John Terry: Khi tất cả là vì Stamford Bridge

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 20/05/2016 17:02(GMT+7)

“Một câu chuyện cổ tích ư? Tôi nghĩ là nó không xảy ra ở đây đâu, ý tôi là, tôi sẽ không nghỉ hưu ở đây, ở Chelsea”. Người phóng viên tiếp lời: “Nhưng anh có thể sẽ chơi cho một đội bóng Anh nào đó chứ?”. “Không, tôi nghĩ là không đâu, tôi không thể làm thế với những người hâm mộ Chelsea”.
 
Gần bốn năm trước, trên chuyến bay trở về từ Catalunya, và giữa những nét mặt hân hoan đầy vui sướng của đồng đội trước chiến thắng đến nghẹt thở ở bán kết cúp C1 Châu Âu, John Terry của The Blues chỉ ngồi lặng thinh bên cạnh Frank Lampard. Điều gì đã khiến anh phải bận tâm đến vậy? Trận hòa ngay tại thánh địa Nou Camp của câu lạc bộ mạnh nhất thế giới tại thời điểm bấy giờ - Barcelona, là vừa đủ để Chelsea giành lấy chiếc vé chung kết ở Allianz Arena. Dĩ nhiên kết quả đó đã thật trọn vẹn với John Terry nếu như anh không phải lĩnh một chiếc thẻ đỏ trong một tình huống không đáng có. Anh lo lắng, phần nhiều vì sợ người hâm mộ Chelsea quở trách, hơn là việc quan tâm đến những gì giới chuyên môn phán xét về mình.

John Terry - Đội trưởng huyền thoại của Chelsea
 
Thời gian đó, ban huấn luyện cùng với cổ động viên Chelsea mất ăn mất ngủ, thế này thì ai sẽ đứng ở vị trí John Terry mà chỉ đạo hàng phòng ngự trong trận chung kết C1 sắp tới, ai dám thét ra lửa vào mặt cầu thủ Chelsea và đề nghị họ đá tập trung hơn, khi trước mặt họ là một “Hùm Xám” đang nhe nanh gầm gào, mà lại còn ngay tại “hang” của họ - Allianz Arena?.
 
Trước khi Chelsea đánh bại Bayern Munich một cách đầy may mắn và kịch tính trong loạt sút luân lưu trận chung kết C1 mùa giải 2011-2012 đó, hãy quay ngược chiều kim đồng hồ trở lại, để chứng kiến những năm tháng sự nghiệp của John Terry. Anh được phong “tướng” – đội trưởng của The Blues trong triều đại của Roman Abramovich. Còn ai thích hợp hơn ngoài anh cho vị trí đội trưởng này nữa? “Thợ hàn” Ranieri cũng đã chọn anh sau gần năm năm thấy anh miệt mài rèn giũa bản thân, “Người đặc biệt” Mourinho khi mới đến London thậm chí còn cẩn thận hơn, ông lôi những trụ cột Lampard, Cuducini, Makelele...ra một góc kín mà hỏi rằng: “Này, thế cậu ta có xứng đáng thật không đấy?”.
 
Những ngày đó, các cầu thủ từ khắp lục địa già đến Chelsea thi đấu đều dành cho Terry một sự tôn trọng nhất định, dù là những người Bồ Đào Nha khôn ngoan từng vô địch C1 như Carvalho và Ferreira, dù là một người Đức nóng nảy đã vô địch Bundesliga như Ballack, dù là một người Brazil tóc xù bất kham là David Luiz thích công hơn thủ, thì tất cả hiểu rằng, ở Chelsea đã có những giá trị được kiểm chứng và tồn tại, có những con người mang tính biểu tượng, không thể thay thế được như John Terry. Cũng phải thôi, họ đã từng được chứng kiến người đội trưởng này lao mình vào một pha bóng với Abou Diaby tới mức bất tỉnh trong trận đấu với Arsenal ở League Cup năm 2007, chứng kiến hơn bốn năm liền Terry cùng hàng phòng ngự giữ cho Chelsea bất bại trên sân nhà ở giải Ngoại hạng Anh (2004 -2008) và thậm chí ở mùa giải đầu tiên của Mourinho, họ đã thấy Terry tả xung hữu đột như thế nào để giữ cho Chelsea chỉ thủng lưới đúng 15 bàn trong suốt 38 trận đấu.
 
Những năm sau đấy đánh dấu những sự kiện lớn, xảy ra liên tiếp trong cuộc đời của người đội trưởng The Blues. Khát vọng lên đỉnh Châu Âu và cống hiến cho Stamford Bridge đã lần đầu đưa Terry và đồng đội đến chung kết Champions League năm 2008. Người ta thấy nỗi cay đắng và tội nghiệp trong mắt anh dưới những cơn mưa nặng hạt ở sân Luzhniki – Moscow năm đó. Một cú giậm chân trái hiếm hoi không hoàn hảo của Terry, đã đá bay chiếc cúp đi trong nỗi thất vọng tột cùng của đồng đội, của ông chủ Abramovich và đặc biệt là người hâm mộ Chelsea. “Anh biết không, tôi hạnh phúc vì sau này Chelsea đã có cúp C1, nhưng tôi thỉnh thoảng vẫn bật dậy trong đêm, và thấy rằng cảm giác day dứt, tuyệt vọng khi sút hỏng luân lưu ấy vẫn còn nguyên vẹn”, đội trưởng Chelsea trả lời phóng viên như vậy, một cuộc phỏng vấn 6 năm sau trận đấu trên đất Moscow với MU.
 
Anh vừa phải vượt qua những tháng ngày “chung lưng đấu cật” trong màu áo Tam Sư – nhưng là với những con người bên kia chiến tuyến trận chung kết buồn ấy: Rio Ferdinand, Wes Brown, Owen Hargreaves; vừa phải kìm nén nỗi đau khi Chelsea tiếp tục gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường ở bán kết C1 vì Barcelona năm 2009, và thậm chí, anh là đích đến cho những lời chỉ trích sau khi cuốn tự truyện của Makelele tiết lộ về những mối quan hệ xấu xí của anh với các huấn luyện viên. Có lẽ, những cảm xúc tiêu cực trên sân cỏ như thế đã biến John Terry như thành một con người khác, anh dần dần chuyển sang ham thích những thú vui tầm thường và tự biến mình thành một trò hề với những scandal không thể tin nổi.

Anh biết không, tôi hạnh phúc vì sau này Chelsea đã có cúp C1, nhưng tôi thỉnh thoảng vẫn bật dậy trong đêm, và thấy rằng cảm giác day dứt, tuyệt vọng khi sút hỏng luân lưu ấy vẫn còn nguyên vẹn.
John Terry
 
Nhẽ ra, sự nghiệp của John Terry rất có thể đã kết thúc từ sớm vì những tai tiếng, nhưng may mắn thay là vẫn còn có những người tin tưởng anh. Thuyền trưởng của Tam Sư, Steve McClaren đã nói: “Terry có tất cả những phẩm chất mà một người đội trưởng cần: tư chất thủ lĩnh, quyết đoán, khả năng đọc trận đấu và tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi”, và thế là ông trao băng đội trưởng tuyển Tam Sư cho anh. Thậm chí huấn luyện viên Fabio Capello sau đó đã phải trả giá phần nào đó, bằng chính vị trí huấn luyện viên trưởng của mình vì đã bỏ mặc ngoài tai những lời đàm tiếu về tư cách đạo đức của John Terry mà hai lần tin tưởng giữ lại chiếc băng thủ quân Tam Sư cho anh.
 
Nhưng rồi thì dưới những áp lực của truyền thông, báo chí cánh hẩu và người trong cuộc, Terry không chịu đựng nổi. Anh bỏ cuộc và tháo chiếc băng vốn là niềm vinh dự của bao đời cầu thủ xứ sở sương mù mà trở về mái nhà Stamford Bridge, nơi mà dòng chữ “Captain, Leader, Legend” dành cho anh vẫn còn nguyên vẹn sau gần một thập kỷ. Anh lặng lẽ cống hiến cho Chelsea nhiều hơn, có lẽ vì anh tin rằng mình nợ người hâm mộ quá nhiều thứ. Đồng thời, người ta cũng thấy cách chơi bóng của anh cũng có phần thay đổi ít nhiều, có lẽ việc thiếu vắng một Ricardo Carvalho bên cạnh với lối đá khôn ngoan và sẵn sàng bọc lót cho đồng đội đã khiến Terry phải vất vả hơn trong việc đọc trận đấu cũng như phải bình tĩnh hơn trong các pha bóng phòng ngự. Ngôi vị quán quân Ngoại hạng Anh năm 2010, 2015 và vô địch Champions League 2012 là minh chứng cho những đóng góp của John Terry, và cũng có có thể coi như những trái ngọt sau quãng thời gian mà anh phải vật lộn với những câu chuyện ngoài lề sân cỏ.

Terry phải chịu rất nhiều áp lực sau Scandal tình ái
 
Trận đấu thứ 700 của John Terry mới gần đây trong màu áo The Blues đánh dấu những ý nghĩa to lớn cho cá nhân Terry và cả đội bóng thành London. Họ nhận ra rằng, chàng trai 14 tuổi mặt búng ra sữa, đá tiền vệ cho đội trẻ Chelsea ngày nào, giờ đã thành một người thủ lĩnh thực sự, và đang đi đến hết những ngày tháng cuối cùng trong sự nghiệp theo đuổi trái bóng tròn, trong màu áo The Blues. Và mặc kệ những lời đồn thổi về việc bị ruồng bỏ vào cuối mùa bóng này, bản thân Terry thấy mình vẫn còn nhiệm vụ phải làm khi mà Kurt Zouma hãy còn non nớt và cần người kèm cặp. Còn gì tuyệt vời hơn thế với các cổ động viên Chelsea, khi họ thấy hình ảnh một già một trẻ, song hành ở vị trí trung vệ, một sự chuyển giao thế hệ họ luôn kỳ vọng được thấy, mà biết bao lâu nay các đội bóng ở xứ sở sương mù không thể làm nổi.

 

Với Chelsea, họ may mắn hơn những đội bóng khác ở xứ sở sương mù khi trục dọc huyền thoại: Cech – Terry – Lampard – Drogba vẫn còn một người thủ lĩnh cuối cùng. Và người hâm mộ thì muốn nhắc nhở họ điều này: những giá trị tinh thần thực sự làm nên lịch sử và truyền thống bóng đá Anh, phải được truyền lửa từ những cá nhân xuất sắc nhất.

BIX (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.