Joey Barton: Ký ức về gã tiền vệ bất hảo nhất lịch sử Premier League

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Bảy 02/09/2023 14:23(GMT+7)

Nói đến những cầu thủ cứng đầu, bất hảo nhất trong bóng đá từng tại thi đấu tại Premier League, bạn sẽ nghĩ đến ai đầu tiên?

 

Roy Keane, chủ nhân của các pha va chạm máu lửa trên sân, những màn xô xát kinh điển với Patrick Vieira, hay ký ức rợn người về pha triệt hạ khiến Alf-Inge Haaland mất đi sự nghiệp chơi bóng, đồng thời không quên tặng kèm câu nói: “Nhận lấy này thằng khốn! Đừng bao giờ giễu cợt tao về việc tao giả vờ chấn thương nữa”.

Balotelli, gã tiền đạo từng vài lần đấm nhau với đồng đội trên sân tập, phóng phi tiêu vào cầu thủ đội trẻ hồi khoác áo Manchester City, ngang nhiên lao ô tô vào nhà tù vì muốn được thăm quan nơi này, thậm chí tự tay “đốt nhà” do nghịch pháo hoa.

Luis Suarez, chân sút tài năng từng có sở thích “cắn trộm” đối thủ, dùng tay chơi bóng để ngăn cản bàn thua, kẻ không ít lần dính án điều tra vì hành vi phân biệt chủng tộc, giơ ngón tay thối vào các CĐV trên khán đài, ngoài ra còn từng sút thẳng vào bụng đối thủ ở cự ly gần.

Nhưng tất cả có lẽ chưa là gì khi đặt lên bàn cân với Joey Barton – gã tiền vệ từng được mô tả là “kẻ điên dại” nhất trong lịch sử bóng đá. Có lẽ chúng ta sẽ mất cả ngày để tổng hợp những vụ việc động trời đến Barton trong gần hai thập kỷ chơi bóng. Một gã dường như sinh ra để gây rối. Một gã mà có rất ít bạn bè trong bóng đá, bởi chẳng mấy ai ưa nổi tính cách bạo lực của anh ta.

Nơi nào có xô xát, nơi đó có Joey Barton!

Ngay từ những ngày đầu chập chững lên thi đấu ở đội 1 của Manchester City, trong một bữa tiệc đón Giáng sinh năm 2004 cùng toàn đội, tức giận do cầu thủ đội trẻ Jamie Tandy có ý trêu chọc khi bật lửa làm sun áo của mình, đang lúc phê pha Barton khi đó 22 tuổi đã thẳng tay dí điếu xì gà đang cháy vào mắt của Tandy. Bữa tiệc vui vẻ cũng vì thế nhanh chóng tàn lụi. Tandy ngay lập tức được đưa thẳng tới bệnh viện, suýt chút nữa bị ảnh hưởng thị lực nặng nề. Tuy vậy sau cùng dưới sự can thiệp nội bộ, Barton chỉ bị phạt 3 tuần lương. 

Tháng 5/2025, Barton lái xe trong tình trạng say rượu, đâm gãy chân một người đi bộ trên đường di chuyển qua trung tâm thành phố Liverpool. Vì hành vi này, “gã trai hư” nước Anh bị tước bằng lái 6 tháng, đồng thời phải bồi thường viện phí cho người bị hại. 

Khi vụ việc gây tai nạn giao thông còn chưa lắng xuống, chỉ 1 tháng sau đó Barton bị đuổi khỏi chuyến du đấu tiền mùa giải sau khi “tẩn” một fan nhí mới 15 tuổi tại một quán bar ở Thái Lan, do ngứa mắt vì cậu nhóc hâm mộ Everton này có ý trêu chọc mình. Điều đáng nói là Barton thậm chí đã đấm nhau với cả đội trưởng Richard Dunne sau khi trung vệ người Ireland đứng ra can ngăn. Mới đây, trong một lần hiếm hoi tham gia phỏng vấn, Barton đã chia sẻ nhiều điều đằng sau vụ việc động trời năm ấy: “Tôi tiến đến và tát đứa nhóc hỗn hào đó. Ngay lập tức Richard Dunne lao vào cản lại. Nhưng cơn tức giận khiến tôi không thể kiềm chế được. Cả hai chúng tôi đã lao vào nhau như một trận đấu vật. Mọi chuyện nhanh chóng bị phanh phui. Tôi nhận được cuộc điện thoại từ John Wardie (chủ tịch Man City) và ngay lập tức đáp chuyến bay đến Frankfurt để lẩn tránh sự soi mói của báo chí. Stuart Pearce (HLV trưởng Man City) tỏ ra vô cùng tức giận. Ông ấy muốn tống tôi vào nhà tù tại Thái Lan để dạy cho tôi một bài học. Điều này đã không xảy ra nhưng ông ấy đã công khai ý định đó trước toàn đội. Tôi biết mình sai. Đó là điều không nên làm khi bạn tham gia một chuyến du đấu để cố gắng xây dựng hình ảnh của toàn đội trong mắt người hâm mộ”. 

Kết quả? Barton bị phạt 120.000 bảng, cấm tập luyện cùng toàn đội trong vòng 1 tháng, đồng thời phải tham gia một khóa học tại Sporting Chance nhằm kiềm chế tính cách bạo lực của mình. Sporting Chance là một trung tâm được thành lập bởi huyền thoại của bóng đá Anh là Tony Adams. Cựu đội trưởng của Arsenal từng trải qua một giai đoạn dài chống chọi với chứng nghiện rượu và tổn thương tinh thần. Đó là lý do tại sao ông mong muốn làm điều gì đó thiết thực cho các vận động viên.

Thế nhưng khóa học ấy cũng chỉ giúp Barton ngoan ngoãn được một thời gian. Tháng 5/2007, tiền vệ người Anh đánh bất tỉnh đồng đội Ousmane Dabo trên sân tập, phải nhập viện trong tình trạng khẩn cấp với đa chấn thương vùng đầu, võng mạc mắt bị rách. Vụ việc này cũng khép lại hành trình 5 năm chơi bóng của Barton tại Man City. Quá ngán ngẩm với “gã đồ tể” này, Barton bị bán sang Newcastle với mức giá 5,8 triệu bảng. Di sản mà cầu thủ sinh năm 1982 để lại Etihad là 16 bàn thắng sau 130 lần ra sân. 

Ousmane Dabo cũng từng là nạn nhân của Barton hồi cả hai khoác áo Man City.

Tháng 7/2008, Barton phải hầu tòa vì cáo buộc hành hung đồng đội, chịu án phạt 4 tháng tù treo và phải lao động công ích 200 giờ. Đặc biệt hơn, Barton không thể tham gia phiên tòa xử vụ hành hung Dabo bởi vì anh còn đang bận…ngồi tù vì liên quan đến một vụ hành hung khác. Số là vào tháng 12/2007, thời điểm vừa chân ướt chân ráo cập bến Newcastle, Barton lại nổi máu côn đồ đánh lộn với một thiếu niên trước cửa nhà hàng McDonald's tại Liverpool. Và cái kết đắng dành cho Barton sau quá nhiều lần vi phạm pháp luật là việc anh bị tòa án tuyên phạt 6 tháng tù giam. Barton thụ án 74 ngày, trước khi được ân xá cho ra tù vào cuối tháng 7/2008.  

Nực cười ở chỗ dù nổi tiếng bạo lực nhưng đến tháng 11/2008, Barton lại lên tiếng chỉ trích FA phải chịu trách nhiệm khi dung túng nạn bạo lực sân cỏ lan tràn khắp bóng đá Anh. Đó dường như cũng là dấu chấm hết cho cơ hội được khoác áo ĐT Anh của Barton bởi tai tiếng quá lớn mà cầu thủ này gây ra. 

Tuy nhiên xét từ một góc độ khác, Barton trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp, từng là một nhân tố trẻ khá nổi bật. HLV Steve McClaren từng lên tiếng về Barton vào năm 2007 rằng: “Với những gì Barton thể hiện ở Manchester City, nếu không chọn cậu ta mới thật sự là sai lầm của tôi. Tôi tin sự có mặt của Joey sẽ không phá vỡ các mối quan hệ trong tuyển Anh vì các tuyển thủ đều là những người chuyên nghiệp”. 

Trái ngược với lời chiến lược gia sinh năm 1961 phát biểu, những trụ cột của ĐT Anh khi đó đều không muốn làm đồng đội cùng phòng thay đồ với Barton, đặc biệt là sau khi họ bị “siêu quậy” công khai chỉ trích trước truyền thông xứ sương mù với tuyên bố gây sốc khi cho rằng nhiều cầu thủ của Tam Sư chỉ lợi dụng việc lên tuyển để gây sức ép với CLB chủ quản đòi tăng lương. Frank Lampard, Steven Gerrard và Wayne Rooney là 3 người bị Barton thẳng thừng nêu tên. Những lời chỉ trích đó vô tình lại rất được lòng CĐV nước Anh bởi đội tuyển của họ vừa trải qua kỳ World Cup 2006 thất vọng.

Chẳng có bất cứ cầu thủ Anh nào hào hứng khi thấy Barton được triệu tập lên ĐTQG.

Lampard đã thái độ ra mặt khi Barton được triệu tập cho trận đấu giao hữu với Tây Ban Nha vào tháng 2/2007. Cựu ngôi sao của Chelsea nói rằng: “Tôi bị sốc khi nghe tin cậu ta được gọi lên tuyển. Cậu ta là người thế nào thì ai cũng rõ. Nhưng đó là quyết định của HLV trưởng. Là một cầu thủ chuyên nghiệp tôi phải biết chấp nhận những điều như thế”. Ống kính truyền hình cũng bắt trọn khoảnh khắc Barton vào sân thay chính Lampard trong trận thua 0-1 của Anh trước Tây Ban Nha diễn ra trên sân Old Trafford. Cả hai đều khá khó chịu khi chạm mặt nhau bên ngoài đường pitch. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Barton khoác lên mình chiếc áo của tuyển Anh. HLV McClaren – người ủng hộ Barton nhiệt tình nhất bị FA sa thải vào tháng 11/2007 chỉ sau hơn 1 năm cầm quân, nguyên nhân bởi ĐT Anh không vượt qua được vòng loại Euro 2008. 

Barton rời Newcastle ở mùa hè 2011 sau 79 lần ra sân trong 4 mùa giải. Một vài khoảnh khắc lóe sáng chẳng thể giúp anh duy trì sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao tại St James' Park.Cũng từ đây, sự nghiệp của Barton bắt đầu sa sút. Trong 4 năm tiếp theo chơi bóng cho QPR, điều mà CĐV đội bóng thủ đô nhớ đến Barton chẳng phải là những bài thắng hay kiến tạo, mà chính là các pha vào bóng thô bạo, cũng như các hành vi trả đũa trên sân cỏ. Nhiều lần trong số này Barton phải nhận về những tấm thẻ đỏ không đáng có, khiến đội nhà gặp khó khi phải chơi trong tình cảnh thiếu người. Đáng nhớ nhất là trong trận đấu cuối cùng của Premier League 2011/2012, trận đấu phân định ngôi vương của 2 đội bóng thành Manchester, Barton nhận thẻ đỏ trực tiếp ở phút 55 do thúc cùi chỏ vào mặt Carlos Tevez khi QPR đang dẫn trước đối thủ 1-0. Trước khi rời sân, Barton vẫn nhớ tặng thêm cho Sergio Aguero và Vincent Kompany một cú đá trời giáng và một pha “thiết đầu công”. Cái giá cho hành động nổi điên ấy là án phạt cấm thi đấu 12 trận, kỷ lục mới của Premier League sau cú Kungfu của Cantona. Nhiều người đặt ra nghi vấn rằng liệu đây có phải là cách mà Barton trả ơn đội bóng cũ? Bởi trong thế hơn người, Man City sau đó đã ngược dòng thắng lại 3-2 để đăng quang chức vô địch Premier League lần đầu tiên trong lịch sử. 

Barton một mình “cân 3” trong trận đấu giữa Man City và QPR hồi năm 2012.

Barton tuyên bố giải nghệ vào năm 2017, sau 5 năm lang bạt qua nhiều đội bóng khác nhau. Tuy vậy sau QPR thì chẳng có đội bóng nào mặn mà giữ chân Barton lâu dài, từ Marseille, Burnley hay Rangers. Ở góc độ khác, quyết định giải nghệ của Barton cũng ảnh hưởng lớn từ việc anh bị cấm thi đấu 18 tháng do tham gia cá độ với tổng cộng 1260 lần đặt cược trong vòng 10 năm (2006-2018). Không có bất cứ sự tri ân nào dành cho cầu thủ từng nhận 77 thẻ vàng và 6 thẻ đỏ sau nhiều năm gây gổ nhiều hơn đá bóng. 

Thế nhưng nếu nhìn theo một hướng bao dung hơn, nếu hiểu được quá khứ của Barton, sẽ có vài người trong chúng ta thông cảm cho gã cầu thủ bất hảo này. Barton sinh ra và lớn lên ở một khu tồi tàn nhất tại Huyton (ngoại ô thuộc thành phố Liverpool), nơi tập hợp của rất nhiều băng đảng tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội. Ở nơi này, theo lời kể của Barton, khi bước chân vào quán rượu, chỉ cần bạn nói ra một câu không vừa ý ai đó, lập tức sẽ lĩnh trọn một cái chai vào đầu. Barton cho biết ngay từ khi còn nhỏ, anh và các anh em khác trong gia đình luôn phải thủ sẵn vũ khí để phòng thân mỗi khi bước ra đường. Gia đình của Barton đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường sống như vậy. 

Khi anh còn nhỏ, bác ruột anh đã bị giết dã man. Đến năm 2006, chú Edward Rogers may mắn sống sót sau một vụ tấn công khiến ông bất tỉnh trong một vũng máu trước một cửa hàng cá cược ở Huyton. Tháng 8/ 2008, hai người anh em họ của Barton bị buộc tội đâm chết một người đàn ông ở trong thị trấn. Anh trai Michael của Barton thì đang chấp hành án phạt 18 năm tù về tội giết người. Chẳng những người thân trong gia đình, đa số bạn bè của Barton hồi nhỏ giờ đều có “thâm niên” ăn cơm tù. Hai người bạn mà Barton đánh giá có khả năng chơi bóng xuất sắc hơn anh thì một vào tù vì trộm đồ, một "bóc lịch" vì ăn cướp.

Barton từng chua chát chia sẻ rằng có 3 bước ngoặt khiến cuộc đời anh thay đổi. Đầu tiên, việc bố mẹ anh ly hôn vô tình đã khiến anh rời khỏi khu Huyton để chuyển đến sống cùng gia đình ông bà nội. Tại đây, bước ngoặt thứ hai đến khi anh có hứng thú với bóng đá và có cơ hội gia nhập lò đào tạo trẻ của Everton từ năm 8 tuổi. Bước ngoặt thứ 3 là khi Barton gặp được người con gái của đời mình là Georgia – người vợ đã chấp nhận ở bên một người nóng tính như anh. Bất chấp cuộc hôn nhân giữa họ từng có nguy cơ đổ vỡ, tuy vậy sau tất cả Georgia vẫn lựa chọn ở bên cạnh chồng mình. 

Ở tuổi tứ tuần, Barton giờ đây đã là HLV trưởng của Bristol Rovers. Thành tựu lớn nhất của Barton trên băng ghế huấn luyện là đưa Bristol Rovers thăng hạng lên thi đấu tại League Two. Mục tiêu lớn nhất của Barton là giúp đội bóng mà anh dẫn dắt có ngày được nếm trải hương vị chơi bóng tại Premier League. 

Ngay cả khi trở thành HLV, tính cách nóng nảy của Barton vẫn không được tiết chế.

Nhưng có lẽ cái ngày ấy vẫn còn rất xa vời, giống như cái cách mà người hâm mộ bóng đá mong chờ vào sự hoàn lương của anh trong quá khứ. Trước đó vào năm 2019, khi mới theo nghiệp huấn luyện, Barton từng dẫn dắt Fleetwood Town tại League One nhưng bị sa thải sau 2 năm tại vị. Và với Barton, làm gì có lý do nào khác ngoài việc anh đánh nhau. Chỉ có điều lần này người mà Barton đấm là học trò, chứ không phải đồng đội nào của anh cả. 

Và hôm nay, cựu “võ sư đời đầu” này đón sinh nhật ở tuổi 41. Mong rằng khi thêm tuổi mới, “tính nóng như kem” của anh sẽ được tiết chế lại.

         

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Charles De Ketelaere: Gọi giấc mơ về xứ Bergamo

Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.