Johan Cruyff và Louis van Gaal: Chiến tranh giữa các vì sao

Tác giả CG - Thứ Tư 27/12/2017 15:40(GMT+7)

Zalo
Được xem là hai trong số những huấn luyện viên thành công nhất của bóng đá Hà Lan, cả Johan Cruyff và Louis van Gaal đều có những nét tương đồng trong quan điểm về môn thể thao này cũng như nghệ thuật để đạt được thành công.
Johan Cruyff va Louis van Gaal: Chien tranh giua cac vi sao2
Johan Cruyff và Louis van Gaal: Chiến tranh giữa các vì sao
Sự đố kỵ là một độc tố, một thứ vũ khí hủy diệt. Và đáng buồn thay, bóng đá cũng không thể nào tránh khỏi điều đó. Khía cạnh căn bản của bóng đá là tính tập thể, nó là một trò chơi đồng đội và vì thế, đội bóng cũng quan trọng hơn một cá nhân. Đó là chính là một trong những điều khiến mối thâm thù huyền thoại giữa Johan Cruyff và Louis van Gaal – hai trong những “bộ óc bóng đá” xuất sắc nhất của Hà Lan – vẫn còn rất hấp dẫn cho đến ngày nay.
 
Đùng đùng bỏ ngang bữa tiệc Giáng sinh, những khác biệt cơ bản về triết lý trong việc huấn luyện cũng như kỷ luật,… và điều còn lại với chúng ta là một cuộc đối đầu về cá tính rất kinh điển. Đó là sự ghen ghét lẫn nhau giữa Cruyff và Van Gaal, hai người đàn ông thường xuyên đấu khẩu mỗi khi một trong hai nhắc đến người kia. 
 
Tất nhiên, nếu chúng ta sống trong một thế giới không có những sự tự ái thì có thể Van Gaal và Cruyff sẽ trở thành những người bạn tốt. Cả hai được xem như những chiến lược gia thông tuệ và chẳng thể lẫn đi đâu được của bóng đá hiện đại. Họ đều muốn nâng cao phẩm chất, trình độ của huấn luyện viên, cầu thủ và toàn bộ nền bóng đá Hà Lan. Tuy nhiên, họ lại chưa bao giờ muốn kết hợp những kiến thức sâu rộng của cả hai lại để cùng nhìn về một hướng.
 
Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy những lời chế nhạo, nói đểu lẫn nhau và một mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt như Cruyff thừa nhận. Nó tạo ra một sự thù nghịch gây chia rẽ sâu sắc nhưng cũng rất hấp dẫn, có thể đánh lừa người khác như một cú “Cruyff turn” vậy.
Johan Cruyff va Louis van Gaal: Chien tranh giua cac vi sao4
 
Mầm mống của những ác cảm giữa hai con người này khởi điểm cách đây rất lâu, từ năm 1972 tại Amsterdam. Van Gaal, khi đó mới 20 tuổi, được Ajax chiêu mộ và gia nhập đội hai. Cậu thanh niên cao ngạo ngày ấy rất hâm mộ Cruyff, với những tài năng Hà Lan đang phát triển trong đầu thập niên 70 thì điều này gần như là bình thường. Nhưng trong khi Cruyff đã khẳng định bản thân là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới, một người nghệ sĩ có năng lực không tưởng, thì Van Gaal đã không thể làm được.
 
Năm 1972, Cruyff có thể xem như đang thi đấu trong giai đoạn đỉnh cao của mình. Những bước chạy như múa ba lê trên sân của ông đẹp đến nỗi mà nhà báo Maarten de Vos đã quyết định phải lưu giữ khoảnh khắc đó lại bằng những tấm ảnh. Và thành quả là một bức chân dung trọn vẹn 90 phút về một cầu thủ hiệu quả, lịch lãm và có thể dùng một từ là “không tưởng” ra đời. Ngược lại, Van Gaal thi đấu cho Royal Antwerp của Bỉ sau khi không thể đạt đến được tầm vóc của thần tượng. Sự nghiệp của họ rẽ lối từ đây. Cruyff chuyển tới Barcelona và nhanh chóng trở thành đại diện cho thứ bóng đá vị nghệ thuật, một sự pha trộn giữa phong cách và tư tưởng. Trong khi đó, sự nghiệp cầu thủ của Van Gaal lại vô cùng khiêm tốn và chẳng giành được một danh hiệu lớn nào. Cruyff thì ba lần vô địch C1 và đoạt 8 danh hiệu Eredivisie, chưa kể đến toàn bộ những thành tích cùng danh hiệu cá nhân.
 
Một cuộc đời cầu thủ chẳng có nhiều điểm tương đồng, thế nhưng sự nghiệp huấn luyện lại đưa họ đến gần nhau hơn, nhưng không phải với tư cách của những người bạn. Sau khi bị xem là quá trẻ để trở thành huấn luyện viên tại Ajax vào năm 1988 khi Cruyff ra đi để đến Barcelona, năm 1991 Van Gaal đã được bổ nhiệm. Khi lối chơi và phong cách tấn công của Cruyff đã được thấm nhuần vào đội bóng trong suốt 3 năm, nhiều cổ động viên đã tỏ ra hoài nghi về quyết định lựa chọn Van Gaal.
Johan Cruyff va Louis van Gaal: Chien tranh giua cac vi sao1
 
Đúng như vậy, Van Gaal đã không lường trước được điều đó. Nhưng khi người hâm mộ Ajax vẫn cứ tiếp tục ca ngợi Cruyff, nó chỉ càng làm ông khao khát đưa câu lạc bộ thành Amsterdam đến với đỉnh cao mà ngay cả người nghệ sĩ vĩ đại kia cũng không thể làm được. Do đó, trong khi Cruyff đang xây dựng một Dream Team của mình tại Barcelona thì Van Gaal cũng có cho mình một kế hoạch chi tiết để cải thiện Ajax mà ông đã thừa hưởng.
 
Dù vậy, Cruyff lẫn Van Gaal cùng có chung rất nhiều những nguyên tắc chiến thuật quan trọng, chỉ là cả hai luôn có sự đối nghịch ở một điểm mấu chốt, ấy là câu hỏi bóng đá nên được chơi như thế nào. Trong khi Cruyff tin rằng bóng đá nên được thi đấu bằng cái đầu và tin vào tầm quan trọng của những màn trình diễn của cá nhân trong một tập thể thì Van Gaal tuyệt đối cho rằng bóng đá là “sự nỗ lực của tập thể có tính mệnh lệnh cao”, như tác giả David Winner viết trong cuốn Brilliant Orange.
 
Hai huấn luyện viên này đều nhất trí bóng đá phải được xây dựng dựa trên những cầu thủ thông minh và tư duy nhưng triết lý của Van Gaal lại là hiện thân mang tính cực đoan hơn của Rinus Michels, gắn cho các cầu thủ những trách nhiệm và cả bổn phận. Sự khác biệt quan trọng trong quan điểm được minh họa một cách rõ ràng qua những câu nói dưới đây của hai người.
 
Cruyff: “Van Gaal có tầm nhìn về bóng đá rất tốt nhưng nó không phải của tôi. Ông ta muốn các đội bóng giành chiến thắng và sử dụng đường lối quân phiệt trong cách vận hành chiến thuật. Tôi thì muốn các cá nhân phải nghĩ về chính bản thân họ.”
 
Van Gaal: “Bóng đá là một môn thể thao tập thể, và các thành viên trong tập thể do đó phải phụ thuộc lẫn nhau. Nếu một cầu thủ nào đó không thể hoàn thành nhiệm vụ trên sân thì các đồng đội sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi cầu thủ phải hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản bằng tất cả khả năng của mình, và điều này yêu cầu một biện pháp mang tính kỷ luật.”
 
Cruyff không thích một thực tế là Van Gaal đã vứt bỏ những kế hoạch của ông tại Ajax để tạo lập nên một hệ thống mang tính kỷ luật cao và chinh phục châu Âu cùng với nó. Đúng, trong khi Cruyff hình thành bản sắc và quan điểm huấn luyện tại Ajax thì Van Gaal đã đưa chúng đến những đỉnh cao ngoạn mục. Mùa giải 1994/1995, Ajax Amsterdam của Van Gaal vô địch Champions League, vô địch Hà Lan mà không thua bất cứ một trận nào trong sự trầm trồ của cả thế giới.
 
Đó quả là một điều Cruyff thật khó thể nào mà nuốt trôi, cho dù ông có thừa nhận hay không. Nó giống như việc Van Gaal chuyển đến ngôi nhà cũ của Cruyff, chỉ việc thay thế màu sắc, đồ đạc trong nhà với một phong cách gì đó bình thường hơn nhưng vẫn sống rất ổn định và thoải mái. Chiếc Mercedes của Cruyff nay đã được thay thế bằng chiếc Honda của Van Gaal.
Johan Cruyff va Louis van Gaal: Chien tranh giua cac vi sao3
 
Tuy nhiên, Cruyff không hài lòng là vì Van Gaal đã làm được những điều mà ông không thể, chỉ nhờ vào việc áp dụng những chiến thuật cứng nhắc mà ông kịch liệt phản đối. Cấu trúc chiến thuật thiên biến vạn hóa của Cruyff rõ ràng đã tạo ra những kết quả hết sức đáng chú ý.
 
Barcelona của ông giành được 4 La liga và 1 European Cup nhờ vào sự thấu hiểu về không gian, pressing và khả năng chọn vị trí linh hoạt của các cầu thủ. Tại Nou Camp, Cruyff trở thành một nhân vật vĩ đại, di sản của ông là nền tảng để phát triển một thứ bản sắc và hệ tư tưởng hiện đại cho một trong những câu lạc bộ lớn nhất thế giới. Tất nhiên, một năm sau khi mối quan hệ của Cruyff và chủ tịch Josep Lluís Núñez đổ vỡ dẫn đến việc ông bị sa thải – 8 năm và 11 danh hiệu trong lần thứ hai đến Barcelona – Van Gaal đã được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng. Điều này càng làm sự đối nghịch vốn có giữa hai người thêm sâu sắc. Là một huấn luyện viên lâu năm và có ảnh hưởng nhất của Barcelona, Cruyff xem việc lựa chọn Van Gaal như thể di sản mà ông gầy công gây dựng trong suốt một phần tư cuộc đời đã bị vứt đi vậy.
 
Barcelona của Van Gaal giành 2 chức vô địch La Liga nhưng di sản của ông ở đội bóng này không thể đạt đến tầm như của Cruyff. Ông đến vào năm 1997 và tuyên bố rằng những gì mình đạt được ở Ajax trong 6 năm còn nhiều hơn những gì Barcelona có trong suốt 100 năm qua – một lời tuyên bố như cú tát vào mặt người tiền nhiệm.
 
Đến đây lại phải nói tới vụ lùm xùm nổi tiếng vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Van Gaal ở Barcelona với cái tên được nhắc đến là Rivaldo. Cầu thủ tài năng người Brazil muốn thi đấu ở trung tâm thế nhưng Van Gaal lại đẩy anh ra cánh trái. Rivaldo đã đặt biệt danh cho ông thầy mình là “Hitler”, và hãy nghĩ mà xem, thật khó để có thể tưởng tượng ra các cầu thủ của Cruyff lại muốn gán một biệt danh như vậy cho huyền thoại người Hà Lan dù xét về sự cao ngạo thì ông cũng chẳng kém cạnh so với Van Gaal.
 
Mối quan hệ giữa họ càng xấu hơn vào năm 2000 khi Van Gaal được lựa chọn làm tân huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Hà Lan. Cruyff đã vạch ra một kế hoạch tổng thể nhưng hết sức chi tiết về tương lai của Hà Lan. Thế rồi Van Gaal lại được bổ nhiệm và sau đó thì đội bóng không vượt qua được vòng loại World Cup 2002. Từ thời điểm đó, mối hiềm khích giữa hai người không có dấu hiệu giảm sút, nó dai dẳng và âm ỉ ngày này qua tháng nọ. Cả hai cũng không ngần ngại công kích nhau kịch liệt trên các phương tiện truyền thông. 
 
Và sự xuất hiện của cuốn tự truyện của Van Gaal lại càng như đổ thêm dầu vào lửa. Trong đó, ông khẳng định mối thầm thù giữa hai người bắt nguồn từ một bữa tiệc Giáng sinh vào năm 1989. Theo Van Gaal kể, ông nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng chị gái đã qua đời. Van Gaal vội chạy đi. Ông chẳng còn tâm trí nghĩ đến chuyện mình bỏ đi một cách đường đột như vậy cho tới khi Cruyff gọi điện và giận dữ hỏi tại sao lại đi về mà chẳng thèm nói một lời cảm ơn đến người chủ bữa tiệc hôm ấy. Cruyff nói rằng chắc chắn Van Gaal đã mắc bệnh Alzheimer. Tới khi Van Gaal dẫn dắt Bayern Munich, ông lại tiếp tục cáo buộc Cruyff liên tục sử dụng tầm ảnh hưởng với báo chí Catalan để phá mình ở Barcelona.
 
Van Gaal nói ông sẽ không bao giờ tha thứ, và theo một lẽ tự nhiên, Cruyff tỏ ra bớt vui đi trước viễn cảnh kẻ thù từng có khả năng gia nhập ban lãnh đạo Ajax vào năm 2011, nơi ông đang là Tổng giám đốc. Mối quan hệ của họ đã chạm đáy. 
 
Bốn trên năm thành viên trong ban cố vấn của Ajax muốn bổ nhiệm Van Gaal. Và thành viên duy nhất không muốn kia chính là Cruyff. Khi ông trở về nhà ở Barcelona, bốn người kia đã thực hiện một hành động “phản bội” và bổ nhiệm Van Gaal. Cruyff chỉ trích hành động lẩn tránh giải thích của họ và đệ đơn kiện. Những thủ tục tố tụng phức tạp sau đó đã diễn ra và gây chia rẽ trong câu lạc bộ cũng vì tranh cãi giữa Cruyff và Van Gaal.
 
Điều đáng buồn là trước khi Cruyff qua đời vào tháng 3/2016, cả hai người chưa bao giờ muốn giảng hòa với nhau. Đi cùng với mối thâm thù ấy là một nỗi xấu hổ chẳng thể nào phủ nhận được. Họ đều là những nhà tư tưởng lớn của bóng đá, đã đạt được những thành công vang dội trong nghiệp huấn luyện và đáng lẽ, hai bộ óc trí tuệ có thể kết hợp lại để mang về một chức vô địch World Cup cho Hà Lan.
 
Thay vào đó, chúng ta lại nhớ tới hai người đàn ông ấy như những kẻ thù không đội trời chung, hai kiến trúc sư bóng đá được kính trọng nhưng luôn tranh cãi cũng chỉ vì họ quá giống nhau. Cruyff và Van Gaal, cả hai ông đều tự cao và luôn sẵn sàng buông ra những lời cay nghiệt với người còn lại. Bóng đá mang đến cho chúng ta những câu chuyện thật cảm động còn mối quan hệ Cruyff – Van Gaal thì vẫn mãi và sẽ làm tăng thêm sự tò mò của chúng ta.

Lược dịch từ bài viết Art + War của tác giả Matt Gault trong ấn phẩm Netherlands của These Football Times.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Như vậy là chuyện gì đến cũng đã đến, không có bất ngờ nào xảy ra ở Mỹ Đình đêm qua. Đội tuyển Việt Nam lại thua bạc nhược trước những người Indonesia, làn sóng phản đối HLV Philipe Troussier lên đến đỉnh điểm, và lúc nửa đêm, trang chủ của VFF ra thông cáo chấm dứt hợp đồng với vị HLV người Pháp.

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

“Tôi sẽ trở lại Đức vào tháng 3,” Toni Kroos đã thông báo như thế trên Instagram của anh vào cuối tháng 2. "Tại sao? Trước hết là bởi Julian yêu cầu tôi trở lại và sau đó là vì, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ cho đội tuyển. Tôi đang có tâm trạng tốt và tôi chắc chắn rằng tại EURO Hè này tuyển Đức sẽ làm được nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể tin vào lúc này.”

X
top-arrow