Di sản của Cruyff để lại sẽ vĩnh cửu chừng nào bóng đá còn tồn tại. Sự vĩ đại của “Thánh Cruyff” là đủ để chúng ta tự động quên đi những góc ít lung linh hơn của ông.
Ảnh: Getty Images
“Johan là vĩnh cửu”, “Thiên tài sáng tạo lại bóng đá”, “Người đàn ông cách mạng hóa bóng đá đã ra đi”, “Ông ấy chính là bóng đá”,… đây là những tiêu đề trên trang nhất các tờ Sport, Marca, Mundo Deportivo và L’Equipe trong ngày 25/3 năm 2016.
Và không chỉ riêng các tờ nhật báo này, hình ảnh của Cruyff ngập tràn trên trang nhất các tờ báo thể thao khắp thế giới. 24 tháng 3 năm 2016 là một ngày thế giới bóng đá đón nhận mất mát lớn khi Johan Cruyff trút hơi thở cuối cùng.
Ngày 13/2/2016, Cruyff cập nhật dòng trạng thái đầy tích cực trên mạng xã hội: “Tôi đang dẫn 2-0 trong hiệp 1”. Đó là trận đấu mà đối thủ của ông chính là căn bệnh ung thư phổi. Một dòng trạng thái đầy tính bóng đá của Cruyff, âu cũng là điều dễ hiểu. Ông từng nói: “Trong cuộc đời mình, tôi chỉ nghiện 2 thứ: thuốc lá và chơi bóng”
. Thế nhưng trong trận đấu của cuộc đời, ông đã không thể giành chiến thắng. Cruyff qua đời nhưng đã để lại khối di sản đồ sộ về tư tưởng và triết lý túc cầu. Cruyff vĩ đại ra đi khi chỉ còn tròn 1 tháng nữa sẽ bước sang tuổi 69. Và nếu còn sống với chúng ta, ngày hôm nay ông sẽ bước sang tuổi 73.
Ngay từ khi còn trẻ, Cruyff đã mang dáng dấp thủ lĩnh và khiến các đàn anh ở Ajax phải nóng mặt vì luôn đưa ra những lời khuyên khi họ làm sai điều gì đó. Trong buổi tập, ngay cả khi bị bao vây, Cruyff vẫn luôn chỉ trỏ, bảo các đàn anh phải chạy đến nơi nào là hợp lý. Cruyff thích những cuộc xung đột và triết lý huấn luyện của ông cũng phảng phất điều này. Ông thích tạo ra những cuộc tranh luận để giải quyết vấn đề, chỉ trích những cầu thủ giỏi trong đội để họ thể hiện những phản ứng đáp trả mang tính tích cực.
Đội tuyển Hà Lan của năm 1974 thường được so sánh với The Beatles và Johan Cruyff chính là John Lennon. Nhà văn David Winner
Cruyff kiêu bạc, ngang tàng và không thiếu những người thù ghét. Tuy nhiên để ngồi ở một vị trí không ai ngồi được phải chịu đựng được cảm giác không ai chịu được. Trong bóng đá, không ít người thành công cả trong sự nghiệp cầu thủ lẫn huấn luyện viên. Nhưng ngoài ra còn áp đặt tư tưởng của mình vào một thế hệ, là nguồn cảm hứng cho cả một kỷ nguyên của môn thể thao vua thì Cruyff gần như là độc nhất vô nhị. Và đó chính là thứ làm nên sự vĩ đại của ông.
Nhắc đến Johan Cruyff là nói tới bóng đá Hà Lan, nhắc tới Cruyff là nói tới tập thể Oranje ở World Cup 1974 - một đội hình có thể xem là vĩ đại nhất không trở thành nhà vô địch thế giới. Cây bút David Winner, tác giả cuốn sách nổi tiếng về bóng đá Hà Lan: “Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football”, nhận xét: “Đội tuyển Hà Lan của năm 1974 thường được so sánh với The Beatles và Johan Cruyff chính là John Lennon”. Trong khi đó, nhà báo Jonathan Wilson thì viết trong cuốn “Inverting the Pyramid” rằng: “Cruyff là cầu thủ đầu tiên hiểu ông là một nghệ sĩ đồng thời là người đầu tiên có khả năng và mong muốn tập hợp nghệ thuật của các môn thể thao”.
Cruyff là đại diện cho bóng đá Hà Lan và phần nào đó là cả đất nước xứ sở hoa tulip nữa. Barry Hulshoff - cựu hậu vệ Ajax Amsterdam và đồng đội của Cruyff, người cũng mới qua đời tháng 2 năm nay - từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn như sau: “Chúng tôi luôn thảo luận với nhau về không gian. Cruyff luôn nói về việc mọi người nên chạy đi đâu, họ nên đứng đâu và không nên di chuyển tới vị trí nào. Mọi câu chuyện luôn xoay quanh việc tạo khoảng trống và di chuyển vào khoảng trống”.
Ảnh: Getty Images
Hà Lan là một đất nước nằm thấp hơn mực nước biển và không gian chính là thứ mà người dân quốc gia này luôn phải tư duy để tồn tại. Nỗi ám ảnh không gian và tính sáng tạo là đặc trưng của người Hà Lan, và chúng được Cruyff mang vào bóng đá. Ngoài ra, Cruyff cũng không tin vào tôn giáo bởi: “Ở Tây Ban Nha, tất cả 22 cầu thủ ra dấu thánh trước khi họ vào sân. Nếu họ làm thế thì mọi trận đấu đều sẽ kết thúc với tỷ số hòa”. Điều ta thấy ở đây là Cruyff chỉ tin vào sức mạnh nội tại của con người và đó phần nào cũng phản ánh ý chí của người Hà Lan trước nghịch cảnh về điều kiện địa lý.
Tuy nhiên phạm vi ảnh hưởng của Cruyff không chỉ dừng lại ở trong nước. Ông “xuất khẩu” những triết lý của mình ra khỏi biên giới. Sau khi Cruyff đến lần đầu tiên với tư cách cầu thủ, Barcelona trở lại đỉnh vinh quang với danh hiệu La Liga đầu tiên sau 14 năm. Cruyff lên nắm quyền HLV trưởng, Barca có một thế hệ “Dream Team” thống trị bóng đá Tây Ban Nha những năm 90. Tư tưởng của ông ăn sâu bén rễ từ đội một xuống dưới cấp độ nhỏ nhất và tỏa đi khắp nơi.
Chiến thắng là điều quan trọng. Nhưng làm sao để thắng mà có phong cách, khiến mọi người phải ngưỡng mộ và sao chép lại thì đó mới là món quà tuyệt vời nhất. Johan Cruyff
Dennis Bergkamp từng nói Cruyff là một nhà tiên phong, mọi cầu thủ Hà Lan đều bị ảnh hưởng chút gì đó bởi Cruyff. Pep Guardiola, một trong những HLV xuất sắc nhất thập niên này, là người học trò ưu tú nhất của Cruyff. Ronald Koeman, một người học trò khác trong đội hình “Dream Team” của Barcelona, đang là HLV trưởng đội tuyển Hà Lan. Quique Setien, một người thần tượng Cruyff, được Barca lựa chọn cũng vì thấm nhuần triết lý của ông. Và hàng loạt các đội tuyển, CLB, nền bóng đá khác định hướng chơi tấn công cũng bởi niềm cảm hứng nguyên thủy do Johan Cruyff khởi xướng.
Tất nhiên khi cái bóng của ai đó tại một tập thể là quá lớn, họ dễ tạo nên cảm giác về sự thao túng. Ở đây thậm chí Cruyff có ảnh hưởng tới tận 3 tập thể: Bóng đá Hà Lan nói chung, Ajax và Barcelona. Con người thì luôn đa diện, có người yêu kẻ ghét và nhất lại là nhân vật sở hữu cá tính thích làm chủ đầy mạnh mẽ như Cruyff. Năm 2008, trong một cuộc khảo sát của tạp chí Voetbal International, chỉ 1% các cầu thủ ở giải VĐQG Hà Lan bầu Cruyff là chuyên gia bóng đá yêu thích của họ.
Ảnh: Johan Cruyff/Facebook
Tuy nhiên sự vĩ đại của “Thánh Cruyff” là đủ để chúng ta tự động quên đi những góc ít lung linh hơn của ông. Và nếu có một nỗi nuối tiếc nào đó về người đàn ông này thì chính là thế giới không được chứng kiến ông dẫn dắt đội tuyển quốc gia Hà Lan. Nhưng có lẽ không hoàn hảo thì mới là cuộc sống.
Sau tất cả, di sản Cruyff để lại sẽ vĩnh cửu chừng nào bóng đá còn tồn tại. Sân vận động Amsterdam Arena của Ajax đã được đổi thành Johan Cruyff Arena vào năm 2018, Barcelona khánh thành sân vận động Johan Cruyff cho đội trẻ và đội nữ vào năm 2019 để vinh danh ông. Trong văn phòng HLV trưởng Ajax, bức ảnh chân dung đen trắng của ông cùng Rinus Michels và Louis van Gaal được treo trang nghiêm như một lời nhắc nhở cho các thế hệ HLV của De Godenzonen.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.