Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Tác giả Ole - Chủ Nhật 03/11/2024 14:53(GMT+7)

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

 

Juan Roman Riquelme đích thực là một huyền thoại, một câu trả lời thỏa đáng dành cho tất cả những người theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn trong thế giới bóng đá. Nhưng chính xác thì Riquelme của những người hoài niệm giá trị xưa cũ đã từng vĩ đại tới mức nào? Tại Boca Juniors, cầu thủ người Argentina có lẽ đã giành được mọi thứ, và làm được những điều không tưởng. Với 3 danh hiệu vô địch Copa Libertadores và một lần dẫn dắt Xeneizes giành chiến thắng trước Real Madrid trong trận tranh siêu cúp liên lục địa, Riquelme thực sự là galactico duy nhất tỏa sáng trước dải thiên hà lấp lánh của những người Tây Ban Nha.

Thế nhưng, câu chuyện về Riquelme trong màu áo Barca thì hoàn toàn trái ngược. Chơi bóng ở xứ Catalonia, La Liga và Champions League, một thương vụ chuyển nhượng hoàn hảo tưởng chừng như đã diễn ra vào mùa Hè năm 2002 khi cầu thủ được đánh giá là xuất sắc nhất kể từ thời Maradona đã lặp lại con đường giống như “bàn tay của Chúa”: số 10 tại Boca và số 10 tại Barca. Thật sự là người ta không thể mong đợi một điều gì tốt hơn khi Riquelme đồng ý tới châu Âu chơi bóng.

 

Một chút hoài nghi có thể đã xuất hiện bởi Maradona không thực hiện được những khoảnh khắc đẹp nhất trong sự nghiệp ở Barca nhưng rồi nhanh chóng biến mất trước niềm hân hoan từ bản hợp đồng được kỳ vọng bậc nhất. Mặc dù vậy, thật trớ trêu là lời nguyền dành cho những số 10 xuất thân từ Argentina vẫn lởn vởn đeo bám sân Nou Camp một cách khó lý giải.

Nếu có một điều gì đó người ta không nên làm với Riquelme thì chắc chắn đó là những tư duy chiến thuật khô khan và giáo điều. “Một con chó chưa từng bị xiềng xích sẽ không bao giờ chịu đeo dây xích sau hai mươi năm”, Alessio Tacchinardi, đồng đội từng sát cánh với Riquelme tại Villarreal thầm nghĩ. Nhưng khi tiền vệ người Argentina mới cập bến Barca vào năm 2002, người quản lý phòng thay đồ sân Nou Camp là Louis van Gaal lại không hề nghĩ như vậy. 

“Tôi được giới thiệu trong cuộc họp báo cùng Van Gaal, nhưng ngay sau khi kết thúc cuộc họp, ông ý đã nói với tôi rằng, “Tôi cần phải nói chuyện với cậu, chúng ta hãy vào phòng thay đồ”. Tôi đồng ý và nhìn thấy một cái bàn khổng lồ chứa đầy những màn hình video trong căn phòng. Tệ hơn nữa, ông ấy đã bảo rằng tôi là cầu thủ hay nhất thế giới khi có bóng trong chân, nhưng khi tôi không cầm bóng, đội bóng coi như sẽ chơi chấp một người. Van Gaal đã có sẵn một hệ thống ở Barca và không chấp nhận thay đổi nó vì bất kỳ điều gì, tôi sẽ phải chơi ở cánh trái”, Riquelme nhớ lại.

 

Chúa ơi, Riquelme phải đá ở cánh trái, một ý tưởng thậm chí còn không thể xảy ra ở trên trò chơi điện tử PlayStation. “Trong trận đấu thứ hai tại Barca, tôi tự di chuyển vào vị trí trung tâm của mình. Đội bóng vượt qua Racing với tỷ số 2-1 và hai pha kiến tạo đều do tôi thực hiện. Tôi nghĩ rằng tất cả sẽ cảm thấy hạnh phúc trong buổi tập ngày hôm sau. Nhưng rồi Van Gaal đã đến gặp tôi và mắng xối xả, “Cậu đã làm loạn hết mọi thứ. Mọi người nói cậu đã chơi một trận tuyệt vời nhưng tôi nói rồi, cậu phải đá ở cánh trái như tôi muốn”.

Số 10 cuối cùng đã bị xóa bỏ một cách tàn nhẫn nhất có thể và không có cách nào để người ta tái hiện một Riquelme đẹp đẽ tại Nou Camp, kể cả khi HLV Van Gaal bị sa thải. Trong suy nghĩ của một số người, dường như Riquelme chưa bao giờ thực sự đến với xứ Catalonia. Chủ nghĩa chiến thuật chính thống của Van Gaal đã giết chết vẻ đẹp của khái niệm “engache” truyền thống (số 10 cổ điển trong tiếng Argentina) cũng như giấc mơ về sự hoàn hảo trong bóng đá.

 

“Tại sao Riquelme không thể hiện được bản thân tại Barca? Bởi vì cậu ấy đã phải làm việc với một gã ngốc”, Hristo Stoichkov, cựu danh thủ người Bulgaria từng khoác áo Blaugrana thẳng thắn nhận xét. “Có thể Van Gaal là một chiến lược gia hàng đầu nhưng không phải lúc nào ông ấy cũng làm đúng. Tôi từng gặp vấn đề trong những hệ thống chiến thuật khó hiểu của ông ấy. Và Riquelme cũng vậy”.

Cuộc tranh luận về tiền vệ người Argentina cho đến bây giờ vẫn là một chủ đề không hồi kết. Nhiều người tin rằng Riquelme chưa bao giờ đạt tới đẳng cấp cao nhất của bóng đá châu Âu bởi sự lười biếng và phong cách thi đấu hời hợt. Đây có lẽ cũng là điều mà Van Gaal chưa bao giờ quên khi nhắc tới cậu học trò cũ ở Barca. Cách đây vài năm, khi được một CĐV hỏi về lý do tại sao Riquelme không thể tỏa sáng tại Nou Camp, nhà cầm quân người Hà Lan chỉ đáp lại ngắn gọn. “Riquelme chẳng ghi bàn, cũng chẳng chịu di chuyển… Bạn có thấy Messi đã chạy như thế nào không?”.

Tất nhiên, quan điểm nào thì cũng có những điểm phù hợp và vô lý. Vẫn là ở môi trường bóng đá châu Âu, trong màu áo Villarreal, ngôi sao người Argentina đã cho thấy anh có thể vĩ đại chẳng kém gì tại Boca hay ĐTQG. Dẫu vậy thì bóng đá vẫn luôn tồn tại cả sự mơ mộng lẫn thái độ hoài nghi. Những người theo đuổi chủ nghĩa tự do thì chẳng mấy quan tâm đến việc Riquelme đá hỏng quả phạt đền quyết định tại bán kết Champions League năm 2006 trước Arsenal. Trong khi với những ai muốn phán xét thì đó là tình huống biểu tượng cho sự chưa hoàn thiện của cầu thủ sinh năm 1978.

 

Về phần Riquelme, anh chẳng bao giờ quan tâm đến sự yêu ghét mà giới mộ điệu dành cho mình. Với “số 10 cuối cùng” của thế giới bóng đá, chỉ có sự tự do mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Cựu tiền vệ Boca có thể chơi đùa cùng trái bóng ở bất kỳ khoảng không gian nào trên sân, sẵn sàng vờn đối thủ trước khi ngoặt bóng hoặc bất ngờ tung ra một pha chọc khe vừa như in tạo điều kiện cho đồng đội dứt điểm. Tại quê nhà Argentina, sự tôn thờ dành cho Riquelme - “Last Diez” (số 10 cuối cùng) gần như là bất diệt, một biểu tượng mà không ai dám mạo phạm.

“Những người như Riquelme đã tuyệt chủng trong bóng đá mất rồi”, một lời nhận xét giản đơn của cựu chủ tịch Real Madrid, Jorge Valdano, nhưng có lẽ cũng là quá đủ để nói lên tài năng của Juan Roman Riquelme xuất chúng và độc đáo tới nhường nào.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.