Jose Mourinho và Chelsea: Những chuyện chưa kể...

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Bảy 20/10/2018 08:18(GMT+7)

Bài viết có thể phần nào trở thành kho dẫn chứng để từ đó, những cuộc tranh luận ‘‘Mourinho sai hay Chelsea sai" mà chính bạn là người phản biện sẽ xác đáng và rõ ràng hơn.

 Phút 113 trong hiệp phụ thứ 2 trận tranh siêu cúp châu Âu mùa 2013, Hazard rời sân sau khi ghi bàn thắng giúp Chelsea vươn lên dẫn 2-1 trước Bayern Munich.

Trong khi cầu thủ người Bỉ chậm rãi tiến về phía khu vực huấn luyện, Mourinho hối hả chạy ra khỏi chỗ ngồi để hô hào khán giả vỗ tay cuồng nhiệt hơn cho Hazard.

HLV người Bồ chỉ tay về phía cậu học trò như thể chàng trai trẻ này quan trọng hơn bất cứ ai trong đội hình của mình. Mùa đó, Mourinho ví Hazard là người gần nhất tiệm cận với đẳng cấp của Ronaldo, Messi; và mặc định dù cả đội hình Chelsea có gồng mình phòng ngự, thì người duy nhất nhận được đặc ân vừa đi vừa thở vẫn là Hazard.

Có vẻ như, Người Không Còn Hạnh Phúc tin rằng ông đã tìm ra một cá tính đồng hành tín cậy trước khi Hazard trở thành tâm điểm trong vụ án "3 con chuột" ở mùa 15/16. Nhưng, giống như một cái đấm vào mặt dư luận, Hazard tự rửa mặt cho mình vài ngày trước khi bày tỏ nguyện vọng được đoàn tụ với Mourinho.

Như thể, trong lúc cơ đồ của HLV người Bồ đang đi trên dây, thì Hazard lại đột nhiên xuất hiện để làm sống dậy triết lí trị nhân tưởng như đã chết mà Mourinho từng được coi như bậc thầy trong quá khứ.

Khả năng lấy lòng quân vẫn còn đó, thậm chí để lại dư âm sau nhiều năm, nhưng điều gì đã làm cho Mourinho luôn trở nên khốn khổ khi cố gắng xây dựng một đế chế lâu dài? Chiến thuật lỗi thời, thế giới quan luôn coi mình là trung tâm, bị cầu thủ phản bội hay hằng hà vô số thứ khác...?

Bên dưới khoảng 5000 chữ, không dám nói sẽ moi ra được hết lí do Mourinho thất bại, nhưng chí ít, bài viết có thể phần nào trở thành kho dẫn chứng để từ đó, những cuộc tranh luận ‘‘Mourinho sai hay Chelsea sai‘‘ mà chính bạn là người phản biện sẽ xác đáng và rõ ràng hơn.  
 

BỊ CẦU THỦ PHẢN BỘI…

Ngay từ trước khi mùa giải mới (15/16) bắt đầu, đã có những dấu hiệu cho thấy Chelsea sẽ không thể khởi đầu mạnh mẽ như ở mùa trước. Đội bóng chính thức tập trung vào ngày 14/7/2015, chỉ 25 ngày trước khi Premier League khai màn. Còn ở mùa giải 14/15, Chelsea có buổi tập đầu tiên vào ngày 9/7, nghĩa là thầy trò Jose Mourinho có tận 38 ngày để chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên ở Premier League.

Quyết định dời ngày tập trung muộn hơn, vừa là ý tưởng của cầu thủ, vừa là ý tưởng của Mourinho. Eden Hazard và các đồng đội đã xin Mourinho thêm thời gian nghỉ ngơi sau một mùa giải thành công nhưng không kém phần căng thẳng. Mourinho đồng ý, nhưng tất nhiên không chỉ bởi ông yêu mến các cầu thủ. Bản thân ông cũng có những lí do của riêng mình.

Thứ nhất, khi nhìn lại mùa giải 14/15, những cầu thủ trụ cột của Mou liên tục phải cày ải. Tổng cộng 22 cầu thủ được Mourinho sử dụng trên mọi mặt trận; trong đó, có 10 người đá ít hơn 10 trận ở Premier League, và 7 trong số 10 cái tên này đá ít hơn 5 trận. Ông đã gặp may, bởi cả mùa Chelsea chỉ phải chịu 19 ca chấn thương, ít nhất giải.

Thứ hai, Chelsea bắt đầu mùa giải 14/15 với tốc độ của một chiếc xe F1, với 14 trận liên tiếp bất bại (thắng 11, hòa 3). Nhưng kể từ sau chiến thắng hủy diệt 5-0 trước Swansea, họ bắt đầu chững lại.

Họ trải qua chuỗi 11 trận liên tiếp chỉ hòa hoặc thắng với cách biệt tối thiểu. Chính Mourinho đã thừa nhận điều này: ‘‘Cả đội khi đó đã tỏ ra mệt mỏi, mặc dù vậy, chúng tôi cố xoay xở với những lợi thế có trong tay. Điều này thật không bình thường chút nào.‘‘

Ông tiếp tục gặp may, bởi trong cùng khoảng thời gian đó, các đối thủ cũng trượt chân một cách khó hiểu. Manchester United thua 3 trận, Man City thậm chí còn tệ hơn, họ thua đến 4 trận. Cách biệt về điểm số Chelsea tạo ra trước đó là đủ để họ về đích an toàn.

Đó là những lí do vì sao ông chấp nhận kéo dài kì nghỉ cho các cầu thủ. Ông muốn họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, đồng thời tránh vết xe đổ mùa trước; tuy nhiên, kết quả thu được thật tồi tệ. Trở về sau kì nghỉ, Eden Hazard, Diego Costa… tăng cân đồng loạt và không còn giữ được thể trạng ban đầu.

Trong trường hợp này, niềm tin của Mourinho dành cho các cầu thủ đã bị phản bội.

BỊ BAN LÃNH ĐẠO PHẢN BỘI…

Mourinho không phải là người giỏi liệu cơm gắp mắm. Không phải ngẫu nhiên những đội bóng ông dẫn dắt kể từ khi giành Champions League với Porto đều sở hữu một đội hình chất lượng và luôn dồi dào về mặt tài chính (Chelsea 1.0, Inter Milan, Real Madrid). Đó là lí do HLV người Bồ luôn cố tận dụng mọi kì chuyển nhượng để cải thiện đội hình.

Vấn đề giữa ban lãnh đạo đội bóng và Mourinho ở triều đại thứ hai của ông đã manh nha xuất hiện từ kì chuyển nhượng mùa đông 14/15. Mùa đông trước đó, mùa 13/14, Chelsea chiêu mộ Nemanja Matic từ Benfica.

Sự có mặt của Matic đã ảnh hưởng rất tích cực đến phong độ toàn đội ở phần còn lại của mùa giải. Do đó, Mourinho rất hi vọng sẽ có thêm điều tương tự lần này, nhất là khi họ vừa để thua Tottenham 5-3 vào ngày đầu tiên của kì chuyển nhượng và cần một cú hích.

Hi vọng nhanh chóng trở thành thất vọng. Hồi âm từ ban lãnh đạo rất ngắn gọn: ‘‘Không có tiền để chi vào tháng Một.“

Nghĩa là nếu muốn mua, Chelsea phải bán người trước đã. Mourinho muốn nâng cấp vị trí tiền đạo cánh, và để có sự phục vụ của Juan Cuadrado với giá 26 triệu bảng, Chelsea buộc phải bán Andre Schürrle và Ryan Bertrand với tổng giá trị là 32 triệu bảng, chưa kể Mohamed Salah được đem cho Fiorentina mượn như là một phần của thương vụ Cuadrado. Về cơ bản, Mou mất đến ba cầu thủ để đổi lấy một người.

Chelsea sau đó vô địch và Mourinho tạm chấp nhận nuốt trôi chuyện này, nhưng thật ngạc nhiên khi ban lãnh đạo tiếp tục yêu cầu ông phải bán cầu thủ thì mới được mua thêm người.

Đây là một động thái có phần trở mặt của giới thượng tầng, bởi một trong những yêu cầu tiên quyết để Mourinho gia hạn thêm 4 năm với Chelsea vào tháng 8/2015, đó là mang về những bản hợp đồng lớn để khẳng định rằng Chelsea không hề ngủ quên trên chiến thắng.

Trong cuốn sách ‘‘Jose Mourinho: Up Close and Personal‘‘, tác giả Robert Beasley tiết lộ chuyện Mourinho nhờ chính tác giả viết những kêu ca của ông lên khắp các mặt báo nhằm gây sức ép với ban lãnh đạo, nhưng họ dường như không quan tâm đến chuyện đó, và cứ như thủy triều lên xuống đều đặn, những Paul Pogba, Antoine Griezmann, Douglas Costa, Isco hay Mario Götze liên tục được cho là có liên hệ với Chelsea, và...

...chẳng ai trong số đó cập bến Stamford Bridge.

Trong suốt khoảng thời gian đầu mùa giải 15/16, Chelsea dính vào một trong những thất bại chuyển nhượng rối rắm nhất trong lịch sử CLB mang tên John Stones. Cái cách Chelsea không thể đưa Stones về Stamford Bridge tái hiện lại thất bại của The Blues trong việc chiêu mộ Wayne Rooney vào năm 2013: Tưởng như rất gần, mà ngờ đâu lại quá xa.

Thông tin về mong muốn có được Stones của Chelsea tiếp tục nổi bật trên các trang báo; như thể, họ có thể nói không ngừng nghỉ về ý định chiêu mộ trung vệ trẻ người Anh từ đội bóng phía Tây London.

Nhưng Michael Emenalo và Marina Granovskaia vẫn chưa cho thấy động thái tích cực, điều này làm cả ban lãnh đạo Everton, Mourinho và cả CĐV Chelsea toát mồ hôi hột, bởi thời gian chuyển nhượng đang dần cạn. Nếu Chelsea không có động thái sớm, Everton sẽ khó tìm được người thay thế xứng đáng, và mọi chuyện sẽ chấm dứt.

Thế rồi Chelsea đưa ra mức giá 20 triệu bảng để thăm dò. Everton nói “Không”. Chelsea tăng giá lên 26 triệu. Everton vẫn nói “Không”. Sau đó là một quãng thời gian chờ đợi, trước khi mức giá 30 triệu bảng được đưa ra như một hành động bị dồn vào thế chân tường, trong bối cảnh Chelsea vừa bị Man City giã đến 3 bàn không gỡ ngay vòng 2 và Terry bị thay ra ngay sau hiệp 1.

Đó là lúc Stones làm điều mà Rooney không bao giờ làm: Anh nộp đơn xin chuyển nhượng để thúc đẩy thương vụ. Nhưng Everton muốn nhiều hơn, cái giá 30 triệu bảng vẫn chưa đủ, nhất là khi họ biết Chelsea đang thèm khát một trung vệ giỏi, và thế là nhà ĐKVĐ Premier League ra về tay trắng.

Đây là thất bại đã được dự báo từ trước. Thứ nhất, Chelsea đã sai lầm khi công khai ý định chiêu mộ Stones, bởi như thế, giá trị cầu thủ chỉ tăng và... tăng. Thứ hai, một khi đã công khai ý định, thì bộ phận mua bán của CLB cần phải giải quyết thật sớm, bởi nếu Stones ra đi, Everton chỉ còn đúng 2 sự lựa chọn ở hàng thủ (Phil Jagielka và Ramiro Funes Mori), vì thế họ cần thời gian để tìm người thay thế. Thất bại trong thương vụ này thực sự là một đòn đau đối với Chelsea, bởi Emenalo và Marina đã dành quá nhiều thời gian cho Stones, vì thế họ không còn thời gian để tiếp cận những mục tiêu lớn khác. Juventus và PSG nhanh chóng từ chối lời đề nghị của The Blues dành cho Pogba và Marquinhos.

Các hoạt động chuyển nhượng khác của Chelsea cũng không có gì ấn tượng. Abramovich bỏ qua đề nghị của Mourinho, cho phép Petr Cech gia nhập kình địch cùng thành phố Arsenal với giá 10 triệu bảng. Để thay thế Cech, Asmir Begovic được đưa về với giá 8 triệu bảng. Một đến, một đi.

Tiếp đến, Radamel Falcao được đem về dưới dạng cho mượn để thay Didier Drogba, dù “Mãnh hổ” vừa có một mùa giải đáng quên dưới màu áo M.U. Một đến, một đi.

Filipe Luis trở về Atletico Madrid vì không thể thích nghi với nước Anh, đem về cho Chelsea 16 triệu bảng. Số tiền đó cộng thêm 5 triệu bảng là đủ để đội bóng “gây quỹ” để đưa về Baba Rahman từ Ausgburg. Một đến, một đi.

Sau đó, trong một động thái bất ngờ, Chelsea nẫng tay trên của M.U để có được chữ kí của Pedro. Tuy nhiên, vẫn là một đến, một đi; bởi Pedro đến để thay cho Cuadrado, người trở về Ý sau đó.

Cuối cùng, hết cá thì vơ bèo gạt tép. Ở những ngày cuối của kì chuyển nhượng mùa hè, Chelsea mới ngớ người ra rằng họ sẽ không thể có sự phục vụ của Stones, vì thế họ lao vào TTCN và đem về những trung vệ “trời ơi đất hỡi”: Papy Djilobodji, người mà Mou thừa nhận “không biết đó là ai” đến từ Nantes với giá 2,7 triệu bảng, còn Michael Hector, bản hợp đồng trị giá 4 triệu bảng từ Reading, được đem cho mượn ngay lập tức.

Trong khi Mourinho thừa hưởng đội hình gần như y xì về lượng và kém hơn hẳn về chất (Begovic, Baba Rahman không thể sánh với Cech và Filipe Luis về đẳng cấp, trong khi Djilobodji là một trò đùa). Tệ hơn, các đối thủ của Chelsea đều chi đậm để nâng cấp đội hình. Tổng chi của đội bóng phía Tây London là 65 triệu bảng, nhưng vì họ thu lại 31,75 triệu bảng tiền bán cầu thủ, thực chất họ chỉ phải bỏ ra 33,25 triệu bảng.

Liverpool chi một khoản gần bằng như vậy để mua mình Christian Benteke. M.U còn chi hơn thế, với 36 triệu bảng chỉ để mang về Anthony Martial. Còn với Man City, việc họ chiêu mộ Kevin De Bruyne với giá 55 triệu bảng khiến mức giá 44 triệu bảng họ vừa bỏ ra cho Sterling chỉ là con số lẻ.

Trong trường hợp này, niềm tin của Mourinho dành cho ban lãnh đạo đã bị phản bội.

… NHƯNG MOURINHO CŨNG TRỞ NÊN LỖI THỜI

Có một câu hỏi được đặt ra, mặc dù trải qua một kì chuyển nhượng thất bại, tại sao một đội bóng đang là ĐKVĐ giải Ngoại hạng, lại có thể sa sút kinh khủng đến thế? (Cho đến khi Mourinho bị sa thải, Chelsea thua đến 9/16 trận ở Premier League)

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy cũng điểm lại những yếu tố đã giúp họ lên ngôi ở mùa 14/15:

- Matic đá như cân thêm một người, còn Fabregas là chìa khóa để giết gà.

- Một hàng thủ vững vàng đến kì lạ, dù 3/4 hậu vệ bắt đầu bước sang tuổi băm (Ivanovic, Terry, Cahill).

- Hazard và Diego Costa có phong độ tốt.

Tất cả những yếu tố này, bằng cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đều không còn tồn tại ở mùa giải sau đó:

- Các đối thủ bắt đầu tìm ra điểm yếu của Chelsea: Khoảng trống phía sau Fabregas. Trước đây Matic có thể “cân hai” để khỏa lấp điều này, nhưng bản thân anh cũng mất phong độ và đối phương liên tục khoét vào lỗ hổng đó.

- Fabregas và bệnh “nửa mùa”: Ở nửa đầu mùa 14/15, anh kiến tạo 13 lần, nửa mùa sau chỉ vỏn vẹn 2 lần. Mùa 15/16 thì ngược lại: Nửa đầu mùa bóng kiến tạo 2 lần, nửa sau kiến tạo 5 lần (chỉ tính riêng Premier League). Với thông số cả mùa chỉ bằng một nửa mùa trước của chân kiến tạo tốt nhất đội, không khó hiểu khi Chelsea quên cách tìm đến mành lưới đối phương.

- Một hàng tiền vệ không thể che chắn khiến cặp trung vệ Terry – Cahill vốn chậm chạp thường xuyên phơi mặt để chịu đòn. Nó giống hệt tình cảnh của Leicester mùa 16/17, khi Huth – Morgan hiện nguyên hình là… Huth – Morgan sau khi Kante đến Chelsea. Với trường hợp của Ivanovic, việc Chelsea đá 4-2-3-1 nhưng Willian thường xuyên bó vào trong khiến anh liên tục rơi vào tình cảnh 1 vs 1 với những chiếc xe đua bên hành lang trái đối phương (Montero, Bolasie, Zaha, Naismith hay Brahimi).

Thêm nữa, khi Oscar – người pressing tốt nhất trong các tiền vệ công Chelsea sở hữu dính chấn thương ở đầu mùa bóng, Chelsea thất bại trong việc phòng ngự tầm cao, giúp hậu vệ đối phương thoải mái triển khai bóng và các tiền đạo thả sức bứt tốc, luồn sau lưng cặp trung vệ chậm chạp của Chelsea mỗi khi có cơ hội.

- Hazard và Costa không giữ được thể trạng và mất phong độ nhanh chóng.

Hơn 2000 từ ở trên đã phần nào giải thích vì sao Chelsea sa sút đến khó tin ở mùa 15/16.

Nhưng Mourinho có vô tội hay không?

Không, và nó đến từ phương pháp huấn luyện có phần lỗi thời của Mourinho.

Phương pháp huấn luyện của Mourinho, dù cùng một “trường đào tạo” với Pep Guardiola (Barcelona), tỏ ra khác biệt hoàn toàn so với người đồng cấp.

Pep luôn lấy chuyện KIỂM SOÁT MỌI THỨ làm đầu, nghĩa là từ việc cầm bóng đến chết, biến thủ môn trở thành người triển khai bóng thứ 11 cho đến từng quả ném biên, ông kiểm soát bằng hết. Các cầu thủ cứ yên tâm mà đá, vì họ sẽ kiểm soát mọi thứ, nên đối phương sẽ không có gì để chơi.

Trong khi đó, Mourinho lại thiên về KIỂM SOÁT TÌNH THẾ. Nghĩa là mọi tình huống có thể xảy ra, ông tự tin đã lường trước được hết. Các cầu thủ cứ nghe ông và giành chiến thắng.

Mourinho từng thành công vang dội với những dự đoán của mình. “Đôi khi có cảm giác ông ấy có thể nhìn thấy tương lai”, thủ thành Vitor Baia của Porto nói. “Trong trận đấu với Benfica, chúng tôi đã tập trước đá 10 người, vì Jose biết trọng tài sẽ không chịu được áp lực và sẽ rút thẻ đỏ. Điều đó đã xảy ra đúng như vậy, nên chúng tôi biết phải làm gì và có một chiến thắng sít sao”.

Ngoài ra, với Mourinho, HLV “không chỉ đơn thuần làm nghề huấn luyện, họ còn phải là nhà tâm lí học nữa.” Ông vận dụng tâm lí học để thu phục cầu thủ. Cầu thủ thấy Mourinho lường trước hết sự việc, sau đó giành chiến thắng, họ nể phục và bị thu phục. Đó là lí do ông có thể thuyết phục Samuel Eto’o, một tiền đạo xuất chúng chấp nhận đá như một hậu vệ cánh khi đối đầu với Barcelona hay Ibrahimovic cư xử một cậu trai ngoan mỗi lần gặp lại vị Bố Già của mình.

Nhưng, triết lý của Mourinho chỉ có thể tạo ra thành công trong thời gian ngắn, bởi những tình huống không thể lường trước mới chính là thứ tạo nên bóng đá.

Khi khoảng thời gian Mourinho gắn bó với một đội bóng càng được nới rộng, những tình huống không lường trước sẽ ngày một dày đặc; và Mourinho thì không có phép thuật, chính ông cũng từng nói mình không phải Harry Potter.

Chúng ta có thể hình dung những điều Mourinho nói với các cầu thủ Chelsea ở mùa 15/16 thế này: “Các cậu cứ đá hết mình đi, thua thì tôi nhận lỗi thay cho”. Điều này giúp các cầu thủ có một tâm lí tốt, nhưng những thứ tạo nên nền tảng cho một chiến thắng, từ chiến thuật cho đến thể trạng cầu thủ đều không được đảm bảo.

Họ tin rằng mình vừa trải qua một mùa giải thành công nhờ Mou, họ tin Mou, thế nên họ quên hết tất cả những khía cạnh còn lại và chỉ dựa dẫm vào vị HLV của mình. Vì thế họ thua, thậm chí thua liên tục (đó cũng là lí do vì sao khi được Antonio Conte dẫn dắt, một người luôn có sẵn bài vở cho các cầu thủ, Chelsea nhanh chóng cải thiện phong độ và lên ngôi vô địch).

… DẪN ĐẾN NHỮNG ÁM ẢNH VỀ HỘI CHỨNG MÙA THỨ BA CỦA MOURINHO

Một điều tạo nên sự khác biệt giữa một đội bóng lớn và các đội bóng nhỏ là: Họ phải biết đứng dậy sau thất bại. Họ không được phép chấp nhận thất bại như những đội bóng nhỏ chỉ khao khát đạt đủ 40 điểm để trụ hạng. Đây cũng là một trong những bí quyết mà Sir Alex tiết lộ trong cuốn tự truyện của mình, giúp M.U luôn đứng dậy sau mỗi thất bại.

Nhưng vấn đề của Chelsea là họ không quen với điều đó. Họ không có thói quen chỉnh đốn lại thái độ của mình sau khi bị dẫn bàn, bởi ở mùa trước, hiếm khi họ bị dẫn trước. Mùa 14/15, họ chỉ bị dẫn trước 8 lần sau 38 trận. Mùa 15/16, họ bị dẫn đến 5 lần chỉ sau 10 trận đầu tiên.

Điều này khiến các cầu thủ mất hết sự tự tin. Hãy lấy Hazard làm ví dụ. Chúng ta đã quá quen với kĩ thuật sút phạt đền không cần nhìn bóng của anh. Để làm được điều này không hề đơn giản, sự tự tin sẽ đóng vai trò tối thượng. Sự tự tin của cầu thủ người Bỉ sau đó nhanh chóng bốc hơi, sau khi lần lượt đá hỏng 2 quả phạt đền trong các trận đấu gặp Maccabi Tel Aviv và ĐT Andorra.

Như một điều tất yếu, điều này dẫn đến việc lần đầu tiên anh bỏ qua kĩ thuật này, để sút một cú thật mạnh khi đá phạt đền với Stoke ở Capital One Cup; chỉ có điều, cú sút của Hazard dội xà, Chelsea bị loại.

Các cầu thủ như những thủy thủ mất phương hướng trước giông bão, nhưng vị thuyền trưởng của họ, Mourinho cũng không hề quen với điều này. Theo quan điểm của cựu cầu thủ Stoke - Danny Higginbotham, ở mùa 13/14, ông tập trung vào đấu trường Champions League.

Đội bóng của ông vào tới bán kết, đổi lại, Chelsea thường xuyên thua những trận đấu diễn ra trước trận Champions League giữa tuần (6 lần). Ở mùa 14/15, mục tiêu tối thượng của ông là Premier League, vì thế việc bị loại ngay từ vòng 16 đội ở Champions League không phải vấn đề gì to tát. Còn ở mùa 15/16, đội bóng của ông thua liểng xiểng, mặt trận nào cũng thua, do đó ông không biết phải làm gì.

Điều đáng buồn là thay vì im lặng khi không biết làm thế nào để cải thiện tâm lí cầu thủ, ông thường xuyên có những hành động như kiểu đổ thêm dầu vào lửa, khiến cuộc chiến giữa cầu thủ và HLV người Bồ thêm căng thẳng.

Đó là mùa giải Người Hạnh Phúc có những khoảnh khắc thay người khá kì lạ. Khi Chelsea bị Man City dẫn 1-0 tại Etihad, ông rút đội trưởng John Terry ra khỏi sân ngay sau giờ nghỉ, điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Hết trận, Chelsea thua thêm 2 bàn nữa, và ông bị đặt dấu hỏi to đùng về cách dùng người. Tiếp đến, ở trận đấu với Southampton, ông đưa Matic vào sân sau giờ nghỉ giữa hiệp khi tỉ số là 1-1, và 20 phút sau, rút anh ra khi tỉ số là 1-3 nghiêng về Southampton. Matic bực tức ra mặt, đi thẳng vào đường hầm mà không nói lời nào. Hỏng!

Chưa hết, Mourinho thường xuyên kéo các cầu thủ vào những cuộc chiến không có thật, thứ khiến các cầu thủ thường xuyên rơi vào trạng thái kiệt quệ về cả lý trí lẫn tinh thần. Hãy cùng nhìn lại hành trình “gây sự” của Mourinho với tất cả, thông qua các dấu mốc dưới đây:

8/8/15: Ngay ở trận đấu đầu tiên của mùa giải gặp Swansea, ông rầy la hai nhân viên y tế của CLB. Người đầu tiên là Eva Carneiro, bác sĩ của đội, sau đó phải ra đi và kiện lại cả Chelsea lẫn Mourinho. Chưa nói đến chuyện hình ảnh của CLB bị ảnh hưởng, việc ông gây sự với nhân viên y tế là một sai lầm. Bởi họ là những người thường xuyên dành thời gian gặp gỡ cũng như trao đổi với các cầu thủ. Các cầu thủ tin tưởng họ, thậm chí có những vấn đề họ sẽ nói với bác sĩ đầu tiên, thay vì HLV.

Gây sự với Eva Carneiro, một bác sĩ nữ thân thiết với nhiều cầu thủ, được truyền thông chú ý không phải là điều một HLV nên làm, nhưng Mourinho không quan tâm đến điều đó (có thể vì thế mà sau này ông thường xuyên mỉa mai chấn thương của Luke Shaw).

29/8/15: Sau thất bại trước Crystal Palace, ông dọa sẽ “trảm” một số cầu thủ, điều ông chưa từng làm ở mùa trước đó.

21/10/15: Mất điểm với CĐV, bằng việc đẩy một cậu bé 14 tuổi khi cậu bé cố quay hình ông.

23/10/15: Cảnh báo với các phóng viên: “Tôi sẽ đối xử với sếp của các anh theo cách họ đối xử với tôi: Không có sự tôn trọng nào hết.‘‘

2/11/15: Lần này là gây sự với trọng tài. Sau khi Matic bị đuổi khỏi sân ngay trước giờ nghỉ trong trận West Ham, ông lại gần trọng tài chính Jon Moss, thì thầm vào tai ông một câu: “Thằng đàn bà yếu ớt.”

Trong một buổi phỏng vấn với Claude Makelele vào năm 2009, anh có tiết lộ những điều khiến triều đại Mourinho 1.0 bị sụp đổ. “Ngay từ đầu mùa 06/07, mối quan hệ giữa Mourinho và các cầu thủ bắt đầu rạn nứt. Mối quan hệ giữa ông ấy và Abramovich cũng gặp trục trặc. Trong khi chủ tịch muốn các cầu thủ thể hiện tự do hơn trên sân bóng, Mourinho từ chối việc thay đổi phương pháp của mình.”

Jose Mourinho

“Đến mùa giải thứ ba, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi cách Mourinho gần như quên hết giá trị của cầu thủ. Với ông ấy, cá nhân không làm đội bóng mạnh, mà là do phương pháp của ông ấy. Cuối cùng, ông ấy lo lắng rằng sự nổi bật từ các cá nhân có thể khiến cái gọi là THẾ GIỚI CỦA MOURINHO bị lu mờ.“

Ở thời điểm đó, còn quá sớm để kết luận những gì cầu thủ người Pháp nói là đúng hay sai, nhưng sau 6 năm, điều đó đúng đến kì lạ. Mùa giải thứ ba của ông ở Chelsea (2007 – 2008), Real Madrid (2012 – 2013) và lần thứ hai ở Chelsea (2015 – 2016) đều có chung một công thức: Bài vở của ông không còn tác dụng, đội bóng liên tục vấp ngã, khiến cầu thủ mất tự tin và khiến ông nghi ngờ chuyện có người phản bội (bởi ông luôn gánh mọi trách nhiệm cho họ mỗi khi họ thất bại, nhưng lần này họ thất bại quá nhiều), dẫn đến việc ông bắt đầu chĩa mũi dùi của mình ra khắp mọi nơi. Mọi thứ đều có thể trở thành cái thớt cho ông, từ cầu thủ, bác sĩ, liên đoàn, trọng tài cho đến CĐV.

Bầu không khí trong phòng thay đồ trở nên độc hại, bởi cầu thủ đã bắt đầu chán ngán chuyện lúc nào cũng bị thế giới nhìn vào với ánh mắt thù địch. Mối quan hệ của ông với nhiều trụ cột đổ vỡ công khai: Diego Costa ném chiếc áo bib vào Mourinho, sau khi được lệnh ra khởi động nhưng không được vào sân ở trận gặp Tottenham, trong khi Hazard tránh một cái ôm của ông khi anh rời sân trong trận gặp Porto.

Mourinho

Để rồi sau hàng loạt kết quả tai họa và những áp lực từ trong đến ngoài sân cỏ, Mourinho phản công. Ngày 3/10/15, sau trận thua 1-3 của Chelsea trước Southampton ngay trên sân nhà, ông có bài phát biểu dài 7 phút trên Sky Sports:

“Tôi muốn làm rõ… 1. Tôi không bỏ chạy... 2. Nếu CLB muốn tôi ra đi thì họ phải sa thải tôi vì tôi không đi đâu hết, đây là đội bóng của tôi… 3. Còn quan trọng hơn điều thứ hai, tôi nghĩ đây là một khoảnh khắc trọng đại trong lịch sử CLB. Quý vị biết vì sao không? Nếu CLB sa thải tôi, họ sẽ sa thải HLV giỏi nhất mà đội bóng từng có.”

Đó là một bài độc thoại rối rắm, gồm cả những lời mỉa mai với trọng tài chính Bobby Madley và nó không hề có ích gì trong việc thay đổi kết quả. Nhưng Mourinho vẫn nói, bởi đó là thời điểm ông bắt đầu xù lông nhím để bảo vệ lợi ích của mình; hoặc cũng có thể đó lại là một bài tâm lý đám đông nữa để tạo nên cảm giác cả thế giới đang chống lại Mourinho; hoặc chỉ đơn giản, ông đang vun vén cho một cuộc đào tẩu thấm đẫm tiền bạc. Chẳng ai biết ông thực sự đang nghĩ gì.

Nhưng bài độc thoại ở trên chưa phải là những lời lẽ cay nghiệt cuối cùng ông nói. Sau trận thua trước Leicester vào ngày 14/12/15, ông có thêm một bài độc thoại nữa, ám chỉ việc đã có những kẻ phản bội ông. Ông tin rằng các cầu thủ đã không tuân theo những chỉ dẫn của ông, thậm chí còn khẳng định một cầu thủ “đã tiết lộ đội hình xuất phát cho Porto” trước khi họ gặp nhau ở Champions League đầu tháng 12.

Các cầu thủ không còn cơ hội để “phản bội” ông nữa. Chỉ ba ngày sau, mọi chuyện đi tới kết thúc, khi Mourinho trở lại từ bữa tiệc Giáng sinh của CLB và gặp Eugene Tenenbaum, một trong những người thân cận nhất của Abramovich. 10 phút sau, Mourinho rời CLB “theo sự đồng thuận của hai bên”. Trớ trêu thay khi ông cũng bị sa thải vào dịp Giáng sinh, giống như cha ông ngày trước. Kế hoạch “10 năm với Chelsea” chính thức bị vứt vào sọt rác, và cuộc tái hôn giữa Mourinho – Chelsea đổ vỡ theo cách không thể tồi tệ hơn.

KẾT

“Tôi cảm ơn và chúc các cậu cũng như gia đình gặp nhiều may mắn. Kể cả những kẻ đã phản bội tôi”. Mourinho từng nhắn nhủ như vậy với đội bóng cũ của mình trước khi ra đi.

Câu nói này có vẻ liên quan đến triều đại thứ hai của Mourinho ở Chelsea, nhưng đáng buồn thay, ông nói câu này ở ngay sau lần đầu tiên dẫn dắt Chelsea, vào năm 2007. Như một định mệnh, trừ Inter Milan, từ “phản bội” gắn liền với mọi cầu thủ cũng như ban lãnh đạo của các đội bóng ông dẫn dắt sau này.

Nhưng khi bạn bị “phản bội” đến lần ba lần, thậm chí bốn (hiện tại, ở M.U!?), biến mùa giải thứ ba trở thành hội chứng bị gắn cho riêng bạn, liệu có bao giờ bạn tự hỏi, lỗi thuộc về ai?

 

Bài viết sử dụng tài liệu từ những nguồn sau:

Sách “Jose Mourinho: Up Close and Personal” của Robert Beasley

“The devil and José Mourinho” của Jonathan Wilson (The Guardian)

“Mourinho’s charismatic authority brings success and instability” của Jonathan Wilson (The Guardian)

“What’s gone wrong (And how to fix it) của Sebastien Chapuis (WAGNH)

“The problems at Chelsea lie in Jose Mourinho's tactics, not his talking” của Danny Higginbotham (The Independent)

“How the ripples of Jose Mourinho’s fiery Chelsea departure in 2007 are now being felt at Manchester United” của Miguel Delaney (The Independent)

“Chelsea sack Jose Mourinho, but where did it all go wrong for last season's champion?” của Jack Gaughan (Daily Mail)

cùng một số tư liệu khác.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.