Jorginho: Hít một hơi thật sâu và quên đi áp lực

Tác giả CG - Chủ Nhật 11/07/2021 21:59(GMT+7)

Jorginho bây giờ đã là một cầu thủ nổi tiếng có thu nhập kếch xù, nhưng anh không bao giờ quên xuất phát điểm của mình trong sự nghiệp. Rất nhiều sự kiện đã xảy ra trong đời, nhưng hương vị của món thịt hầm ngày xưa vẫn khiến anh ám ảnh đến mức sợ hãi.

 

MỘT CÚ LUÂN LƯU TỈNH BƠ

 
Hãy mở đầu bài viết bằng Francesco Totti và Andrea Pirlo. Họ ít nhất có hai điểm chung: là người Italy và đã từng thực hiện những cú đá luân lưu lạnh lùng theo kiểu Panenka hay trong tiếng Italy còn gọi là “cucchiaio” (xúc thìa).
 
Euro 2000, Italy và Hà Lan kéo nhau vào loạt luân lưu ở trận bán kết. Hai lượt sút đầu tiên, Luigi Di Biagio và Gianluca Pessotto đã thực hiện thành công cho Azzurri, trong khi bên phía đội chủ nhà, Frank de Boer và Jaap Stam đều đã sút hỏng. Nhưng với người Italy, chắc chắn không có chỗ cho sự chủ quan, bởi ai cũng hiểu đây là loạt luân lưu của một trận bán kết Euro.
 
Ký giả kỳ cựu Gabriele Marcotti tiết lộ từ những gì anh được các tuyển thủ Italy ở trận đấu đó kể lại rằng đến lượt đá của mình, Totti tuyên bố xanh rờn: “Bây giờ tôi sẽ làm cú xúc thìa”. Lúc đầu các cầu thủ Italy bật cười, nhưng sau đó biểu cảm của họ thay đổi trước sự quyết tâm và chắc chắn của Totti. Cầu thủ của AS Roma đã thực hiện pha bóng kiểu như thế trong buổi tập, nhưng không ai nghĩ rằng nó sẽ được anh tái hiện trong một trận đấu trực tiếp, lại còn là ở trận bán kết Euro.
 
Đội trưởng Paolo Maldini tái mét, các cầu thủ Italy khác cũng thế, còn Di Biagio cố gắng thuyết phục Totti thay đổi ý định nhưng bất thành. Totti đã tự đặt mình vào thế không còn đường lui khi nói lên quyết định của mình với các đồng đội. “Tôi ở đó và không còn lựa chọn nào khác. Tôi phải thực hiện cú xúc thìa thôi, nếu không tôi sẽ trở thành một ‘Chiacchierone’ (kẻ nói mồm) mãi mãi”, sau này Totti viết trong cuốn tự truyện của mình.
 
Và Totti đã đánh lừa được Edwin van der Sar. Anh nhìn vào băng ghế dự bị, ở đó Filippo Inzaghi đặt tay lên trán như muốn nói lên là “Điên rồ”. Vẫn là chia sẻ của cựu đội trưởng Roma trong tự truyện: “Để thực hiện cú đá 11m như thế, hoặc là bạn rất điên, hoặc là bạn rất giỏi. Và tôi không nghĩ mình điên.
 
Tất nhiên pha bóng có rủi ro cao bởi có khả năng thủ môn sẽ không di chuyển và chẳng làm gì khác ngoài việc nhận lấy ‘đường chuyền’ của người đá. Nhưng nếu bạn đủ giỏi để che giấu đi ý đồ của mình đến phút cuối, gần như chắc chắn bạn sẽ ghi bàn vì 90% thủ môn sớm muộn sẽ đổ người”.

Cú "xúc thìa" của Francesco Totti ở Euro 2000. Ảnh: Getty Images 
 
12 năm sau ngày đó, có một pha “xúc thìa” kinh điển khác được thực hiện. Italy và Anh kéo nhau vào loạt luân lưu ở tứ kết Euro 2012. Sau hai lượt đầu tiên, Tam Sư đã thực hiện thành công cả hai trong khi Azzurri đã đá hỏng một quả. Áp lực lúc này dồn lên Andrea Pirlo ở lượt đá tiếp theo bởi anh không được phép sai lầm nữa. Và tiền vệ của Juventus lúc đó bình tĩnh thực hiện cú Panenka trước Joe Hart của đội tuyển Anh.
 
Pirlo nghĩ gì thời điểm ấy? “Tôi đưa ra quyết định ở giây cuối cùng khi thấy Joe Hart nhún nhảy ở vạch vôi. Khi bắt đầu chạy đà, tôi vẫn chưa quyết định mình sẽ đá thế nào. Sau đó, Joe Hart di chuyển và tôi biết mình phải làm gì. Pha bóng này là ngẫu hứng, nhưng là cách duy nhất tôi có thể thấy được để đẩy cơ hội ghi bàn của mình lên 100%. Tôi không hề thể hiện gì ở tình huống ấy cả, đó không phải phong cách của tôi”, Pirlo chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình.
 
Bản thân Hart cũng không hề suy nghĩ nặng nề gì về cách thực hiện 11m của Pirlo: “Anh ấy đã ghi bàn và tôi không nghĩ anh ấy cố tình làm nhục tôi. Anh ấy chỉ cố gắng đưa bóng vào lưới, và anh ấy thành công, Italy sau đó thắng loạt luân lưu. Đơn giản vậy thôi”.

Pirlo hoàn toàn đánh lừa Joe Hart. Ảnh: Getty Images
 
Trở lại với dòng thời gian hiện tại, Jorginho, một cầu thủ Italy khác, cũng gây sốt với một cú đá luân lưu lạnh lùng vào lưới đội tuyển Tây Ban Nha. Trong khoảnh khắc quyết định, anh lấy đà và thực hiện pha bóng theo kiểu nhảy chân sáo quen thuộc, đánh lừa hoàn toàn thủ thành Unai Simon. Cách đá 11m ấy không phải điều gì xa lạ với Jorginho, bản thân Jorginho cũng là chuyên gia 11m. The Athletic thống kê trong sự nghiệp chuyên nghiệp, Jorginho thực hiện 39 quả 11m và chỉ hỏng 5 lần. Trong số 39 quả 11m này, có 6 lần ở loạt luân lưu và trong đó chỉ hỏng 1. 
 
Nhưng cái sự nhẹ nhàng đến mức tỉnh bơ của cách xử lý khiến ta có cảm giác như không áp lực gì có thể chạm tới Jorginho.
 
Trên The Athletic, cựu thủ môn Matt Pyzdrowski phân tích rằng cách đá của Jorginho rất khó đoán vì tiền vệ người Italy sẽ đợi thủ môn đối phương di chuyển trước rồi mới chọn hướng, anh sẽ giấu ý định của mình đến tận giây cuối cùng. Cú bật nhảy ở giây cuối của Jorginho là lúc thủ môn phải hành động, nhưng điều khó là nếu hành động sớm quá, Jorginho sẽ dứt điểm về hướng bên khia.
 
“Bạn có thể thấy rõ sau khi bật nhảy, và ngay trước khi chạm bóng, Jorginho ngẩng đầu, nhìn thẳng vào thủ môn của Tây Ban Nha và thản nhiên dứt điểm vào góc đối diện của khung thành so với hướng đổ người của thủ môn”, Pyzdrowski viết.

 
Cú đá luân lưu quyết định của Jorginho đưa Italy vào chung kết Euro 2020. Ảnh: UEFA EURO 2020
 
Điểm chung trong những pha bóng ấy, dù là cú Panenka của Totti (đã chuẩn bị trước), Pirlo (ngẫu hứng) hay bước “nhảy chân sáo” của Jorginho (đã trở thành đặc trưng) là bằng mọi cách phải đánh lừa được thủ môn. Nếu không, một pha xử lý đầy chất biểu diễn như thế sẽ biến họ sẽ trở thành một trò cười nếu như nó không thành công. Và chúng đòi hỏi bạn phải có một thần kinh thép để tin rằng mình sẽ thành công, hoặc ít nhất là chịu được áp lực sau đó nếu nó thất bại.
 
Với Jorginho, để đạt tới sự “thản nhiên” như lời Pyzdrowski là cả một quá trình tập luyện để gây dựng cho mình sự lạnh lùng, điềm tĩnh, làm chủ áp lực đến tận khoảng khắc cuối cùng và phán đoán hành động của đối thủ.
 

MÓN THỊT HẦM ÁM ẢNH VÀ 20 EURO MỖI TUẦN

 
Trong khoảnh khắc ấy, Jorginho đã nghĩ gì? “Tôi cố gắng quên đi mọi thứ xung quanh, tập trung vào những gì mình đã tập luyện, hít một hơi thật sau và đá”, số 8 của Italy trả lời Sky Sports. Jorginho đã đi cả một hành trình dài để chuẩn bị bước ra sân Wembley vào rạng sáng mai (theo giờ Việt Nam). Và có thể trong chặng hành trình đó là rất nhiều những lần “hít một hơi thật sâu” trước những chướng ngại vật trước mặt, thậm chí là những nỗi sợ hãi, để tới hôm nay mọi áp lực nhẹ nhàng hơn.
 
Năm 13 tuổi, Jorginho xa nhà lần đầu tiên khi gia nhập một học viện bóng đá cách thị trấn Imbituba, Brazil quê anh vài tiếng đồng hồ di chuyển. Tại đây, Jorginho được dạy những kiến thức cơ bản về chiến thuật và bóng đá châu Âu qua sự hướng dẫn của một HLV người Italy. Anh phải sống trong một ký túc xá với 50 đứa trẻ khác cùng lứa tuổi ở khắp nơi trên đất nước và ăn món thịt hầm 3 lần mỗi ngày. Mọi thứ lặp lại ngày qua ngày.
 
“Nhiều năm sau khi đã rời khỏi đó, tôi vẫn không thể chịu nổi mùi của món ấy. Nó không đến mức là một cú sốc suốt đời, nhưng bất cứ khi nào đến gần nó, tôi lại cảm thấy sợ hãi”, tuyển thủ Italy chia sẻ trên FourFourTwo.
 
Năm 2007, Jorginho chuẩn bị được đặt chân tới châu Âu lần đầu tiên cùng 4 cậu bé khác của học viện, sau khi đã bị những Sao Paulo, Palmeiras và Internacional từ chối. Trước ngày lên đường một tháng, anh đã tưởng giấc mơ bóng đá của mình sẽ kết thúc khi một giấy tờ quan trọng của anh thiếu chữ ký của bố, vì lẽ đó văn phòng di trú của sân bay Sao Paulo từ chối để Jorginho xuất cảnh. Ngồi ở sân bay, cậu bé 15 tuổi gọi điện cho bố và bật khóc vì sợ mình sẽ không được đi.
 
Cuối cùng mọi việc cũng được giải quyết, Jorginho được phép lên máy bay, vượt Đại Tây Dương để tới Verona. Cái lạnh của mùa đông ở miền Bắc Italy khiến anh bị sốc khi mới đặt chân đến. Ngoài ra, ở đây anh chỉ được phát 20 euro mỗi tuần để tiêu, và 6 euro trong đó được dùng để gọi điện về cho gia đình.

Jorginho khi mới lên đội một Hellas Verona. Ảnh: Hellas Verona
 
Jorginho nhớ lại: “Tôi sẽ không bao giờ quên mình phải xoay sở với 20 euro vì tôi phải sống như thế suốt một năm rưỡi. Tôi thường mua thẻ điện thoại quốc tế và có thể gọi điện một tiếng đến Brazil để nói chuyện với bố mẹ, việc này tốn của tôi 6 euro mỗi tuần. Tôi cũng chỉ chi 5 euro cho nạp tín dụng trên điện thoại, 3 đến 4 euro cho đồ vệ sinh cá nhân như dầu gội, kem đánh răng. 
 
Tôi luôn cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể để cuối tuần có dư chút tiền đến một quán café có internet. Chi phí ở đó là 1 euro mỗi tiếng và tôi thường lên mạng 2 tiếng vào thứ 7, thêm 2 tiếng nữa vào Chủ nhật”.
 
Những khó khăn và chính sự nghiêm túc đã trui rèn nên một Jorginho bản lĩnh của ngày hôm nay. Từ Imbituba tới Verona, Napoli và hiện tại là London, Jorginho đã đi một hành trình dài và không hề bằng phẳng. Giờ đây đã là một cầu thủ có thu nhập kếch xù, nhưng hương vị của món thịt hầm ngày xưa và việc phải xoay sở để tiết kiệm từ 20 euro mỗi tuần vẫn được anh lưu trong ký ức (hoặc là không thể quên), để ngày hôm nay anh có thể đơn giản là hít một hơi thật sâu và gạt bỏ mọi áp lực trước một cú luân lưu quan trọng của sự nghiệp.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.