John O’Shea thổi nến mừng sinh nhật lần thứ 40 cách đây vài ngày. Một cầu thủ "trung bình" nhưng vẫn khiến chúng ta thích thú.
Trận tứ kết Champions League 2003 giữa Manchester United với Real Madrid ghi dấu một trong những màn trình diễn thượng thặng của Ronaldo ‘il Fenomeno’, một trong những tiền đạo vĩ đại nhất lịch sử, thiên tài bóng đá, Galatico, nhà vô địch thế giới cũng như người hai lần giành danh hiệu cao quý Ballon d’Or. Nhưng có một khoảnh khắc trên Old Trafford khiến đám đông khán giả không thể nào ngờ tới. Từ bên cánh trái, John O’Shea nhận bóng. Luis Figo, tiền vệ có lối chơi phong nhã đến từ Bồ Đào Nha, người đã giành Ballon d’Or cách đó 3 năm, đứng gần đó tiến lên áp sát. Hậu vệ người Ireland chạm bóng từ tốn, nhẹ nhàng đưa bóng qua khe giữa hai chân của Figo rồi tiến về phía phần sân Real Madrid. Sẽ không ai ngạc nhiên nếu Figo ‘nutmeg’ còn O’Shea đóng vai trò nạn nhân nhưng sự thực đã diễn ra đúng theo cái cách không ai ngờ tới như vậy.
Đó là một khoảnh khắc thú vị, không chỉ vì tình huống xỏ háng trong tranh chấp luôn luôn khiến khán giả thích thú, mà bởi nó được thực hiện bởi O’Shea, một cầu thủ chưa bao giờ được xem là khéo léo, người luôn bị lãng quên giữa hàng sa số những đồng đội lừng lẫy. O’Shea đã phụng sự Manchester United từ 2001 đến 2011, sát cánh cùng những Ruud Van Nistelrooy, David Beckham, Ryan Giggs, Paul Scholes, Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo và Rio Ferdinand, những cầu thủ đứng ở đẳng cấp thế giới trong một thời gian. O’Shea chưa bao giờ vươn lên đẳng cấp đó, nhưng vì lý do gì anh ta được sát cánh cùng họ trong ngần ấy năm?
Trên sân bóng, phong cách của O’Shea hiện diện phần nào đó trong Tony Jantschke của Borussia Moenchengladbach ngày nay: vóc dáng không thể thao lắm, và những cử chỉ trên sân cũng không ra vẻ linh hoạt sắc sảo. Thay vào đó, họ được HLV tín trọng nhờ vào khả năng không (hoặc ít khi) mắc sai lầm. Khả năng chơi bóng của O’Shea thực sự có giới hạn: không quá nhanh, không mạnh mẽ, tranh chấp trên không cũng bình thường và càng lại không phải ông vua chuyền bóng; nói chung: trung bình ở tất cả kỹ năng. Chính vì anh chỉ chuyên thực hiện những đường chuyền cự ly ngắn và an toàn, không bao giờ rê dắt hay tăng tốc: một phong cách chơi cẩn trọng và kín kẽ. Khi O’Shea rời Old Trafford để chuyển đến Sunderland sau 394 trận cho Quỷ Đỏ, với nhiều người thì sau cùng anh đã khoác áo đội bóng đúng năng lực của mình.
Tuy nhiên khi kết thúc sự nghiệp, O’Shea đã có trong tủ danh hiệu 5 chức vô địch Ngoại Hạng Anh và 1 chức vô địch Champions League, nhiều hơn những huyền thoại Didier Drogba, Thierry Henry, Steven Gerrard hay Alan Shearer. Nó cho thấy hai điều. Thứ nhất: đẳng cấp của cầu thủ không liên quan đến số danh hiệu mà họ có được. Thứ hai: dù không nổi bật, O’Shea hoàn toàn không tệ.
Điểm mạnh lớn nhất của anh nằm ở sự linh hoạt. O’Shea có thể chơi ở rất nhiều vị trí: hậu vệ phải, hậu vệ trái, trung vệ, tiền vệ phòng ngự, tiền đạo mục tiêu. Và nếu cần, Sir Alex Ferguson sẽ để anh đứng trong khung gỗ. O’Shea cần thiết tới mức cây viết Einar H. Dyvik của tạp chí 11 Freunde gọi là khoai tây của bóng đá, theo nghĩa tích cực của từ này, nghĩa là anh cực kỳ quan trọng với kế hoạch của HLV. “Cậu ấy đã được tạo nên để chơi bóng ở mọi vị trí”, cựu đồng đội Matt Holland nhận định. O’Shea không đủ cừ khôi để chơi chuyên biệt một vị trí trong cả sự nghiệp. Nếu O’Shea nhanh nhẹn hơn, anh có lẽ đã trở thành một hậu vệ biên. Hoặc nếu mạnh mẽ hơn các HLV sẽ để anh đá trung vệ. Hoặc an toàn hơn anh sẽ là người giữ nhịp ở hàng tiền vệ. Nhưng ngay cả khi có những ưu điểm nói trên, liệu anh có đủ tốt để đứng trong đội hình Manchester United của Ferguson trong những năm tháng đó? Sẽ rất khó để trả lời nhưng O’Shea đã cho thấy dù hạn chế về kỹ năng đá bóng, anh vẫn sở hữu lợi thế cạnh tranh cực lớn để ra sân: sự linh hoạt giúp anh luôn sẵn sàng khi Ferguson cần thay đổi bất kỳ vị trí nào trên sân.
Tất nhiên việc O’Shea trụ lại ở Old Trafford sau ngần ấy năm ở một trong những đội bóng hay nhất châu Âu cũng cho thấy tài năng đặc biệt của ông thầy Scotland. Ferguson luôn biết cách gắn kết những cầu thủ trung bình với những ngôi sao đẳng cấp, khiến họ luôn chơi tốt hơn khả năng của mình. Đó là một thành tựu ấn tượng, bên cạnh những danh hiệu để đời từ 1986 đến 2013.
Không chỉ có những chuyên gia hay cổ động viên biết khả năng đá bóng hạn chế của O’Shea. Anh tự hiểu mình không phải sinh ra để thực hiện những đường bóng tinh tế và ngẫu hứng như Zinedine Zidane hay Cristiano Ronaldo, chính vì vậy, khi khéo léo tâng bóng qua đầu Manuel Almunia trong trận đối đầu với Arsenal năm 2005, O’Shea cũng tỏ ra ngạc nhiên với bản thân mình.
Đó không phải điểm nhấn duy nhất trong sự nghiệp O’Shea. Năm 2007, anh ghi bàn thắng duy nhất vào đối thủ truyền kiếp Liverpool vào những phút bù giờ. Năm 2014, trong trận đấu quốc tế thứ 100 cho Ireland gặp Đức, anh cũng ghi bàn trong những phút bù giờ. Nhưng những khoảnh khắc như thế không nhiều, bởi vì cũng giống như phong cách chơi bóng trên sân, cả sự nghiệp của anh trông có vẻ kín đáo và thận trọng.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nhiều người chúc mừng O’Shea. Rất nhiều người trong chúng ta trải qua cuộc đời hoặc phụng sự lặng lẽ như O’Shea. Trong khi Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Zlatan Ibrahimovic ngày càng giống những siêu nhân đá bóng thì vẫn có những người bình thường như O’Shea đứng trên sân bóng. Đó là lý do tại sao tại Euro 2016, khi Ireland ở chung bảng đấu Thụy Điển, nhóm nhạc Musiker đã sáng tác bài hát: ‘Dare to Zlatan? Not to day. Now you gotta dare to John O’Shea’*
*Năm 2012, Hội đồng ngôn ngữ Thụy Điển đăng ký từ ‘to Zlatan’ với ý nghĩa làm điều gì táo bạo hoặc xuất sắc khủng khiếp. Dare to Zlatan chính là dám làm những điều táo bạo nhưng xuất sắc khác người. Còn Dare to John O’Shea…
Theo Einar H. Dyvik | 11Freunde