Julian Draxler: Trong ký ức của cậu bé Julian

Tác giả CG - Thứ Tư 27/06/2018 15:59(GMT+7)

Zalo
Tôi phải kể cho các bạn nghe câu chuyện về bà tôi và World Cup trước vì nó sẽ giải thích cho rất nhiều thứ về sau. Có lẽ sẽ phải mất hàng trăm trang để miêu tả về quê hương và gia đình tôi nhưng nếu câu chuyện này được kể, các bạn sẽ hiểu tất cả.
Julian Draxler Trong ký ức của cậu bé Julian hình ảnh
Julian Draxler: Trong ký ức của cậu bé Julian
Sau khi vô địch World Cup 2014 ở Brazil, tôi trở về Đức để ăn mừng cùng gia đình và tất nhiên là đến thăm bà. Tôi và mẹ đến nhà bà ở Gladbeck và tôi mang theo một món đồ chơi hình Julian Draxler. Tôi nghĩ sau khi chúng tôi lên ngôi, một vài công ty đồ chơi đã sản xuất  ra những bức tượng nhỏ hình toàn bộ các tuyển thủ.
 
Hai mẹ con nghĩ là bà hẳn sẽ thấy nó rất buồn cười. Khi chúng tôi bước vào nhà, tôi ngửi thấy cái mùi đã tồn tại ở đây suốt 20 năm qua. Bà ôm lấy tôi và rất vui khi tôi trở về. Và khi đặt cái tượng đồ chơi ấy lên bàn bếp, tôi nói “Bà ơi, có đẹp không ạ? Đó là cháu đấy.”
 
Bà nhìn cái tượng đó. Rồi lại nhìn tôi. Và bà làm điều mà tất cả các bà đều làm khi họ thấy bối rối. Bà mỉm cười và nói “Ồ! Rất đẹp!”
 
Nhưng bạn có thể đọc được trong mắt bà một điều rằng chẳng hiểu tại sao lại có người làm đồ chơi hình đứa cháu mình. Thực sự là bà gần như không biết World Cup có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Bà luôn nói với tôi rằng “Bà không hiểu vì sao cháu phải đi nửa vòng trái đất chỉ để đá 1 trận bóng! Tại sao cháu không ở đây và đá trong vườn như hồi còn bé? Ở đây cũng có bóng đá mà!”
 
DT Duc vo dich World Cup 2014
DT Duc vo dich World Cup 2014
Tôi trả lời: “Vâng. Nhưng bà ơi, bọn cháu sẽ đá ở World Cup đấy.”
 
Và bà đáp lại “Ừ, ừ nhưng bọn ta nhớ cháu lắm.”
 
Thật là vui. Với bà, chỉ là tôi vừa đi đá bóng ở Brazil và giờ đây đã trở về nhà. Bà chỉ muốn biết tôi đã làm gì và ăn uống có tốt không.
 
Tôi chụp một bức hình cùng bà, mẹ và bức tượng Draxler trên bàn bếp rồi đăng lên Instagram. Sau đêm đó, tôi lướt xem các bình luận và một trong số đó là: “Này, anh thực sự cần mua cho bà mình một căn bếp mới đấy! Làm thôi nào chàng trai!”
 
Và đúng là như thế - toàn bộ căn bếp của bà có từ những năm 60. Tôi thậm chí còn không biết có thể mua lò nướng giống như cái bà đang dùng hay không. Nhưng điều mà nhiều người không hiểu là bà đã sống ở một ngôi nhà duy nhất trong vòng 50 năm mà không thấy vấn đề gì và từ chối chuyển đi nơi khác. Cả gia đình tôi đến từ Gladbeck và Gelsenkirchen nên tôi có một mối liên kết đặc biệt với hai thành phố này. Người ở đây có cách sống rất đặc biệt. À mà một điều nữa là bà tôi cũng không quan tâm đến những bình luận trên Instagram đâu!
 
Trong một thời gian dài, than đá là tất cả ở Gelsenkirchen.
 
Cụ tôi làm việc trong một mỏ than. Ông tôi làm việc ở mỏ than. Bố tôi cũng làm việc trong ngành than nhưng không phải dưới hầm mỏ. Đến thập niên 90, các mỏ than đều đóng cửa nên bố là người đầu tiên trong nhà lựa chọn con đường khác. Ông ấy bắt đầu làm cho công ty British Petroleum. Một ngày của bố thường bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng để có thể hoàn thành công việc đúng giờ, về nhà và đưa tôi đi đá bóng.
 
Lớn lên ở đây, bạn sẽ yêu thích Schalke và chơi bóng theo một phong cách cố định – đậm chất thể lực với những cú tắc bóng mạnh mẽ. Có một định kiến mà tôi nhớ đã luôn nghe thấy bất cứ khi nào một đứa trẻ đi tham dự các giải đấu nào đó là: “Trẻ con ở Gelsenkirchen ấy à? Đúng, chúng tập luyện chăm chỉ nhưng không thông mnh. Chúng không thể sánh với trẻ con ở đây.”
 
Julian Draxler
Julian Draxler
Và những người đó sẽ chỉ vào đầu họ.
 
Điều đó từng khiến tôi phát điên lên vì tôi lớn lên với những thần tượng là các số 10 sở hữu phẩm chất sáng tạo như Raúl, Zidane, Rivaldo và Ronaldinho. Với tôi, đó chính nét đẹp của bóng đá. Đó luôn là vị trí tôi muốn thi đấu. Nhưng những định kiến trong xã hội rất khó để xóa bỏ. Tôi lớn lên ở nơi có rất nhiều gia đình là những người nhập cư tới Đức từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây, làm việc trong những mỏ than và luôn là mục tiêu chỉ trích của những kẻ bảo thủ.
 
Một trong những điều tuyệt vời khi lớn lên ở Gelsenkirchen là dường như các bậc phụ huynh có tiền lương rất cao. Ai cũng cảm thấy rất công bằng, thậm chí nếu họ là những người nhập cư. Tôi cũng có rất nhiều bạn bè là con của những người tới từ Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ hay những nơi khác và ăn tối ở nhà họ nhiều lần. Chẳng ai có tất cả hết, nhưng chúng tôi mỗi người có một vài thứ. Đứa trẻ này có quả bóng tốt nhất, đứa kia thì sở hữu đầu PlayStation. Và sau đó đứa khác cũng có trò chơi PlayStation. Nó giống như là chúng tôi thu thập tất cả mọi thứ và gộp chúng lại để chơi với nhau ấy.
 
Khi tới công viên đá bóng, bạn sẽ nghe thấy ở đó là sự pha trộn của tiếng Đức, tiếng Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Ả Rập và mọi loại ngôn ngữ trên thế gian này. Thậm chí nếu bạn có không hiểu thì cũng chẳng thành vấn đề luôn. Vì trận đấu 11 vs 11 hay 15 vs 15 luôn tốt hơn là 3 vs 3 phải không? Đó chính là ngôn ngữ bóng đá. Tôi luôn nói rằng quê tôi không có đại lộ Champs-Élysées hay những trung tâm mua sắm đẹp đẽ nào nhưng nó vẫn đẹp theo một cách riêng. Đó là một vùng đất đa văn hóa với những con người làm việc chăm chỉ và tôi nghĩ cũng chính là lý do có nhiều cầu thủ xuất thân từ đây trong suốt 15 năm qua.
 
Draxler tung noi danh voi nhung pha xu ly ky thuat va kien tao trong mau ao Schalke
Draxler từng nổi danh với những pha xử lý kỹ thuật và kiến tạo trong màu áo Schalke
Giờ đây mỗi lần nghĩ về quê hương, tôi cảm thấy rất nhớ. Tuy nhiên có một chút phức tạp ở đây. Từ bé tôi đã theo cha đến xem các trận đấu của Schalke và ai trong gia đình tôi cũng là “fan bự” của câu lạc bộ. Cả tuổi thơ tôi chỉ có một mơ ước: khoác chiếc áo Schalke và thi đấu trước mặt gia đình. Bố đã hỗ trợ hết mình để tôi có thể đạt được ước mơ. Có lẽ người khác sẽ không hiểu nhưng một lần khi thi đấu cho đội trẻ Schalke năm 11 hay 12 tuổi gì đó, tự nhiên tôi có cảm giác như mình là một cầu thủ chuyên nghiệp vậy. Ngay cả ở lứa tuổi đó, áp lực đã rất dữ dội. Nếu chúng tôi thua một trận trước Dortmund vào ngày thứ Bảy và tôi đá không tốt, tôi sẽ giam mình trong phòng cả ngày Chủ nhật để nghĩ xem mình đã làm sai cái gì và làm thế nào trận sau đá tốt hơn.
 
Không biết các nước khác ra sao, nhưng ở Đức, ít nhất là tại Gelsenkirchen, tôi nghĩ bạn phải bị ước mơ của mình ám ảnh một chút thì mới có thể đạt được chúng. Đơn giản là vì có quá nhiều cầu thủ giỏi. Và thật hài hước, bà tôi là người duy nhất không quan tâm chút nào đến bóng đá. Vì thế mỗi khi tôi đến Munich hay những nơi khác đá giải, bà sẽ lại nói “Julian à, sao cháu phải đi xa thế? Sao cháu không đá ở trong vườn như trước đây, nó không vui sao?”
 
Thực sự thì đá bóng trong vườn rất vui, nhưng đó không phải giấc mơ của tôi. Giấc mơ của tôi là thi đấu cho Schalke. Năm tôi 16 tuổi, huấn luyện viên đội trẻ nói “Trong 2 ngày tới, đội một muốn cậu đến tập luyện cùng họ. Cậu hãy nắm lấy cơ hội.”
 
Draxler chinh thuc cap ben Wolfsburg
 
Thực sự thì tôi thường không cảm thấy lo lắng mỗi khi nói đến bóng đá. Nhưng đây đã không còn là bóng đá nữa rồi. Trong 2 ngày đó, tôi vô cùng căng thẳng. Tất cả những gì có thể nghĩ được là đi vào phòng thay đồ và gặp Raúl.
 
Tôi sẽ nói gì với anh ấy đây? Tôi chỉ là một đứa trẻ, còn anh ấy là Raúl. Với tôi, nó như thể là được gặp Chúa vậy. Chính vì thế đêm đó, tôi đã hỏi bố “Nếu con bước vào phòng và anh ấy thấy con, con nên nói gì? Con có nên nói ‘Xin chào, Raúl’ không? Nghe có vẻ không đúng cho lắm. Hay con nói ‘Xin chào, ngài Raúl?’”
 
Cuối cùng hai bố con tôi quyết định rằng tôi nên bắt tay anh ấy, mỉm cười và nói “Xin chào, em là Julian. Rất vui được gặp anh.”
 
Đơn giản mà vừa đủ.
 
Và ngày hôm sau khi bước vào phòng thay đồ, tôi thấy tất cả những tên tuổi lớn mà mình đã theo dõi từ khi còn nhỏ. Klaas-Jan Huntelaar, Jefferson Farfán và tất nhiên cả Raúl. Họ đang đi tất giống như những ngày khác và về cơ bản, tôi chỉ cắm mặt xuống đất và không nhìn vào mắt ai cả. Nhưng rồi họ bắt đầu hướng mắt về phía tôi. Tôi ngẩng lên và thấy một người có mái tóc rất ngầu là Jermaine Jones. Anh ấy gật đầu và giơ tay ra để giới thiệu bản thân.
 
Và tôi nói “Guten morgen, Herr Jones!” (Chào buổi sáng, anh Jones!”)
 
Anh ấy bắt đầu cười lớn rồi nói “Cậu chỉ cần gọi tôi là Jermaine thôi.”
 
Đó là một ngày thật khó tin. Khi bắt tay với Raúl, tôi thậm chí còn chẳng biết mình nói cái gì. Tất cả những gì tôi nhớ là bàn tay mình rất lạnh và tôi cố để không ngất xỉu.
 
Julian Draxler
 
1 năm sau, tôi đã đá ở đội một cùng anh ấy tại Bundesliga và được sống với giấc mơ của mình. Nhưng điều đó không hề đơn giản như khi còn bé bạn hay nghĩ. Phong cách thi đấu của tôi không giống như các cổ động viên Schalke mong muốn. Hai mùa giải đầu tiên, mọi thứ rất tuyệt vời. Nhưng khi Raúl ra đi, Farfán bị chấn thương và chúng tôi thay một vài huấn luyện viên. Tôi cảm thấy như mọi áp lực đều đổ dồn lên vai khi lúc đó tôi mới chỉ 19, 20.
 
Tôi không sẵn sàng để đối mặt với điều đó. Tôi thực sự nghĩ rằng chơi cho đội bóng tuổi thơ khi còn quá trẻ đôi khi không phải điều tốt vì nếu mọi thứ diễn ra theo chiều hướng xấu, không chỉ những người lạ dành những cái huýt sao cho bạn mà còn là cả hàng xóm nữa. Đó là những người gắn bó trong suốt quãng thời gian trưởng thành của bạn, là những người đã ngồi trên sân thượng với bạn khi còn bé. Một cảm giác như bị bóp nghẹt vậy.
 
Tôi đã đọc được nhiều bài báo nói rằng tôi nghĩ mình quá giỏi giang ở câu lạc bộ vì phong cách thi đấu này và mơ ước chuyển tới Real Madrid hoặc Barcelona. Nhưng đơn giản những điều đó hoàn toàn không chính xác.
 
Tôi không bao giờ quên trận đấu với Paderborn cuối mùa giải 2015. Đó là thời điểm tôi biết mình phải ra đi. Vừa trở lại sau một chấn thương gân khoeo nên tôi có trận đấu không quá tốt dù vẫn cố gắng tìm lại nhịp của mình. Chúng tôi giành thắng lợi 1-0 nhưng khi cả đội rời khỏi sân, các cổ động viên của Schalke vẫn huýt sáo về phía tôi. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy… thật đau lòng.
 
Tôi đã thi đấu cho Knappenschmiede từ khi còn bé, câu lạc bộ chẳng phải bỏ ra bất cứ đồng nào để có tôi. Thời điểm ấy, tôi tự nói với lòng mình rằng tôi vẫn rất yêu câu lạc bộ này nhưng tôi cần phải thay đổi cuộc sống. Đêm đó trở về nhà, tôi bảo bố “Mùa hè này, con phải ra đi.”
 
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tự đưa ra một quyết định. Không phải là kiểu “Bố này, con có nên ra đi không? Bố nghĩ sao?” mà là “Con phải ra đi. Con phải là chính con.”
 
Lúc đầu ông ấy thực sự rất buồn. Cả gia đình không muốn tôi rời khỏi nhà. Khi tôi nói chuyện với mẹ và bà, tôi đã khóc. Nhưng tôi nghĩ đôi khi trong cuộc đời, bạn phải rời bỏ những điều thân thuộc nếu muốn trưởng thành.
 
Tôi không ra đi vì danh hiệu. Tôi không ra đi vì một câu lạc bộ lớn hơn. Tôi chuyển đến Wolfsburg chỉ đơn giản là vì muốn có một môi trường mới. Nhưng ai cũng gọi tôi là kẻ phản bội.
 
Và các bạn biết sao không? Khi tôi còn bé và chứng kiến những người chuyển từ Schalke tới Wolfsburg, tôi cũng nói những điều tương tự. Và giờ đây tôi không chỉ trích cổ động viên mà chỉ nghĩ rằng họ không hiểu những gì xảy ra với cuộc sống một cầu thủ hay những áp lực mà cầu thủ gặp phải.
 
Tôi vẫn rất yêu Schalke và Gelsenkirchen. Nếu không có những gì từng học được ở Knappenschmiede cũng như những gì từng học được ở Raúl và nhiều cầu thủ tuyệt vời khác ở câu lạc bộ, tôi sẽ không thể sống trọn với giấc mơ của mình ở World Cup 2014.
 
Mùa hè năm ấy là những ngày khó tin nhất cuộc đời vì khi được gọi lên đội tuyển quốc gia, tôi đã rất bất ngờ. Có rất nhiều người cạnh tranh vị trí. Lúc đó tôi mới chỉ 20 tuổi và vừa trở lại sau một chấn thương nặng. Trong khi ấy đội tuyển Đức có nhiều cầu thủ tấn công xuất sắc - Podolski, Reus, Götze, Schürrle, Müller. Nhưng tôi luôn có một mối liên kết đặc biệt với Jogi Löw, vì thế tôi cũng nghĩ rằng nếu có thể chứng minh cho các huấn luyện viên thấy mình khỏe mạnh thì hoàn toàn có thể được lên tuyển. Trong 3 tuần suốt những trận giao hữu cuối cùng, tôi luôn ở trên ranh giới giữa bị loại hay ở lại đội tuyển.
 
Thế rồi hai ngày trước khi công bố 23 tuyển thủ, cả đội đã quyết định đi spa nghỉ dưỡng. Tất cả mọi người từ các huấn luyện viên đến nhân viên trong ban huấn luyện và các cầu thủ là khoảng 50 người đàn ông Đức trong một phòng tắm hơi lớn. Các bạn có thể hình dung ra như thế nào rồi đấy. Chúng tôi ngồi đó, mồ hôi vã ra đầm đìa và ai cũng có tâm trạng rất tốt. Nhưng tất cả những gì tôi nghĩ chỉ là “Mình có được đi tiếp không? Mình có được đi tiếp không? Chúa ơi, mình có được đi tiếp không?”
 
Julian Draxler
Julian Draxler và chiếc cup vô địch thế giới trên tay
Thế rồi Oliver Bierhoff đến và ngồi cạnh tôi. Và tất cả những gì ông ấy nói là “Thế cậu muốn số mấy?”
 
“Cái gì ạ?”, tôi bất ngờ.
 
Ông ấy đáp “Cậu muốn lấy áo số mấy trong đội?”
 
Thực sự tôi không biết ông ấy có đang thử mình hay không. Tôi trả lời “Cháu sẽ chọn cuối cùng, bất cứ số nào còn thừa lại cũng được.”
 
Oliver chỉ mỉm cười và ngày hôm sau, Jogi Löw cho biết tôi được lựa chọn vào danh sách 23 cầu thủ. Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời. 
 
Mọi người thường hỏi tôi cảm xúc như thế nào khi đánh bại Brazil 7-1 trong trận bán kết và rồi nâng cúp sau khi trận chung kết khép lại. Vâng, tôi xin trả lời câu hỏi thứ hai trước: Được nâng cao chiếc cúp vô địch, cảm xúc chỉ đơn giản là không thể diễn tả được. Vì thế tôi sẽ không cố để miêu tả nó ngoại trừ việc giống như thể là sống trong một bộ phim vậy.
 
Còn câu hỏi đầu tiên: Tôi thực sự không thích nói về tỷ số 7-1 vì tôi nghĩ điều đó là thiếu tôn trọng với các cầu thủ và toàn bộ đất nước Brazil. 
 
DT Duc len ngoi thuyet phuc tai World Cup 2014
ĐT Đức lên ngôi thuyết phục tại World Cup 2014
Tuy nhiên, đêm đó có một ký ức rất quan trọng với tôi. Sau trận đấu, chúng tôi phải di chuyển quãng đường khá dài để trở lại trung tâm huấn luyện ở Bahia. Và trên xe buýt từ sân bay, trời tối om như mực. Có thời điểm chúng tôi phải đi trên những con đường xuyên qua các làng và nghe thấy rõ người dân đang la hét ở hai bên. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi vừa đánh bại đội tuyển nước họ 7-1 và khi rời sân, không ít những người đàn ông nhiều tuổi đã khóc nức nở.
 
Vì thế cả đội đã đứng dậy, nhìn ra ngoài cửa số xe và tất cả người Brazil ở đó đang đứng bên vệ đường và vẫy tay. Rất nhiều người đã khóc. Nhưng bọn họ khóc để chia vui với chúng tôi. Một anh chàng thậm chí còn cầm cả cờ Brazil và cờ Đức. Ở mỗi thành phố mà chúng tôi đi qua, ngày càng nhiều người xếp hàng bên đường và hét vào xe buýt rằng “Đức! Đức! Vô địch! Vô địch!”
 
Đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng chứng kiến. Tất nhiên, họ muốn chúng tôi đánh bại Argentina trong trận chung kết. Chắc chắn họ không muốn đối thủ truyền kiếp nâng chiếc cúp vàng World Cup ở ngay trên đất Brazil. Nhưng khi thấy những con người ấy ra khỏi nhà và thể hiện tình cảm với chúng tôi, khi cả đất nước vừa trải qua một thất bại thảm họa, thì tôi biết bóng đá đã cho mình tất cả.
 
Và đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi của bà tôi rằng tại sao lại phải đi nửa vòng trái đất chỉ để đá một trận bóng.
 
Lược dịch từ bài viết “The Garden” trên The Player’s Tribune.
 
CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kylian Mbappe vs Barcelona: Thuốc đắng dã tật

Kylian Mbappe nuốt trọn những lời chỉ trích vì màn trình diễn ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2023/24 gặp Barcelona, biến chúng thành động lực, rồi làm tất cả im lặng ở trận lượt về.

X
top-arrow