Josko Gvardiol: Khi "cơn điên" của Pep vẫn chưa dừng lại

Tác giả Frank - Thứ Hai 24/07/2023 13:50(GMT+7)

Cú ăn ba vĩ đại, mùa giải thành công nhất trong lịch sử đội bóng. Chừng đó đủ để làm tất cả các CĐV của Manchester City ngây ngất trong suốt những tháng hè. Nhưng với Pep Guardiola thì không. Với một người bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, điều duy nhất Pep quan tâm khi đứng trên đỉnh cao là lập nên những đỉnh cao mới. Những cái tên cũ của The Citizens đã ra đi, và một trong những ngôi sao trẻ đình đám nhất chuẩn bị cập bến Etihad: Josko Gvardiol.

 

100 triệu euro, đó là cái giá mà RB Leipzig đưa ra cho đội bóng nào muốn sở hữu Gvardiol. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cầu thủ 21 tuổi sẽ trở thành trung vệ đắt giá nhất trong lịch sử túc cầu giáo. Liệu cái mác đó có xứng đáng với Gvardiol? Và liệu Man City có thực sự cần một trung vệ trong khi đang sở hữu những cái tên xuất sắc ở hàng thủ? Rốt cuộc thì một bản hợp đồng bom tấn sẽ mang lại cho The Citizens những gì?

HÌNH MẪU TRUNG VỆ HIỆN ĐẠI

Điều đầu tiên khiến Pep chấm Gvardiol chính là lối chơi đậm chất hiện đại. Không chỉ là một lá chắn thép trước khung thành như một trung vệ cổ điển, Gvardiol còn có thể tung ra những đường chuyền mang tính đột biến cao khi đội nhà đang cầm bóng.

Ở mùa giải năm ngoái, RB Leipzig là đội có tỷ lệ kiểm soát bóng cao thứ hai tại Bundesliga với thời lượng cầm bóng trung bình 58,3%, chỉ đứng dưới Bayern Munich (64,4%). Điều này giúp cho Gvardiol phát huy tối đa khả năng cầm bóng của mình. Trong mùa giải vừa qua, anh vượt trội hơn tất cả các đồng đội tại RB Leipzig về số đường chạm bóng (trung bình 100 lần/90 phút), số đường chuyền thành công (trung bình 79,2 lần/90 phút) và tỷ lệ chuyền chính xác (89,3%). Trên thực tế, Gvardiol đã quá quen với việc chạm bóng trên 100 lần trong mỗi trận, và đó sẽ là một lợi thế lớn để anh nhanh chóng thích nghi với lối chơi của Man City.

Nhưng khả năng tạo dựng thế trận của Gvardiol không chỉ dừng lại ở mức luân chuyển trái bóng. Được HLV Marco Rose bố trí ở vị trí trung vệ lệch trái trong sơ đồ 3 hoặc 4 hậu vệ, Gvardiol luôn tìm cách dâng cao và phá vỡ cấu trúc đội hình của đối phương bằng những đường chuyền xuyên tuyến. Ở Bundesliga mùa trước, tuyển thủ Croatia tung ra trung bình 4,4 đường chuyền tịnh tiến bóng trong 90 phút, cao hơn gấp 4 lần so với con số của một trung vệ thông thường. 

Con số này cũng cao hơn tất cả các trung vệ đang thi đấu tại Premier League. Nó vượt xa so với thông số của Ruben Dias (3,2), Nathan Ake (2,6) hay Manuel Akanji (2,2). Đương nhiên lối chơi rát tại Premier League cũng phần nào hạn chế khả năng cầm bóng của các trung vệ, nhưng không thể phủ nhận rằng Gvardiol là một trung vệ có thiên hướng tấn công.

Đồng thời, Gvardiol cũng được đánh giá rất cao về những đường chuyền mang tính đột biến. Đó cũng chính là những pha bóng thể hiện rõ nhất tầm nhìn cũng như kỹ năng của Gvardiol khi đưa ra lựa chọn chuyền bóng lên tuyến trên. Cái hay của những đường chuyền tịnh tiến là nó gây ra bất ngờ với cầu thủ đối phương và là một cách rất hiệu quả để thoát pressing.

Dưới đây là những ví dụ tiêu biểu về cách Josko Gvardiol xuyên phá cấu trúc đội hình của đối thủ chỉ với một đường chuyền sắc sảo:

 
 
 

Nhưng nếu rơi vào tình huống không thể chuyền bóng thì Gvardiol vẫn có thể sử dụng một vũ khí khác của mình, đó chính là khả năng kéo bóng. Ở Bundesliga 22/23, trung vệ người Croatia thực hiện trung bình hơn 23 pha kéo bóng (rê bóng ít nhất 5m) trong 90 phút. Con số này xấp xỉ với Dayot Upamecano của Bayern (23,8) và cao hơn tất cả các trung vệ còn lại ở giải quốc nội. Trong số những cầu thủ chơi trên 1250 phút tại Premier League năm ngoái, chỉ có 3 người đạt thông số cao hơn Gvardiol, và tất cả đều chơi cho Man City: Ruben Dias (26,9), Jack Grealish (24,6) và Akanji (23,7).

Nếu xét chi tiết hơn, có tới 11,8/23 pha kéo bóng của Gvardiol là tiến về phía trước, tức là đưa trái bóng gần về cầu môn đối phương ít nhất 5m. Tại Bundesliga, chỉ có Upamecano (13,1) và Mats Hummels (11,8) là có thông số ấn tượng hơn. Còn tại Premier League, cũng chỉ có cặp đôi Dias (15,7) và Akanji (13,8) của Man City, Issa Diop của West Ham (12,1) và Lewis Dunk của Brighton (11,9) là thích cầm bóng tấn công hơn Gvardiol.

Một ví dụ điển hình nhất cho khả năng đi bóng của Gvardiol chính là tình huống trong trận đấu với Bỉ tại vòng bảng World Cup 2022. Nhận bóng ở vị trí trung vệ lệch trái, Gvardiol đột phá vào khoảng trống giữa Romelu Lukaku và Kevin De Bruyne, trước khi vượt qua cả Toby Alderweireld và dứt điểm ra ngoài:

 
 

Kết hợp cả số đường chuyền tịnh tiến và số lần rê bóng tịnh tiến, có thể dễ dàng nhận thấy sự vượt trội của Josko Gvardiol so với các đồng nghiệp về tầm ảnh hưởng khi triển khai bóng từ tuyến dưới:

 

VỊ TRÍ NÀO CHO GVARDIOL TẠI MAN CITY?

Vào giai đoạn cuối mùa trước, Pep Guardiola đã tái thiết lại hàng thủ của mình với việc xếp 4 trung vệ đá chính. Ake và Akanji, những người vốn xuất thân là trung vệ đã thể hiện xuất sắc trong vai trò “hậu vệ cánh”, dù thực tế họ thường chỉ là những trung vệ chơi dạt cánh trong sơ đồ 3 hậu vệ của Pep.

Sau khi Man City đánh bại Chelsea để lên ngôi vô địch, chính Pep cũng đã nói rằng việc có thêm trung vệ sẽ giúp đội bóng của ông chuẩn bị tốt hơn trong những tình huống tranh chấp tay đôi. Và rõ ràng việc các nhà ĐKVĐ châu Âu chiêu mộ được Gvardiol chẳng khác nào hổ mọc thêm cánh. 

Không những sở hữu khả năng cầm bóng cực tốt, Gvardiol còn là một chốt chặn cực kỳ uy tín. Thể chất vượt trội, thân pháp nhanh nhẹn và lối chơi năng nổ là quá đủ để trung vệ 21 tuổi giành ưu thế trong những pha tranh chấp 1 vs 1. Đồng thời, tốc độ của Gvardiol cũng giúp anh dễ dàng thi đấu ở vị trí trung vệ dạt cánh trong sơ đồ 3 trung vệ của Pep. Và dù không phải mẫu cầu thủ hay tắc bóng, nhưng Gvardiol cũng đạt tỷ lệ xoạc bóng thành công 73,9% trong mùa giải năm ngoái, cao thứ 4 trong số các trung vệ đang thi đấu tại Bundesliga. 

Nếu như cập bến Etihad, gần như chắc chắn Gvardiol sẽ chắc suất đá chính trong đội hình của Pep. Với bộ kỹ năng hiện tại, cầu thủ người Croatia có thể đảm nhiệm vai trò tiền vệ trụ giống như những gì mà Pep đã làm với John Stones. Và đương nhiên, Gvardiol cũng hoàn toàn có thể chơi tốt ở vị trí trung vệ hay hậu vệ trái trong sơ đồ tứ vệ.  

Tuy nhiên, vị trí phù hợp nhất với Gvardiol có lẽ vẫn sẽ là trung vệ lệch trái trong sơ đồ 3-2 (3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm) đã làm nên thành công của The Citizens ở mùa giải năm ngoái. Với sự có mặt của một cầu thủ có khả năng cầm bóng tốt như Gvardiol, sơ đồ này sẽ trở thành một phiên bản nâng cấp còn đáng sợ hơn. Thậm chí với thể chất vượt trội và khả năng thi đấu bao sân, Gvardiol có thể cũng sẽ là chìa khóa để Man xanh “dĩ độc trị độc” trước những đối thủ cũng thi đấu với sơ đồ 3-2 tương tự.

Nhược điểm lớn nhất mà Gvardiol cần phải khắc phục nếu chuyển tới nước Anh là độ mạo hiểm trong các đường chuyền. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác lên tuyến trên của anh chỉ đạt 74%, thấp hơn hẳn so với các trung vệ hiện tại của Man City (Akanji 85%, Stones 84%, Ake 83% và Dias 81%). Pep coi trọng khả năng kiểm soát thế trận hơn tất cả mọi thứ, và những đường chuyền quá mạo hiểm của Gvardiol có thể sẽ khiến anh mất điểm trong mắt ông thầy người Tây Ban Nha.

 

KẾT LẠI

Ở độ tuổi 21, Josko Gvardiol rõ ràng đang sở hữu một bản CV tuyệt đẹp. Với việc Aymeric Laporte có khả năng chia tay Man City, trung vệ người Croatia hứa hẹn sẽ là một sự thay thế xứng đáng cho các nhà ĐKVĐ châu Âu trong mùa hè năm nay. Nhưng trước hết, Man City sẽ cần phải đưa ra một con số để có thể nhận được cái gật đầu từ RB Leipzig, và con số đó khó có thể thấp hơn 100 triệu euro.

Nghe thì có vẻ nực cười, nhưng nếu Gvardiol giữ được đẳng cấp hiện tại và Pep tiếp tục đưa ra những phát kiến mới trong tương lai thì 100 triệu euro có khi vẫn là một món hời với Man City.

Lược dịch từ bài viết “Why Joško Gvardiol to Manchester City Is a Match Made in Heaven” trên The Analyst

Link bài viết: https://theanalyst.com/eu/2023/07/josko-gvardiol-manchester-city-transfer-analysis-match-made-in-heaven/ 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.