Jose Mourinho và Instagram: Tưởng không hợp mà hợp không tưởng

Tác giả CG - Thứ Tư 16/12/2020 17:12(GMT+7)

Tài khoản Instagram của HLV trưởng Tottenham là một góc nhìn về cá tính của ông. Đó là một khía cạnh mà không phải lúc nào ông cũng muốn mọi người nhìn thấy.

 
Những nội dung sau đây nghe thì chẳng có gì là hấp dẫn cả. Một video dài 15 giây ghi lại cảnh một người đàn ông đang lau giày của ông ta. Một bức ảnh chụp khoảnh khắc người đàn ông đó đang xem điện thoại dưới trời tuyết, lúc ông ngồi trên xe buýt hay cảnh ông ta ăn bỏng ngô.
 
Thực tế, những bức ảnh hay video được thực hiện cũng không quá bóng bẩy cầu kì. Thường thì góc máy sẽ hơi lệch một chút, khung hình thì hiếm khi hoàn hảo. Trong một vài bức ảnh, những người kỹ tính có thể chỉ ra chủ thể còn không được lấy đúng nét.
 
Tuy nhiên, không sai sót nhỏ nào trong số đó có thể ngăn cản một sự thay đổi có lẽ là bất ngờ nhất trong năm: Jose Mourinho đang gây sốt thực sự trên Instagram. Tất nhiên, không ngạc nhiên khi sau 10 tháng kể từ khi Mourinho khởi động lại tài khoản của mình - và nhất là 6 tháng kể từ khi ông có vẻ nhớ ra mình có một tài khoản Instagram - ông đã thu hút hơn 1,5 triệu người bấm theo dõi. Sau tất cả, chiến lược gia người Bồ Đào Nha vẫn là một trong những nhân vật nổi tiếng và thu hút nhất thế giới bóng đá suốt gần 2 thập kỷ. 
 
Nhưng đó không phải điều khiến Instagram của ông trở nên nổi bật. Nhìn bên ngoài, Mourinho có vẻ không quá phù hợp với mạng xã hội này. Ở tuổi 57, ông không hẳn là một người sành về kỹ thuật số. Ông chưa bao giờ thể hiện sự quan tâm đặc biệt cho mạng xã hội. Mourinho cũng không thể hiện một ấn tượng rằng ông muốn mở cho người hâm mộ một cánh cửa sổ để họ nhìn vào cuộc sống của ông cả trong công việc lẫn ngoài đời thường.
 
Chiến lược gia người Bồ Đào Nha thừa nhận ông lập Instagram trong quãng thời gian ở Man United để làm hài lòng các nhà tài trợ. Ông tiếp tục sử dụng nó một cách miễn cưỡng và không thường xuyên trong suốt 2 năm trước khi xóa tài khoản vào tháng 5 năm 2018. Bạn bè cho biết ông càng ngày càng “chán tận cổ” với nó.
 
 
Mùa giải đầu tiên ở Spurs cũng vậy, ông bực bội vì đoàn làm phim “All or Nothing”, ống kính máy quay xuất hiện khắp nơi. Mourinho từng phát biểu: “Chỉ khi tôi đi vệ sinh là họ không theo thôi”. Khi đoàn làm phim rời đi, ông rất vui bởi “mọi thứ có thể giữ trong nội bộ giữa chúng tôi theo cách tôi thích”.
 
Nhưng rồi sau đó, Mourinho lại hết sức thoải mái và tự nhiên với Instagram. Khoảng thời gian đầu ông dùng khá hạn chế: 4 tháng đầu kể từ khi mở lại tài khoản, ông chỉ đăng khoảng 5-6 bài và 2 trong số đó là trả quyền lợi cho các nhà tài trợ. Nhưng kể từ tháng 6 trở đi, ông sử dụng Instagram thường xuyên hơn.
 
Trong tổng số 65 bài đăng của ông cho đến thứ 2 vừa rồi, chỉ 12 bài trong số là có liên quan đến yếu tố thương mại. 8 bài khác là những bức hình được chụp bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và ông đăng lại lên tài khoản. 5 bài đăng dành cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp Quốc.
 
Còn lại - 14 video, 26 ảnh - là cá nhân, nếu không phải do Mourinho thực hiện thì là người khác. Ông thường xuyên đưa điện thoại của mình cho bất cứ thành viên nào trong ban huấn luyện hoặc nhân viên Spurs nào đứng gần nhất và nhờ họ chụp để đăng.
 
Dù ông thừa nhận rằng các nhà tài trợ đã từng đề nghị ông hãy sử dụng lại mạng xã hội - “Họ cảm thấy khi tôi đóng tài khoản vài năm trước, chúng tôi đã mất vài triệu người theo dõi và điều đó khiến họ không hài lòng” - tuy nhiên ông không để cho đội ngũ quản lý đăng bài. Ông cũng không làm theo lệnh của CLB.
 
 
Mourinho nói ông coi đó như một cơ hội để “mở thế giới của chúng ta với thế giới”. Theo một cố vấn từng làm việc cùng Mourinho trước kia, ông chợt nhận ra một điều sau khi bộ phim tài liệu của Amazon được phát sóng: Những điều thực tế về hoạt động hàng ngày của ông ít nhất cũng thú vị với mọi không kém những hành động của ông ở đường biên hay các quyết định chiến thuật.
 
Mourinho là một “fan ruột” của Công thức 1. Trên Instagram của “Người đặc biệt” có một video ông ngồi với ban huấn luyện và xem một chặng đua Grand Prix, nhìn họ không quá chăm chú như ông. Ông cho biết mình “rất muốn biết một đội lớn, các tay đua, ông chủ làm việc ra sao. Mọi người đều thích xem những thứ diễn ra bên trong. Họ yêu thích những gì mình không nhìn thấy”.
 
Và tài khoản Instagram của Mourinho cung cấp những hình ảnh không chỉ là trong thế giới của ông - hình ảnh văn phòng khi ông phân tích một buổi tập, cái nhìn lướt qua về phòng thay đồ Spurs - mà đó còn là cả những suy nghĩ của ông nữa.
 
Có những dòng chú thích ông dành để ca ngợi các cầu thủ (ví dụ như “Những cầu thủ hàng đầu là những cầu thủ thi đấu vì tập thể” bên cạnh bức hình của Harry Kane) hoặc phê bình đội bóng của mình (“Tôi hy vọng tất cả mọi người trên chiếc xe buýt này cũng đều không vui giống tôi”). Và tất nhiên, Mourinho vẫn là Mourinho, đôi khi ông có những đánh giá về bất cứ ai mà ông không hài lòng như nhận xét về các quy định liên quan tới COVID-19 trong tuần lễ tập trung đội tuyển quốc gia gần nhất.
 
 
Mourinho dùng Instagram để ăn mừng và hờn dỗi, để phàn nàn và tán dương. Và ông “chơi Instagram” một cách trung thực và thật nhất. Cho dù đó là một hình ảnh đẹp, có chủ ý hay là không hoàn hảo thì nó đều thu hút và khiến người ta chú ý.
 
Bà Lucie Greene - sáng lập viên của Light Years, công ty tư vấn cho các thương hiệu về chiến lược kỹ thuật số - cho biết: “Thế hệ Z (thế hệ sinh ra trong khoảng giữa thập niên 90 đến đầu thập niên 2010) có xu hướng coi trọng sự hài hước và sáng tạo. 
 
Với thế hệ Millennials (Thệ hệ sinh ra trong khoảng đầu thập niên 80 đến cuối thập niên 90) thường coi nó là đại diện cho phong cách sống đầy khát vọng: Instagram giống như một Condé Nast mới (Công ty truyền thông đại chúng của Mỹ sở hữu những thương hiệu ấn phẩm truyền thông nổi tiếng như Vogue, The New Yorker, GQ,…). Tuy nhiên, những nhân vật lớn tuổi hơn mà có tầm ảnh hưởng thường thực tế hơn nhiều và ít quan tâm đến việc đánh bóng hay thể hiện thương hiệu cá nhân”.
 
Theo bà Greene, Instagram ngày càng phổ biến hơn với thế hệ lớn tuổi nói chung và những người đàn ông lớn tuổi nói riêng. Bà tiếp tục: “Với thế hệ Millennials, Instagram giống một cỗ máy tiêu dùng. Nhưng với những người lớn tuổi hơn thì nó thiên về tính cộng đồng, một cách để kết nối với mọi người và trao đổi ý tưởng”.
 
Công bằng mà nói, Mourinho dùng Instagram không phải vì cộng đồng. Ông chỉ theo dõi 13 tài khoản, chủ yếu là những tài khoản chính thức của các nhà tài trợ cũng như một vài thành viên trong gia đình, người đại diện của ông tại Creative Artists và nhà tự nhiên học David Attenborough. Không có tài khoản nào của cầu thủ ông dẫn dắt dù là quá khứ hay hiện tại.
 
Thay vào đó, tài khoản của chiến lược gia người Bồ Đào Nha như một ví dụ rõ ràng về việc Instagram giống một loại nhật ký trực quan, như lời bà Greene: một góc nhìn chân thực, không giả dối vào thế giới của ông. Mourinho không chỉ đăng khi ông vui, sau những thất bại ông cũng đăng bài.
 
 
“Tường” của ông không có những bài đăng giả vờ khiêm tốn nhưng ngầm trong đó là ý định khoe khoang kiểu như một bức ảnh với bãi cát vàng, bầu trời xanh kèm dòng chú thích “văn phòng của ngày hôm nay”. Những bức ảnh hay video mà ông chọn không để khoe khoang cuộc sống của ông mà chúng chỉ phản ánh nó.

Bản thân Mourinho thừa nhận ông không phải một người quá hợp mạng xã hội. “Về bản chất tôi không phải một người phù hợp với Instagram”, HLV trưởng Tottenham chia sẻ trên kênh chính thức của CLB. Tuy nhiên theo một cách nào đó thì không phải vậy.
 
Mourinho đã dành 2 thập kỷ qua để xây dựng hình ảnh trước công chúng một cách cẩn thận thông qua những lần xuất hiện trên truyền thông được dàn dựng tỉ mỉ và chọn lọc có chiến lược, những phát biểu mang tính công kích một cách công khai. Instagram đơn giản là một bước đi hợp lý tiếp theo, nơi ông có thể chỉnh sửa hình ảnh đó nếu ông thấy phù hợp, giúp nó tròn trịa, gần gũi hơn.
 
Và dù không khẳng định nhưng dường như ông khá thích việc đó. “Bạn có thể thấy ông ấy chắc chắn đã tham gia vào thế giới ấy”, bà Lucie Greene nhận định.
 
Khi lướt tường Instagram của Mourinho, Greene ngạc nhiên khi thấy bạn bè, đồng nghiệp và người thân đã bấm thích một loạt bài đăng của ông mà đối với những người không thích bóng đá thì nó chẳng có ý nghĩa gì mấy. Một người đàn ông ngồi ăn bỏng ngô hay ngồi ủ rũ trên xe buýt không có nhiều giá trị nghệ thuật. Nhưng không thể phủ nhận chúng góp phần làm nên Mourinho: nhà vô địch Champions League, Premier League, một người có tầm ảnh hưởng trên Instagram.

Lược dịch từ bài viết “What Is José Mourinho Telling Us on Instagram?” của tác giả Rory Smith trên New York Times.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.