Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 20/11/2021 13:13(GMT+7)

Zalo

Có những thứ thường đúng trong bóng đá. Sẽ có bàn thắng nếu bạn đang xem xong bỏ đi đâu đó giữa chừng, Ole Gunnar Solskjaer luôn ở trên bờ vực sa thải trước khi thắng trận để giữ ghế, và Jorginho thành công trên chấm phạt đền.

 
jorginho
 
Hai điều đầu tiên vẫn đúng. Còn điều sau cùng đang trở nên lỗi thời.
 
Tuyển thủ người Ý có cách đá phạt đền mà bất cứ ai theo dõi bóng đá đều đã quen thuộc: chạy đà, nhìn chăm chú vào thủ môn xem anh ta đổ người hướng nào, giậm nhảy và dứt điểm. Kì lạ, nhưng hiệu quả.
 
Tuy nhiên, kể từ đầu mùa giải trước, cầu thủ đang thi đấu cho Chelsea đã đá hỏng 6 quả penalty, bao gồm một lần bị Jordan Pickford đánh bại ở trận chung kết EURO 2021. Mới đây nhất là cú đá lên khán đài Curva Sud của sân Stadio Olimpico vào tuần trước trong trận đấu với Thụy Sĩ, cú đá mà nếu thực hiện thành công sẽ đưa đội tuyển Ý đến World Cup. Thay vào đó, họ sẽ phải chiến đấu với 12 đội tuyển khác cho ba chiếc vé vớt dự World Cup vào tháng Ba năm sau.

Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
Vậy điều gì đã xảy ra trong 15 tháng vừa qua? Tại sao những quả pen thương hiệu của Jorginho lại trở nên thiếu chính xác như vậy? Cậu ta lo lắng ư? Hay do vấn đề về kĩ thuật? Hoặc là các thủ môn đã tìm ra lời giải chăng?
 
Điều đầu tiên cần phải lưu ý, đó là việc xem Jorginho như một bậc thầy về đá phạt đền là một ý tưởng tương đối mới. Anh sút thành công cả 6 quả penalty ở Verona, nhưng không được giao nhiệm vụ đá phạt đền ở Napoli, khi mới chỉ đá 5 quả trong 5 mùa giải ở đó. Ngay cả trong màu áo Chelsea, phải đến mùa giải thứ hai của Jorginho, thời điểm Eden Hazard đã ra đi, tiền vệ gốc Brazil mới trở thành lựa chọn số một trên chấm 11m.
 
Đã có sự sụt giảm lớn về thành tích đá penalty của tiền vệ sinh năm 1991: từ giữa năm 2013, thời điểm anh đá quả penalty đầu tiên trong sự nghiệp đến tháng 8/2020, anh đã chuyển hóa thành công 23 quả phạt đền sau 25 lần thực hiện trong các trận đấu cũng như loạt đá luân lưu. 15 tháng sau, anh thực hiện 21 lần nhưng chỉ thành công 15 lần.
 
Tỉ lệ chuyển hóa thành công các quả phạt đền ở Premier League, kể từ khi Jorginho chuyển đến Chelsea mùa hè 2018 là 83% (334 lần thực hiện, 278 lần thành công). Trước tháng 8 năm ngoái, tỉ lệ thành công của anh là 92%, nhưng kể từ đó giảm xuống còn 71%. Tóm lại, Jorginho từ một cầu thủ đá pen tốt trên mức trung bình, giờ lại trở thành dưới mức trung bình. 
 
Kĩ thuật đá phạt đền có phần lập dị của Jorginho bắt đầu từ hồi anh còn thi đấu cho Napoli. “Tôi chưa từng nghĩ về điều đó trước đây,” anh chia sẻ với tạp chí France Football. “Mọi chuyện bắt đầu từ Henrique, đồng đội người Brazil của tôi ở Napoli. Trong các buổi tập, tôi luôn thực hiện cú nhảy trước khi thực hiện các quả phạt đền với cậu ấy. Tôi luôn ghi bàn, vì thế tôi quyết định lặp lại cách đá này trong các trận đấu. Cũng bởi vì các thủ môn ở Napoli chế giễu rằng tôi không đủ can đảm làm điều đó.”
 
Nó thực sự có hiệu quả, bởi cách đá của Jorginho thực chất là bài kiểm tra xem ai là người kiên gan nhất. Ngay cả những thủ môn lì lợm nhất cũng sẽ di chuyển cơ thể theo cách này hay cách khác, đưa tay ra và vô tình để lộ hướng họ sẽ đổ người, khiến  cho nhiệm vụ của Jorginho trở nên đơn giản, đó là đưa bóng theo hướng khác vào lưới trống. 
 
Cú giậm nhảy không hẳn chỉ là trò đùa về mặt thị giác; đó là một cách che giấu dáng người của Jorginho khi tiếp cận bóng, khiến thủ môn khó đoán hơn trong việc anh sẽ nhắm tới hướng nào của khung thành.
 
Đó là kĩ thuật đá mà anh thường thực hiện, nhưng trước hết, hãy quan sát cách tiền vệ của Chelsea đá các quả penalty, khi vừa bỏ lỡ một quả trước đó.
 
Lần đầu tiên trong số những lần bỏ lỡ gần nhất là ở trận gặp Liverpool tại Premier League tháng 9/2020. Alisson Becker đã làm đúng theo công thức, đợi đủ lâu trước khi di chuyển, buộc Jorginho phải đưa ra quyết định trước. Cú đá của anh quá gần với thủ thành người Brazil, người sau đó đã cản phá khá dễ dàng.
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
Chín ngày sau, Jorginho đối mặt với Hugo Lloris trong loạt đá luân lưu ở Carabao Cup. Dù vẫn di chuyển chậm rãi và giậm nhảy, cú đá của anh có lực hơn nhiều so với bình thường, đưa bóng thẳng đến góc lưới, dù Lloris đã đổ đúng hướng. 
 
Lần đá hỏng tiếp theo là ở trận gặp Krasnodar ở Champions League vào cuối tháng 10 năm ngoái. Dù đã đánh lừa thủ môn Matvey Safonov, Jorginho lại đưa bóng trúng cột dọc. Đó là sự thất bại trong việc thực hiện nhiều hơn là do phương pháp, vì vậy, khi thực hiện quả phạt đền tiếp theo cho đội tuyển Italia trước Wojciech Szczesny của Ba Lan vài tuần sau đó, anh không thay đổi cách đá của mình và ghi bàn.
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
Tuy nhiên, Jorginho đã thay đổi cách đá một cách đáng kể sau lần đá hỏng tiếp theo, đó là ở trận gặp Arsenal trong ngày Boxing Day. Về cơ bản, đó là bản sao của quả đá hỏng trước Liverpool ba tháng trước đó, khi Bernd Leno dễ dàng cản phá cú đá với lực khá nhẹ sang phía bên phải khung thành.
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
Quả phạt đền tiếp theo của Jorginho đến vào đầu tháng Hai năm nay. Lại một lần nữa đối mặt với Lloris và Spurs; lần này cầu thủ người Italia thực hiện cách đá theo kiểu thông thường: tăng tốc độ di chuyển, bỏ qua phần giậm nhảy và dứt điểm gọn gàng vào góc lưới bên trái.
 
“Tôi thay đổi kĩ thuật đá vì cảm thấy cách đó sẽ hiệu quả”, Jorginho giải thích bằng những câu từ khá đơn giản sau trận đấu đó. “Bạn thấy kết quả rồi đấy.”
 
Mặc dù vậy, sự thay đổi đó không kéo dài lâu. Bốn lần thành công liên tiếp chứng kiến việc anh trở lại cách dứt điểm cũ; vẫn là một pha giậm nhảy và một cú đá nhẹ nhàng. Đáng chú ý ở chỗ, sau quả phạt đền Jorginho ghi vào lưới Everton hồi tháng Ba, Pickford tỏ ra rất tức giận với bản thân. Thủ môn đội tuyển Anh đã cố gắng tập trung cũng như đứng yên càng lâu càng tốt, nhưng lại chùng xuống và di chuyển sang trái quá sớm, tạo điều kiện cho Jorginho đưa bóng sang hướng còn lại. Đó dường như là điềm báo cho những gì đã xảy ra bốn tháng sau tại Wembley.
 
Đối đầu với Tây Ban Nha trong trận bán kết năm ngày trước đó, Jorginho đánh bại Unai Simon dễ dàng trên chấm phạt đền, đến mức nhiều người ca ngợi anh là “thiên tài lạnh lùng”, là người Ý gần nhất giữ được sự tự tin và ghi bàn từ chấm 11m đầy áp lực theo cách không chính thống, sau những cú Panenka của Francesco Totti (EURO 2000) và Andrea Pirlo (EURO 2012).
 
Nhưng khi gặp người Anh ở trận chung kết, Pickford đã rút ra bài học từ lần đối đầu với Jorginho ở Stamford Bridge. Anh nhất quyết đứng yên, buộc Jorginho phải chọn một góc để dứt điểm. Quả phạt đền được thực hiện không đủ hiểm hóc vào góc, giúp thủ thành đang chơi cho Everton đẩy được trái bóng đập cột và đi ra ngoài. Đó là một pha cản phá tuyệt vời, không chỉ bởi quá trình thực hiện, mà còn cả ở kế hoạch đằng sau.
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
Niềm vui dành cho tuyển Anh chỉ kéo dài trong chốc lát, nhưng dù người Ý đã thắng trong loạt đá luân lưu và cả giải đấu, quả phạt đền thất bại đó vẫn ám ảnh số 5 của Chelsea. “Tôi vẫn nghĩ về trận chung kết, đặc biệt là quả penalty,” Jorginho chia sẻ sau đó. “Mọi người có thể nói điều đó không quan trọng, nhưng với tôi thì có. Vết thương đó vẫn nhức nhối đến tận bây giờ, dù chúng tôi đã chiến thắng. Bất cứ ai trong trạng thái như tôi nói rằng quả phạt đền đó không ảnh hưởng gì đến họ, hẳn là đang nói dối.”
 
Quả thật, khi đã bỏ lỡ một tình huống như vậy, thật khó để vượt qua. Thất bại đó hẳn đã gieo vào đầu Jorginho những hoài nghi nhất định về kĩ thuật của mình.
 
Jorginho tiếp tục thực hiện kĩ thuật cũ cho quả phạt đền tiếp theo. Anh đã thành công trong loạt sút luân lưu ở trận tranh Siêu cúp với Villarreal vào tháng 8, nhưng lần đá hỏng sau đó có vẻ đã khiến số 8 của Italia sợ hãi, dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn trong cách tiếp cận của anh.
 
Quy tắc vàng cho các thủ môn đối mặt với những quả phạt đền của Jorginho trong quá khứ, là bạn không được phép di chuyển. Chỉ cần bạn hơi nhúc nhích, hành động Jorginho chắc chắn đã nắm được vì đã quan sát bạn trong suốt quá trình thực hiện, anh ấy sẽ dễ dàng đưa bóng sang hướng còn lại.
 
Tuy nhiên, khi Ý đến làm khách trên sân của Thụy Sĩ trong khuôn khổ vòng loại World Cup vào đầu tháng 9, Yann Sommer đã làm chính xác điều mà một thủ môn về lý thuyết không được làm, đó là di chuyển đầu gối và đổ người nhẹ sang trái trước khi Jorginho dứt điểm.
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
Như thường lệ, Jorginho đã nhận ra điều này và đưa bóng sang phải, nhưng cú sút của anh quá nhẹ và quá gần Sommer, đến nỗi thủ môn đang bắt cho Gladbach có thể đổi hướng, lao sang phải và thực hiện pha cứu thua.
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
Đó có phải là một hành động sai lầm có chủ ý của Sommer, khi anh giả vờ đổ sang một bên rồi bất ngờ đổ về hướng còn lại để đánh lừa Jorginho? Hay đó chỉ là một quả đá tệ của Jorginho, được thực hiện với lực đủ nhẹ để Sommer có thời gian chuyển hướng và cứu thua? Nếu vế sau đúng, thì quả penalty thiếu thuyết phục đó có phải là hệ lụy của những lần bỏ lỡ trước đó, đặc biệt là ở trận chung kết EURO?
 
Dù sự thật là gì đi nữa, thất bại ở Basel dường như đã khiến Jorginho thay đổi hẳn kĩ thuật đá pen của mình.
Trong bốn quả phạt đền mà Jorginho đã thực hiện kể từ trận hòa 0-0 với Thụy Sĩ, anh đã bỏ qua bước giậm nhảy, chạy đà thẳng đến trái bóng. Nhưng đáng chú ý hơn việc anh bắt đầu đưa bóng lên góc cao khung thành, thay vì sút sệt như những quả phạt đền trước đó.
 
Một cầu thủ thay đổi kĩ thuật sút phạt đền sau vài lần bỏ lỡ là tốt, nếu không muốn nói là hợp lí. Có lẽ Jorginho tin rằng phương pháp của anh giờ trở nên quá dễ đoán với các thủ môn; anh cần điều gì đó mới mẻ hơn, khó đoán hơn.
 
Nhưng khi thay đổi cách đá theo kiểu này, Jorginho dường như đang tự làm khó mình. Không chỉ bởi cầu thủ sinh năm 1991 đang cố gắng đưa trái bóng lên góc cao, mà còn bởi anh vẫn giữ lại một khía cạnh trong kĩ thuật dứt điểm trước đây của anh: Jorginho vẫn quan sát thủ môn khi tiếp cận trái bóng, thay vì nhìn vào chính trái bóng.
 
Dứt điểm sệt khi không nhìn bóng vốn đã không đơn giản, đưa quả bóng lên góc cao khi không nhìn bóng lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Nó khiến bạn gặp khó trong việc thực hiện, cũng như tăng khả năng mắc sai lầm, điều đã thể hiện trong quả penalty gần đây nhất của anh.
 
Sau ba lần thành công với kĩ thuật sút phạt đền mới, tất cả đều trong màu áo Chelsea, Jorginho lại đối mặt với Sommer trong trận lượt về vòng loại World Cup với Thụy Sĩ tại Rome thứ Sáu tuần trước. Một lần nữa, cầu thủ người Ý chạy lên mà không giậm nhảy; một lần nữa, anh đưa bóng lên cao khi vẫn nhìn chăm chú vào thủ môn… 
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
… nhưng lần này thì quả bóng của anh đã được thấy sao trời và cánh chim!
 
Jorginho đã sai ở đâu khi liên tục đá hỏng phạt đền?
 
“Tôi rất tức giận,”, Jorginho nói sau trận, bởi anh biết rằng nếu anh ghi bàn và Italia giữ vững tỉ số trong những phút ít ỏi còn lại, họ sẽ giành suất trực tiếp đến Qatar. Nhưng họ đã hòa, và sau trận hòa tai hại khác với Bắc Ireland hôm thứ Hai, các nhà tân vô địch châu Âu sẽ phải trải qua hai trận play-off để tránh bỏ lỡ kì World Cup thứ hai liên tiếp. “Thật đau lòng, bởi vì đó là thời điểm quan trọng của trận đấu. Đội xứng đáng giành chiến thắng và quả phạt đền là cơ hội để khai thông thế bế tắc. Thật không may, tôi đã mắc sai lầm”, Jorginho trần tình sau đó.
 
Liệu Sommer vẫn đang nhảy múa trong đầu Jorginho ư? Hay Pickford? Hay là các thủ môn nói chung? Vấn đề với kĩ thuật cũ của Jorginho là một khi các thủ môn đã hiểu rõ quy luật, cản phá nó không hề khó khăn. Còn cách đá mới khiến anh khó thực hiện hơn nhiều; điều này vô tình tạo ra lợi thế cho các thủ môn.
“Các thủ môn đang nghiên cứu về tôi và tôi cũng sẽ làm điều tương tự với họ,” Jorginho nói. “Tôi đang nghĩ về quả phạt đền tiếp theo rồi đây.”
 
Jorginho đã từng là sự đảm bảo trước chấm phạt đền, nhưng giờ thì không.  Quả phạt đền tiếp theo vì thế sẽ thú vị lắm đây.
 
Lược dịch từ bài viết "Jorginho has issues from the penalty spot. So, where’s he going wrong?" của Nick Miller and Matt Pyzdrowski (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow