Jon Dahl Tomasson và những chuyến phiêu lưu của một người Viking

Tác giả Ole - Thứ Hai 03/01/2022 15:09(GMT+7)

Những năm tháng chơi bóng tại Hà Lan, Anh, Đức, Tây Ban Nha cùng giai đoạn đỉnh cao trong màu áo AC Milan chính là minh chứng rõ nét nhất cho một cuộc đời đầy trải nghiệm và vinh quang của Jon Dahl Tomasson, một trong những chân sút xuất chúng ở giai đoạn chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ.

 
Tomasson tất nhiên không phải dạng “sao số” trong đội hình AC Milan, khi mà đội bóng chủ sân San Siro vào giai đoạn nửa đầu thập niên 2000s sở hữu quá nhiều tên tuổi thuộc vào hàng đẳng cấp thế giới, từ Paolo Maldini, Alessandro Nesta, Andriy Shevchenko, Kaka cho tới Andrea Pirlo, Clarence Seedorf hay Pippo Inzaghi… Mặc dù vậy, chiến lược tìm kiếm tài năng trên quy mô toàn cầu mà Rossoneri theo đuổi thông qua khả năng quản lý bóng đá xuất sắc của PCT Adriano Galliani đã phần nào tạo điều kiện cho nhiều cái tên vô danh dần được cả châu Âu biết đến. 
 
Chẳng cần lấy ví dụ đâu xa, trung tâm huấn luyện Milanello trong những năm tháng mà Carlo Ancelotti còn tại vị từng chứng kiến không ít trường hợp như vậy, điển hình là Vogel, Kaladze hay chính Tomasson, những cầu thủ bằng cách nào đó đã để lại ấn tượng trong lòng các milanisti. Tiền đạo người Đan Mạch trước khi chuyển đến Italia vốn chỉ là một chân sút thuộc dạng khá. Xuất thân từ vùng Scandinavi, cũng giống như rất nhiều chàng trai mang gốc gác Viking khác, Tomasson bắt đầu sự nghiệp ở quê nhà, trong màu áo Solrod FC và chuyển lên chơi chuyên nghiệp tại Koge. Sau ba năm ẩn dật tại Hà Lan cùng Heerenveen, cầu thủ sinh năm 1976 này nhanh chóng bị hấp dẫn bởi tiếng gọi từ Premier League đầy hào nhoáng và quyết định chuyển đến khoác áo Newcastle. 

\
Những tưởng CLB vùng Đông Bắc nước Anh sẽ biến Tomasson trở thành một “Ole Solskjaer mới” nhưng rồi, mọi thứ đã diễn ra không hề đơn giản. “Tôi từng nhận được đề nghị từ Barcelona nhưng tôi vẫn thích Newcastle hơn. Có nhiều lý do để nói về chuyện này nhưng một trong những nguyên nhân là bởi lời khuyên từ Peter Schmeichel. Anh ấy bảo tôi nên đến chơi tại Premier League và Newcastle là một CLB đặc biệt. Ở thời điểm ấy, tôi không nghĩ rằng mình nên tranh luận với một ngôi sao xuất sắc như vậy”, Tomasson nhớ lại. 
 
Hoài bão luôn là thứ gì đó tạo nên động lực cố gắng cho các cầu thủ nhưng môi trường cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng thành công của mỗi người. Với thân hình có phần hơi mảnh khảnh, Tomasson liên tục gặp khó khăn trước thứ bóng đá giàu tính thể chất tại xứ sở sương mù để rồi sớm “bật bãi” chỉ sau đúng một mùa giải. Theo thống kê từ Daily Mail, chân sút người Đan Mạch thậm chí còn nằm trong danh sách top 50 tiền đạo tệ nhất lịch sử giải VĐQG Anh, với vị trí thứ… 34. Tuy nhiên, thất bại này lại sớm mở ra một cơ hội mới để Tomasson có thể tìm lại chính mình ở vùng đất thấp, Hà Lan, một nơi vốn đã quen thuộc với anh, lần này là Feyenoord. 
 
Trong vòng 4 mùa giải, 70 bàn thắng của Tomasson đã mang về cho Feyenoord một chức vô địch quốc gia cùng một danh hiệu UEFA Cup, qua đó trở thành tấm vé thông hành ấn tượng đưa tiền đạo người Đan Mạch đến chân trời mới mang tên AC Milan. Đáng chú ý, trong chiến thắng 3-2 trước Dortmund ở trận chung kết UEFA 2001/02, Tomasson cũng đóng góp một bàn và được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Khoảng thời gian mùa Hè năm 2002, sự kiểm chứng đối với năng lực của Tomasson cũng được nhận định rõ nét hơn khi ĐT Đan Mạch chơi khá thành công tại World Cup và chỉ để thua ở vòng 1/16 trước ĐT Anh. Với 4 bàn thắng chỉ sau ba trận đấu ở vòng bảng (trước Uruguay, Senegal và Pháp), không ai còn nhận ra Tomasson như một nỗi thất vọng từng xuất hiện tại Newcastle. Chấn thương của Sheva cũng trong mùa hè năm ấy đã nhanh chóng tạo điều kiện cho ngôi sao người Đan Mạch được ra sân đều đặn, bên cạnh một sát thủ khét tiếng khác là Inzaghi. 

 
Định nghĩa về một Milan bách chiến bách thắng dần mang đến nguồn cảm hứng bất tận cho Tomasson trên sân cỏ. Mùa giải 2002/03, anh giành được Champions League, Coppa Italia và Siêu Cúp châu Âu. Chỉ một năm sau đó, tiếp tục là Scudetto và Siêu Cúp Ý. Tuy chỉ đóng vai trò của một tiền đạo dự bị mang tính chiến lược nhưng Tomasson cũng đóng góp tới 12 bàn cho Milan tại Serie A 2003/04, góp công lớn vào thành công chung của thầy trò HLV Ancelotti. Trong mùa bóng cuối cùng tại sân San Siro, cựu tiền đạo Feyenoord mặc dù phải chứng kiến thất bại lịch sử trước Liverpool ở trận chung kết Champions League, khi Milan thua ngược trên chấm phạt đền (dẫn trước 3-0 trong hiệp một) nhưng chặng đường tại nước Ý đã thực sự khép lại trong vinh quang đối với cầu thủ này. Mùa Hè năm 2005, Tomasson cập bến Stuttgart, trong niềm hy vọng về việc sẽ thay thế một Kevin Kuranyi có hiệu suất ghi bàn ổn định
 
Tuy nhiên, cũng giống như những gì từng xảy ra tại Premier League trước đây, những môi trường bóng đá nặng về tốc độ và thể lực chưa bao giờ phù hợp với chân sút người Đan Mạch và Bundesliga cũng vậy. Chỉ sau một mùa giải, vị trí quen thuộc dành cho Tomasson chính là băng ghế dự bị. Khoảng thời gian khoác áo Villarreal sau đó dưới dạng cho mượn cũng không để lại quá nhiều ấn tượng từ Tomasson. 
 
Quay trở về thi đấu cho đội bóng cũ Feyenoord vào mùa Hè 2008, cựu ngôi sao Milan chơi bóng trong tâm lý an nhàn trước khi quyết định giải nghệ vào năm 35 tuổi. Để nói về Jon Dahl Tomasson, chắc chắn sẽ không nhiều người dám đặt anh bên cạnh những chân sút xuất sắc cùng thế hệ. 

 
Mặc dù vậy, tiền đạo người Đan Mạch lại giống như một cơn gió lạ thoáng qua trên bầu trời San Siro trong giai đoạn mà Milan đẹp đẽ và hào hoa nhất. Người ta sẽ nhớ đến Tomasson với bàn thắng ở phút thứ 90 vào lưới Ajax Amsterdam, một pha lập công quyết định đưa Rossoneri vào đến trận chung kết Champions League 2002/03, trước khi thầy trò Ancelotti có thể bước lên đỉnh vinh quang. “Tôi chưa bao giờ xem Tomasson là cầu thủ dự bị. Cậu ấy là một thành viên không thể thiếu trong đội hình của Milan”, Carletto khẳng định. Những bàn thắng, những danh hiệu bên cạnh những trải nghiệm vô giá, liệu còn điều gì tuyệt vời hơn đối với cuộc đời phiêu lưu của một gã Viking đúng nghĩa như Tomasson? 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười của Đình Triệu

Năm 2018, thời điểm bóng đá Việt Nam lên đồng, Nguyễn Đình Triệu có thể giống như tất cả chúng ta, hòa mình cùng niềm vui trên đường phố, bên bàn nhậu, trong quán cafe hay ở một góc nào khi đội tuyển U23 mở ra một chuỗi thành công và danh tiếng cho bóng đá Việt Nam.

Trong năm 2024, liệu có ai vượt qua hoặc sánh ngang với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo?

Kỷ nguyên Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã chính thức kết thúc vào năm 2024. Lần đầu tiên kể từ năm 2003, không một ai trong số họ lọt vào danh sách ứng cử viên cho danh hiệu Ballon d’Or, tức Quả Bóng Vàng. Và tất cả chúng ta đều biết rằng, cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng chính là “Bảng Phong Thần” cao quý, danh giá nhất của lịch sử bóng đá dành cho những cá nhân kiệt xuất nhất.

Lá Quốc kỳ trong tay Đỗ Duy Mạnh

Sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tối 2/1 tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Đỗ Duy Mạnh ăn mừng đầy tự hào với lá cờ Việt Nam tại sân Việt Trì; hình ảnh này, mang nhiều ý nghĩa hơn thế.

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.