Jorge Valdivia: Người nghệ sĩ không cần ánh đèn sân khấu

Tác giả Ole - Thứ Ba 09/05/2017 16:38(GMT+7)

Trong mắt nhiều cầu thủ, nhất là những tài năng đến từ Nam Mỹ, châu Âu không chỉ là một mảnh đất phồn hoa mà còn được xem như sân khấu cuối cùng đối với cuộc đời chơi bóng của họ.
Jorge Valdivia: Người nghệ sĩ không cần ánh đèn sân khấu
Tuy nhiên, cái tên Jorge Valdivia lại không phải một trường hợp như vậy. Từng được kỳ vọng sẽ tiếp bước những bậc đàn anh Marcelo Salas hay Ivan Zamorano, nhưng rồi Valdivia đã không lựa chọn con đường tìm kiếm ánh hào quang ở lục địa già. Thay vào đó, “El Mago” (nhà ảo thuật) chấp nhận chỉ làm một người nghệ sĩ thầm lặng nơi bên kia bờ Đại Tây Dương, để có thể sống một cuộc đời tự do giống như bản ngã của chính mình, trước khi trình diễn những vũ điệu say mê mà không cần đến ánh đèn sân khấu.
THIÊN TÀI HAY… NỔI LOẠN
Tài năng của Valdivia là điều mà khó ai có thể phủ nhận, thế nhưng đi kèm theo đó lại là lối sống cực kỳ phóng túng và vô tổ chức. Năm 2007, trong quãng thời gian tham dự Copa America, ngôi sao bên phía ĐT Chile từng khiến cho ban lãnh đạo gặp vô vàn rắc rối khi anh dính líu đến một lạm dụng tình dục đối với hai cô hầu bàn. Khoảng thời gian sau đó, bất chấp những án phạt kỷ luật, ngôi sao sinh năm 1983 này lại tiếp tục… chứng nào tật nấy, khi trở thành “người cầm đầu” của một sự kiện cũng nổi tiếng không kém mang tên El Bautizazo, nơi Valdivia cùng 4 cầu thủ Chile khác tập luyện trong tình trạng say rượu trầm trọng. Kết quả, tiền vệ mang áo số 10 đã bị loại khỏi danh sách tham gia trận đấu tiếp theo của đội nhà tại vòng loại World Cup. Và Chile cũng nhanh chóng bị Uruguay đè bẹp tới 4-0.
Sinh ra tại Maracay, Venezuela, vì người cha Luis Valdivia Toro Toro làm việc cho hãng hàng không LAN Chile, đến năm 2 tuổi, cậu bé Valdivia mới cùng gia đình quay trở về quê hương, định cư tại La Florida, một khu vực thuộc vùng ngoại ô thủ đô Santiago. Ngay từ thuở ấu thơ, Valdivia đã thích chơi bóng và thường xuyên theo dõi các chương trình bóng đá trên kênh truyền hình. Bà Elizabeth, mẹ anh kể lại: “Nó là một đứa trẻ thông minh, và đặc biệt yêu thích bóng đá. Valdivia luôn cố gắng đạt kết quả học tập tốt để được bố mẹ cho phép đi chơi bóng một cách thoải mái”.
Cứ như thế, những trận đấu ngoài đường phố đã dần trui rèn cho cậu bé Valdivia nhiều phẩm chất kỹ thuật tự nhiên quý giá trước khi đặt chân đến học viện Colo-Colo vào năm 1993. Rất nhanh chóng, khi mới 19 tuổi, Valdivia được ban lãnh đạo CLB đôn lên đội hình một. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, chỉ sau vụ cãi lộn và ẩu đả với đội trưởng Marcelo Espina, anh đã bị đem cho Universida de Conception mượn. Mặc dù vậy, tài năng của Valdivia vẫn tiếp tục phát triển và nở rộ với 7 bàn thắng ở mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên. Đây cũng chính chìa khóa quan trọng dẫn đến việc Rayo Vallecano đề xuất mượn tiền vệ người Chile, bước ngoặt đưa Valdivia qua bờ Đại Tây Dương để bước chân đến châu Âu.
Lúc này, nhiều người đã tin rằng không sớm thì muộn, Valdivia rồi sẽ nối bước những huyền thoại đàn anh như Marcelo Salas hay Ivan Zamorano trong quá khứ. Thế nhưng, anh cũng chẳng có nhiều cơ hội để thể hiện mình trên đất Tây Ban Nha. Suốt hơn nửa năm trời khoác áo Vallecano, cầu thủ người Chile chỉ được ra sân vỏn vẹn 5 lần, một con số dường như là quá ít ỏi so với tài năng thực sự của El Mago. Kết quả, tháng Tám năm 2004, Valdivia tiếp tục bị đẩy sang đầu quân cho CLB Servette, Thụy Sĩ. “Tôi thấy trong người một cảm giác hoàn toàn bất lực. Có lẽ Tây Ban Nha không phải một mảnh đất thiên đường giống như tôi từng nghĩ”, ngôi sao sinh năm 1983 chia sẻ.
Rõ ràng, phong cách chơi bóng có phần đề cao tính kỷ luật và thực dụng của những người châu Âu đã ảnh hưởng khá nhiều đến Valdivia. Là một “số 10” theo kiểu Nam Mỹ cổ điển, tiền vệ người Chile không thể nào phát huy trọn vẹn được những phẩm chất tài hoa của mình nếu như thiếu đi sự tự do cùng niềm cảm hứng. Tháng Giêng năm 2005, Valdivia lặng lẽ quay trở lại Colo-Colo, bất chấp sự quan tâm từ phía một vài đội bóng ở lục địa già, qua đó kết thúc cuộc phiêu lưu ngắn ngủi bên kia bờ đại dương. Mặc dù vậy, sau thời điểm trở về quê hương, El Mago cũng nhanh chóng tìm lại cảm xúc chơi bóng khi đóng góp lớn vào chức vô địch Chile của Colo-Colo năm 2006, trở thành một trong những nhân tố quan trọng bên cạnh hai người đồng đội Matias Fernandez và Humberto Suazo.
Chứng kiến phong độ tuyệt vời của Valdivia, không ít CLB châu Âu mong muốn đưa anh quay trở lại lục địa già. Nhưng rồi, cuối cùng, cầu thủ sinh năm 1983 này đã quyết định lựa chọn gia nhập Palmeiras, với mức phí chuyển nhượng 3,5 triệu đô la, con số kỷ lục trong lịch sử đội bóng Brazil. Thật khó để lý giải chi tiết về việc vì sao Valdivia lại từ bỏ cơ hội chơi bóng ở châu Âu thêm một lần nữa, tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản rằng El Mago hơn bao giờ hết chỉ khao khát một cuộc sống tự do và được làm những điều mình thích. Đối với anh, một kẻ luôn sẵn sàng nổi loạn không tuân theo bất cứ một quy luật nào thì những triết lý có phần “giáo điều” ở châu Âu dường như là điều gì đó vô nghĩa và vớ vẩn.
Jorge Valdivia trong màu áo Palmeras
Trải qua một mùa giải đầu tiên tương đối mờ nhạt trong màu áo Palmeiras, tiền vệ người Chile đã hồi sinh mạnh mẽ để góp công lớn vào chức vô địch Brazil năm 2008 của CLB đồng thời nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Thậm chí, huyền thoại Pele cũng phải thốt lên rằng: “Valdivia là trung tâm của tất cả. Anh ấy chính là ngôi sao sáng giá nhất tại Brazil vào lúc này”. Trên thực tế, chỉ cần trút bỏ được những gánh nặng tâm lý, Valdivia sẽ trở thành một “số 10” hoàn hảo. Với nền tảng kỹ thuật cá nhân thượng thừa cùng nhãn quan chiến thuật độc đáo, El Mago có thể thực hiện được những tình huống xử lý chẳng giống ai. Mặc dù vậy, thói quen chơi bóng bất cần của Valdiva cũng khiến cho không ít HLV từng làm việc với anh phải đau đầu và đôi khi không biết sử dụng anh thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất, đặc biệt là trong những ngày cầu thủ sinh năm 1983 bất ngờ… cảm thấy buồn.

NHÀ ẢO THUẬT BỊ QUÊN LÃNG
Kết thúc mùa giải 2008 trên đỉnh vinh quang, những tưởng Valdivia sẽ lựa chọn cho mình một con đường mới giàu tham vọng hơn, nhưng rồi đúng vào thời điểm mà ánh hào quang của cuộc đời đang bắt đầu xuất hiện, ngôi sao người Chile lại khiến cho tất cả phải hụt hẫng khi quyết định cập bến Al Ain, một đội bóng thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Trong suốt ba năm khoác áo CLB vùng vịnh, Valdivia đã giành được không ít danh hiệu như Siêu Cúp UAE (2009), Cúp Tổng thống UAE (2008/09)… Lối chơi phóng khoáng và tự do của El Mago thậm chí còn quyến rũ tới mức mà vị Chủ tịch của Al Ain là ông Mohamed bin Zayed Al Nahyan sẵn sàng tặng anh một bản hợp đồng trọn đời, nhưng đến cuối cùng, Valdivia đã không ký.
Mùa hè năm 2010, Valdivia xuất hiện trong danh sách ĐT Chile tham dự World Cup. Tuy nhiên, HLV Marcelo Bielsa lại thường xuyên sử dụng anh như một tiền đạo lùi để thay thế Humberto Suazo, khiến cho Valdivia không thể phát huy hiệu quả cao nhất. Phải đến trận gặp Thụy Sĩ, sau khi được chơi lùi xuống ở vị trí “số 10” sở trường, El Mago mới chứng tỏ được giá trị. Tình huống chọc khe kinh điển của ngôi sao sinh năm 1983 đã giúp Esteban Paredes thoát khỏi bẫy việt vị và đưa anh này vào tư thế nhận bóng cực kỳ thoải mái trong vòng cấm địa đối phương, trước khi kiến tạo để Mark Gonzalez ghi bàn duy nhất của trận đấu. Giành được hai trận thắng từ sớm, Chile thẳng tiến vào vòng 1/8 bất chấp việc thua Tây Ban Nha 1-2 ở loạt trận vòng bảng cuối cùng.
Kết thúc kỳ World Cup trên đất Nam Phi, như thường lệ, Valdivia lại trở thành chủ đề quan tâm của nhiều đội bóng châu Âu. Thế nhưng, với bản tính tự do đã ngấm vào máu, thêm một lần nữa tiền vệ người Chile lựa chọn quay về Palmeiras, ở độ tuổi 27, với mức giá chuyển nhượng 16 triệu euro từ Al Ain. Trong suốt những năm tháng tiếp theo thi đấu cho đội bóng thuộc bang Sao Paulo, tài năng của Valdivia vẫn là thứ gì đó khiến người hâm mộ Palmeiras không thể ghét bỏ anh. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt vô tổ chức cùng một lối sống bản năng và hoang dại đã khiến cho El Mago nhiều lần phải nhận chỉ trích từ phía giới truyền thông, với những vụ cãi vã nội bộ, những lần bỏ tập để đi bar hay cả những đêm thác loạn ngay trước giờ ra sân bóng.
Dẫu vậy, đối với những người hâm mộ Chile, cái tên Jorge Valdivia cho dù không nổi tiếng như nhiều ngôi sao chơi bóng tại châu ÂU nhưng vẫn cứ là một báu vật không thể nào thay thế, một nhà ảo thuật đường phố chẳng giống như bất kỳ ai trên cõi đời này. Cuối năm 2011, El Mago dính dáng vào một vụ scandal gái gọi ngay trước thềm trận gặp Uruguay tại vòng loại World Cup 2014, cùng các đồng đội Jara, Beausejour, Vidal và Carmona. Ngay lập tức sau đó, án phạt treo giò 10 trận đã được ban hành và phải đến tận tháng Ba năm 2013, HLV Jorge Sampaoli mới quyết định triệu tập Valdivia trở lại. Mặc dù vậy, sơ đồ chiến thuật 3-5-2 đã không thể tạo điều kiện cho “nhạc trưởng” có cơ hội thể hiện mình ở VCK World Cup 2014.
Jorge Valdivia và chiếc đũa ảo thuật
Phải đến kỳ Copa America 2015 được tổ chức trên quê nhà, khi Sampaoli chấp nhận từ bỏ hệ thống 3 hậu vệ để chuyển sang vận hành sơ đồ 4-3-1-2 thì tài năng của Valdivia mới thực sự được “phát tiết” trọn vẹn, như một cuộc cách mạng chiến thuật mang đến chất sáng tạo cho ĐT Chile, vốn chỉ có “thừa năng lượng” trong giai đoạn bấy giờ. Nhanh chóng vượt qua vòng đấu bảng, thầy trò Sampaolo phải đối mặt với Uruguay ở tứ kết. Trận đấu căng thẳng tới mức chẳng thể xuất hiện nổi tình huống nào đáng kể ngoài những pha va chạm nảy lửa giữa đôi bên. Nhưng rồi, bản năng của một kẻ sáng tạo đã không cho phép Valdivia đánh mất đi nguồn cảm hứng của mình. Trong một lần nhận bóng ngoài vòng cấm địa đối phương, El Mago đã quan sát rất nhanh trước khi nhả bóng tinh tế sang cho Mauricio Isla dứt điểm đầy quyết đoán, mang về chiến thắng chung cuộc 1-0 cho đội nhà.
Lối chơi của Chile, từ một đội bóng pressing thuần túy đã trở nên cơ động và linh hoạt hơn nhiều khi HLV Sampaoli quyết định hồi sinh lại vị trí “số 10” Nam Mỹ cổ điển (hay còn gọi là Enganche), bằng thứ ma thuật mang tên Valdivia. Vượt qua “gã khổng lồ” Argentina của Lionel Messi trong trận đấu cuối cùng, người Chile lần đầu tiên đoạt chức vô địch Copa, còn người nghệ sĩ lang thang Valdivia như thường lệ vẫn tiếp tục nói lời từ chối những CLB hàng đầu bên kia bờ đại dương. Mùa Hè 2015, bỏ lại sau lưng vô vàn lời đề nghị từ châu Âu, hay kể cả Quảng Châu Evergrande (Trung Quốc), cầu thủ người Chile quyết định quay lại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất để khoác áo Al-Wahda.
Copa America 2016, Valdivia đã không được triệu tập lên tuyển vì tội… chửi rủa tân HLV Juan Antonio Pizzi. Mặc dù ĐT Chile sau đó vẫn bảo vệ thành công chức vô địch nhưng rõ ràng, trong một ngày hội bóng đá đình đám bậc nhất châu Mỹ La-tinh mà lại thiếu vắng đi El Mago thì quả là điều vô cùng đáng tiếc. Lặng lẽ, âm thầm, hay nổi loạn và thất thường như thế, nhưng dù sao đi chăng nữa, trong mắt rất nhiều người, cái tên Valdivia chắc chắn vẫn là một cầu thủ xuất sắc, một kẻ sở hữu tài năng xuất chúng nhưng chẳng cần nhờ đến ánh đèn của sân khấu lớn nhất thế giới - châu Âu, để tìm kiếm sự thừa nhận dành cho bản thân mình.
***
“Valdivia là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất thế giới”, Carlos Valderrama, huyền thoại của ĐT Colombia một thời từng phải thốt lên như thế.

Trái ngược với không ít cầu thủ bóng đá đang ngày ngày theo đuổi niềm hoài bão phải đặt chân đến lục địa già bằng mọi cách, hoặc bỏ qua danh vọng để mơ về những khoản tiền khổng lồ từ Trung Quốc, Jorge Valdivia dường như lại là một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. “El Mago” (nhà ảo thuật), hơn bao giờ hết, chính là một kẻ khao khát tự do đến tận cùng, một vũ điệu Nam Mỹ vừa cuồng say và nóng bỏng, nhưng cũng lại chất chứa biết bao nỗi u uẩn giống như chính số phận và sự nghiệp nửa vời của anh vậy…
OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.