Giải thưởng The Guardian Footballer of the Year - giải thưởng dành cho cầu thủ - người đã làm được việc gì đó thực sự có ý nghĩa, có thể bằng việc vượt qua nghịch cảnh, giúp đỡ những người xung quanh hay trở thành một hình mẫu trong thể thao bằng một hành động chân thành. Người đạt được giải thưởng này năm ngoái là Fabio Pisacane còn năm nay giải thưởng thuộc về Juan Mata.
|
Juan Mata: Trái tim ấm áp |
Nếu bạn có cơ hội gặp Juan Mata, người đàn ông nhỏ bé ấy sẽ luôn làm bạn ngạc nhiên bằng nụ cười ấm áp hoặc một cử chỉ điệu bộ thật nhẹ nhàng. Nhưng người đàn ông vừa được giải thưởng Cầu thủ của năm do Guardian trao tặng này vốn vẫn có thói quen gây bất ngờ cho chính bản thân anh cùng môn thể thao mà anh yêu thích.
Năm vừa qua, Mata đã làm được nhiều điều hơn bất cứ ai trong việc tạo dựng một niềm tin rằng bóng đá chuyên nghiệp không chỉ có được từ những tham vọng hay những khoản lương khổng lồ. Tiền vệ của Manchester United, thay vào đó, đã phá vỡ cái vỏ bọc ấy và bắt đầu sử dụng sức mạnh và nguồn tài chính từ bóng đá để giúp đỡ con người trên khắp thế giới.
“Đó là một ý tưởng khá đơn giản,” Mata đã chia sẻ khi anh bắt đầu khởi xướng dự án Common Goal hồi tháng Tám, từ đó anh và một số các đồng nghiệp của mình có thể đóng góp 1% lương của mình cho các tổ chức từ thiện toàn cầu. “Nhưng một số những ý tưởng xuất sắc nhất thường là những ý tưởng đơn giản và bóng đá thì mang lại một sức mạnh không thể tin được. Bất cứ ai hiểu về môn thể thao này đều biết tại sao chúng tôi lại đặt nhiều hi vọng và hoài bão với dự án Common Goal này.”
Chưa đầy năm tháng, Mata đã có thêm 35 thành viên đến từ 17 quốc gia tham gia đóng góp 1% khoản lương của mình cho Common Goal. Tất cả số tiền đã được gây quỹ sẽ được đưa đến các tổ chức từ thiện liên quan đến bóng đá – nơi đang thực sự cần – và dự án đang có những thành viên là các cầu thủ bóng đá và các quản trị viên đầu tiên.
Những cầu thủ, dĩ nhiên là những nhân vật chính trong dự án Common Goal trong số đó có những cái tên đẳng cấp thế giới như Mats Hummels, Giorgio Chiellini, Shinji Kagawa và Kasper Schmeichel, cùng với đó là những nữ cầu thủ hàng đầu như Alex Morgan và Megan Rapinoe.
Julian Nagelsmann, HLV 30 tuổi gây dựng tiếng tăm ở Hoffenheim, đã trở thành HLV đầu tiên tham gia dự án này vào tháng Mười trong khi đó Aleksander Ceferin, chủ tịch Uefa, cũng đã hỗ trợ 1% lương của mình cho quỹ. Ceferin chia sẻ: “Tôi kêu gọi tất cả mọi người trong cộng đồng bóng đá, các cầu thủ, HLV, các CLB và các giải đấu thể hiện sự quan tâm tới các công tác xã hội và đóng góp từ thiện.”
Mục tiêu của dự án Common Goal là có thể huy động được 1% trong số tiền khổng lồ của ngành công nghiệp tiền tỉ cho từ thiện. Đó có vẻ như một mơ ước viển vông – giống như việc một cậu bé mơ ước trở thành một ngôi sao bóng đá hàng đầu – một mơ ước khó có thể thực hiện được. Thế nhưng Mata là một trong số những người có thể biến điều đó thành hiện thực.
Chúng tôi có dịp gặp nhau hai lần trong năm vừa rồi, trong buổi phỏng vấn đầu tiên, Mata có chia sẻ về kí ức khi anh gia nhập Real Oviedo khi lên 10 tuổi, năm 1998. Anh đã được trao một cơ hội mà chính anh cũng không thể tưởng tượng nổi. Mata ngồi trong bãi đậu xe năm 2003, năm anh 14, và ngóng theo cuộc nói chuyện giữa cha anh và tuyển trạch viên của Real Madrid. “Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: Wow, cha mình đang nói chuyện với một người từ học viện Real Madrid cơ à! Có thật không vậy? Cho tới thời điểm đó, tôi vẫn thấy mình còn kém cỏi lắm. Khi ấy tôi vẫn ở quê nhà và chơi bóng cho Real Oviedo, chơi với những anh lớn tuổi hơn nhưng tôi sẽ không thể nhận ra được trình độ của mình cho tới khi một trong những CLB lớn nói chuyện với bố mình.”
“Tôi háo hức nhưng cũng rất hoài nghi. Mình có chơi đủ giỏi để có thể chơi ở đó không? Ý nghĩ đầu tiên của tôi là thế đó. Tôi biết mình có thể chơi tốt ở Oviedo nhưng nếu đối thủ là Real Madrid và Barcelona thì lại khác. Họ - trong những chiếc áo nổi tiếng. Họ to lớn hơn, cao hơn, nhanh hơn và mạnh hơn – chỉ vì chiếc áo ấy.
“Tôi không thể nghe được câu chuyện giữa bố và người đàn ông đến từ học viện Madrid nhưng tôi nghĩ là Woa, để xem chuyện gì sẽ đến. Ngộ nhỡ họ cho mình cơ hội, mình sẽ cố gắng hết sức.” Nhưng chỉ khi bố báo tin cho tôi, tôi mới thấy thực sự bất ngờ. Real Madrid muốn tôi gia nhập học viện. Đó là một quyết định lớn lao khi tôi mới 15. Một thời điểm quan trọng đối với một gã trai đang còn mải bám lấy bè bạn và gia đình. Nhưng tôi đã chuyển tới Madrid, gia đình tôi thì vẫn ở quê nhà. Điều đó khiến tôi sớm trưởng thành hơn bình thường, một quyết định lớn đã thay đổi tôi theo chiều hướng tích cực.
Cuộc sống được định đoạt bằng những quyết định và lựa chọn – và đầu năm nay, Mata đã phát hiện ra rằng anh phải cố gắng lấy sức mạnh của bóng đá trở thành nền tảng để giúp đỡ những người kém may mắn hơn anh. Sự ra đi của người ông, người đã nuôi dưỡng tình yêu bóng đá trong anh, đã chuyển hóa anh sâu sắc. Từ đó, anh muốn biến sự mất mát đau thương thành niềm hi vọng.
“Tôi đã nghĩ đến việc tự tạo ra một nền tảng để giúp đỡ những người khác,” Mata chia sẻ. “Nhưng rồi tôi gặp Jürgen Griesbeck [Người sáng lập ra tổ chức streetfootballworld, tổ chức này hiện giờ quản lí dự án Common Goal. Anh ấy đã làm việc với bóng đá trong 15 năm qua, bắt đầu tại Colombia sau thời điểm Andres Escobar qua đời chỉ vì pha phản lưới nhà ở World Cup năm 1994. Chúng tôi đã cùng có ý tưởng đem bóng đá đến để giúp đỡ những người khó khăn. ] Mục tiêu của chúng tôi là có được khoản đóng góp dù chỉ là 1% trong giới bóng đá.”
Khi Common Goal chính thức phát động Mata đã giải thích niềm tin thôi thúc anh triển khai dự án này. Anh bắt đầu bằng việc hồi tưởng lại khoảnh khắc tại Trận chung kết Champions League tại Munich năm 2012. Bayern Munich, đội bóng được chơi trên sân nhà đã dẫn trước ở phút 83 khi Thomas Muller đánh đầu làm tung lưới Chelsea.
“Vài giây sau,” Mata nhớ lại, “tôi khi ấy đang đứng ở vòng tròn giữa sân Allianz Arena, chờ cho các cầu thủ của Bayern ngừng ăn mừng bàn thắng mà họ nghĩ họ có thể giành chiến thắng trận này. Didier Drogba, đồng đội của tôi ở Chelsea, đã đi về phía tôi để bắt đầu trở lại trận đấu. Didier chẳng mấy khi thấy thất vọng hay thiếu tinh thần vậy mà hôm ấy anh ấy biểu hiện rõ luôn cảm xúc đó. Tôi không hiểu được vì sao. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để có thể có mặt ở trận chung kết. HLV thì bị sa thải ngay vài tháng trước, nhưng chúng tôi vẫn vực dậy để đánh bại Napoli ở vòng 16, sau đó chúng tôi đã vượt qua với 10 người ở Camp Nou trong trận bán kết… Và bây giờ, mọi chuyện chẳng lẽ kết thúc dễ vậy sao?”
“Tôi đặt tay lên vai Didier và nói Nhìn này, Didier. Nhìn chúng ta đang ở đâu. Hãy cứ tin đi, chỉ cần anh tin tưởng. Vì lí do nào đó tôi cũng luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng trận này, giống như định mệnh vậy. Tôi thường cũng chẳng nói nhiều và khi khi Didier thấy tôi cổ vũ như vậy, anh ấy chẳng có cách nào khác ngoài việc mỉm cười. Anh ấy nói: “Ok, Juan. Tiến lên thôi.””
Sau đó Mata đã tung ra đường chuyền để Drogba quân bình tỉ số - và rồi Chelsea đã trở thành nhà vô địch Champions League sau khi đánh bại đại diện của Đức trên chấm luân lưu cũng nhờ sự tỏa sáng của cầu thủ đến từ Bờ Biển Ngà. “Khi chúng tôi đang ăn mừng, tôi đưa mắt nhìn quanh các đồng đội và nhận thấy vẻ đẹp của bóng đá. Thủ môn đến từ CH Séc, hậu vệ đến từ Serbia, một người nữa tới từ Brazil. Các tiền vệ từ Ghana, Nigieria, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh. Và dĩ nhiên, một tiền đạo xuất sắc đến từ Bờ Biển Ngà.”
“Chúng tôi tới từ khắp nơi trên thế giới, từ những hoàn cảnh khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau. Một số người đã lớn lên trong chiến tranh. Một số người khác lớn lên trong đói nghèo. Nhưng khi chúng tôi ở đó, cùng nhau có mặt ở Đức với vai trò là nhà vô địch Châu Âu. Cách chúng tôi từ khắp nơi trên thế giới rồi cùng nhau có mặt ở đây để thực hiện mục tiêu chung khiến tôi cảm thấy có ý nghĩa nhiều hơn cả danh hiệu kia. Với tôi, đó chính là điều có thể làm thế giới trở nên tươi đẹp hơn.”
Cầu thủ 29 tuổi đã từng vô địch World Cup, Euro 2012 và chơi bóng ở Valencia, Chelsea và Manchester United. Nếu bạn có chút thời gian nào đó cùng với Mata, anh ấy chắc chắn sẽ kể cho bạn những câu chuyện về bóng đá với điều kì diệu mà môn thể thao này tác động lên con người anh, cũng giống như cách nó thay đổi hàng tỉ người dù là niềm vui hay là nỗi buồn. Bóng đá từ đó nuôi dưỡng cả những hi vọng và sự thoải mái, và cả nỗi thất vọng mỗi khi đội bóng của bạn không thể giành chiến thắng, bóng đá có một sức mạnh tác động lên cuộc sống con người nhiều hơn bất cứ môn thể thao nào khác.
“Đối với tôi, bóng đá là môn thể thao tôi yêu thích nhất. Đó cũng là điều mà tôi có thể làm tốt hơn hẳn những việc khác. Nhưng bóng đá còn hơn cả một môn thể thao. Common Goal mang cho chúng ta những ý nghĩa về bóng đá nhiều hơn chúng ta vẫn thường biết. Chúng ta có một nền bóng đá chuyên nghiệp nhưng cũng rất đẹp, dù bạn có đi đến đâu, bóng đá có thể được dùng làm công cụ cho các công tác xác hội, để thay đổi. Bóng đá có một sức mạnh không thể so sánh được.
“Tôi có những kỉ niệm ở Nam Phi khi chúng tôi giành chức vô địch Thế giới năm 2010. Chúng tôi nhìn thấy đam mê của những đứa trẻ ở đó, và ở Mumbai trong chuyến đi năm vừa rồi của tôi. Ở bất cứ đâu bạn tới, bạn đều thấy các em nhỏ đang mải mê chơi bóng. Ngay cả khi sân chẳng có mấy cọng cỏ nhưng chúng vẫn có thể ghi bàn. Bọn trẻ là thế.”
“Chuyến đi tới Mumbai là một trải nghiệm tuyệt vời. Rất nhiều các em nhỏ không biết tôi là ai nhưng tôi yêu cách chúng chơi bóng. Mọi người nơi đây đã cố gắng tạo một cuộc sống tốt nhất cho các em, điều này làm tôi rất cảm động, tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn mà họ phải vượt qua.”
Các cầu thủ bóng đá thường được cho là kiêu ngạo hoặc quá thờ ơ với các công tác xã hội nhưng Common Goal đã cho thấy một hướng nhìn khác. “Đôi khi bạn nhìn vào những cầu thủ bóng đá và cho rằng họ ích kỉ hoặc họ khó có thể mang đến một bộ mặt tốt đẹp cho xã hội,” Mata thừa nhận. “Nhưng đôi khi con người ta đã đánh giá sai, họ cũng có những ý kiến sâu sắc hoặc có lòng cảm thông với những người xung quanh. Tôi tin rằng là một cầu thủ chuyên nghiệp có nghĩa là anh ta phải có trách nhiệm nghĩ cho những người không có những cơ hội như mình. Đó là vấn đề thuộc về phạm trù giáo dục – nhưng tôi tin rằng chúng ta càng bàn luận nhiều về điều này thì càng nhiều các cầu thủ trẻ sẽ có thêm nhận thức về việc họ đã may mắn như thế nào.”
Bóng đá là một môn thể thao tổng hợp của những gì hỗn loạn và vinh quang, của những thất vọng hay những giấc mơ dài, và Mata đã trải qua khoảng thời gian đủ dài, vươn lên trình độ cao nhất để trải nghiệm tất cả. Anh đã từng hai lần trở thành cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải ở Chelsea trước khi chuyển sang Manchester United năm 2014. Năm 2016 Mata lại một lần nữa thi đấu dưới sự dẫn dắt của Mourinho. Và rồi Mata lại trở thành một thành viên không thể thiếu trong đội hình của HLV người Bồ Đào Nha. Ngay đầu mùa giải này, ông cũng khẳng định rằng “Tôi cần bộ não của Mata”
Hầu hết chúng ta đều hiểu và đánh giá cao năng lực của cầu thủ nhỏ bé này. Điều này cũng giống như việc chúng ta cần đến trí thông minh, tầm nhìn rộng và ý thức xã hội trong một thế giới còn nhiều những khó khăn. Bằng cách nhỏ bé nhưng cao quý của mình, anh đã tạo ra sự khác biệt sâu sắc – đó cũng chính là lí do chính khiến anh có được giải thưởng của Guardian – Cầu thủ tiêu biểu của năm 2017.
Mata nhìn xuống chiếc cúp và thì thầm cảm ơn. Nhưng sau đó anh đã nhấn mạnh niềm tin đặc biệt của mình “thay mặt cho tất cả các thành viên của Common Goal tôi tự hào khi nhận được giải thưởng này. Điều này không chỉ dành cho tôi. Mà là dành cho Common Goal – và tất cả những người đã lan truyền niềm tin rằng bóng đá có thể làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.”
Dịch: The Guardian footballer of the year 2017: Juan Mata
VIC (TTVN)