thuộc ngành công nghiệp bóng đá này đến mức nào trong tương lai?
Anh có cảm thấy sự ủng hộ từ CLB dành cho mình ngày càng ít đi không?
Nếu sau một thất bại mà không một ai nói gì với bạn nữa, thì bạn biết rằng có điều gì đó không ổn. Tôi đã từng làm việc cho nhiều CLB khác nhau, và tôi luôn mong muốn họ nói thẳng với tôi nếu họ muốn có một HLV mới. Tôi sẽ chấp nhận thực tế ấy và vẫn quyết tâm cùng đội bóng chiến thắng ở trận đấu tiếp theo. Không cần phải nói vì đấy là vấn đề liên quan đến sự nghiệp của tôi. Nhưng trong ngành công nghiệp này, mọi người dường như thiếu đi sự cởi mở. Những gì được truyền đạt ra bên ngoài sau một cuộc chia tay có rất ít chi tiết là thực tế. Nhưng trong bóng đá thì là vậy và nó sẽ tiếp tục như thế trong 30 năm tới.
Có thật là cha của anh từng khuyên anh không nên đi theo con đường huấn luyện?
Ông ấy không nói trực tiếp như vậy, chỉ là không muốn tôi học chuyên ngành về thể thao. Tôi hiểu đó là sự quan tâm của bậc làm cha mẹ. Nếu được đào tạo và trở thành một HLV có bằng cấp, ngay cả khi mọi chuyện diễn ra tồi tệ nhất, tôi cũng có thể làm việc bán thời gian ở một phòng tập thể dục-thể thao nào đó. Nhưng cha tôi thì không muốn nhìn thấy con trai mình sống như vậy. Ông muốn tôi phải học xong chuyên ngành về kinh tế. Song, từ đầu tôi đã biết rằng đấy không phải là thế giới thuộc về mình. Ở môn Quản trị Chiến lược Doanh nghiệp, tôi từng phải viết một bài tiểu luận học kỳ về tình huống giả định là một công ty có 30 đến 40% nhân viên phải bị nghỉ việc. Nếu chuyện như thế diễn ra trong đời thực, tôi sẽ không thể chấp nhận nổi, tôi không muốn trải qua điều đó.
Anh và cha mình có thân thiết với nhau chứ?
Cha con tôi rất thân nhau. Tôi là con út trong nhà, tôi còn có một người chị lớn hơn mình 9 tuổi và một người anh lớn hơn mình 11 tuổi. Chúng tôi thường dành thời gian rảnh rỗi bên cha mẹ. Cha tôi đã truyền cho chúng tôi niềm đam mê với vẻ đẹp núi non. Mặc dù bận rộn với công việc, nhưng cha tôi luôn cố gắng hòa mình vào thiên nhiên mỗi khi có thể. Niềm đam mê đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Khi còn nhỏ, tôi không có máy điện tử Gameboy hay Playstation, tôi chỉ muốn được ra ngoài và trải nghiệm những điều mới mẻ.
Cha anh đã tự tử năm anh mới 20 tuổi. Anh vẫn còn nhớ về ngày ấy chứ?
Tôi vẫn thường xuyên nhớ về ngày đó. Khi ấy, tôi đang tham gia khóa học HLV để lấy bằng C tại Oberhaching, gần Munich. Đột nhiên, thầy hướng dẫn gọi tôi ra ngoài. Vẫn theo thói quen hay đùa giỡn, tôi hỏi một câu khá ngớ ngẩn, đại loại là: “Em giỏi quá nên được cho nghỉ sớm à thầy?”. Ngay sau đó, tôi đứng trước người mà sau này trở thành cha vợ, và được ông thông báo rằng cha tôi đã tự sát.
Anh đã vượt qua nỗi mất mát ấy thế nào?
Tôi thật sự rất đau khổ. Cha tôi không để lại thư tuyệt mệnh, cũng không một lời giải thích. Nhưng việc cha tôi tự kết liễu đời mình đã cho thấy rõ quyết định rất dứt khoát của ông. Sự ra đi của cha tôi đối với gia đình là một điều quá kinh khủng, nhưng nó cũng giúp tôi nhận ra rằng ông thật sự muốn tìm đến cái chết và không hề có ý định phát đi tín hiệu cầu cứu nào cả. Tôi cho rằng mình cần phải tôn trọng quyết định ấy.
Cha anh có bị trầm cảm không?
Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết rằng cha tôi thực sự là người rất vui vẻ, hay nói đùa và luôn tươi cười. Ông thích đi chơi cùng bạn bè, chơi guitar và hát ca. Gia đình tôi cũng rất hòa thuận, ít khi cãi vã, ít căng thẳng; Chủ nhật nào cả nhà cũng quây quần ăn tối cùng nhau. Vậy nên tôi không nghĩ là quyết định của cha tôi liên quan đến vấn đề trầm cảm. Điều đó lại càng khiến tôi khó hiểu hơn. Nhưng tôi nghĩ là do áp lực công việc và tình trạng sức khỏe chung của cha tôi. Về cuối đời, ông đã thay đổi rất nhiều, cứ nhìn vào ông là thấy áp lực công việc đè nặng.
Thế công việc của ông ấy là gì?
Cha tôi làm cho cơ quan tình báo.
Ông ấy làm cho cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND)?
Đúng vậy.
Anh có biết ông ấy làm trong vai trò nào không?
Tôi không được phép nói thêm về chuyện đó. Tôi cũng không biết chính xác ông ấy cụ thể làm gì. Dù sao thì cha tôi cũng không làm việc trong bộ máy hành chính thông thường.
Vậy từ lúc nào thì cha anh kể cho anh biết việc ông ấy làm ở cơ quan tình báo?
Lúc tôi 15 hay 16 tuổi. Trước đấy tôi không biết gì nhiều và cũng không để tâm mấy đến chuyện đó. Nhưng sau khi cha tôi nói với tôi về nơi làm việc thực sự của ông ấy, tôi trở thành người mà ông chia sẻ nhiều nhất về chuyện công việc. Cha tôi thường kể cho tôi nghe chủ yếu là trong những chuyến đi tập luyện từ Landsberg, nơi chúng tôi sống, đến Munich. Bấy giờ tôi chơi cho đội trẻ của TSV 1860. Nhưng cha tôi kể rất ít, chỉ hé lộ một phần nhỏ công việc. Ông ấy vốn không được phép nói về công việc của mình. Đó cũng là lý do tại sao cha tôi thường nói rằng mọi chuyện dần trở nên quá sức với ông ấy. Công việc của cha tôi không cho phép ông chia sẻ những lo lắng. Cuối cùng, nó ngày càng khiến ông gặp căng thẳng.
Ở trường, khi được hỏi thì anh kể cha mình làm việc gì để kiếm sống?
Xưa nay tin thế nào thì tôi trả lời vậy thôi. Tôi từng tin rằng cha tôi là một người lính. Ngay cả ông nội tôi cũng nghĩ cha tôi là một người lính.
Cha của anh là người thế nào?
Cha tôi là người can đảm. Công việc buộc ông ấy phải đưa ra quyết định liên tục, dù biết rằng kế hoạch có thể thất bại. Điều tồi tệ nhất trong cuộc sống chính là không đưa ra quyết định nào. Tôi để ý vấn đề này xảy ra ở khá nhiều gia đình, khi các thành viên dành cả ngày Chủ nhật để tranh luận xem sẽ làm gì cùng nhau. Cãi nhau mãi đến 4h30 chiều thì chẳng còn có thể làm gì được cùng nhau nữa. Cha tôi thường thông báo trước vào ngày thứ Bảy rằng ngày hôm sau, cả nhà sẽ cùng đi dạo dọc theo con sông Lech. Ba đứa con của ông thì không phải lúc nào cũng hứng thú với mấy chuyến phiêu lưu kiểu đó. Nhưng một khi cha tôi đã quyết rồi thì thường kết quả sẽ là rất tuyệt vời. Chúng tôi ra ngoài hòa mình vào thiên nhiên, cùng nhau trải nghiệm một điều gì đó mới mẻ.
Anh có thừa hưởng tính cách ấy từ cha mình không?
Tôi nghĩ mình đã học được nhiều điều từ cha tôi. Là một HLV, tôi không bận tâm quá nhiều đến việc mọi người nghĩ gì về bản thân hay những quyết định của mình. Nhất là khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi chỉ đơn giản là làm mọi thứ mà không quan tâm đến việc nó sẽ ra sao. Trong trận đầu tiên dẫn dắt Hoffenheim tại Bundesliga, tôi đã cho cả bốn tiền đạo cùng ra sân. Mọi người đều nghĩ tôi bị điên, nhưng chúng tôi vẫn giành được một điểm quan trọng. Còn giờ, tôi đã suy tính kỹ lưỡng hơn. Nhưng có được dũng khí để đưa ra quyết định thì tôi chắc chắn là học được từ cha mình.
Cuộc sống của anh đã thay đổi thế nào sau khi mất đi người cha?
Quãng thời gian đó đã định hình rất nhiều nên cuộc đời tôi. Khi ấy tôi mới chỉ hơn 20 tuổi, bỗng dưng phải lo toan cho cả gia đình, từ việc thu xếp các khoản bảo hiểm cho đến những việc lặt vặt khác trong cuộc sống mà ở độ tuổi đó tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Tôi phải đưa ra những quyết định quan trọng, một phần để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, người phụ nữ bấy giờ phải sống một mình trong căn nhà mà không có người bạn đời bên cạnh, với bao kỷ niệm về người chồng cứ ùa về. Việc phải lựa chọn bán hay giữ lại căn nhà của cha mẹ với mục đích giúp mẹ mình có thể vui vẻ hơn một chút là một quyết định không hề dễ dàng chút nào, nó khác xa với việc chọn tiền đạo nào sẽ ra sân ngay từ đầu trong một trận đấu. Tất nhiên, trải qua một giai đoạn khắc nghiệt trong cuộc sống ở cái độ tuổi còn trẻ như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến con người tôi. Bạn buộc phải “lớn” nhanh hơn.
Ai đã ở bên cạnh anh trong những ngày “buộc phải trưởng thành mau chóng” ấy?
Một trong những người bạn thân nhất của tôi, người cũng đã trải qua hoàn cảnh tương tự mới 2 năm trước, đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Chúng tôi trò chuyện với nhau thường xuyên. Sau này, khi tôi bắt đầu làm HLV ở đội trẻ của TSV 1860, công việc huấn luyện cũng giúp ích cho tôi rất nhiều. Bởi vì tôi được sống trong môi trường tập thể, công việc với các cầu thủ trẻ liên quan rất nhiều đến việc phát triển nhân cách. Sau khi cha tôi qua đời, tôi có một góc nhìn khác về thể thao. Tôi dễ dàng nói với các cầu thủ rằng những bước lùi hay thất bại trên sân cỏ không phải là tận cùng của thế giới. Tôi tin rằng trong những thời khắc như vậy, tôi có thể bộc lộ bản thân mình một cách chân thực nhất, bởi tôi đã nếm trải rất nhiều những biến cố trong cuộc đời.
Anh đã có một sự nghiệp huấn luyện viên đầy thăng tiến. Từ Hoffenheim đến RB Leipzig, sau đó là Bayern Munich, và bây giờ là làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Với mỗi bước tiến, áp lực lại càng tăng. Anh có bao giờ sợ mình sẽ kiệt sức không?
Tôi từng đi bác sĩ để kiểm tra xem mình có nguy cơ bị kiệt sức không. Nó ở mức 0%. Rõ ràng là không nhiều người may mắn như tôi. Nhưng tôi thật sự có quan tâm đến việc nghỉ ngơi điều độ. Tôi thường leo núi hoặc trượt tuyết. Tôi yêu bóng đá, nhưng cuộc sống không chỉ có bóng đá.
Anh làm thế nào để đối phó khi những lời chỉ trích ập đến sau thất bại của tuyển Đức trước Áo?
Tôi ít khi đọc báo lắm, phần cũng vì tôi thấy cách dùng từ ngữ của một số phương tiện truyền thông đôi khi quá đáng. Ví dụ những từ như “thất bại”, “bạc nhược” hay những phán xét về nhân phẩm. Chúng ta nên chấm dứt việc đánh giá mang tính tàn nhẫn này. Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau sống tốt đẹp và thành công hơn với tư cách là một xã hội và một cộng đồng văn minh, nếu chúng ta ngừng phàn nàn về mọi thứ trong cuộc sống.
Bị chỉ trích có khiến anh bồn chồn và tự nghi ngờ bản thân không?
Thực ra, tôi không quen với việc tự nghi ngờ bản thân. Nhưng tôi thường suy tư rất nhiều, suy ngẫm và bàn luận với những người thân tín như Sascha Breese trong nhóm cố vấn của tôi (cũng là Giám đốc điều hành của Sports360). Tất nhiên, gần đây đó cũng là những chủ đề khiến tôi gặp áp lực. Sau hai trận thua trước Thổ Nhĩ Kỳ và Áo, tôi đã nhận ra rằng mọi thứ không như tôi tưởng tượng.
Anh có học hỏi được gì từ những đồng nghiệp khác không?
Có chứ. Có những HLV mà tôi rất thích trao đổi ý tưởng cùng họ. Ví dụ như Christian Streich của Freiburg, một đồng nghiệp xuất sắc và đồng thời còn là một người đàn ông tuyệt vời. Nhưng tôi không có hình mẫu cổ điển nào trong số các đồng nghiệp. Tôi cũng sẽ không cố gắng bắt chước phương pháp làm việc hoặc ý tưởng bóng đá của Pep Guardiola hay Jurgen Klopp. Tôi có những ý tưởng và quan niệm của riêng mình về thứ bóng đá của bản thân mình phải trông như thế nào. Điều đó cũng không có nghĩa là tôi không bao giờ được truyền cảm hứng từ người khác.
Anh ví dụ thử xem?
Gần đây tôi có xem một bộ phim tài liệu về đội bóng rổ Đức. Trong phim, bạn có thể xem được những cuộc trò chuyện giữa HLV và các cầu thủ trước thềm World Cup. Điều đó giúp mang đến cho chúng ta một cái nhìn chân thực rằng mỗi người đều biết rõ vai trò của mình từ nhiều tháng trước khi giải đấu bắt đầu.
Cuối cùng, Đức đã xuất sắc vô địch giải bóng rổ thế giới, một phần nhờ chiến thắng ở bán kết trước đội tuyển Mỹ hùng mạnh.
Đúng thế, họ đã chơi rất hay. Tôi thì rút ra được ý tưởng là mình sẽ phân chia vai trò rõ ràng như vậy cho các cầu thủ trong đội. Việc mỗi cầu thủ biết chính xác nhiệm vụ của mình sẽ rất hữu ích.
Có một bộ phim tài liệu về đội tuyển Đức tại World Cup ở Qatar (phim tài liệu “All or Nothing: The German national team in Qatar” trên Amazon Prime). Nó có giúp ích cho anh trong công việc hiện tại không?
Có, một chút. Bộ phim cho thấy một số phản ứng nhất định của các cầu thủ. Bạn có thể biết được điều gì khiến họ hào hứng và điều gì không. Tuy nhiên, đối với DFB thì tôi nghĩ bộ phim là không hay. Thành thật mà nói, tôi không thích xem nó.
Ban huấn luyện thời Hansi Flick có vẻ khá là bế tắc và lỗi thời. Có một cảnh phim “kinh điển” (được mang ra giễu cợt sau này), trong đó các cầu thủ được xem một video truyền động lực về ngỗng xám. Liệu những biện pháp như vậy có còn hiệu quả với các cầu thủ chuyên nghiệp ngày nay?
Một số thì có, nhưng cũng có những người hoàn toàn không. Họ đã xem 100 bộ phim như vậy trong cả sự nghiệp của mình rồi. Do đó, các cầu thủ hoàn toàn vô cảm.
Làm thế nào để khích lệ các cầu thủ ở đội tuyển quốc gia như Leroy Sane, Jamal Musiala hay Antonio Rudiger?
Mỗi người có một động lực khác nhau. Có người muốn được giao trọng trách. Có người chỉ hướng đến thành công. Có người muốn được gần gũi với HLV. Có người lại muốn được yên tĩnh. Lấy ví dụ Leroy Sane, cậu ấy sẽ vui vẻ nếu được hứa hẹn một ngày nghỉ. Sau đó, cậu ấy sẽ lấy lại tinh thần và tập trung hoàn toàn vào bóng đá. Ngược lại, Joshua Kimmich không thích ngày nghỉ. Cậu ấy muốn tập luyện, tập luyện và tập luyện.
Anh có đưa ra chiến thuật cho cả đội, hay chỉ thảo luận phương án cho trận đấu tiếp theo với các cầu thủ chủ chốt?
CLB càng lớn, bạn càng phải lôi kéo nhiều cầu thủ càng tốt. Nhưng đó chỉ là kiểu “nói gì nghe nấy” khi bạn giải thích cho họ. Nếu 8 hoặc 9 cầu thủ nói với tôi rằng họ không thoải mái với chủ đề về chiến thuật, tôi có thể sẽ suy nghĩ lại. Nhưng bạn cũng không nên làm cho mọi thứ trở nên quá phức tạp, vì sẽ có nguy cơ là cuộc thảo luận chiến thuật sẽ kéo dài đến bất tận. Đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với tôi là mọi người đều ý thức được rõ ràng rằng tôi là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Anh đã có kế hoạch ra sao cho Euro?
Lúc này, đầu óc tôi đã bắt đầu quay cuồng rồi. Mấu chốt lúc này là cần xây dựng một ý tưởng chơi bóng đơn giản mà mọi cầu thủ đều có thể dễ dàng tiếp thu. Chúng tôi sẽ phải phòng ngự một cách đầy nhiệt huyết tại Euro. Chúng tôi sẽ có nhiều cầu thủ như Pascal Gross trong đội hình, những người sẵn sàng hy sinh vì đồng đội và không quan tâm đến việc “chiếm spotlight” bằng những đường chuyền đẹp mắt. Họ có thể không có những phẩm chất hàng đầu, nhưng họ có tinh thần thi đấu cao hơn một chút. Ở trận đấu với Áo, chúng tôi có 7, 8 cầu thủ trên sân tìm cách thể hiện bản thân qua những kỹ năng bóng đá hơn là tinh thần thi đấu. Chúng tôi sẽ cần phân bổ lại những yếu tố này trong đội hình xuất phát.
Hansi Flick trước đây cũng theo đuổi triết lý “tinh thần quan trọng hơn tài năng”. Nhưng nó không hiệu quả.
Cho nên chúng ta phải thay đổi đội hình so với hồi World Cup ở Qatar. Không cần phải mời 10 cầu thủ mới, nhưng chắc chắn sẽ có một vài người không được gọi tên – những cầu thủ mà nhiều người nghĩ rằng họ chắc chắn sẽ được chọn.
Anh có thể tiết lộ trước ai sẽ bị ảnh hưởng không?
Không. Tôi sẽ nói riêng với các cầu thủ trước.
Anh đã thuyết phục được Toni Kroos, một trong những nhà vô địch thế giới năm 2014 từng từ giã đội tuyển quốc gia 3 năm về trước, quay trở lại. Anh muốn quay ngược lại thời gian à?
Trong vài tuần qua, chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện sâu sắc và thân tình. Toni có một quan điểm rất rõ ràng về tình trạng của đội tuyển quốc gia. Sau mỗi cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận được sự hào hứng ngày càng tăng của Toni, khi cậu ấy muốn là một phần của đội tuyển tại kỳ Euro tổ chức trên sân nhà và giúp đỡ chúng tôi, bất chấp việc cậu ấy đã chính thức từ giã đội tuyển.
Cụ thể thì Toni Kroos sẽ có vai trò gì trong đội?
Cậu ấy sẽ đóng vai trò là cầu nối hoàn hảo cho tuyến giữa trong đội hình mà chúng tôi đang hướng đến. Kinh nghiệm và nề nếp của Toni sẽ rất có lợi cho đội bóng. Tại Real Madrid, Toni có vai trò đặc biệt trong việc hướng dẫn và dìu dắt các cầu thủ trẻ, cho họ thấy cách phối hợp và di chuyển để tạo thành một tập thể mạnh mẽ. Cậu ấy là người luôn giữ được cái đầu lạnh, ngay cả trong những trận đấu căng thẳng, mà các trận đấu ở Euro thì vốn luôn như vậy.
Đội tuyển quốc gia là một tập thể nhạy cảm, với nhiều kiểu người và cái tôi khác nhau, tất cả đều theo đuổi lợi ích riêng. Với sự trở lại của Kroos, hệ thống phân cấp đã được hình thành trong những năm qua sẽ ngay lập tức thay đổi. Anh có đoán được là mình sẽ gặp phải sự phản đối nào không?
Tôi đã gọi điện thoại trước cho nhiều cầu thủ và lắng nghe cẩn thận xem liệu có ai có vấn đề gì với Toni hay không. Ngược lại! Tất cả đều mong chờ vào sự trở lại của cậu ấy.
Dĩ nhiên là Joshua Kimmich cũng phải nhường vị trí quan trọng ở hàng tiền vệ và chuyển sang chơi hậu vệ phải chứ?
Đúng vậy. Tiện thể thì tôi cũng muốn nói thêm là ngay cả khi Toni không trở lại, cậu ấy cũng sẽ chơi ở vị trí hậu vệ phải. Chắc chắn mỗi cầu thủ đều có vị trí yêu thích của riêng mình. Nếu hỏi Manuel Neuer, anh ấy chắc chắn sẽ muốn chơi ở vị trí tiền vệ điều phối, và biết đâu anh ấy cũng có thể làm tốt. Nhưng anh ấy xuất sắc hơn nhiều ở vị trí thủ môn. Ý tôi là, trong đội tuyển quốc gia, bạn phải biết cách phục tùng. Ở đây bạn là người phục vụ cho đất nước của mình. Kimmich hiểu điều đó.
Làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia không chỉ đơn giản là một HLV bóng đá. Nhiều chính trị gia hy vọng rằng kỳ Euro hè này sẽ có tác động như kỳ World Cup 2006, rằng đất nước sẽ đoàn kết, ít nhất trong vài tuần, nếu đội tuyển gặt hái được thành công.
Chúng ta có cơ hội lớn để gắn kết mọi người lại với nhau một chút thông qua màn trình diễn của đội tuyển và thành công của giải đấu. Nhưng tôi phản đối việc ai đó kỳ vọng vào những điều như vậy thông qua chúng tôi. Bởi vì điều đó không thể lên kế hoạch trước được, và chúng tôi cũng không thể bị ai đó đổ lỗi nếu các vấn đề trong nước không được giải quyết sau giải đấu.
Kỳ World Cup ở Qatar đã bị lu mờ bởi những tranh cãi về việc các cầu thủ nên thể hiện sự ủng hộ cho lòng khoan dung và nhân quyền. Anh có cho rằng các vấn đề chính trị cũng sẽ lan vào nơi trú quân của đội tuyển ở kỳ Euro tới?
Tôi mong rằng đội tuyển sẽ được giữ tránh xa khỏi mọi tranh cãi. Các vấn đề chính trị và xã hội luôn dẫn đến tranh luận trong một tập thể đội bóng, nơi vốn luôn chứa đựng nhiều quan điểm, văn hóa và tôn giáo khác nhau – và điều đó thường ảnh hưởng đến phong độ thi đấu. Nếu chúng tôi chơi tốt ở Euro và sau đó có 15% trẻ em đăng ký ghi danh vào các CLB, khi đó có thể nói rằng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu hơn về mặt xã hội so với chỉ một cử chỉ hay hành động nào đó trước các trận đấu.
Julian Nagelsmann, cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
(Julian Nagelsmann – giữa, cùng biên tập viên Gerhard Pfeil – trái, và phóng viên Rafael Buschmann) |
Hoàng Thông Le Foot dịch từ Der Spiegel