Juanma Lillo: “Nếu Kolo Muani ghi bàn, Messi sẽ không còn vĩ đại sao?"

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Bảy 24/12/2022 10:25(GMT+7)

Vậy là, vì Argentina chiến thắng trên loạt sút luân lưu, thế nên Lionel Messi xuất sắc hơn Diego Maradona. Thật buồn cười khi con người chúng ta dễ dàng bị lằn ranh mong manh giữa vinh quang và thất bại đánh lừa, nhưng quả thật chuyện này cũng thường tình và lúc nào cũng như vậy cả.

 

Tôi không nói về từng cá nhân cầu thủ, mà là cách chúng ta đánh giá họ: hãy tưởng tượng mọi thứ sẽ đổi thay như thế nào – không chỉ là những lời khen, mà còn cả cách lý luận – nếu giả sử Randal Kolo Muani ghi bàn vào những giây cuối.

Trong 10 phút chính thức cuối cùng của trận chung kết, Pháp ghi 2 bàn và có 4 cơ hội. Bốn lận đấy! Nói ra không phải để phê bình Argentina, hoàn toàn không, nhưng nếu Pháp chuyển hóa một trong những cơ hội ấy thành bàn thắng, liệu những nhà phân tích thông thái – những người thích tìm kiếm câu hỏi ‘tại sao’ sẽ nói gì?

Cái ‘tại sao’ ở đây chính là tài huấn luyện của Lionel Scaloni. Một lần nữa, tôi không hề có ý định hạ thấp chức vô địch của Argentina hay bất cứ ai, nhưng nếu Kolo Muani ghi bàn thì câu hỏi về tài huấn luyện của Scaloni sẽ được mổ xẻ, phân tích như thế nào đây?

Ý tôi là đang nói về những người ngồi trước một trang giấy trắng và chuẩn bị thốt ra: “Thưa các bạn, tôi sẽ giải thích ‘tại sao’. Sở dĩ có kết quả này là vì thế này, thế nọ,…”

Đặt câu hỏi ‘tại sao’ cũng giống như trò con bò: mỗi người trong chúng ta đều như vậy hết. Bạn và tôi đều có cái thơ ngây của riêng mình, và một khi trận đấu kết thúc, tôi có thể đặt ra bất cứ câu hỏi ‘tại sao’ nào để lý giải những gì đã diễn ra.

 

Argentina cũng tạo ra 2 cơ hội trước loạt sút luân lưu, thuộc về Lautaro Martinez. Nhưng chẳng phải những nhà phân tích thông thái kia đều thao thao bất tuyệt về một tuyển Pháp mạnh mẽ, một tuyển Pháp chống chọi trước mọi áp lực, phòng ngự chắc chắn, một đội bóng kiên cường trong những thời điểm cuối cùng của trận đấu? Vậy nếu Argentina tận dụng tốt 2 cơ hội kia thì sao, bấy giờ những nhà phân tích của chúng ta sẽ nói gì?

Chúng ta đều hiểu rõ cơ chế của những lời tâng bốc và khen ngợi. Nếu thắng, bạn giỏi, nếu thua, bạn dở. Vấn đề là toàn bộ những gì được viết ra đều dựa trên kết quả. 

Cũng như cụm từ ‘kinh nghiệm’ vậy, chúng ta đã gán ghép cho nó quá nhiều ý nghĩa trong mọi lĩnh vực của đời sống. Và điều đó thật sự vô nghĩa! Giống như câu ngạn ngữ “Mua vé số sau khi đã xổ”.

Vậy nếu Kolo Muani ghi bàn, Messi sẽ không còn là tuyệt đỉnh? Bất kể mọi thứ chàng trai này đã làm được trong bóng đá! Tại sao cậu ấy lại cần phải vô địch World Cup để được ai đó trao cho một cái chứng chỉ thành tựu? Vì “Đó là danh hiệu duy nhất cậu ấy còn thiếu”, “À, nhưng mà cậu ấy chưa có được cái này, cái kia” – thôi nào bà con cô bác ơi!

Với tất cả những gì đã làm và gặt hái được trên sân bóng, cớ sao Messi lại cần đến loạt sút luân lưu kia hay nhờ vào tài nghệ cứu thua của Emi Martinez?

Bằng một cách nào đó, chúng ta vô tình quyết định rằng World Cup với giá trị toàn cầu của nó trở thành thước đo trình độ của một cầu thủ. Messi đã có gì trước khi vô địch World Cup ấy nhỉ? Chà, đều là những thứ tuyệt luân, rực rỡ! Nhưng chỉ vì Maradona đã làm nên cái năm 1986, do đó đặt ra một tiêu chuẩn bắt buộc… OK, nhưng cái thực sự đặc biệt phải là về Napoli và cái cách ông ấy giúp đội bóng này trở thành những nhà vô địch cơ.

Thú thật, sau cuộc phỏng vấn đầu tiên, tôi được các HLV từ rất nhiều bộ môn thể thao liên hệ. Khúc côn cầu, NFL, các đội bóng rổ châu Âu cho đến Mỹ. Thông qua những người bạn của tôi, họ nhắn rằng họ muốn đến Qatar chỉ để trò chuyện cùng tôi và họ không thể chờ đợi thêm được nữa. Nghe ghê gớm chưa!

Nhưng thứ duy nhất tôi làm kể từ phút giây trả lời phỏng vấn đầu tiên đó là thú nhận, rằng tôi không thể có câu trả lời xác đáng cho những câu hỏi tại sao. 

Thứ duy nhất tôi cảm thấy chắc chắn chính là sự không chắc chắn. Sự thật duy nhất đối với tôi là những câu hỏi tôi có. Tôi không biết bất kỳ câu trả lời nào cả, và biết đâu đấy chỉ trong 20 phút, tôi sẽ nói ra điều ngược lại về cảm nhận của mình lúc này. Và đây là những cảm nhận của tôi.

Đây là một kỳ World Cup của những phản ứng khi tất cả đều không còn như trước. Hoàn cảnh và tỷ số luôn định đoạt hành vi và ý định, chiến thắng hoặc thất bại – quá hiển nhiên rồi – nhưng nếu phải chỉ ra một ví dụ rõ ràng, thì đó chính là kỳ World Cup này.

Màn trình diễn của tuyển Pháp ở trận chung kết rất lạ lùng. Vì như thể họ đánh mất chính mình, như thể họ phải bị dồn vào đường cùng mới được hồi sinh.

Ngay cả khi đã gỡ hòa 2-2, với sự sung mãn thể chất đã thể hiện, bạn nghĩ rằng tuyển Pháp sẽ bước vào hiệp phụ và ăn tươi nuốt sống Argentina, sẽ dồn ép đối thủ đến tận cùng. Nhưng rốt cuộc, không phải vậy. Một lần nữa, Pháp bị dẫn trước và phải tìm đường trở lại. Đó là một thứ rất thường tình, rất con người, trong bóng đá hiện đại.  

 

Chúng ta đã nói về chuyện này một lần rồi, về những cầu thủ được đúc cùng một khuôn và cái gọi là ‘El Dostoquismo’ – hay sự ám ảnh về hai lần chạm bóng. Nhưng có một thứ còn tồi tệ hơn cả ‘hai lần chạm bóng’: việc lạm dụng chúng.

Tôi không phải là một HLV điều khiển các trận đấu sao cho tất cả đều chỉ xoay quanh hai lần chạm bóng; tôi đơn giản là tìm cách nhấn mạnh đến lợi ích của những pha bóng có hai chạm. Nếu chơi càng ít chạm, bạn thường sẽ đẩy nhanh tiết tấu hơn, bắt đối thủ phải bận rộn hơn, đối phương sẽ gây áp lực trễ hơn hoặc có khi là không thể gây áp lực được gì cả. Chơi bóng ít chạm thì đồng đội sẽ có nhiều không gian và thời gian hơn để nhận bóng, từ đó đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh tối ưu nhất. Đó là ý nghĩa của những pha xử lý hai chạm.

Nhưng rồi Messi và Mbappe tiến tới, họ nói “Không”. Vì những gì tuyệt vời nhất được họ phô diễn một khi họ có nhiều hơn hai lần chạm bóng. Cứ mỗi khi thực hiện pha di chuyển, họ sẽ cần đến bấy nhiêu lần chạm bóng. Đôi khi là hai, ba, có khi là tám lần chạm.

Khả năng của Mbappe là không giới hạn. Bất kể là gì thì cậu ấy chỉ muốn đạt được mục tiêu cuối cùng. Nếu muốn rê bóng qua sáu người, cậu ấy có thể làm được. Mbappe là một cầu thủ phi thường. Bạn có biết vì sao không? Tôi có thể trả lời cho các bạn rằng đó không phải là vì những gì cậu ấy làm với hai lần chạm bóng. Cậu ấy muốn chạm bóng bao nhiêu lần tùy ý khi có bóng cũng được, vì cứ mỗi lần chạm, sự phi thường được toát ra.

Còn với Messi, càng chạy ít lại, cậu ấy càng nguy hiểm. Cứ mỗi khi có bóng, cậu ấy sẽ tung ra một đường chuyền tuyệt diệu dành cho Angel Di Maria, hoặc một pha chọc khe mỹ miều dành cho tiền đạo trước mặt. Messi thắp sáng cả bầu trời đêm. Và nếu có trục trặc nào đó, cậu ấy sẽ tự mình giải quyết. Messi làm điều đó bằng một đường chuyền, nhưng giả sử nếu muốn thực hiện một cú rê bóng, cậu ấy hoàn toàn làm được.

Chúng ta cũng đã nói về việc thế hệ kế tiếp sẽ được định hình bởi môi trường của họ – bóng đá thèm khát khách hàng hơn là người hâm mộ, VAR hay các số liệu thống kê của nó – thật khó để tưởng tượng một cầu thủ rồi sẽ có thể phá vỡ khuôn khổ ấy như thế nào trong tương lai.

Có thể đâu đấy ở Nam Mỹ, hay một nơi hẻo lánh nào đó mà ‘El Dostoquismo’ chưa chạm tới, có thể lắm. Hãy nhớ rằng: tài năng được sinh ra từ nghịch cảnh.

Trong thế giới điện ảnh có một giai thoại thế này: Khi kỷ nguyên im lặng kết thúc và lời thoại bắt đầu xuất hiện, những ngôi sao im lặng cảm thấy các diễn viên không còn là diễn viên nữa; vì nếu đã có thể nói, bạn đâu cần phải diễn, phải hành động. Chính từ nghịch cảnh không thể nói mà tài năng diễn xuất được khơi dậy.

Mới hôm rồi tôi có xem một bộ phim tài liệu về đội tuyển Cameroon ở World Cup 1990 – Những chú sư bất khuất, tập thể Cameroon 1990. Tôi vốn không phải là người say mê phim tài liệu, nhất là những phim được quay bằng các camera đặt trong phòng thay đồ của các đội bóng, chúng đều có kịch bản và “diễn” cả.

Nhưng những bộ phim dạng hồi ức thì tôi lại rất thích, và trong bộ phim về tuyển Cameroon, có một thứ khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Họ hỏi một trong số các cầu thủ, tiền đạo Bonaventure Djonkep, về lối chơi của đội bóng. Dĩ nhiên, thời đó các cầu thủ làm gì đã có màn hình TV để vẽ vời hay biết về các phương pháp, hệ thống này kia. Nhưng hãy xem cái cách ông ấy trả lời: Bonaventure Djonkep nói rằng các cầu thủ bắt chước trí tưởng tượng của chính họ. Tuyệt vời làm sao!

 

Liệu còn sự đúc kết nào hay hơn câu nói đó?

Bóng đá thời ấy, các cầu thủ nghe trận đấu trên sóng radio, họ mường tượng ra các đường bóng và ngày hôm sau khi bước ra sân, họ cố gắng diễn đạt lại chúng bằng trí tưởng tượng cho phép của mình.

Vốn dĩ nhìn thấy thứ gì đó và muốn tái hiện lại nó thôi cũng đã là đánh thức sự sáng tạo rồi. Đằng này lại còn là cố gắng làm một điều mà bản thân bạn không thể nhìn thấy… Thật phi thường phải không?!

Giờ đây, chúng ta sẽ phải đi đâu để tìm thấy những thứ như vậy, tìm đâu để có một tài năng thuần khiết như Maradona đây? Cả những cầu thủ Cameroon đó nữa… bạn phải xem những hình ảnh về họ để thấy nơi mà những cầu thủ này từng chơi bóng, quả bóng mà họ từng sử dụng.

Tôi xem bộ phim tài liệu về Cameroon và tôi nghĩ về những buổi nói chuyện của tôi với các cầu thủ, về những thước phim dài bất tận mổ xẻ mọi thứ trước các trận đấu, tôi nghĩ mình không khác gì là người đã giết chết trí tưởng tượng của họ. Một đao phủ! Tôi là ai mà lại tước đi trí tưởng tượng phong phú và đầy giá trị vốn có của cuộc sống, tôi là ai mà lại tước đi niềm vui và sự hào hứng của các cầu thủ?!

Đây có phải là kỳ World Cup hay nhất từ trước đến nay? Ái chà… chỉ những ai đã từng xem hết mọi trận chung kết trong lịch sử mới có thể trả lời được như vậy thôi. Nhưng loại chủ đề này thì chỉ tồn tại với những ai mà chắc chắn là không hề bận tâm tới chuyện đó.

Điều này cũng giống như câu hỏi “tại sao”. 

Vấn đề của hiện tại là chúng ta đều đang ưu tiên cho những gì được xem là hứng thú, hơn là những gì được xem là quan trọng.

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ: giờ đây, mọi người đều tìm thấy chỗ đứng cho chính họ trong bóng đá. Tôi từng nói rằng nếu Maradona sút phạt ghim góc thành bàn từ cự ly hơn 30m, bạn sẽ dễ dàng tìm ra 7 người tuyên bố bàn thắng đó có công của họ.

Nhà phân tích sẽ nói rằng vì anh ta đã mách cho Maradona biết trước về pha dịch chuyển sang một bên của thủ môn. HLV thể lực thì đã mát-xa cho Maradona. Chuyên gia dinh dưỡng đã nấu cho Maradona một món hành tây caramen ngon hảo hạng. Đấy là tôi còn chưa nhắc đến nhà tâm lý học, người đã động viên tinh thần Maradona. Nói chung là bất kỳ ai mà bạn có thể nghĩ đến, họ đều sẽ lôi chế độ độc tài ra khỏi phạm vi quyền hạn của họ. À mà quên, cả HLV trưởng nữa chứ… như nhau cả thôi.

Cuối cùng thì, hóa ra người duy nhất không thực hiện cú đá phạt đó lại chính là Maradona.

Tất cả các bộ phận hậu cần đằng sau thành công của một cầu thủ có thú vị không? Đương nhiêu là có rồi! Những gì giúp các cầu thủ tiến bộ đều quan trọng và đáng trân trọng cả. Nhưng chỉ tập trung vào những thứ thú vị ấy lại chính là vấn đề và chúng ta đã mắc phải vấn đề ấy từ rất lâu rồi.

Với chủ nghĩa ‘El Dostoquismo’, một phương pháp luận khác ra đời, nhấn mạnh quá trình mới là thứ quan trọng nhất.

Triết gia vĩ đại Socrates có khi đang phải đội mồ, giận dữ. Ông là một nhà giáo không cần giảng dạy, ông chỉ kích thích kiến thức nơi các học trò bằng cách đi bên cạnh họ và đặt ra các câu hỏi. Họ tìm ra cách trả lời bằng việc đáp lại những câu hỏi đó. Socrates truyền cảm hứng học tập cho các học trò. Nhưng giờ đây, chúng ta lại coi trọng nhà giáo hơn là quá trình giáo dục – trái ngược hoàn toàn với những gì Socrates từng làm.

Tôi tin rằng việc dạy không tồn tại. Thứ tồn tại là việc học. 

Trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta đã lạc lối, không còn biết điều gì mới là quan trọng. Cuộc tranh luận về việc trận chung kết World Cup 2022 có phải là trận chung kết hay nhất từ xưa cho tới nay hay không… hoàn toàn có thể hiểu được, bởi mọi người cảm thấy là như vậy, bởi chúng ta khó tìm thấy sự hào hứng hay say mê với bất kỳ hoạt động nào khác.

Đúng là ngày nay có nhiều cách hơn để chúng ta thể hiện sự phấn khích của bản thân, chúng ta có nhiều phương tiện hơn cho chuyện đó. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một thời đại mà cảm xúc giống như chuyện xuất tinh sớm. Những cảm xúc này tan biến ngay lập tức.

Nhiều năm trước, Santiago Segurola từng viết trên tờ El Pais rằng “cách bày trí đã ăn miếng bít tết”. Giờ đây, tôi sẽ nói rằng chúng ta đang trải qua một thứ còn kinh khủng hơn: chúng ta bắt đầu tin rằng cách bày trí chính là miếng bít tết, rằng mọi thứ xoay quanh bóng đá trở nên quan trọng hơn các cầu thủ và bản thân trận đấu.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cách gói ghém món quà gần như quan trọng hơn chính món quà, những gì ở bên trong hầu như không còn có nhiều ý nghĩa. Vậy thì, đây có phải là trận chung kết World Cup hay nhất trong lịch sử? Thôi thì cùng đợi một luận án tiến sĩ về chủ đề này nhé…

BLV Hoàng Thông (Le Foot) dịch từ bài phỏng vấn “Juanma Lillo: Why we shouldn’t judge anyone on a World Cup” trên The Athletic

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.